Thứ Bảy, 2024-04-20, 5:28 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 8 » Nghĩ từ một cuộc hội luận về Hồ Chí Minh
7:33 PM
Nghĩ từ một cuộc hội luận về Hồ Chí Minh

Tiến Hồng

«…đảng cộng sản bám víu vào cái gọi là tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh chỉ là muốn lợi dụng cái ông Hồ thực ra không có hay không chắc có để làm bung xung cho ý muốn tham quyền cố vị và đi ngược lại quyền lợi của đất nước…»

Trong năm 2008, qua rất nhiều sự kiện, người dân không còn gì để tin vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Từ cách giải quyết lúng túng nạn lạm phát phi mã do chính mình tạo ra, đến hậu quả cách ứng xử tồi tệ qua vụ án PMU18 và PCI, chưa kể cách giải quyết bạo lực, gian trá trong vụ Thái Hà và Toà Khâm sứ cùng cách ứng xử nhu nhược về tranh chấp biên giới với Trung Quốc…Trong tình hình bế tắc, tiêu cực đầy rẫy trong mọi lãnh vực mà báo chí giờ đây đành câm miệng, một cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ ba với chủ đề «Việt Nam: Hội nhập và Phát triển». Hội thảo lần này dàn trải nhiều đề tài khác nhau, nhưng có một đề tài được chú ý với 7 bài tham luận về ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản.

Một bài viết có ý tô vẽ hình ảnh ông Hồ Chí Minh theo chủ nghĩa cộng hoà chứ không phải cộng sản do giáo sư Yoshiharu Tsuboi trình bày nhan đề”Khảo cứu lại về Hồ Chí Minh” (1).

Một luận điểm như thế tất nhiên có tính cách mỉa mai và trái ngược với quan điểm chính thống của đảng cộng sản: Phải chăng người kết hợp và sáng lập ra đảng cộng sản Việt Nam năm 1930 theo chỉ thị của Quốc tế cộng sản là một tên cộng hoà trá hình và trá hình cho đến khi đi”gặp cụ Các Mác, Lê- nin”? Trừ phi người ta có thể chứng minh được một di chúc khác của ông Hồ được phổ biến ở hải ngoại từ những năm 1980 theo đó ông hối hận đã đi theo con đường cộng sản và mong chế độ cộng sản sớm được giải thể, một mong muốn đã thành hiện thực trừ một vài nước trong đó có quê hương ông!

Giả định của giáo sư Tsuboi theo đó, do những năm tháng sống tại các nước Âu Mỹ, ông đã coi trọng những giá trị của nền cộng hoà Pháp với khẩu hiệu”Tự do, Bình đẳng, Bác ái (fraternité), giả định đó xem ra không có tính cách thuyết phục, ít ra cho đến năm 1945 khi ông nêu lên những giá trị này trong bản Tuyên ngôn độc lập. Và cả trong quốc danh Việt Nam dân chủ cộng hoà với khẩu hiệu Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Đó là cương lĩnh của chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc (2). Dân quyền tự do của Tôn Dật Tiên nhằm thực hiện chế độ dân chủ đại nghị, tam quyền phân lập. Còn dân sinh hạnh phúc thực hiện bằng cách tôn trọng quyền tư nhân sở hữu đất đai và kinh doanh tự do nhưng có kiểm soát vốn.

Chúng ta không có gì xác quyết đậy là sự thay đổi tư duy thực sự của ông Hồ hay chỉ là một công đoạn của tiến trình cách mạng hai giai đoạn mà ông Tưởng Vĩnh Kính đã nêu trong cuốn sách Hồ Chí Minh tại Trung Quốc. Giai đoạn một: dùng chủ nghĩa dân tộc làm chiếc áo che ngoài và thực hiện chính quyền dân chủ của chủ nghĩa tư sản. Giai đoạn hai: thực sự đi vào cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong các tài liệu giảng huấn của Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội (TNCMĐCH) những năm 1925-1929 (tiền thân của Đông dương cộng sản đảng) (3), ông Hồ phê phán những giới hạn của Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 và cả chủ nghĩa Tam dân.

Giáo sư Tsuboi có nêu lên dẫn chứng cho luận điểm của mình. Tháng 8/1944, khi được Quốc dân đảng thả do sự can thiệp tích cực của ông Vũ Hồng Khanh, ông Hồ có nói với tướng Trương Phát Khuê:
“Tuy tôi là một người cộng sản nhưng bây giờ vấn đề mà tôi quan tâm không phải là chủ nghĩa cộng sản mà là độc lập tự do của Việt Nam. Tôi xin hứa với anh một lời hứa đặc biệt: trong vòng 50 năm tới sẽ không thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam".
Trước hết, ông Hồ vẫn khẳng định mình là người cộng sản chứ không phải cộng hoà. Lời hứa 50 năm tới sẽ không thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam là lời nói để an lòng tướng Khuê hay một lời tiên tri vì thấy con đường cộng sản đó không thể thực hiện được ở một đất nước như Việt Nam. Tất nhiên ở đây có mâu thuẫn nội tại trong câu nói. Ông Hồ muốn thực hiện chủ nghĩa Tam dân chăng? Thế thì theo cộng sản để làm gì để cảm tác câu thơ huênh hoang trước đền Kiếp Bạc:”Tôi dắt năm châu đến đại đồng”? Đất nước theo con đường của ông trước hết đã phải trải qua một cuộc chiến giành độc lập kéo dài và hao tổn hàng chục triệu sinh linh mà bây giờ tụt hậu vẫn hoàn tụt hậu.
Trong hồi ký của mình, cựu hoàng Bảo Đại đưa ra nhận định:
“Ban đầu, chúng tôi đều tin rằng chính phủ của Hồ thực sự là một chính thể quốc gia... Tôi gọi Hồ là Anh và ông ấy gọi tôi là Em...

"Nhưng rồi tôi thấy ông ấy đang phải chiến đấu với chính bản thân mình. Ông ấy đã nhận ra rằng Cộng sản không là giải pháp tốt nhất cho quốc gia chúng tôi. Nhưng đã quá muộn. Ông ấy đã không thể cưỡng lại lòng trung thành của chính mình với Chủ nghĩa Cộng sản."
Những đảng viên bênh vực luận điểm của giáo sư Tsuboi thường cho rằng do tổng thống Truman không trả lời đề nghị thừa nhận độc lập của ông Hồ nên ông phải ngả sang cộng sản. Thực tế có nhiều lý do của sự không phúc đáp: ông Allen Dulles giám đốc OSS có thể đã không trao thư cho ông Truman do nghi ngại nhân thân ông Hồ, và có thể lúc đó Mỹ đang quan tâm đến Pháp và kế hoạch Marshal…Mặt khác thời gian này ông Hồ cũng bị Stalin khước từ không thừa nhận độc lập mãi cho đến năm 1950. Ngoài ra, mặc dù có nỗ lực bầu cử và đưa ra hiến pháp dân chủ nhưng những thanh toán đẫm máu đối với những người quốc gia không cộng sản và bộ mặt của Việt Minh ngày càng lộ rõ tính chất cộng sản (phá chùa, nhà thờ, ..) và độc quyền yêu nước (đặc biệt là ở Nam bộ) khiến cho tình hình thêm khó khăn. Cho đến 1951 khi thành lập đảng Lao động thì ông Hồ không còn chọn lựa nào nữa.

Giáo sư Tsuboi cũng đưa ra một minh chứng khác cho luận điểm của mình. Tác giả nhắc lại việc khi là thành viên Quốc tế cộng sản, ông Hồ vẫn cho rằng cần ưu tiên «đấu tranh giải phóng dân tộc giành lại độc lập cho Việt Nam chứ không phải là vấn đề giai cấp. Về mặt này, Hồ Chí Minh không phải là một người cộng sản 'chính thống'».

Luận giải này của giáo sư Tsuboi đã được triển khai trong bài viết của TS Vũ Quang Hiển, Đại học quốc gia Hà nội (4) và hai bài viết khác. Điều đáng chú ý là tuy những chi tiết được phát lộ không có gì mới với giới nghiên cứu nhưng lại được giữ kín để không làm mất uy tín những nhà lãnh đạo đầu tiên của đảng. Giờ đây lịch sử đảng đang được viết lại với những trang đầu đượm màu đen. Và cả những trang kế tiếp kể từ 1953 (cải cách ruộng đất), có bóng dáng ông Hồ khi nổi khi mờ nhưng không hề nhắc tới tên ông.

TS Hiển nêu rõ từ năm 1920 đến 1945, cách mạng Việt Nam chịu sự chi phối chặt chẽ của Quốc tế cộng sản (giải tán năm 1943) chủ yếu thông qua các chiến sĩ cận vệ như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong chứ không phải ông Hồ, và do đó đã « phạm sai lầm giáo điều, tả khuynh ». Ông Hồ vừa bị các đồng chí của mình phê phán gay gắt vừa bị Quốc tế cộng sản nhiều lúc nghi ngờ, có lúc bỏ rơi (1934-1938).

Trần Phú thì đổi tên đảng cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930) thành đảng cộng sản Đông dương (tháng 10/1930) theo lệnh Quốc tế cộng sản và thay thế cương lĩnh sơ khởi do ông Hổ thảo bằng một cương lĩnh đặt nặng đấu tranh giai cấp và thực hiện ngay qua phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930). Phong trào này không những bị đàn áp mạnh mà chủ yếu cho thấy tính cách tàn bạo đấu tranh giai cấp (trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ) của chủ nghĩa cộng sản.

Hà Huy Tập (Tổng bí thư từ 1936-1938) phê phán TNCMĐCH và Nguyễn Ái Quốc”có những sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin",”mắc chủ nghĩa cơ hội trong lý luận và trong thực tiễn, tư tưởng biệt phái, đóng kín". Cuốn Đường Kách Mệnh (!) do ông Hồ viết năm 1927 được coi là «những điều ngu ngốc về lý luận».

Lê Hồng Phong trong những năm 1930 đã phê phán Nguyễn Ái Quốc là”tàn dư của cương lĩnh các nhóm cộng sản cũ đã máy móc chia giai cấp địa chủ thành hạng đại và trung".

Tác giả đề cao ông Hồ coi chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước trái với quan điểm của Quốc tế cộng sản. Quan điểm này chỉ được áp dụng kể từ tháng 5/1941 khi ông chủ trì hội nghị ngả sang «giải phóng dân tộc», tạm gác «cách mạng ruộng đất». Chỉ tạm gác thôi.

Ở đây, có hai điểm cần làm sáng tỏ:

1. Có thể coi ông Hồ là người yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc biệt lập hay không? Không kể những nghi ngờ về ý định ban đầu khi ông viết đơn xin học trường Thuộc địa (1911) , nếu xét kỹ những hoạt động của ông kể từ những năm 1920, ông Hồ luôn tự đặt mình trong khuôn khổ tinh thần Quốc tế cộng sản dù có một số điểm không đồng ý và có lúc bị nghi ngờ. Đặc biệt những hoạt động để thành lập cơ sở đảng cộng sản ở Xiêm những năm 1927-1929 theo lệnh QTCS mặc dù chỉ với thành viên người Việt. Một người chỉ yêu nước thông thưòng không thể có những hành động như thế. Mặc dù độc lập hơn kể từ 1941, người ta vẫn không thể khẳng định tình yêu nước của ông không tách rời tình yêu chủ nghĩa cộng sản. Hồi ký của LM Cao Văn Luận, trong đoạn nói về giai đoạn ông Hồ tham dự hội nghị Fontainebleau (1946), cho thấy đã có lúc ông Hồ để lộ bản chất xác tín này. Niềm xác tín này có thể thay đổi theo năm tháng chăng như có lần ông thố lộ với một ký giả nước ngoài là chúa Ki-tô, Tôn Dật Tiên, Các Mác…có thể cùng vui vẻ bên nhau. Chúng ta không biết, nhưng đảng cộng sản thì vin vào câu nói có lần ông thốt ra: « Yêu nước phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội » để làm khẩu hiệu độc quyền yêu nước.

2. Trách nhiệm của ông đến đâu trong đảng khi thực hiện cải cách ruộng đất theo lệnh Trung Quốc, Liên Xô, xử bắn bà Nguyễn Thị Năm và sau đó là hợp tác hoá nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp. Cả đối với quan niệm tự do tư tưởng trong vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm, bãi bỏ trường Luật… Vai trò của ông ngày càng lu mờ để cho lập trường cực đoan thống nhất bằng mọi giá của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ thao túng... Điều đó mọi người đều biết, đặc biệt được mô tả trong cuốn hồi ký Viết cho mẹ và quốc hội của ông Nguyễn Văn Trấn. Còn những bài viết ca ngợi Bước tiến nhảy vọt của Trung Quốc khiến cho người ta nghi ngờ khả năng tư duy độc lập của ông về xây dựng xã hội quá độ lên xã hội chủ nghĩa của một nước không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Có lần ông định nghĩa «xã hội chủ nghĩa là làm cho dân giầu, nước mạnh» (sic) (5) mà bây giờ đảng cộng sản lấy làm khẩu hiệu. Nhưng ông không chỉ rõ –và thực ra ông không biết- làm sao cho dân giầu, nước mạnh. Người ta chỉ biết việc thực hiện xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã không làm cho dân giầu, nước mạnh so với miền Nam.

Hiện nay, ngay cả một số không nhỏ trong thành phần đảng viên trí thức đều thừa nhận là đảng cộng sản đã thoái hoá đến mức cần phải thay thế. Việc đảng cộng sản bám víu vào cái gọi là tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh chỉ là muốn lợi dụng cái ông Hồ thực ra không có hay không chắc có để làm bung xung cho ý muốn tham quyền cố vị và đi ngược lại quyền lợi của đất nước. Dù đảng cộng sản có tìm cách đổi tên thì cũng chỉ là «rượu cũ, bình mới».

Nhưng thay thế như thế nào ? Bằng cách nào?

Đó là câu hỏi mà mỗi người, mỗi tổ chức yêu nước đều phải tự đăt ra và liên tục đặt ra cho mình.

Rennes 07/01/2009
Tiến Hồng

© Thông Luận 2009

(1) Lê Quỳnh. «Kiến giải của một người Nhật về ông Hồ». BBC. 14/12/2008.
(2) «Chủ nghĩa tam dân». Wikipedia.
(3) Đông dương cộng sản đảng là một thành phần của đảng cộng sản Việt nam (tháng 2/1930) cùng với An Nam cộng sản đảng, Đông dương cộng sản liên đoàn và đảng Tân việt. Đến tháng 10/1930, Quốc tế cộng sản ra lệnh đổi tên đảng cộng sản Việt Nam thành đảng cộng sản Đông dương.
(4) Lê Quỳnh. «Bài học từ quan hệ Việt-Xô». BBC. 11/12/2008.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập.
Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 983 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0