Thứ Sáu, 2024-03-29, 0:47 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 9 » Mười quốc gia lớn đang đe doạ Trung Quốc
5:51 PM
Mười quốc gia lớn đang đe doạ Trung Quốc
trangdenonline.com
 

Mười quốc gia lớn đang đe doạ Trung Quốc

 
Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vòng ba thập kỷ qua, một mặt đã đem lại một nhân tố quan trọng không thể phủ nhận cho sự phát triển ở châu Á và trên thế giới, song mặt khác, cũng đã và đang gợi lên không ít lo lắng cho toàn thể cộng đồng quốc tế. Nguyên nhân sâu xa của những lo lắng đó, hiển nhiên, là những biểu hiện dân tộc chủ nghĩa cực đoan của không chỉ một bộ phận giới lãnh đạo chính trị, mà còn một bộ phận giới danh lưu, trí thức và dân chúng Trung Quốc.


Bài viết sau đây, được biên dịch trực tiếp từ Trung văn, có thể được coi là sự thể hiện cô đọng của ý thức dân tộc chủ nghĩa đó. Với nhan đề “Thế giới thập đại uy hiếp Trung Quốc đích quốc gia” (世界十大威胁中国的国家) hoặc “Đối Trung Quốc tối cụ uy hiếp đích thập đại quốc gia” (对中国最具威胁的十大国家) ở nguyên bản, bài viết không đề tên tác giả nhưng đang được phổ biến công khai trên nhiều trang liên mạng tiếng Hoa, trong đó có những địa chỉ có lưu lượng truy cập cao như các mạng Bách-độ, Thiết-huyết, thậm chí nó được cả những site chuyên đề về giáo dục như Trung-quốc Xã-khu Giáo-dục đăng tải. Độc giả có thể tìm thấy trong bài viết này những từ ngữ, nội dung gây hấn và những xuyên tạc, dối trá về lịch sử, minh hoạ một cách xác thực cho nhận định của văn hào Anh George Orwell: “Chủ nghĩa dân tộc là sự khao khát quyền lực được tôi cứng bởi sự tự lừa dối.”


Quốc gia số 10: Philippines
Chỉ số đe doạ: 7. Chỉ số thực lực: 4. Chỉ số tổng hợp: 5,5.

Lý do: Người Mỹ giải phóng Philippines. Hiện nay Philippines là bạn đồng minh trung thành nhất của Mỹ ở Đông Nam Á. Đồng thời Philippines chưa bao giời từ bỏ khát vọng đối với biển Nam Trung Quốc (tức biển Đông – người dịch), xưa nay chưa bao giờ ngừng xâm chiếm quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa – người dịch). Những viên đạn của binh lính Philippines đang xuyên thủng lồng ngực ngư dân Trung Quốc, quốc kỳ Philippines đang tung bay trên lãnh thổ Trung Quốc. Philippines là một quốc gia mà Trung Quốc quyết không được coi thường.


Quốc gia số 9: Indonesia
Chỉ số đe doạ: 7. Chỉ số thực lực: 5. Chỉ số tổng hợp: 6.

Lý do: Mỗi khi nghĩ tới cuộc bạo động chống lại người Hoa tại Indonesia, mỗi khi nghĩ đến cảnh người Indonesia cướp phá cửa hàng của người Hoa, cưỡng hiếp phụ nữ người Hoa, tàn sát đồng bào người Hoa thì cơn giận lại không thể kìm được. Indonesia là quốc gia đông dân nhất, diện tích lớn nhất Đông Nam Á, đất nước mà tuyệt đại đa số người dân không có thiện cảm với người Hoa, đất nước còn chưa hoàn toàn khai hoá này là một đe doạ lớn đối với Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.


Quốc gia số 8: Australia
Chỉ số đe doạ: 7. Chỉ số thực lực: 6. Chỉ số tổng hợp: 6,5.

Lý do: Australia, đại bản doanh phía Nam của liên minh quân sự Mỹ - châu Á Thái Bình dương. Australia là lô cốt đầu cầu phía Nam kiềm chế Trung Quốc, cùng Nhật Bản nhìn [Trung Quốc] từ hai phía Nam, Bắc. Với tư cách là đồng minh trung thành của Mỹ, với tư cách là một quốc gia có cùng quan niệm giá trị và thế giới quan với Mỹ, sự tồn tại của Australia là một chướng ngại vật cho sự phát triển của Trung Quốc ra vùng châu Á - Thái Bình dương. Mấy năm gần đây Mỹ càng ngày càng phóng tay để cho Australia can thiệp vào công việc của châu Á - Thái Bình dương, sự kiện Đông Timor là một ví dụ.



Quốc gia số 7: Việt Nam
Chỉ số đe doạ: 8. Chỉ số thực lực: 5. Chỉ số tổng hợp: 6,5.

Lý do: Đây là quốc gia mới thoát khỏi Trung Quốc hơn một ngàn năm trước, đây là quốc gia hơn một trăm năm trước còn là phiên thuộc của Trung Quốc, đây là quốc gia nhận được viện trợ to lớn của Trung Quốc, đây là quốc gia hết lần này đến lần khác chĩa nòng súng nhằm vào Trung Quốc. Đó là Việt Nam. Nó dùng súng của Trung Quốc cho nó để bắn người Trung Quốc, nó mặc quần áo của Trung Quốc cho nó để đánh người Trung Quốc. Đó là Việt Nam. Cho đến nay Việt Nam chiếm đóng trên một nửa quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa). Cho đến nay, [tình hình] vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn tồi tệ bẩn thỉu. Cho đến nay biên giới trên bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa an toàn. Hiện nay, người Việt Nam đang điên cuồng kiếm tiền của người Trung Quốc, nghĩ ra các loại biện pháp để kiếm tiền của người Trung Quốc. Người Trung Quốc liệu có giẫm lại vết xe?



Quốc gia số 6: Hàn Quốc
Chỉ số đe doạ: 7. Chỉ số thực lực: 7. Chỉ số tổng hợp: 7.

Lý do: Hàn quốc là quốc gia mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hơn mười năm, nhưng những đột kích của nó đối với Trung Quốc ở đâu cũng thấy, về kinh tế, về văn hoá, về các mặt. Nó đã từng bị Trung Quốc chiếm lĩnh, đã từng thần phục Trung Quốc, đã từng hữu hảo với Trung Quốc và cũng đã từng xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. Rất may là bán đảo này hiện nay vẫn còn đối địch, rất may là hiện nay thực lực của nó còn chưa đủ để chống lại Trung Quốc. Thế nhưng với tư cách là một đối tác nhỏ của Mỹ, rốt cuộc nó có rắp tâm gì với Trung Quốc? Thế nhưng, nếu bán đảo này thống nhất thì sẽ tạo nên ảnh hưởng đối với Trung Quốc như thế nào? Những đột kích của Hàn Quốc đối với Trung Quốc [bấy nay] đang hàm ý nghĩa gì?



Quốc gia số 5: Ấn Độ
Chỉ số đe doạ: 9. Chỉ số thực lực: 7. Chỉ số tổng hợp: 8.

Lý do: Hoá ra Ấn Độ còn có một biệt hiệu gọi là “anh ba đầu đỏ”, nhưng có lẽ nên đổi chữ “đỏ” thành chữ “lợn”, nên gọi Ấn Độ là “anh ba đầu lợn”. Cái dân tộc mù quáng mà lại tự đại này đúng là có chút mùi lợn ba đầu. Thế nhưng mấy năm nay, bước đi quân sự của Ấn Độ lớn hơn phát triển kinh tế nhiều. Sau khi có vũ khí hạt nhân, dã tâm của Ấn Độ càng hừng hực. Ảo tưởng của nó đối với Tây Tạng vẫn đang tiếp tục. Nó vẫn còn chiếm đóng lãnh thổ của Trung Quốc. Nó còn muốn đưa quân vào biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông). Nó còn muốn chiếm lãnh hải của Trung Quốc. Một Ấn Độ tràn đầy dã tâm, một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Trung Quốc nên đối phó như thế nào?



Quốc gia số 4: Mỹ
Chỉ số đe doạ: 7. Chỉ số thực lực: 10. Chỉ số tổng hợp: 8,5.

Lý do: Một nước là nước lớn siêu cấp trên thế giới, một nước là nước lớn đang trỗi dậy; một nước là anh cả của chủ nghĩa tư bản, một nước là đầu rồng của chủ nghĩa xã hội; một nước vẫn muốn xưng bá thế giới, một nước muốn khôi phục niềm vinh quang ngày xưa: Mỹ vs (= đấu với) Trung Quốc. Nước Mỹ có chế độ dân chủ xã hội hoàn bị nhất trên thế giới, có lực lượng quân sự lớn mạnh nhất trên thế giới, có nền kinh tế phồn vinh nhất trên thế giới: nước Mỹ là bá chủ thế giới. Đảo Đài Loan là mâu thuẫn lớn nhất bầy ra giữa hai nước Trung - Mỹ; kinh tế là chỗ lôi kéo lợi ích hai nước Trung - Mỹ. Vừa kéo vừa đánh đó là chính sách nhất quán của Mỹ đối với Trung Quốc; tiếp xúc + kiềm chế, đó là bùa phép của Mỹ từ xưa đến nay đối với Trung Quốc. Đối mặt với bá chủ Trái Đất, Trung Quốc lựa chọn như thế nào?



Quốc gia số 3: Nga
Chỉ số đe doạ: 10. Chỉ số thực lực: 8. Chỉ số tổng hợp: 9.

Lý do: Trung Quốc vốn là nước lớn nhất trên thế giới. Nhưng một quốc gia khác đã cướp đoạt một cách vô liêm sỉ của Trung Quốc một vùng lãnh thổ lớn. Quốc gia đó là Nga. Nga, quốc gia rất khó khăn về kinh tế, nhưng là quốc gia có kho vũ khí khổng lồ chẳng ai dám coi thường. Nga, quốc gia tuy gần mà xa với Trung Quốc. Việc nó lôi lôi kéo kéo với Mỹ, Âu cho thấy rõ nó muốn tìm được lợi điểm lớn nhất giữa các mặt. Nga là một quốc gia đáng sợ. Nó sẽ trỗi dậy hay chìm xuống trong tương lai? Lại nữa trên đường biên giới dài dằng dặc, rốt cuộc Trung - Nga còn tồn tại bao nhiêu tranh chấp?



Quốc gia số 2: Nhật Bản
Chỉ số đe doạ: 10. Chỉ số thực lực: 9. Chỉ số tổng hợp: 9,5.

Lý do: Đó là hai dân tộc ân ân oán oán tranh chấp nhau, đó là hai dân tộc cùng coi thường nhau, đó là hai quốc gia đồng văn đồng chủng, đó là hai quốc gia thù ghét lẫn nhau: Trung Quốc và Nhật Bản. Thực lực kinh tế của Nhật Bản vô cùng lớn mạnh, thực lực quân sự của Nhật Bản càng không thể xem thường. Nhật Bản có thực lực tuyệt đối để làm ra vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn! Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, một lần bí mật hạt nhân của Mỹ bị mất trộm, người đương thời đều ngờ là Liên Xô làm, đâu có ngờ lại là Nhật Bản, là Nhật Bản làm dù không dám nói một tiếng không với Mỹ. Rốt cuộc Nhật Bản có vũ khí hạt nhân hay không? Đó vẫn là một câu hỏi.


Liệu kinh tế có trở thành sợi dây hoà bình giữa Trung - Nhật hay không, mối thù hận dân tộc sẽ giải quyết như thế nào? Cùng với sự chuyển biến từ cường quốc kinh tế sang cường quốc chính trị của Nhật Bản, giữa Trung - Nhật sẽ như thế nào?


Mấy ngàn năm nay, người Nhật Bản trước sau đều thèm thuồng như hổ đói, ảo tưởng như con sói ác kêu gào phải tiêu diệt Trung Quốc, chiếm lĩnh Trung Quốc, dời đô sang Bắc Kinh, chinh phục châu Á, chiếm lĩnh châu Á, thực hiện giấc mộng đẹp kê vàng
[1] “khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á” của bọn họ.



Quốc gia số 1: Trung Quốc
Chỉ số đe doạ: 10. Chỉ số thực lực: 10. Chỉ số tổng hợp: 10.


Ngoài những quốc gia vô liêm sỉ kể trên, Trung Quốc là quốc gia số Một trong Top 10 quốc gia kẻ thù của Trung Quốc!

Lý do: Trong hai cuộc Chiến tranh Nha phiến
[2] , Trung Quốc rốt cuộc đã bị đánh bại là do ai vậy? Do người Anh, hay do chính chúng ta? Trong cuộc Chiến tranh [năm] Giáp Ngọ [3] , Trung Quốc cuối cùng đã thua là do ai vậy? Do người Nhật Bản, hay do chính chúng ta? Trong cuộc Chiến tranh Kháng Nhật [4] , Nhật Bản vì sao đã có thể chiếm lĩnh được già nửa [lãnh thổ] Trung Quốc? Phải chăng nguyên nhân là ở chính chúng ta? Kì thực, việc Trung Quốc từng phải đối đầu với những kẻ thù lớn nhất là do chính chúng ta! Bên trong cái phồn vinh hiện nay rốt cuộc còn tàng ẩn bao nhiêu [điều đáng] lo ngại? Các phần tử đòi độc lập cho Tân Cương thường xuyên động loạn. Đạt Lai Lạt Ma du thuyết khắp nơi. Lại nữa, bên cái eo biển Đài Loan còn rộng hơn dải Ngân Hà kia, các phần tử đòi độc lập cho Đài Loan – do “Lý Giáo phụ” và “Trần Tổng thống” [5] nuôi dưỡng và gây dựng – đang luôn luôn sẵn sàng cùng đại lục đưa đến một tấn kịch huynh đệ tương tàn. Ngoài ra, trong xã hội [thì đầy rẫy] tha hoá cùng cực, tham ô hủ bại, băng đảng tội phạm, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, mua bán dâm, cờ bạc ma tuý, công nhân thất nghiệp, các vấn đề kinh tế, v.v... Tiền đồ Trung Quốc đang ở đâu? Trừ khi [chúng ta] phải an nội (= bình định nội bộ) trước! “Quí tôn chi ưu, tiêu tường chi hoạ.” [6] Lịch sử đã chứng minh, cái duy nhất có thể đánh bại chúng ta chỉ là chính chúng ta mà thôi!


Kẻ thù số Một trong Top “thập đại địch nhân” của Trung Quốc chính là Trung Quốc vậy!


Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]Mộng đẹp kê vàng: nguyên văn “hoàng lương mỹ mộng” [黄粱美梦], giấc mơ đẹp chỉ kéo dài không quá thời gian để nấu một nồi kê. Ý nói một ảo tưởng không thể thực hiện. (Các chú thích là của talawas.)
[2]Hai cuộc Chiến tranh Nha phiến (chữ Hán giản thể: 鸦片战争; pinyin: Yāpiàn Zhànzhēng) giữa Trung Quốc (dưới triều Mãn Thanh) và Vương quốc Anh, diễn ra vào những năm 1839–1842 và 1856–1860, là đỉnh điểm của cuộc tranh cãi thương mại giữa hai đế quốc: những nỗ lực của triều đình nhà Thanh trong việc áp dụng các luật lệ nhằm hạn chế sự buôn lậu thuốc phiện từ Ấn Độ (khi đó thuộc Anh) vào Trung Quốc đã kết thúc bằng xung đột vũ trang. Thanh triều đã thất bại trong cả hai lần xung đột và đã buộc phải chấp nhận để các lái buôn người Anh tự do kinh doanh thuốc phiện. Triều đình Mãn Thanh còn bị phía Anh ép phải ký kết các hiệp ước bất bình đẳng – Hiệp ước Nam Kinh và Hiệp ước Thiên Tân –, qui định việc mở cửa các hải cảng của Trung Quốc cho hoạt động mậu dịch, trao Hương Cảng (Hong Kong) cho phía Anh làm tô giới, v.v... Nhiều người Trung Quốc đã cảm thấy nhục nhã trước những nhượng bộ của triều đình nhà Thanh, và đây được xem là nguyên nhân quan trọng đã khiến nổ ra những cuộc khởi nghĩa như Thái Bình Thiên Quốc (1850–1864), Nghĩa Hoà Đoàn (1899–1901), góp phần dẫn đến sự sụp đổ của nhà Thanh vào năm 1912.
[3]Chiến tranh [Trung-Nhật năm] Giáp Ngọ (chữ Hán giản thể: 中日甲午战争; pinyin: ZhōngRì Jiǎwǔ Zhànzhēng), phía Nhật Bản gọi là Chiến tranh Nhật-Thanh (chữ Nhật: 日清戦争; Romaji: Nisshin Sensō), còn gọi là Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ Nhất (1.8.1894 – 17.4.1895): cuộc chiến tranh giữa triều đình Mãn Thanh Trung Quốc và Nhật hoàng Minh Trị (Meiji) nhằm giành quyền kiểm soát bán đảo Triều Tiên. Sự thất bại của nhà Thanh trong cuộc xung đột này là chỉ dấu về sự thoái hoá và suy yếu của chính quyền Mãn Thanh, đồng thời chỉ ra sự thành công của công cuộc hiện đại hoá Nhật Bản do cuộc Duy tân Minh Trị đem lại – trong sự so sánh với trào lưu tự cường ở Trung Quốc cùng thời. Kết cục của cuộc Chiến tranh Giáp Ngọ đã biểu thị sự dịch chuyển trung tâm quyền lực ở châu Á từ Trung Quốc sang Nhật Bản, đồng thời là một đòn chí tử giáng vào ý thức hệ cổ truyền của người Trung Quốc. Những đổ vỡ về xã hội ở Trung Quốc từ sau cuộc chiến tranh này đã dẫn đến cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911), trực tiếp làm sụp đổ nhà Thanh (1912).
[4]Chiến tranh Kháng Nhật (chữ Hán giản thể: 抗日战争; pinyin: KàngRì Zhànzhēng), được giới sử gia trung lập gọi là cuộc Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ Hai (7.7.1937 – 9.9.1945): cuộc chiến tranh giữa Trung-hoa Dân-quốc và Đế quốc Nhật Bản trong bối cảnh Đại chiến Thế giới II, mặc dù thời điểm bắt đầu Thế chiến II thường được giới sử học tính từ khi nước Đức Quốc-xã nổ súng tấn công Ba Lan ở châu Âu (1.9.1939). Đây cũng là cuộc chiến tranh châu Á lớn nhất trong thế kỷ XX.
[5]“Lý Giáo phụ” và “Trần Tổng thống”: tức Lý Đăng-huy (李登辉) và Trần Thuỷ-biển (陈水扁), hai cựu tổng thống của Đài Loan, là những người chủ trương đưa Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập. Tổng thống đương nhiệm của Đài Loan là Mã Anh-cửu (马英九, từ tháng 5.2008).
[6]“Quí tôn chi ưu, tiêu tường chi hoạ” [季孙之忧,萧墙之祸]: “nỗi lo âu của đứa cháu cuối cùng [là] tai hoạ của bức tường đã nát”, ý nói cái vạ thường đến từ nội bộ (một gia tộc, nói rộng ra là một quốc gia).
Category: Quốc Tế | Views: 1144 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0