Thứ Năm, 2024-04-25, 2:53 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 13 » Tìm hiểu chủ quyền thác Bản Giốc qua ảnh
12:19 PM
Tìm hiểu chủ quyền thác Bản Giốc qua ảnh

Ngày 28/1/2002 (hơn 2 năm sau khi ký Hiệp định), bác Lê Công Phụng, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao nước CHXHCN Việt Nam, đã lần đầu tiên trả lời phỏng vấn chị Thu Yên, lúc đó là phóng viên VASC về vấn đề biên giới, trong đó có đoạn:
- Thưa ông, có một chi tiết mà rất nhiều người nói đến, người ta nói đến thác Bản Giốc, mục Nam Quan. Thưa ông, ở trong đó có cái gì là sự thật và có cái gì thực ra chỉ là sự phóng đại mang màu sắc cảm tính là nhiều?

- Về thác Bản Giốc, thì đây là điều rất phức tạp. Chúng tôi cũng rất lạ là trong sách sử của chúng ta và Trung Quốc từ năm 1960 đến nay, không ai nói thác Bản Giốc có phần là của Trung Quốc. Ngay Trung Quốc cũng không nói đấy là của Trung Quốc. Còn đối với chúng ta, thác này đã đi vào sử sách, nhất là sách giáo khoa của học sinh, thành di tích, điểm du lịch được nhiều người ưa chuộng.

Photobucket

Đây là điều mà chúng tôi rất khó hiểu, bởi lẽ trong công ước giữa nhà Thanh và Pháp, thác Bản Giốc chỉ thuộc về chúng ta có 1/3 thôi; và theo thực trạng cột mốc được cắm từ thời nhà Thanh, thì chúng ta cũng chỉ được 1/3 thác.

- Tức là cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh?

- Đúng vậy. Cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh, xác định chỉ có chưa được một nửa thác Bản Giốc là ở bên phía ta. Theo quy định quốc tế, khi phân giới cắm mốc thì thác được coi như 1 dòng sông, 1 dòng suối. Đã là sông suối thì đường biên giới đi qua luồng chính, tức là chỗ tàu thuyền đi lại được. Còn đối với sông suối nơi tàu thuyền không đi lại được, thì đường biên giới phải đi theo rãnh sâu nhất.

- Chẳng nhẽ tất cả các khách du lịch, trong đó có những người có trách nhiệm, đi thăm thác Bản Giốc mà không phát hiện ra cột mốc nằm đó hay sao?

- Cột mốc không nằm sát Bản Giốc. Khi chúng tôi khảo sát thì mới thấy cột mốc nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối, cách đấy khoảng mấy trăm mét. Vì vậy nên cũng không mấy ai quan tâm đến cột mốc ở thác Bản Giốc.

Trước tình hình như vậy, chúng tôi nghĩ rằng trong đàm phán phải hợp lý, thỏa đáng phù hợp với mặt pháp lý. Chúng ta phải căn cứ vào những thỏa thuận pháp lý Thanh - Pháp, căn cứ vào biểu đồ, căn cứ vào cột mốc hiện có mà dân địa phương nói là cột mốc đó từ xưa đến nay chưa ai thay đổi cả. Cuối cùng, lãnh đạo chúng ta cũng nhất trí trong tất cả các điều kiện ấy, không thể đòi hỏi thác Bản Giốc phải là của chúng ta hoàn toàn được.

Lẽ ra theo thực tiễn thì chúng ta chỉ được 1/3. Nhưng sau đàm phán, chúng ta và bạn đã thỏa thuận thác Bản Giốc được chia đôi, mỗi bên được 50%. Hiện nay cả 2 bên đang tiến hành khai thác du lịch phía bên mình.

Ở chỗ này, nếu nói chúng ta bán đất thì hoàn toàn vô lý. Pháp lý lẫn thực tiễn đều không cho phép chúng ta giữ chủ quyền trên toàn bộ thác Bản Giốc.

Qua phần trả lời của bác Phụng, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận:

1. Hiệp ước Pháp Thanh 1887 thừa nhận cột mốc 53 nằm ở đúng vị trí của nó hiện nay, tức là ở trên cồn nhỏ nằm giữa suối chảy qua thác Bản Giốc.

2. Theo vị trí mốc này, Việt Nam đáng ra chỉ nhận được chủ quyền 1/3 con thác. Nhưng nhờ sự đàm phán tài ba mà chúng ta đã cưa đôi, 50:50.

Bài viết này sử dụng một số bức ảnh thu thập được ở trên mạng để phân tích sự đúng sai của những luận điểm nêu trên của bác Phụng. Chúng ta có thể chấp nhận thua thiệt trong đàm phán biên giới nhằm đóng lại những tranh chấp giữa hai bên, để cùng nhau ổn định phát triển. Nhưng phải giải thích điều này một cách minh bạch công khai, không nên lươn lẹo lừa dối người dân.

Hình 01: Ảnh vệ tinh chụp từ Google Earth, với vòng vàng đánh dấu vị trí cột mốc 53, hai vòng đỏ đánh dấu thác Bản Giốc.

Hình 02: Hình chụp cận cảnh cột mốc 53 ở gần thác Bản Giốc

Vị trí cột mốc phù hợp với tấm hình do khách du lịch chụp cận cảnh cột mốc. Dưới góc nhìn thuận lợi này, chúng ta có thể thấy cột mốc nằm sát chân núi dốc đứng, chứ không phải cồn giữa suối như bác Phụng nói.

Nếu cột mốc 53 nằm ở cồn thật thì sao?  

Hình 03: Thác Bản Giốc chia hai: Thác lớn thuộc Trung Quốc và thác bé thuộc Việt Nam.

Ngay cả khi cột mốc 53 nằm ở cồn giữa suối như bác Phụng nói, thì khẳng định: "trong công ước giữa nhà Thanh và Pháp, thác Bản Giốc chỉ thuộc về chúng ta có 1/3 thôi; và theo thực trạng cột mốc được cắm từ thời nhà Thanh, thì chúng ta cũng chỉ được 1/3 thác" của bác Phụng cũng không đứng vững.

Nhìn vào hình 01 và 03, chúng ta thấy rằng vị trí "rãnh sâu nhất sâu" phải nằm ở thác lớn, khó có thể lệch sang bên thác bé của Việt Nam. Chúng ta có thể khẳng định điều này vì thác bé chỉ là một nhánh nhỏ của dòng chảy, với lưu lượng thấp hơn nhiều so với bên thác lớn. Và như thế, đường biên giới phải chia đôi thác lớn, tức là Việt Nam có quyền đòi chủ quyền 2/3 thác chứ không phải 1/3 như bác Phụng khiêm tốn nhận định.

Nếu chúng ta chấp nhận chia 50:50 thì đó là sự yếu kém trong đàm phán, chứ không phải là tài ba như hàm ý của bác Phụng.

Thế theo hiệp ước Pháp Thanh 1887, cột 53 nằm ở đâu?

Trong hiệp ước nêu trên, cột mốc số 53, thuộc đoạn thứ hai, được định nghĩa như sau: "Tên: Pan-Ngô; Cắm tại: bên lề một con đường ở phía Tây-Nam và trên phần nối dài của một khu rừng nhỏ". Không hề nhắc tới cồn hay suối. Những cột mốc cắm ở bờ sông như cột 51 và 52 đều có ghi rõ ràng: "Cột 51, tên Khau Pang (Canh 6 Bàng Ải 更 旁 隘), cắm tại : Bên bờ trái sông Qui-Xuân (bờ bên Tàu, ghi-chú của Trương Nhân Tuấn) ở hạ-lưu một cái cái thác và cách 150m" và "Cột 52, tên Khau Canh Ai (Khẩu Canh Ải 7 口 更 隘), cắm bên bờ sông và cách một trạm canh (ải, tức cửa biên-giới tên Khẩu-Canh) 5 bước".

Có một giả thiết là dòng chảy con suối đã thay đổi. Xin lưu ý là cột mốc cách thác Bản Giốc có "mấy trăm mét" (theo lời bác Phụng), do đó dòng chảy không thể thay đổi lớn được, nếu không thác Bản Giốc... cũng không nằm nguyên chỗ cũ.

Vậy chỉ còn một giả thuyết là cột mốc 53 hiện tại đã được ngụy tạo, dịch chuyển tới chỗ hiện tại. Giả thuyết này được chính sách vở chính thống của Đảng và Nhà nước thừa nhận:   

Hình 06: Tài liệu "Vấn đề Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc" do NXB Sự Thật - Hà Nội ấn hành năm 1979 (nguồn: Trương Nhân Tuấn). 

Trong văn bản này, Việt Nam chính thức tố cáo Trung Quốc chiếm cồn Pò Thoong, đây chính là cồn mà theo một số người thì cột mốc 53 nằm ở trên đó. Trước đó cồn và thác thuộc Việt Nam:

Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 20 tháng 2 năm 1976, phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người, kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, việc làm đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc.

...

Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt Nam: tỷ lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất Việt Nam thành của Trung Quốc. Thí dụ, họ đã sửa ký hiệu ở khu vực thác Bản Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong.

Nguồn: Cuốn "Vấn đề Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc" do NXB Sự Thật - Hà Nội ấn hành năm 1979

Bản thân bác Phụng cũng thừa nhận rằng sách vở lịch sử cả hai bên đều mặc nhiên coi thác Bản Giốc toàn bộ là của Việt Nam. Những câu chuyện và hình ảnh mà người Pháp để lại cũng chứng tỏ điều này (xem tài liệu Trương Nhân Tuấn)

 

Hình 08: Đội quân tuần tiễu của Pháp qua sông ở thác Bản Giốc, mà theo quy định là quân đội hai bên không được xâm phạm biên giới của nhau (nguồn: Trương Nhân Tuấn).

Cho tới nay, bản đồ liên quan tới hiệp định biên giới Việt Trung vẫn chưa được công bố. Thác Bản Giốc chỉ là một trong nhiều điểm nghi vấn về sự bất bình đẳng trong hiệp định ký tháng 12/1999 này. Thiết nghĩ Đảng và Nhà nước cần phải công bố thông tin, làm rõ những khúc mắc trên đây, để làm yên lòng dư luận. Người dân xứng đáng nhận được lời giải thích thỏa đáng về vấn đề này càng sớm càng tốt.

Khai Hoan
KH

Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 1027 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0