Thứ Sáu, 2024-03-29, 1:13 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 18 » Sóng ngầm dưới mặt Biển Đông
2:30 PM
Sóng ngầm dưới mặt Biển Đông
17/11/2008: Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đang đàm phán phân định chủ quyền đoạn từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Huế, Đà Nẵng.
Tuyên bố chung của Thủ tướng hai nước ngày 25/10/2008 nói, “Hai bên tiếp tục thúc đẩy một cách vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển, sớm khởi động khảo sát chung ở khu vực này”.

Cuộc đàm phán này đã diễn ra từ vài năm, Việt Nam và Trung Quốc đang “từng bước thu hẹp khác biệt”, lãnh đạo hai bên “nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán” và đẩy nhanh việc khởi động khảo sát chung.

Nhưng đến nay phạm vi chính xác của vùng đàm phán hay khảo sát chung, những đòi hỏi và lập luận mà hai bên đưa ra, cũng như những thoả thuận đã đạt được vẫn chưa được công bố.

Cuộc đàm phán này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Kết quả của nó sẽ ảnh hưởng đến ranh giới biển của Việt Nam ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bên ngoài vùng biển này. Đặc biệt, nó có thể ảnh hưởng tới chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Nhưng đây là cuộc đàm phán rất phức tạp và Việt Nam phải đối diện rất nhiều thử thách. Trước hết vì nó liên quan đến Hoàng Sa, nhưng những thử thách đó cũng xuất phát từ những khu vực ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa.

Yếu tố Hoàng Sa

Trong tầm ảnh hưởng có thể của Hoàng Sa, Việt Nam và Trung Quốc sẽ dựa vào Hoàng Sa để đòi hỏi những vùng nội thuỷ, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế cho Hoàng Sa.

Trên thực tế, năm 1996 Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở thẳng xung quanh Hoàng Sa, đòi hỏi một vùng nội thuỷ diện tích 17.400 km² bên trong và một vùng lãnh hải 12 hải lý bên ngoài đường cơ sở đó.

Nhưng đường cơ sở này vi phạm UNCLOS. Trung Quốc cũng có thể sẽ đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn những vùng này và lấn sang phía bên Việt Nam của đường trung tuyến.

Nếu Việt Nam chấp nhận những đòi hỏi này thì có nghĩa là Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam được hưởng sẽ bị thu hẹp.

Ngược lại, Việt Nam có thể dựa trên chủ quyền đối với Hoàng Sa để đòi hỏi những vùng biển bên kia đường trung tuyến. Tuy nhiên, Trung Quốc, với lợi thế là nước mạnh và đang chiếm đóng Hoàng Sa (dù sự chiếm đóng đó bất hợp pháp theo luật quốc tế), sẽ khó mà chấp nhận những yêu sách đó của Việt Nam.

Như vậy, Việt Nam khó đạt được công bằng trong đàm phán về vùng biển trong tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa cho đến khi nào vấn đề chủ quyền Hoàng Sa được giải quyết một cách công bằng, ví dụ như thông qua Toà án Công lý Quốc tế.

Bên ngoài Hoàng Sa

Bên ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa, Trung Quốc cũng tranh chấp ngay cả những vùng biển rõ ràng thuộc về Việt Nam.

Năm 2004 Trung Quốc kéo giàn khoan dầu Kantan 3 tới hoạt động tại khu vực có toạ độ 17°26'42" Bắc, 108°19'05" Đông, cách Việt Nam 63 hải lý và cách Trung Quốc 67 hải lý , cách các đảo gần nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa 205 hải lý, tức là ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối với lý do “Căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, khu vực này hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam” .

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố là khu vực này nằm bên Trung Quốc của vùng biển ngoài của Vịnh Bắc Bộ, do đó Trung Quốc cho rằng sự phản đối của Việt Nam không có cơ sở và không thể chấp nhận được .

Cho tới nay Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã công bố một số lô dầu khí lấn sang bên Việt Nam của đường trung tuyến. Trong những lô dầu khí này, vùng LD29-1 nằm hoàn toàn bên Việt Nam và phân nửa vùng LD20-1 nằm bên Việt Nam của đường trung tuyến.

Theo bản đồ năm 2002 của Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc thì hai vùng dầu khí này đang được triển khai. Vùng lấn sang bên Việt Nam nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa, cách bờ biển đất liền của Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc dưới 75 hải lý, cách các đảo gần nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa từ 160 hải lý tới 215 hải lý.

Việc Trung Quốc thừa nhận chủ quyền đối với một khu vực dù cách Việt Nam 63 hải lý, cách Trung Quốc 67 hải lý, bên ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa, và đối với những khu vực tương tự, nói lên phần nào thử thách mà Việt Nam phải đối diện trong đàm phán.

Trong vùng biển ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa, Việt Nam phải vượt qua những thử thách này để đạt được một hiệp định ranh giới biển công bằng. Một hiệp ranh giới biển công bằng rất cần thiết cho việc bảo vệ chủ quyền trước những trường hợp xâm lấn như trên.

Những điều trên cho thấy, đằng sau tuyên bố chung của Việt Nam và Trung Quốc, vẫn tồn tại nhiều thử thách để Việt Nam đạt được sự công bằng trong việc phân định chủ quyền và hợp tác với Trung Quốc trong vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần quan tâm về cuộc đàm phán phân định và trao đổi hợp tác ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, cần tìm hiểu thêm về sự công bằng cho đất nước và để biết rõ về những thử thách đang đối diện để đạt được sự công bằng ấy.

Ý chí, kiến thức của mỗi người sẽ làm nên sức mạnh từ toàn dân và điều này sẽ giúp Việt Nam đối phó với những thử thách nhằm bảo toàn chủ quyền của đất nước mà tiền nhân đã để lại.

Bài viết của hai tác giả:
Dương Danh Huy từ Anh và Lê Minh Phiếu từ Pháp. 
Category: Chính trị | Views: 689 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0