Thứ Năm, 2024-03-28, 8:51 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 7 » PHẢI CHĂNG CÔNG BẰNG LÀ CÀO BẰNG TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI
8:23 AM
PHẢI CHĂNG CÔNG BẰNG LÀ CÀO BẰNG TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI

Có người cho rằng công bằng là cào bằng từ trên xuống dưới. Người khác lại nghĩ công bằng chính là xây dựng từ dưới lên trên. Vậy công bằng là gì ? Đâu là 2 quan niệm trên về công bằng ?

   I ) Công bằng là gì ?

   Công bằng là ngay thẳng và bằng phẳng, chỉ đức tính của một người ăn ở ngay thẳng, không thiên vị một ai ; như một ông quan tòa xử án công bằng có nghĩa là xử án không thiên vị một ai.

   I I ) Quan niệm công bằng là cào bằng từ trên xuống dưới

   Người ta có thể nói đây là quan niệm của K. Marx và của những người theo Đệ Tam Quốc tế Cộng sản, bắt đầu bằng Lénine.

   Marx chủ trương bãi bỏ quyền tư hữu, lịch sử là lịch sử của đấu tranh giai cấp, lịch sử của bạo động, dùng bạo động để san bằng giai cấp. Những đồ đệ của Marx, nhất là những người theo Đệ Tam, sau khi dùng vũ lực, cướp đưọc chính quyền, đánh tư bản mại sản, cào bằng xã hội từ trên xuống dưới ; nghĩ rằng sẽ mang lại công bằng cho mọi người ; nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược lại ; vì nó bắt nguồn ngay từ một số sai lầm lớn của Marx. Ở đây tôi không đi sâu vào việc phê bình lý thuyết của Marx (1). Tôi chỉ đại lược nêu lên một vài cái chính. Đó là quyền tư hữu không thể bãi bỏ, mà quyền tư hữu chỉ có thể chuyển nhượng. Sau khi cướp được chính quyền, người cộng sản, áp dụng lý thuyết của Marx, đánh tư bản mại sản, nghĩ rằng là bãi bỏ quyền tư hữu ; nhưng thực tế quyền tư hữu đã chuyển nhượng từ tay đại đa số dân, sang tay thiểu số đảng đoàn cán bộ. Xã hội cộng sản không trở nên công bằng, mà lại trở nên vô cùng bất công : đại đa số dân thì bị tước quyền tư hữu, trở nên nghèo đói ; trong khi đó, một thiểu số cán bộ cộng sản được trao quyền tư hữu, trở nên những ông tư bản đỏ, vô cùng giầu có.

   Thực tế ở những nước cộng sản từ trước tới nay cho ta thấy rõ điều này.

   Marx cho rằng quyền kinh tế quyết định quyền chính trị và những quyền khác. Thực tế cộng sản chứng minh hoàn toàn ngược lại, những người nắm quyền chính trị quyết định tất, không chỉ kinh tế mà cả đời sống người dân, tài sản quốc gia.

   Marx cho rằng sau khi cách mạng cộng sản, thì Nhà nước tự tan biến, chữ mà Engels và Marx dùng là Nhà nước tự tắt ( l’Etat s’éteint). Nhà nước cộng sản không tự tắt, như Marx không tưởng mơ ước, mà càng ngày càng to lớn đàn áp, gieo rắc càng nhiều bất công.

   Những sai lầm của Marx và của Đệ Tam quốc Tế Cộng sản cùng với những hậu quả của nó đã có nhiều người từ Âu sang Á nhìn thấy.

   Ở Âu châu, 2 người tiêu biểu là ông Proudhon và bà Rosa Luxembour. Ở Á châu 2 người tiêu biểu là cụ Phan bội Châu và tướng Tưởng giới Thạch.

   Pierre Joseph Proudhon ( 1809-1865), sinh trưởng trong một gia đình thợ thuyền, lúc nhỏ ông làm thợ xắp chữ, sau đó làm thợ in, rồi làm báo. Lúc đầu ông kết án quyền tư hữu trong quyển Quyền tư hữu là gì ( Qu’est – ce que la propriété ), xuất bản năm 1840. Chính vì vậy mà đã được sự khen ngợi của K. Marx (1818-1883) : «  Một sự can đảm có tính cách khiêu khích đã tấn công ngay vào thành trì của kinh tế. » Tuy nhiên sau này ông ý thức rằng quyền tư hữu không thể bãi bỏ, mà chỉ có thể chuyển nhượng ; và nên tránh sự lạm dụng quá độ của quyền tư hữu. Chính vì vậy mà ông viết quyển Triết lý về sự nghèo khổ hay Hệ thống của những mâu thuẫn kinh tế ( La Philosophie de la misère ou Système des contradictions économiques), xuất bản năm 1846. Marx đã trả lời bằng cách viết quyển Sự Nghèo nàn của triết học ( Misère de la philosophie ).  

   Proudhon chủ trương chế độ vô trị ( anarchisme) ; Marx chủ trương chế độ cộng sản ( communisme) ; vì vậy nên ông nhìn thấy rõ sự sai lầm và ảo tưởng của Marx, khi ông này chủ trương độc tài vô sản và ảo tưởng nghĩ rằng khi vô sản nổi lên làm cách mạng, bãi bỏ quyền tư hữu, tức bãi bỏ giai cấp ; và một khi giai cấp bị bãi bỏ thì Nhà nước tự biến mất. Thực tế cộng sản cho ta thấy Nhà nước cộng sản không tự tắt mà càng ngày càng to lớn và đàn áp dân nhiều hơn. Đây là cái nhìn sáng suốt của Proudhon, chính vì vậy ông đã nói, nếu lý thuyết của Marx được áp dụng thì nó sẽ trở nên con sán lãi ( le ténia) của xã hội. Chúng ta đã biết người bị bệnh sán lãi có những con giun ở trong ruột và bao tử ; nó đã hút hết chất bổ của bệnh nhân, làm cho cơ thể cuả họ không phát triển nổi, bụng to ra, da trở nên vàng vọt.

   Không cần đi sâu vào lý thuyết và lý luận dài dòng ; chúng ta chỉ cần nhìn thực tế cộng sản từ ngày Lénine cướp chính quyền 1917 tới nay. Tại các nước cộng sản có 2 chính phủ ăn lương từ thuế của dân : một chính thức, một bán chính thức là đảng cộng sản còn to lớn và quyền hành, ăn lương và có nhiều bổng lộc hơn chính quyền chính thức. Đây chính là con sán lãi của xã hội cộng sản mà Proudhon đã nhìn thấy.

   Người tiêu biểu thứ nhì nhìn thấy những sai lầm của Lénine và của chế độ cộng sản là bà Rosa Luxemboug ; mặc dầu bà là bạn của Lénine ; 2 người cùng đấu tranh ở Âu châu, trong Đệ Nhị quốc tế Cộng sản.

   Bà sinh năm 1870 và bị ám sát chết năm 1919, là người Đức, gốc Ba lan, hoạt động lúc đầu trong đảng Cách mạng Vô sản Ba Lan ; chính vì vậy bà phải rời xứ, hoạt động ở Đức. Bà chỉ trích quan niệm cải cách của Bernstein, lý thuyết gia của đảng Dân chủ Xã hội Đức ; khi bà viết quyển Cải cách hay Cách mạng ( Réforme sociale ou Révolution). Bà hoạt động rất mạnh trong phong trào thợ thuyền Âu châu. Bà bị tù 2 lần (1915-16) và (1916-18). Mặc dầu ở trong tù bà vẫn tiếp tục đấu tranh và theo dõi rất sát tình hình bên ngoài, nhất là việc làm của Lénine. Nhận thấy hành động độc tài của Lénine khi lập nên đảng và Nhà nước độc tài cộng sản ; cùng hành động Lénine giải tán Quốc hội Lập hiến được dân Nga tự do bầu ngày 18/1/1918 ; chỉ vì người của Lénine bị rơi vào thiểu số. Bà không ngần ngại viết thư cho Lénine mà người ta tìm thấy trong nhật ký của bà, trước khi chết :

   «  Cái đảng và Nhà nước độc tài mà Anh lập ra ; Anh bảo nó phục vụ thợ thuyền và người dân ; nhưng trên thực tế, nó chẳng phục vụ một ai ; vì nó đã đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của xã hội chủ nghĩa ; đó là tôn trọng tự do và dân chủ. »

   Dân Đức và nhất là đảng Dân Chủ Xã hội Đức coi bà như một ân nhân và là một trong những người chính sáng lập ra đảng này.

   Có người khi nói đến xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa là nghĩ chỉ có Marx, Lénine và Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản.  Thât ra không phải vậy, còn có Đệ Nhất, Đệ Nhị và Đệ Tứ Quốc tế Cộng sản. Những người như Kautski, Lassalle và bà Rosa Luxemboug cùng nhiều người khác cũng là theo xã hội chủ nghĩa ; nhưng là Đệ Nhị. Trotski, người giữ vai trò chính trong việc cướp chính quyền năm 1917 ở Nga, bị Staline cho người theo dõi rồi giết ở Mễ tây cơ, là người thành lập ra Đệ Tứ, tố cáo Staline là phản lại cách mạng. Những đảng Xã hội ở Pháp, Lao động ở Anh, Dân chủ xã hội ở Đức và nhiều đảng Xã hội nữa ở những nước Bắc Âu, hiện nay trong Quốc Tế Xã hội, là hậu duệ của Đệ Nhị Quốc Tế Cộng sản và họ lên án kịch liệt Lénine và những người Đệ Tam là đã phản lại lý tưởng xã hội, đã chủ trương độc tài, như bà Rosa Luxembourg đã kết án Lénine.

   Thêm vào đó chữ xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa chỉ là một. K. Marx và Engels đã dùng lẫn lộn 2 chữ trong bản Tuyên Ngôn thư đảng Cộng sản. Engels viết quyển Xã hội chủ nghĩa khoa học và chủ nghĩa xã hội không tưởng ( Socialisme scientifique et Socialisme utopique ) là để chỉ chủ nghĩa cộng sản.

   Ở Á châu, 2 người tiêu biểu hiểu sớm sự sai lầm và nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản là cụ Phan bội Châu và tướng Tưởng giới Thạch.

   Phan bội Châu ( 1867-1940 ) :

   Sau khi cướp chính quyền, rồi thanh lập Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản năm 1919, lúc đầu Lénine theo chiến lược của Marx đó là đánh những nước tư bản ngay tại chính nước họ ; nhưng Lénine thấy không thành, vì những vụ nổi lên ở Đức, ở Hung gia lợi đều thất bại ; năm 1921, Lénine ký hiệp ước thương mại với Anh ; từ đó Lénine đổi chiến lược, từ trực tiếp qua gián tiếp, đánh gián tiếp tư bản từ các nước thuộc địa. Đây phải chăng là một sự thành thật của Lénine hay chỉ là một sự giả dối, vì từ trước đến giờ Lénine vẫn kết án các nước tư bản mà dẫn đầu là Anh quốc ; nay ký hiệp ước thân thiện trao đổi thương mại với Anh, có nghĩa là đầu hàng tư bản ; nên phải tìm cách bào chữa, nói rằng bây giờ đánh tư bản một cách gián tiếp. Có nhiều người đặt câu hỏi khi Lénine đưa ra chiến lược gián tiếp này, Lénine có tin tưởng là nó sẽ đi đến chiến thắng hay không ; vì Lénine là người tôn sùng Clausewitz (1781-1831), nhà tư tưởng quân sự nổi tiếng của Đức. Quyển Bàn về Chiến tranh ( De la Guerre ) của ông đã được Marx và Engels coi như sách gối đầu giường. Theo Clausewitz, thì trong chiến tranh, chiến lược phòng thủ có ưu thế hơn chiến lược tấn công, nhất là phải tấn công từ xa ; vì ông đã tham chiến và tận mắt chứng kiến sự thất bại của quân đội Napoléon khi tấn công Nga năm 1812. Là người phục Clausewitz, không lẽ Lénine lại không hiểu rõ những bài học của ông ta, mà lại chủ trương chiến lược tấn công, nhất là tấn công ở những nước xa xôi ?

   Nhưng cũng vì chủ trương chiến lược tấn công tư bản một cách gián tiếp từ những nước thuộc địa, nên Lénine không những mở trường đại học Đông phương, mà còn cho người đi gặp những nhà tranh đấu cho độc lập của những nước thuộc địa. Chính vì vậy mà người của Lénine đã gặp cụ Phan ở Tàu và Hồ chí Minh ở Pháp vào những năm đầu thập niên 20.Theo như một số sử gia, cụ Phan được người của Đệ Tam trao cho nội qui của Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản, cụ không biết tiếng Nga, nhưng có người đã dịch ra cho cụ. Cụ nhìn thấy rõ là nếu đi theo Đệ Tam, thì có nghĩa là từ bỏ chủ quyền quốc gia, vì nội qui của tổ chức này ghi rõ : tổ chức nào đi theo thì phải tuyệt đối trung thành với ban Lãnh đạo của Đệ Tam. Thêm vào đó cụ đã thấy trước sự sai lầm, nguy hiểm của chủ nghĩa duy vật ; khi cụ nói : «  Tôi chẳng duy vật, tôi chẳng duy tâm, tôi chỉ duy dân.  «  Chính vì vậy mà cụ từ chối khéo với người của Đệ Tam.

   Hồ chí Minh không có cái sáng suốt đó, đã nhắm mắt theo và đã được tổ  chức này huấn luyện để chờ thời cơ cướp chính quyền. Thời cơ đó đã đến là sau Đệ Nhị Thế Chiến. Họ Hồ đã cướp được chính quyền và không ngần ngại đưa nước ta vào trong gông cùm đỏ của Đệ Tam quốc tế ; biến nước ta thành bãi chiến trường của cuộc tranh hùng tư bản cộng sản, dân Việt thành nạn nhân ; mà hậu quả còn kéo dài cho tới ngày hôm nay. Việt nam chúng ta có câu châm ngôn : «  Một người thầy thuốc lầm thì giết một người ; một người thầy giáo lầm thì giết một thế hệ ; một người lãnh đạo lầm thì giết không biết bao thế hệ. » Quả thật là như vậy.

   Tưởng giới Thạch ( 1886-1975) : Thống tướng, nhà quốc khách của Tàu. Năm 1923, Tôn dật Tiên ký Hiệp ước Thân thiện với Lénine. Họ Tôn gửi Tưởng giới Thạch qua Liên Sô để học. Theo nguyên tắc, ông phải ở đó lâu ; nhưng ông về sớm. Người ta hỏi, thì ông trả lời : «  Tôi không có gì để học ở bên đó. » Sau đó ông tiếp : «  Một con người không có xương sống thì suốt đời chỉ nằm với bò ; không sao đứng dậy được. Xương sống của một xã hội là giai tầng trí thức và trung lưu. Cộng sản chủ trương đánh chết 2 giai tầng này, nên xã hội cộng sản không thể nào đứng dậy, phát triển được. » Từ năm 1923 tới nay, ngẫm lời nói trên, chúng ta thấy không sai.

   Hậu quả của chính sách công bằng theo kiểu cào bằng từ trên xuống dưới, kiểu «  Trí phú hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn «  khẩu hiệu của cộng sản Việt Nam khi nổi dậy ở Nghệ An, Hà tĩnh năm 1930, chính là đưa đến phá hoại và bất công.

   I I I ) Quan niệm công bằng là xây dựng từ dưới lên trên ; và xây dựng ở giới trẻ, qua một nền giáo dục tốt.

   Đây là chủ trương của những người Cộng hòa trong cuộc Cách mạng Pháp 1789, của Condorcet và của Jefferson.

   Thật vậy, những người chủ trương chế độ Cộng hoà trong cuộc Cách mạng Pháp, sau khi bàn bạc, định nghĩa và định giá trị cho ba chữ Tự do, Công bằng và Bác ái ( Liberté, Egalité et Fraternité ) , châm ngôn của Cộng hòa Pháp và hiện vẫn còn được dùng ngày hôm nay, họ đã đi đến kết luận là phải đặt Tự do lên trên Công bằng và Bác ái ; vì họ đã ý thức được rằng nếu không có tự do để con người phát triển, để xã hội dân sự lớn mạnh, nếu đặt công bằng lên trên, thì chỉ là cào bằng từ trên xuống dưới, lấy mức thấp của xã hội, của con người làm tiêu chuẩn ; xã hội đó không thể tiến bộ được, chỉ là một xã hội thấp kém và nghèo đói ngang nhau.

   Condorcet : (1743-1794 ), triết gia, nhà toán học và chính trị gia, là bạn của Turgot, Voltaire, d’Alembert và Jefferson. Ông thuộc dòng giõi quí tộc, hầu tước, tên thật là Marie Jean Antoine de Caritat, trở thành nhà tóan học năm 25 tuổi, năm 32 tuổi ông được bầu làm thư ký vĩnh viễn của hàn lâm viện Khoa học Pháp. Ông đam mê tìm hiểu về công bằng, chân lý và giáo dục. Ông chống án tử hình, chế độ nô lệ và đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.

   Khi Cách mạng Pháp bùng nổ, ông theo Cách mạng. Trong Quốc hội Lập hiến, ông chủ trương thành lập nền cộng hòa. Trong Quốc hội Lập Pháp, ông đề nghị chương trình cải tổ giáo dục nổi tiếng sau này. Vào thời Hòa hợp ( Convention), ông đề nghị một dự thảo hiến pháp dân chủ chưa từng thấy lúc bấy giờ. Vào thời Khủng bố ( Terreur ), ông bị bỏ tù và bị đưa ra máy chém ; nhưng ông đã uống thuốc độc tự vẫn trước đó. Chính trong tù, ông viết quyển Lược đồ những tiến bộ của trí tuệ con người ( Esquisse d’un tableau de progrès de l’esprit humain ). Ông tin tưởng ở tiến bộ không ngừng của khoa học. Ông tin rằng sự tiến bộ về trí thức và đạo đức của nhân loại chỉ có thể có được nhờ một nền giáo dục tốt. Nền giáo dục tốt theo ông :

1)     Một nền giáo dục hướng thượng, hướng thực, hướng thiện, lấy sự thật và điều thiện làm tiêu chuẩn ;

2)     Một nền giáo dục nhân bản, lấy con người làm gốc ;

3)     Một nền giáo dục khoa học tiến bộ

4)     Một nền giáo dục đại chúng, phổ thông và cưỡng bách, có nghĩa là bất cứ trẻ em nào đến tuổi thành niên đều được đi học, không phân biệt sang giàu, nghèo hèn, đi học ít nhất cho tới bậc phổ thông ( trung học). Chính quyền bắt buộc phải thi hành trách nhiệm này.

Ông chủ trương công bằng về quyền ( Egalité des droits). Một thí dụ cho dễ hiểu, đó là ai cũng có quyền tự do ngôn luận, phát biểu ý kiến của mình. Nhưng mỗi người một ý kiến khác nhau, hay dở khác nhau ; chứ công bằng không có nghĩa là ai cũng phát biểu cùng một ý kiến, đây là công bằng của nghĩa cào bằng, chỉ làm cho xã hội trở nên nghèo nàn về tinh thần cũng như vật chất.

   Condorcet muốn thực hiện một xã hội công bằng. Nhưng theo ý ông, xã hội này chỉ thực hiện được từng bước một từ dưới lên trên, qua sự xây dựng giới trẻ và qua một nền giáo dục tốt như vừa đề cập ở trên.. Chính vì vậy mà ông đề nghị đạo luật cưỡng bách giáo dục, bắt buộc chính phủ phải làm thế nào để bất cứ trẻ em tới tuổi vị thành niên, không phân biệt giầu nghèo, chủng tộc, đều được đi học cho tới bậc phổ thông.Chương trình giáo dục phổ thông đại chúng và cưỡng bách được áp dụng ở tất cả những nước tự do, dân chủ, tiến bộ là do ý kiến của Condorcet.

   Người áp dụng đầu tiên những nguyên tắc giáo dục này, chính là Thomas Jefferson, bạn của ông.

   Thomas Jefferson ( 1743-1826) : nhà văn chính trị, quốc khách, tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ. Không những là tác giả của bản Tuyên Ngôn Độc lập Hoa Kỳ, ông còn là một trong những người chính sáng lập ra nền Cộng Hòa và nền giáo dục Hoa kỳ.

   Cuộc Cách mạng Hoa Kỳ đã mang 3 ý nghĩa chính : 1) Đó là cuộc cách mạng độc lập cứu quốc ; vì nó giúp dân tộc Hoa kỳ thoát khỏi ách đô hộ của người Anh ; 2) Đó là một cuộc cách mạng dân chủ kiến quốc ; vì nó đã tạo dựng lên được một thể chế chính trị dân chủ, giúp dân tộc Hoa kỳ, dù đến từ nhiều nơi, mang nhiều chủng tộc khác nhau, nhưng vẫn có cơ hội để phát triển, tiến thân. Dân chủ là mảnh đất mầu mở cho con người phát triển ; 3) Đó là một cách mạng giáo dục kiến quốc. Một trong những người đặt nền tảng giáo dục tốt cho Hoa kỳ, đó là Jefferson. Ông đã áp dụng những nguyên tắc giáo dục của bạn mình là ông Condorcet. Ông là thống đốc tiểu bang Virginie. Trong quyển sách Những Quan sát về tiểu bang Virginie, xuất bản năm 1784, ông chủ trương một chế độ tự do, dân chủ nhân bản. Ông cũng như bạn mình quan niệm công bằng là phải xây dựng từ dưới lên trên, với giới trẻ và qua một nền giáo dục tốt.

   Tháng 6/1789, ông đang công tác ở Paris, với ông Adams, tổng thống thứ 2, và Franklin, bác học, một trong những tác giả chính của bản Hiến pháp Hoa kỳ. Vào lúc này là lúc đang diển ra Cách mạng Pháp. Ông đã đứng làm trung gian giữa lãnh đạo của giai tầng Thứ dân ( Tiers Etat) và nhà Vua Pháp, đề nghị một sự hòa giải giữa 2 bên ; nhưng không thành. Ông chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ. Ông còn là một nhà kiến trúc. Đại học Virginie là do ông vẽ kiểu.

   Quan niệm công bằng là cào bằng từ trên xuống dưới, lịch sử nhân lọai cận đại, nhất là lịch sử các nước cộng sản, đã chứng minh quan niệm này hòan tòan sai. Nó đồng nghĩa với phá họai và bất công bằng. Thật vậy, đòi hỏi lương một người bác sĩ đã bỏ bao công lao học hỏi, ngang bằng với lương một người y tá ; bề ngoài thì có vẻ công bằng ; nhưng thực chất ở trong là bất công.. Chúng ta không chủ trương bất công ; nhưng con người sinh ra là đã khác biệt, người này cao hơn người kia, lanh lẹ, thông minh hơn người khác. Đánh đồng tất cả, bắt người nào cũng giống người nào, không những không công bằng, mà còn làm cho xã hội trở nên què quặt và nghèo nàn. Quan niệm : «  Khác biệt trong phong phú, tiến bộ . » , đó chính là quan niệm phát triển tự nhiên của con người và xã hội. Và đó mới chính là công bằng đích thực ; vì công bằng không có nghĩa là cào bằng từ trên xuống dưới ; mà có nghĩa là xây dựng từ dưới lên trên.

                                     Paris ngày 05/12/2008

                                 

         Chu chi Nam

(1) Xin coi thêm Đâu là cách mạng Việt Nam, trên

http://perso.orange.fr/chuchinam/

Category: Chính trị | Views: 689 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0