Thứ Tư, 2024-04-24, 5:12 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Hai » 12 » Việt - Mỹ vừa hợp tác vừa đấu tranh
7:46 AM
Việt - Mỹ vừa hợp tác vừa đấu tranh
11 Tháng 12 2008 - Cập nhật 15h13 GMT

nguồn: BBC

Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Bush ở Nhà Trắng 2008

Hai nước nói tôn trọng lẫn nhau và cùng cam kết hợp tác nhiều mặt

Trong số các tham luận về quan hệ Việt - Mỹ tại hội thảo Việt Nam học 2008, bài của tiến sĩ Hà Mỹ Hương, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, được xem là thẳng thắn, phản ánh khá rõ suy nghĩ hiện nay của nhiều người trong chính giới Việt Nam.

Chuyến thăm Washington của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng tháng Sáu 2008 đã đưa "quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi".

Nhưng tác giả nói trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao vẫn "tiềm ẩn những nhân tố gây căng thẳng, chủ yếu do sự khác biệt chế độ chính trị và do phía Mỹ thường sử dụng các chiêu bài dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo làm nguyên cớ và phương tiện để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam nhằm 'chuyển hoá' Việt Nam".

Bà nhận xét: "Trong sâu xa mặt đấu tranh với Mỹ của Việt Nam trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao lớn hơn mặt hợp tác."

Không lạ khi kinh tế - thương mại là lĩnh vực mà hai nước thoải mái nhất. Từ hơn 10 năm nay (1997 - 2008), Việt Nam luôn xuất siêu sang Mỹ với kim ngạch ngày càng tăng, nhất là từ sau khi BTA có hiệu lực (10/12/2001).

Kể từ khi BTA được ký kết đến nay, quan hệ thương mại hai nước đã tăng 8 lần.

Tuy vậy, ngay cả trong kinh tế, quan hệ Việt - Mỹ cũng gặp "khó khăn, trở ngại chủ quan và khách quan nhất định".

Mỹ chỉ “đang xem xét tích cực”, chứ chưa công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Mỹ có vốn tài trợ ODA lớn nhất thế giới, nhưng chưa bao giờ nằm trong số 10 nhà tài trợ ODA lớn nhất ở Việt Nam.

Quan hệ đặc biệt

Trong mắt Việt Nam, mối giao hảo với Mỹ có "khá nhiều nét đặc thù so với các quan hệ song phương khác".

Cuộc chiến 30 năm trước dù đã lùi vào quá khứ, nhưng "hậu quả và những di chứng mà cuộc chiến tranh này để lại không thể không ít nhiều ảnh hưởng đến quan hệ Việt - Mỹ".

Tác giả nhấn mạnh: "Tính chất vừa hợp tác, vừa đấu tranh (của Việt Nam) hay kiềm chế (của Mỹ) trong quan hệ Việt - Mỹ nổi rõ hơn so với các quan hệ song phương của Việt Nam với các nước lớn khác."

"Về chính trị - tư tưởng, đây là quan hệ giữa hai nhà nước dân tộc có mục tiêu chiến lược đối kháng nhau: Mục tiêu chiến lược của Việt Nam là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, còn mục tiêu chiến lược của Mỹ là chuyển hoá các nước còn khác biệt về thể chế chính trị với Mỹ vào quỹ đạo của Mỹ, đi theo hệ giá trị của Mỹ nói riêng, hệ giá trị, hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa nói chung."

Trong danh sách và thứ bậc quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, quan hệ với Mỹ là "mối quan tâm lớn nhất và quan trọng nhất xét theo cả hai mặt: thuận lợi và khó khăn, thời cơ và nguy cơ".

Dự báo triển vọng

Bà Hà Mỹ Hương dự đoán quan hệ hai nước sẽ vận động theo hướng là "đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”.

Nhưng bà nói tính chất trên chỉ mới là "cam kết hay quyết tâm của lãnh đạo hai nước Việt - Mỹ hiện nay, chứ chưa phải là hiện thực".

"Đối với Việt Nam, Mỹ sẽ tiếp tục vừa là đối tượng mà Việt Nam phải đấu tranh, trước hết trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng, vừa là đối tác hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trước hết là kinh tế - thương mại."

Cách mạng Cam ở Ukraine

Chính giới Việt Nam lo ngại về 'diễn biến hòa bình'

"Song có thể dự báo về tổng thể, xu hướng vận động của quan hệ Việt - Mỹ trong vài thập niên tới là hướng tới xây dựng một khung quan hệ ổn định dựa trên cơ sở những lợi ích song trùng, vì điều này đáp ứng mong muốn của cả hai bên, có lợi cho cả hai bên."

Tác giả khuyến nghị chính phủ "xem việc thúc đẩy tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ và các nước lớn khác là một trong những định hướng chiến lược đối ngoại hàng đầu của đất nước".

"Tuy nhiên, cũng cần hết sức tỉnh táo rằng quá đề cao những lợi ích mà Việt Nam có được từ quan hệ với Mỹ, ngay cả trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, là một sai lầm và ảo tưởng."

"Do vậy, Việt Nam vừa phải coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với Mỹ, vừa phải tăng cường hơn nữa ngoại giao đa phương, đồng thời cố gắng tìm mọi cách tạo lập, củng cố và nâng cao vai trò, vị thế của mình trong các quan hệ song phương khác, trong các tổ chức hợp tác, liên kết quốc tế lớn nhỏ, trước hết là trong ASEAN."

Tác giả kêu gọi giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ trong bối cảnh quan hệ giữa các nước lớn thường "không ổn định, thường diễn biến phức tạp, khó dự báo".

Category: Chính trị | Views: 699 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0