Thứ Sáu, 2024-04-19, 5:32 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 23 » Thái Hà - Tòa Khâm sứ: Cầu cho mọi người dân Việt ta còn biết đức xấu hổ
8:21 PM
Thái Hà - Tòa Khâm sứ: Cầu cho mọi người dân Việt ta còn biết đức xấu hổ
Trong buổi diện kiến (còn gọi là cuộc họp) với UBND TP Hà Nội ngày 20/09/2008, Đức Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt có phát biểu trong đó có đoạn như sau: “... Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất lấy là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế, còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh lên, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”. Đoạn văn này, ngay sau đó được giới truyền thông trích loan còn : “ Tôi rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt  Nam”. Thậm chí có chỗ còn tệ hại, trắng trợn hơn khi sửa thành: “Tôi rất là nhục nhã khi là người Việt Nam” và v..v..

Sự việc như vậy đã rõ. Ai cũng hiểu giới truyền thông nước ta thường xuyên được nuôi dưỡng, chỉ đạo cách nghiêm ngặt, thống nhất đến mức độ đôi người có lương tâm, có đạo đức muốn đưa tin trung thực cũng không có đất, không được phép trung thực, chẳng có cách nào.

Tuy nhiên mặc dù vậy, thiết nghĩ cũng không cần bàn luận nhiều về lối loan tin bệnh hoạn này dẫu rằng vì nó mà hàng ngày, hàng giờ, công chúng Việt Nam (nội quốc) luôn được xơi cái “ món ăn tinh thần” giống như những liều thuốc độc ngấm dần làm cho người ta càng yếu hèn đi, kém cỏi đi, mất hết ý chí, tính tự tôn lẫn lòng tự cường dân tộc. Lời phát biểu của Đức TGM Ngô Quang Kiệt và hành vi cắt xén, trích giới của các phương tiện truyền thông hơn một lần nữa đã cảnh báo cho tất cả chúng ta về một mối nguy cơ tiềm tàng, về một căn bệnh nan y  làm cho đất nước Việt Nam nhược tiểu đã tồn tại, đang tồn tại và sẽ tồn tại nếu như chúng ta không sớm nhận ra và thành tâm sửa chữa.

Trước năm 1954 bài học đạo đức đầu tiên được giảng cho trẻ em Việt Nam là Đức liêm sỉ. Trong đó “liêm” là sự vững vàng trước mọi cám dỗ, “sỉ” là biết xấu hổ trước những việc làm đồi bại. Người không có “liêm” thì thấy cái gì cũng tham dù không chính đáng, dù chẳng phải của mình. Người không có “sỉ” thì việc nào cũng dám làm để cả những việc tệ hại bỉ ổi nhất. Đức liêm sỉ đối với các thế hệ người Việt Nam lúc đó do vậy được coi là đức tính tối thượng, là đức tính đầu tiên để hình thành nhân cách và trên thực tế các thành tựu của người Việt ta đều được tạo dựng trên cơ sở của nền tảng đạo đức này. Những kẻ vô liêm sỉ trước sau rốt cuộc cũng đều là những kẻ bại gia phản quốc, không có chỗ đứng trong cộng đồng người Việt.

Sau năm 1954, bài học này được đổi thành lòng tự trọng. Về cơ bản thì lòng tự trọng và đức liêm sỉ là giống nhau. Nó cũng chỉ ra con đường tu dưỡng phấn đấu của mỗi con người Việt Nam, con đường tiến tới sự hoàn thiện mình tới chân, thiện, mỹ, tới tự cường cho từng người, từng gia đình và toàn dân tộc. Xét về phía cạnh học thuật thì hai khái niệm này có chút khác nhau về phạm vi trừng giới. Đức liêm sỉ đòi hỏi cao hơn, thường xuyên tự kiểm điểm, tự chất vấn lương tâm qua các hành vi nên có tác dụng rèn luyện cao hơn nhưng lại mang tính tự thân, cá nhân hơn nên ít tính cộng đồng, còn lòng tự trọng thì ngược lại: giầu tính cộng đồng, song các đòi hỏi cá nhân có phần lại xem nhẹ...

Trở lại lời phát biểu của Đức TGM Ngô Quang Kiệt. Thật là lời phát biểu chân thành của một công dân Việt Nam đức cao đức trọng, một người có trách nhiệm, có tinh thần tự tôn dân tộc cao, một người yêu nước chân chính. Điều này hoàn toàn ngược lại với các đánh giá tùy tiện, nông cạn của giới truyền thông nước ta khi họ coi rằng Ngài đã xúc phạm tới lòng tự tôn dân tộc.

Thử hỏi: Một người học cao biết rộng như Ngài, lòng nhân ái tràn đầy như Ngài, đạo đức sáng như Ngài khi bước chân ra nước ngoài bị họ hạ thấp, bị coi thường, thậm chí không bằng những công dân bình thường của các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc chẳng hạn, chỉ vì mỗi một lý do Ngài cầm tấm hộ chiếu Việt Nam thì việc không cảm thấy đau đớn, nhục nhã mới là lạ, mới là thiếu tự trọng, là không có lòng tự tôn dân tộc.

Về mặt nhân cách dám chắc những người kia không thể bằng Ngài (Bởi có được trí tuệ phẩm hạnh cỡ như Đức TGM Ngô Quang Kiệt thì ở Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng đâu có nhiều. Họ luôn là số ít, số ưu tú trong cả cộng đồng hỗn tạp đa đẳng cấp) lại được người ta trọng thị hơn Ngài thì sự phẫn nỗ này ở một con người bình thường cũng là lẽ thường tình. Đằng này lại là Đức TGM Ngô Quang Kiệt, người luôn tự ý thức được giá trị của mình, của đất nước, của dân tộc mình sao lại coi đó là việc xúc phạm tới lòng tự tôn dân tộc. Rõ ràng cần phải hiểu lời phát biểu chân thành của Đức TGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt một cách nghiêm túc, đúng đắn, nghĩa là ngược lại với cách đánh giá thô bạo, thiển cận của giới truyền thông (nội quốc) Việt Nam.

Con người khi không còn biết ân hận, xấu hổ với những việc làm trái lương tâm, phi đạo lý của mình, thì đương nhiên những hành vi đó sẽ bị lặp lại nơi chính họ và đẩy họ tới sa đọa. Sự tận cùng của sa đọa trong mỗi con người chính là việc không còn biết đức xấu hổ.

Vậy thì ai là người đáng xấu hổ qua những việc làm suốt một thời gian dài liên quan đến khu đất 42 Nhà Chung và Giáo xứ Thái Hà. Là lương tri, là đạo lý, pháp luật hay là UBND TP Hà Nội, là giới truyền thông (nội quốc) của Việt Nam.

Ai mà chẳng thấy rõ ràng, cũng chẳng cần điểm tên chỉ mặt.

Chỉ xin nguyện cầu cho mỗi người dân Việt Nam ta còn biết đức xấu hổ, biết dừng lại những việc làm không phải lẽ, cùng nhau đoàn kết tương thân tương ái xây dựng một nước Việt Nam hùng cường sánh vai và ngang tầm thế giới. Đó mới chính là xuất phát điểm của sự vươn lên, của lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Cách cao cả và chân chính.

Quốc Thắng

Category: Công giáo khắp nơi | Views: 903 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0