Thứ Bảy, 2024-04-20, 1:06 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 1 » Anh không chết
8:54 AM
Anh không chết

“…Xin hãy từ giã ý định “cướp quyền toà án”. Xin hãy trở về với văn hoá truyền thống Việt. Văn hoá “chúng tôi muốn sống”. Văn hoá “anh không chết đâu em”. Trong “không chết” mọi người Việt Nam sẽ thương yêu và đoàn kết trên quyết tâm xây dựng một Việt Nam dân chủ và thịnh vượng…”

Sau hiệp định Genève 1954 chẳng bao lâu, bộ phim Chúng Tôi Muốn Sống ra đời. Muốn sống, chúng tôi phải xa lánh xã hội Miền Bắc. Nơi đó hồi bấy giờ đã biến thành một đấu trường điên đảo: con cái đấu tố cha mẹ, vợ - chồng, anh - em đấu tố lẩn nhau. Muốn sống, chúng tôi phải di cư vào Miền Nam Việt Nam, vùng đất của tự do và công bằng, của ấm no và nhân bản.

Trong chiến tranh Việt Nam trước 1975, vô số anh hùng liệt sĩ đã hiên ngang gục ngã để mở đường cho dân chủ nhân quyền vươn mình lớn mạnh. Mỗi một gục ngã vừa kể là một đau đớn vô hạn đối với quần chúng nhân dân đang sinh sống an bình tại các hậu phương rộng lớn. Những đau đớn vô hạn kia quấn quyện vào nhau, mở rộng và dâng cao dần để bật lên thành lời hát thiết tha:

“ Anh, Anh không chết đâu Em,
Anh chỉ về với mẹ mong con.
Anh vẫn sống thênh thang
Trong lòng muôn người biết thương đời lính !...”
(Nhạc và lời Trần Thiện Thanh)

Văn hoá Việt Nam là văn hoá “Chúng tôi muốn sống”. Văn hoá Việt Nam là văn hoá yêu cuộc sống đến độ phủ nhận ngay cả cái chết: “Anh, Anh không chết đâu Em. Anh chỉ về với Mẹ mong con”. Thế nhưng, thời gian gần đây, tại hải ngoại có một số người Việt Nam lại viện dẫn nhiều lý do khác nhau để buộc một người phải chết mặc dầu “nạn nhân” đã nhiều lần xác định: “Tôi chưa hề chết. Tôi vẫn đang sống”. Câu chuyên “Anh Không Chết” có nội dung như sau:

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1939 tại Hà Nam, Bắc phần, Việt Nam.

Từ 1961 đến 1964: lần thứ nhất Nguyễn Chí Thiện trở thành “khách hàng” trẻ tuổi của nhà tù CS Hà Nội theo kiểu “Học tập cãi tạo” tại miền Nam Việt Nam sau 30/04/1975.

Từ 1966 đến 1977 : lần thứ hai Nguyễn Chí Thiện ở tù vì bị tình nghi “Làm thơ chống đảng”

Ngày 16/07/1979 Nguyễn Chí Thiện mang tập thơ “ Hoa Địa Ngục” bước vào toà đại sứ Anh Quốc tai Hà Nội để nhờ nơi này phổ biến tập thơ đó đi khắp thế giới. Sau khi rời toà đại sứ Anh, Nguyễn Chí Thiện bị đưa thẳng vào nhà tù. Đây là lần thứ ba Nguyễn Chí Thiện ở tù CS. Chuyến tù này kéo dài từ 1979 đến 1991. Dĩ nhiên Nguyễn Chí Thiện phải trả giá bằng những cực hình khắc nghiệt về tội đã dám mắng Hồ Chí Minh bằng những lời lẽ gay gắt nhất. Bên cạnh những cực hình kia, một tin tức kỳ lạ, có tính định mệnh đã đến với đời sống của Nguyễn Chí Thiện. Năm 1987, nhà xuất bản Robert Laffont, Paris 1987 đã cho ra đời tác phẩm mang tên Cruel Avril của tác giả Oliver Todd. Trang 418 của tác phẩm này ghi rằng nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã chết trong tù vào mùa hè năm 1987. Dĩ nhiên Nguyễn Chí Thiên không hề hay biết gì về tin tức kia vì lúc bấy giờ ông đang ở trong trại tù CSVN.

Năm 1991, sau 27 năm tù, Nguyễn Chí Thiện ra khỏi nhà tù. Ngày 01 tháng 11 năm 1995 Nguyễn Chí Thiện tới Hoa Kỳ theo chương trình vận động đặc biệt của một vị bác sĩ người Mỹ gốc Nhật tên là Norobu Masuoka. Vị bác sĩ này trước đó, đã đưa vào Mỹ thiếu tá không quân Nguyễn Quý An, nhà văn Đặng Chí Bình.

Chưa kịp làm quen với đất nước Hoa Kỳ, Nguyễn Chí Thiện đã phải hứng chịu những tố cáo mạnh mẽ từ nhóm Vạn Thắng. Rằng Nguyễn Chí Thiện tới Mỹ là Nguyễn Chí Thiện giả, Nguyễn Chí Thiện thật đã chết trong tù. Rằng Nguyễn Chí Thiện giả đã mạo nhận là tác giả của Hoa Địa Ngục. Rằng Nguyễn Chí Thiện giả là tình báo cho CSVN… Phong trào tố cáo Nguyễn Chí Thiện giả diễn ra khá ầm ĩ vào các năm 1995, 1996. Sau đó tạm lắng dịu.

Năm 2001 Nguyễn Chí Thiện ra mắt tác phẩm Hỏa Lò (tập truyện, Nxb. Cành Nam, Hoa kỳ 2001).

Năm 2006 Nguyễn Chí Thiện cho ra đời Hoa Địa Ngục (Nxb. Cành Nam, Hoa Kỳ 2006). Hoa Địa Ngục còn có tên là Vô Đề, Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Bài viết này chỉ dùng tên Hoa Địa Ngục và gọi Hoa Địa Ngục xuất bản 2006 là Hoa Địa Ngục 2006. Hoa Địa Ngục 2006 gồm Hoa Địa Ngục1 và Hoa Địa Ngục2. Hoa Địa Ngục1 là tập thơ đã được chuyển vào toà đại sứ Anh ngày 16/07/1979. Hoa Địa Ngục2 (Còn mang tên là Hạt Thơ Máu) là những bài thơ sáng tác sau Hoa Địa Ngục1, sau năm 1979. Có thể nói được rằng: Kể từ ngày Hoa Địa Ngục 2006 trình diện người đọc, những cố gắng “giết chết” Nguyễn Chí Thiện lại nổi lên toàn diện hơn, triệt để hơn. Trên trận địa toàn diện và triệt để kia, Nguyễn Chí Thiện bị mưu sát hai lần: mưu sát Nguyễn Chí Thiện giả và mưu sát Nguyễn Chí Thiện tác giả thi phẩm Hoa Địa Ngục. Mưu sát là hành động giết người có dự mưu, có tính toán.

Vụ “mưu sát” Nguyễn Chí Thiện giả

Trước tiên hãy nói tới vụ mưu sát Nguyễn Chí Thiện giả. Nếu lời tố cáo Nguyễn Chí Thiện ở Mỹ là giả đạt kết quả thì sinh mệnh chính trị của ông Thiên phải chết. Nguyên nhân Nguyễn Chí Thiện bị tố cáo là giả nằm ở sự việc: như đã nói ở trên, trong tác phẩm Cruel Avril, tác giả Oliver Todd cho rằng Nguyễn Chí Thiện đã chết trong tù vào mùa hè 1987. Qua tới năm 2005, tác phẩm vừa nêu được tái bản, nhưng tin tức về cái chết của Nguyễn Chí Thiện năm 1987 vẫn giữ nguyên. Điều này làm cho một số người dứt khoát tin rằng: quả thực có hai Nguyễn Chí Thiện. Nguyễn Chí Thiện thật đã chết trong tù. Nguyễn Chí Thiện sống ở Mỹ là Nguyễn Chí Thiện giả. Do lòng mến mộ Nguyễn-Chí-Thiện-thật, người ta đã tìm đường giết chết Nguyễn-Chí-Thiện-giả bằng cách đòi hỏi Nguyễn Chí Thiện tại Mỹ phải trả lời cho rạch ròi: hai ông Thiện, ông nào giả, ông nào thật? Câu hỏi đơn giản, nhưng câu trả lời không đơn giản. Cuộc lùng tìm Nguyễn Chí Thiện giả ầm ĩ đến độ ngay cả Nguyễn Chí Thiện tác giả Hoa Địa Ngục 2006 cũng hết biết: Tôi là ai? Và Ai là tôi? Giữa lúc Nguyễn Chí Thiện đang bơ vơ trên ranh giới giữa “Tôi” và “Ai” thì Oliver Todd xuất hiện. Ngày 18/10/2008 từ La Garde Freinet, Pháp quốc, Oliver Todd viết cho Nguyễn Chí Thiện một bức thư, trong đó có đoạn minh xác như sau:

“Trong quyển sách Cruel Avril của tôi (NXB Robert Laffont, Paris 1987), tôi có viết là ông đã chết trong tù vào mùa hè 1987. Tin tức sai lầm này do một cộng tác viên chuyển đến cho tôi. Cô ấy đã lấy tin đó trong một bài báo của tập san Quê Mẹ.

Sự hiện diện của ông tại Orange County cũng đã đủ cải chính cái tin này rồi. Tôi rất tiếc đã không sửa chữa sai lầm của tôi trong ấn bản 2005 của quyển Cruel Avril. Tôi xin thành thật cáo lỗi cùng ông.”

Lẽ ra chỉ cần một lời đính chính của Oliver Todd là đủ rồi. Tuy nhiên, với ý muốn xoá sạch tâm lý “một nghi, mười ngờ” của quần chúng, trong cuộc họp báo ngày 25/10/2008 tại Orange County, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã xuất trình trước đồng hương và cơ quan truyền thông, báo chí các thể loại ba văn kiên sau đây:

1. Chứng chỉ giảo nghiệm tự dạng ghi ngày 13/Dec/1995: Cuộc giảo nghiệm này được thực hiện tại trung tâm giảo nghiệm quốc gia, Dorothy Brinkerhoff, toạ lạc tại số 4316 Boyar Avenue, Long Beach, Ca. 90807.

2. Chứng chỉ giảo nghiệm tự dạng ghi ngày 15/Oct/2008: Cuộc giảo nghiệm này được thực hiện tại Trung tâm “A and M. Matley”, địa chỉ 3092 Army Street, Ca. 94110.
Cả hai chứng chỉ số (1) và (2) đều kết luận chữ viết trong tập thơ Hoa Địa Ngục(Bản chuyển vào toà Đại Sứ Anh ngày 16/07/1979) và chữ viết của Nguyễn Chí Thiện ngày nay tại Mỹ là chữ viết của một người.

3. Chứng chỉ giảo nghiệm nhân diện qua hình chụp ghi ngày 03/08/2006: Cuộc giảo nghiệm này được thực hiện bởi trung tâm Stuchman, Forensic Photography, địa chỉ 421 Walnut Street, Suite 120, Napa, Ca. 94559. Chứng chỉ này kết luận: hình chụp Nguyễn Chí Thiện ở trong tù và hình chụp Nguyễn Chí Thiện ở Mỹ là hình của một người.

Tóm lại, lời minh xác của tác giả Oliver Todd cộng với ba chứng chỉ giảo nghiệm về hình ảnh và về chữ viết đã minh chứng Nguyễn Chí Thiện thật và Nguyễn Chí Thiện giả chỉ là một người. Điều minh chứng này đã buộc kịch bản “Truy tìm và giết chết Nguyễn-Chí-Thiện-giả” phải kết thúc.

Vụ “mưu sát” người thơ trong Nguyễn Chí Thiện

Ngay sau khi hồ sơ mưu sát Nguyễn-Chí-Thiện-giả được đóng lại thì độc giả của Nguyễn Chí Thiện lại bị khuấy động vì một hồ sơ mới. Đó là hồ sơ tố cáo Nguyễn Chí Thiện không phải là tác giả của thi phẩm Hoa Địa Ngục1. Lời tố cáo kia có chủ tâm giết chết con người thi sĩ ẩn náu bên trong nhân vật Nguyễn Chí Thiện. Lời tố cáo kia chưa kịp thuyết phục được công chúng thì dư luận đã phải đón nhận hai dấu hỏi lớn:

Dấu hỏi thứ nhất: Giả sử năm 1979 Nguyễn Chí Thiện ăn trộm Hoa Địa Ngục1 của tác giả vô danh nào đó, sau đó mang vào toà đại sứ Anh. Hành động như vừa kể, Nguyễn Chí Thiện được gì và mất gì? Chẳng lẽ từ 1979 Nguyễn Chí Thiện đã thấy trước năm 1995 Nguyễn Chí Thiện sẽ định cư ở Mỹ? Sẽ được nổi tiếng, được nhận lãnh nhiều giải thưởng…?

Chắc chắn Nguyễn Chí Thiên không thể thấy trước như vậy! Hồi bấy giờ, với kinh nghiệm hai lần ở tù 12 năm, Nguyễn Chí Thiện chỉ thấy một điều: ra khỏi toà đại sứ Anh, Nguyễn Chí Thiện không thể không bị bắt. Lần bị bắt này là lần thứ ba. Tái phạm tội phản động ba lần đi kèm với hai tội danh: Tội một: nguyền rủa Hồ Chí Minh bằng những lời lẽ thậm tệ nhất, cay nghiệt nhất. Tội hai: tìm cách làm cho thế giới nghe được những lời nguyền rủa kia. Với hai tội vừa nêu cộng thêm tội tái phạm lần thứ ba, Nguyễn Chí Thiện cầm chắc cái chết trong tay. Xin đừng quên rằng năm 1979 là năm CSVN chưa đầu hàng kinh tế thị trường, chế độ Hà Nội còn rất hung hãn: đi tù đồng nghĩa với đi vào cái chết. Vì vậy, giả thuyết cho rằng năm 1979 Nguyễn Chí Thiện ôm Hoa Địa Ngục1 vào toà đại sứ Anh để được hưởng vinh quang về sau là giả thuyết tuyệt đối phi lý, không thể chấp nhận được. Động lực duy nhất đẩy tới biến cố Hoa Địa Ngục1 chỉ có thể giải thích bằng tâm tình phẫn hận về 12 năm tù với tội danh “Tình nghi làm thơ chống đảng”. Mười hai năm tù kia là buổi bình minh của tuổi thanh xuân trong đời Nguyễn Chí Thiện.

Dấu hỏi thứ hai: Phải chăng sự so sánh Hoa Địa Ngục1 và Hoa Địa Ngục2 sẽ dẫn đến kết luận Nguyễn Chí Thiện không là tác giả của Hoa Địa Ngục1?

Nguyễn Chí Thiện làm thơ từ 1958 đến 1988. Cuộc hành trình bằng thơ 30 năm ấy được chia làm hai giai đoạn: Thơ Tù 1958 – 1979 gọi là Hoa Địa Ngục1, và Thơ Tù 1979 – 1988 gọi là Hoa Địa Ngục2. Một số người đã mang Hoa Địa Ngục1 so sánh với Hoa Địa Ngục2 để đưa ra nhận xét: thơ của hai giai đoạn kia khác nhau về khẩu khí, về mực độ căm hờn, về cú pháp, về thơ và vè, về câu ngắn, câu dài vân vân … Những bài thơ, đoạn thơ (đối tượng của so sánh) thường được sáng tác cách nhau một, hai thập niên. Đời người thiên biến vạn hoá. Đời người thay đổi từng giây, từng phút. Một người không thể tắm hai lần trên một dòng sông. Tại sao hai thi phẩm do một người sáng tác có khoảng cách thời gian năm, mười năm lại không được phép có bất kỳ thay đổi nào?

Mặt khác, đề cập tới mối liên hệ giữa tác giả và tác phẩm, người Việt Nam bao giờ cũng gắn bó với câu nói: “Tức cảnh sinh tình”. Cảnh là hoàn cảnh sống. Tình là những liên hệ tim óc giữa tác giả và hoàn cảnh sống. Tình kia khi bước vào thế giới của ngôn ngữ sẽ bật lên thành lời, sẽ sản sinh ra tác phẩm. Ba thành tố: cảnh, tình và ngôn ngữ tạo thành câu chuyện gọi là xuất xứ của tác phẩm. Tác giả là người nắm trọn trong tay ba thành tố vừa kể. Nói rõ hơn, công việc khảo sát xuất xứ của tác phẩm là phương pháp thích nghi và chính xác nhất làm lộ rõ danh tánh của tác giả. Những người đặt nghi vấn ai là tác giả của Hoa Địa Ngục1 không hề quan tâm tới xuất xứ của tác phẩm. Họ đã truy tìm tác giả bằng cách viết một số bài so sánh Hoa Địa Ngục1 và Hoa Địa Ngục2 một cách hoàn toàn chủ quan. Sau đó tuyên phán tác giả của Hoa Địa Ngục1 không là Nguyễn Chí Thiện mà là một nhân vật vô danh nào đó. Đây là một tuyên phán phi lý nhất trong thế gới của các loại phi lý.

Trong hoạt động của hệ thống công lý hình sự, rất nhiều khi chỉ căn cứ vào một tin tức nhỏ cộng với kỹ thuật thẩm vấn của giới chức chuyên môn, người ta có thể giải quyết nghi án một cách dễ dàng. Thơ tù của Nguyễn Chí Thiện có tới trên dưới bảy trăm bài, bảy trăm xuất xứ. Mỗi xuất xứ là một nhóm tin tức. Với khối tin tức đồ sộ kia những người chống đối Nguyễn Chí Thiện vẫn không thể tìm ra tác giả của Hoa Địa Ngục1 là ai ư? Họ tìm ra chứ! Tìm ra rằng Nguyễn Chí Thiện và tác giả vô danh chỉ là một người.

Bài viết tới đây đã cho thấy ý muốn giết chết Nguyễn Chí Thiên giả cũng như ý muốn giết chết người thơ trong Nguyễn Chí Thiện đều bất thành. Hẳn nhiên những lý lẽ được trình bày trong bài viết này không thể thuyết phục mọi người đồng ý. Khác biệt ý kiến là tính vốn có của môi trường xã hội đa nguyên. Thế nhưng giết nhau không phải là phương cách giải quyết bất đồng. Xin đừng giết cộng đồng bằng cách tạo ra hai ban đại diện cho một cộng đồng. Xin đừng giết chánh đảng bằng cách tạo ra hai, ba tổng bí thư cho một đảng. Xin đừng giết hội ái hữu bằng cách tạo ra hai chủ tịch cho một đoàn thể. Xin đừng giết văn học nghệ thuật bằng cách dựng lên một tác giả vô danh bên cạnh tác giả minh danh cho mỗi tác phẩm. Một loạt chữ “giết” vừa được sử dụng nhằm diễn ý rằng giết có nghĩa là “cướp quyền toà án để ban phát công lý cho người khác”. Hành động này xã hội văn minh không chấp nhận. Xin hãy từ giã ý định “cướp quyền toà án”. Xin hãy trở về với văn hoá truyền thống Việt. Văn hoá “chúng tôi muốn sống”. Văn hoá “anh không chết đâu em”. Trong “không chết” mọi người Việt Nam sẽ thương yêu và đoàn kết trên quyết tâm xây dựng một Việt Nam dân chủ và thịnh vượng.

Đỗ Thái Nhiên

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3225

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 800 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0