Thứ Ba, 2024-04-23, 3:56 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 3 » Trò Đu Dây Ngoại Giao của Cộng Sản Việt Nam
1:56 PM
Trò Đu Dây Ngoại Giao của Cộng Sản Việt Nam

Đỗ Hoàng Điềm

 
Vào ngày 26 tháng 10 năm 2008, ông Nguyễn Minh Triết bắt đầu chuyến công du 4 ngày tại nước Nga. Chuyến đi này được mô tả là rất quan trọng trong việc mở rộng quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia, đồng thời nối tiếp nhiều chuyến công du khác trước đó gồm có chuyến thăm Trung Cộng vào cuối tháng 5 của Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, thăm Hoa Kỳ trong tháng 6 của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, và mới đây nhất lại một lần nữa thăm Trung Cộng cũng trong tháng 10 của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Điều đáng chú ý là ngay trước khi thăm Hoa Kỳ vào tháng 6 và Nga vào cuối tháng 10, trong cả hai lần thì những người lãnh đạo CSVN đều phải sang trình diện đàn anh Trung Cộng trước. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên mà hoàn toàn do toan tính vì nhu cầu. Điều này cho thấy rõ bản chất phức tạp của chính sách ngoại giao đu dây mà CSVN đang theo đuổi.

Ngay từ đầu thập niên 1990, với sự sụp đổ của Liên Xô, CSVN biết rõ là họ phải thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế thì mới mong tiếp tục nắm giữ quyền thống trị đất nước. Trong suốt hơn 20 năm qua, họ đã nỗ lực giải quyết những khó khăn kinh tế bằng cách làm ăn với thế giới và vận động đầu tư từ nước ngoài. Họ đã nỗ lực xây dựng quan hệ với Hoa Kỳ vì nghĩ rằng mối quan hệ này cần thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cùng lúc họ phải chịu áp lực cải thiện nhân quyền từ Hoa Kỳ, đồng thời lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nguy cơ “diễn biến hòa bình” sẽ giật sập chế độ độc tài độc đảng của họ.

Vì vậy, tuy một mặt cố gắng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, một mặt CSVN vẫn phải tìm cách bảo vệ quyền lực của họ bằng biện pháp dựa vào mối quan hệ “hữu nghị” với Trung Cộng. Tuy nhiên, mối quan hệ “hữu nghị” này cũng đầy rẫy khó khăn vì một số lý do. Thứ nhất chính vì giữa hai chế độ cộng sản này vẫn có đầy những hiềm khích và nghi ngờ lẫn nhau. Thứ hai vì thái độ chèn ép và xâm lấn của Trung Cộng đối với Việt Nam nhất là trong lãnh vực tranh chấp lãnh thổ. Sau cùng là chủ trương xen lấn vào và lũng đoạn nội bộ đảng CSVN của Trung Cộng.

Trong bối cảnh đó, từ giữa thập niên 1990, CSVN đã phải đu dây ngoại giao giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ, lợi dụng cả hai bên để đối chọi và quân bằng lẫn nhau. Hiển nhiên là Hà Nội cần cả hai nhưng đồng thời cũng e dè và sợ cả hai. Nhưng với sự tái xuất hiện của nước Nga trong thời gian gần đây, trò đu dây này hứa hẹn sẽ có nhiều biến chuyển mới ngoạn mục.

Trong suốt thời gian chiến tranh cho đến cuối thập niên 1980, Liên Xô vừa là đồng minh vừa là điểm tựa quan trọng nhất của CSVN. Nhưng sau khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt và Liên Xô sụp đổ, vai trò của nước Nga cũng bị lu mờ và bị hất ra khỏi Việt Nam trong suốt hơn 15 năm qua. Nhưng gần đây, nước Nga bắt đầu hùng mạnh trở lại và có tham vọng tái lập vai trò cường quốc của họ đối với thế giới. Trong nỗ lực đó, Việt Nam là đầu cầu hiển nhiên để giúp Nga quay trở lại vùng Đông Nam Á. Đối với nước Nga, quan hệ đồng minh với Việt Nam, một quốc gia với một vị trí địa dư chiến lược và dân số 85 triệu người, sẽ giúp ích rất nhiều cho quyền lợi của nước Nga. Đối với CSVN, với kinh nghiệm quá khứ giữa hai bên, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn để hợp tác với nước Nga, chắc chắn là hơn nhiều so với Hoa Kỳ hay Trung Cộng.

Vì vậy, khi ông Triết sang thăm Nga, Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố rằng “Nga và Việt Nam có nhiều quan điểm gần hoặc giống nhau hoàn toàn trước những vấn đề quốc tế.” Cả hai bên đã cam kết sẽ hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn và đã ký một thỏa thuận cùng nhau khai thác dầu hỏa trong hải phận Việt Nam. Ngoài ra, ông Triết còn tuyên bố rằng “Việt Nam rất muốn mở rộng quan hệ quân sự và kỹ thuật với nước Nga để gia tăng khả năng phòng chống ngoại xâm và bảo vệ an ninh.” Nước Nga đã đồng ý sẽ bán vũ khí đồng thời huấn luyện cho quân đội Việt Nam. Dĩ nhiên, ông Triết không dám chọc giận Trung Cộng và đã phải nói thêm rằng quan hệ quân sự với Nga chỉ “thuần túy cho nhu cầu tự vệ và không nhằm mục đích đe dọa bất cứ quốc gia nào khác.”

Mặc dù còn sớm nhưng liệu nước Nga có thể trở thành đồng minh chiến lược CSVN đang cần để đối phó lại với cả Hoa Kỳ và Trung Cộng? Liệu trò đu dây ngoại giao của CSVN còn hữu hiệu được bao lâu nữa? Với bản chất của đảng CSVN, nếu nước Nga nhập cuộc thì nhiều phần tình hình sẽ trở nên phức tạp và có thể là nguy hiểm hơn cho CSVN. Lý do vì dù lúc nào cũng cố gắng giữ bộ mặt đoàn kết và thống nhất, nhưng thực chất là chế độ CSVN không hề là một khối thuần nhất. Trái lại, CSVN bị phân hóa trầm trọng ngay tại thượng tầng. Không phải vì phe bảo thủ đối chọi với cấp tiến như một số các bình luận gia ngoại quốc vẫn ngây thơ diễn giải, mà thực chất chỉ là những phe cánh tranh giành quyền lợi và tranh chấp quyền lực với nhau. Hiện nay ai cũng biết là trong đảng CSVN có những phe chủ trương đi gần với Hoa Kỳ hơn, và có những phe là do Trung Cộng ảnh hưởng. Và nếu bây giờ lại thêm một phe thân Nga nổi lên nữa thì điều này sẽ chỉ càng làm tăng thêm sự phân hóa và đấu đá trong nội bộ CSVN mà thôi.

Nếu viễn tượng phân hóa gia tăng sẵn có, tại sao CSVN lại tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao như hiện nay? Câu trả lời rất đơn giản, đó là vì ưu tiên hàng đầu của họ là bằng mọi cách phải duy trì quyền lực thống trị càng lâu càng tốt. Do đó họ phải tiếp tục tìm cách bám víu tất cả những quốc gia nào cần thiết cho sự tồn tại của họ. Thay vì đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết và chọn một đường lối ngoại giao tốt nhất cho đất nước, CSVN lại ích kỷ khi đặt quyền lợi của đảng lên trên tổ quốc và lôi cuốn đất nước vào một chính sách ngoại giao đầy rủi ro không cần thiết. Mặc dù đầy rủi ro nhưng họ vẫn phải tiếp tục trò đu dây vì đấy là cách để họ mua thời gian, duy trì nền cai trị độc tài, và nhất là tiếp tục tham nhũng để làm giầu.

Thay vào đó, chính sách tốt nhất cho quyền lợi của đất nước Việt Nam là phải tiến hành cùng lúc ba mặt:

• Thiết lập một nền dân chủ đích thực và vững mạnh làm nền tảng để ổn định và phát triển,
• Mở rộng quan hệ ngoại thương và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, và
• Gia tăng hợp tác chiến lược với khối ASEAN thay vì loay hoay tìm quan thầy dù đó là Hoa Kỳ, Trung Cộng hay là Nga.

Nếu được như thế thì Việt Nam sẽ trở thành một lực quan trọng giúp ổn định toàn vùng Đông Nam Á, đồng thời là một đồng minh bền vững của thế giới trên mọi lãnh vực, đặc biệt là kinh tế và an ninh.

Nguồn: Việt Tân
Category: Chính trị | Views: 817 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0