Thứ Sáu, 2024-03-29, 7:38 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 4 » Từ một đảng cách mạng trở thành một đảng phản cách mạng!
12:39 PM
Từ một đảng cách mạng trở thành một đảng phản cách mạng!
79 năm hoạt động của ĐCSVN (3.2.1930 – 3.2.2009)
Từ một đảng cách mạng trở thành một đảng phản cách mạng!
Chứng minh qua Hội nghị Trung ương 9 „Trong ấm ngoài êm“ hay trong ấn ngoài im?
Âu Dương Thệ

- Ngạo mạn quyền lực của các quan lớn XHCN đã đến tột đỉnh
- Các tiền hội nghị chuẩn bị định hướng tư tưởng bịt miệng cán bộ
- Những lí do Tô Huy Rứa được cử vào BCT
- Sách lược giữ “ổn định chính trị” với nội dung cấu kết với bên ngoài và đàn áp bên trong không thể cứu nguy bọn tham quan độc tài!

Những sự kiện đáng lưu ý tại HNTU 9

Ngày 5.1 các đài và báo của chế độ toàn trị đã đưa những tít lớn về ngày khai mạc của Hội nghị Trung ương (HNTU) 9 khóa 10 với gần 160 Ủy viên Trung ương (UVTU) và các quan khách. Trong diễn văn khai mạc Tổng bí thư (TBT) Nông Đức Mạnh cho biết, đây là một hội nghị rất quan trọng, vì các vấn đề trọng tâm được đưa ra thảo luận là:

„Hội nghị lần này sẽ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng trong nửa đầu nhiệm kỳ (2006-2008); kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng chống tham nhũng, lãng phí; 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ. Hội nghị cũng sẽ bàn, quyết định một số vấn đề quan trọng khác“ [1]

Không những thế, trong ngày khai mạc, nhóm có thế lực nhất trong Bộ chính trị (BCT) đã lập lại thủ đoạn quen thuộc để đánh lừa dư luận trong nhân dân và ngay cả các đồng chí. Họ đã cố tình tạo ra một cảm tưởng làm như lần này họ sẽ thảo luận nghiêm túc, biết lắng nghe những ý kiến khác, kể cả những tư tưởng chống đối của các UVTU. Vì thế Nông Đức Mạnh nói trong buổi khai mạc rằng, phải „nhìn thẳng vào sự thật“, và  „tìm đúng nguyên nhân“ [2]. Nghĩa là, họ hứa với gần 160 UVTU về họp kì này sẽ được quyền nói thẳng, nói thật về những vấn đề đang nổi cộm ở trong đảng và những bức xúc bất bình của nhân dân, nhất là mọi người sẽ dám nói thẳng về những nguyên nhân gây ra. Nếu hiểu đúng như vậy thì cần phải có nhiều thì giờ để thảo luận về những điểm đang nổi cộm trong Đảng và những bức xúc của nhân dân. Chính vì thế, theo thông báo chính thức thì HNTU 9 sẽ làm việc từ 5.1 tới 14.1.09, tức là 10 ngày.

Nhưng có một số sự kiện diễn ra trong HNTU đã chứng tỏ hoàn toàn ngược lại những gì người đứng đầu chế độ toàn trị đã nói. Sự kiện thứ nhất về việc này là HNTU 9 đã chấm dứt ngay trong ngày 13.1, tức là kết thúc một ngày sớm hơn so với chương trình dự tính. Điều đáng chú ý khác nữa, Ủy viên BCT Nguyễn Phú Trọng –Chủ tịch QH và người được coi như đang nắm vai trò chủ động trong lãnh vực tư tưởng và đường lối của chế độ, đã rời Hà nội để sang Vạn tượng ngay từ sáng 11.1 để họp Hội nghị thường niên của Diễn đàn Nghị viện châu Á Thái bình dương [3]. Nghĩa là mọi sự đã được dàn xếp xong trước khi HNTU 9 họp, cho nên nhân vật chính của phe độc tài bảo thủ đã không cần phải tham dự 3 ngày họp chót chính thức của HNTU được gọi là bàn về những vấn đề quan trọng. Một sự kiện bất thường khác phải nói tới liên quan tới việc tân đại sứ Trung Hoa Tôn Quốc Tường đã chọn đúng vào ngày HNTU 9 khai mạc để gặp Nguyễn Phú Trọng. Việc chọn này mang một số ý nghĩa: Mặc dầu ông Trọng không phải Chủ tịch nước và cũng không phải Thủ tướng (TT) là những cơ quan mà một đại sứ nước ngoài phải đặc biệt quan tâm trong các hoạt động ngoại giao, nhưng Tôn Quốc Tường đã chọn gặp Nguyễn Phú Trọng trước, chỉ vì ông Trọng có quan hệ rất mật thiết từ nhiều năm qua với phương Bắc. Không những thế đại sứ mới của Bắc kinh lại còn chọn đúng ngày khai mạc HNTU 9 để tạo cho dư luận chú ý là ngay trong dịp quan trong như thế  ông ta vẫn được giới lãnh đạo CSVN dành thì giờ tiếp. Trong dịp này Tôn Quốc Tường đã hả hê nói rằng, „đến VN tôi như được đến người thân“ [4]. Câu này phải hiểu là, đến VN tân đại sứ Bắc kinh cảm thấy như ở nhà riêng của mình! Còn đài Bắc kinh đã cho biết, trong dịp này ông Trọng đã hết lời ca ngợi quan hệ tốt đẹp đa phương giữa hai bên:

„Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói, năm 2008, trao đổi Đoàn đại biểu cấp cao giữa hai nước Việt –Trung diễn ra dồn dập, kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục, hai nước đã hoàn thành đúng thời hạn công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên đất liền, quan hệ hai nước đang ở vào giai đoạn phát triển tốt đẹp„ [5]

Ngoài ra, trong dịp HNTU 9 họp thì Ủy viên BCT kiêm Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng đã đưa ra những tuyên bố ca ngợi quan hệ mật thiết với Bắc kinh. [6]

Một sự kiện quan trọng khác nữa cần để ý đã diễn ra trong HNTU 9, đó là việc nhóm cầm đầu chế độ toàn trị lại coi thường các Ủy viên TUĐ và không cần đếm xỉa gì tới kỉ cương của Đảng, trong đó họ đã tự ý thay đổi chương trình làm việc của HNTU 9. Đúng ra, theo như Thông báo trong buổi khai mạc của Hội nghị thì ngoài việc tổng kết nửa đầu  nhiệm kì khóa 10 (tức 2006-08), HNTU 9 sẽ tập trung bàn về hai vấn đề nổi cộm và rất bức xúc trong Đảng cũng như trong xã hội là tệ trạng tham nhũng, phí phạm của các cán bộ có quyền thế vẫn tiếp tục bung ra và chính sách tuyển chọn cán bộ đã mắc vào những sai lầm nghiêm trọng. Điển hình, như dư luận trong nước và quốc tế đều biết, là việc họ đổi trắng thay đen vụ tham nhũng động trời PMU 18 và việc chính phủ Nhật mới đây đã ngưng các chương trình viện trợ vì nhóm cầm đầu CSVN đã tìm cách bưng bít vụ tham nhũng hàng triệu US Dollar của các quan lớn của thành ủy HCM từ thời Nguyễn Minh Triết còn làm Bí thư Thành ủy liên quan tới công trình xây đường cao tốc Đông-Tây. Quyết định ngưng viện trợ và đòi hỏi phải công khai điều tra vụ tham nhũng này của chính phủ Nhật là một tát tai với nhóm lãnh đạo và làm mất thể diện quốc gia. Nhưng chính hai đề tài quan trọng về tham nhũng và sử dụng cán bộ đã chỉ được bàn qua trong HNTU 9.

Tin cho biết, HNTU 9 đã dành hơn hai ngày đầu để tổng kết các hoạt động nửa nhiệm kì (2006-08) của Khóa 10. Sau đó đúng ra phải dành thì giờ để tập trung thảo luận hai vấn đề nổi cộm nhất trong đảng và nhân dân là kết quả chống tham nhũng như thế nào từ hơn hai năm qua từ khi thực hiện Nghị quyết HNTU 3 (khóa 10, tháng 7.06) trong đó Nguyễn Tấn Dũng là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng. Và vì đâu, vì ai sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ nhưng việc tuyển chọn cán bộ vẫn theo đường mòn là kẻ nịnh hót thì lên chức, những người có tài đức nhưng không chịu luồn cúi thì chỉ ngồi chơi xơi nước? Hay như nhận xét thẳng thắn của nguyên UVTUĐ và cựu Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương „Cha làm quan đưa con vào lãnh đạo“! [7] Nhưng trong thực tế hai vấn đề nóng bỏng này đã không được thảo luận nghiêm túc, đến nơi đến chốn.  Không những thế, trong Thông báo chung kết quả HNTU 9 phần khen, tô hồng „thành tích chống tham nhũng“„sử dụng cán bộ hợp lí“ đã lấn át phần khuyết điểm, còn phần các giải pháp vẫn chỉ nói chung chung lập lại những cách làm mà tới nay đã tỏ là gãi ghẻ ngoài ra, hoàn toàn vô hiệu!

Trong khi đó nhóm cầm đầu bảo thủ độc tài đã dành thì giờ cho một số việc khác không có ghi trong chương trình làm việc lúc đầu của HNTU 9, trong đó họ tập chung vào việc thảo luận cần gìn giữ „Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH“-một cương lĩnh muốn kìm hãm VN tiếp tục trong chế độ độc tài toàn trị- đã được công bố trước đây gần 20 năm (1991 khi Đỗ Mười đang làm TBT và nay Đỗ Mười vẫn là người có nhiều quyền uy mặc dầu không còn giữ một chức vụ gì) và chuẩn bị cùng nhau chia ghế, chia phần ở Trung ương và địa phương cho ĐH 11 vào năm 2010 và đại hội các cấp trong năm nay. Thật vậy, trong bài bình luận về kết quả HNTU 9 trên tờ Cộng sản điện tử ngày 13.1, người ta đã thấy các vần đế mới đã được đưa ra thảo luận so với Thông báo khai mạc của HNTU9 như:

- „đề ra một số việc quan trọng thực hiện đến Đại hội XI của Đảng“, „như tổng kết thực tiễn để tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và bổ sung, phát triển Cương lĩnh…
- chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng….
- Tăng cường củng cố, phát triển những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường….
- Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước….
- Chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội đảng các cấp và nhân sự Đại hội lần thứ XI của Đảng.“ [8]

Trên đây là một số sự kiện rất đáng lưu ý đã diễn ngay trong HNTU 9. Các sự kiện dẫn chứng này nói lên những điều gì?

Chuẩn bị HNTU 9 bằng cách mở những hội nghị chuyên ngành để răn đe đảng viên và uốn nắn dư luận trong Đảng

Nhóm cầm đầu độc tài bảo thủ trong BCT biết rõ là, một số đề tài thảo luận trong HNTU 9 rất nhạy cảm có thể đưa đến những tranh cãi gay gắt. Cho nên họ đã chia nhau đứng ra chỉ đạo một số hội nghị quan trọng trong các lãnh vực sẽ được đưa ra thảo luận tại HNTU 9 với mục tiêu là định hướng tư tưởng, răn đe các  đảng viên cứng đầu và uốn nắn dư luận trong Đảng. Xông xáo đặc biệt nhất là Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng –một ngưới nắm đầu Ban Bí thư (BBT) còn người kia cầm đầu chính phủ.  Một loạt các Hội nghị chuyên đề của nhiều ngành đã được tổ chức và thảo luận ít ngày trước HNTU 9. Đáng kể phải nói tới Hội nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương bàn về công tác kiểm tra 2008 và chuẩn bị công tác này trong 2009 trong hai ngày 24-25.12 ở Hà nội dưới quyền chỉ đạo của Trương Tấn Sang và Nguyễn Văn Chi. [9] Hội nghị Công an toàn quốc họp ở Sài gòn hai ngày 22-23.12 dưới sự chủ trì của UVBCT kiêm Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh và sự chỉ đạo của TT Nguyễn Tấn Dũng.[10] Hội nghị ngành Thanh tra Chính phủ bàn về công tác chống tham nhũng 2008/09 dưới quyền của UVBCT kiêm Phó TT và Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng Trương Vĩnh Trọng họp ở Sài gòn ngày 29.12. [11]  Hội nghị lần thứ 7 của Hội đồng Lí luận Trung ương (HĐLLTU) ở Vĩnh Phúc ngày 29.12 do sự chủ trì của Bí thư trung ương kiêm Chủ tịch HĐLLTU Tô Huy Rứa và sự chỉ đạo của UVBCT kiêm Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang. [12] Và Hội nghị về công tác Lao động 2008/09 do UVTUĐ kiêm Bộ trưởng Lao đông, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển và sự chỉ đạo của Nguyễn Tấn Dũng tại Sài gòn ngày 28.12. [13]

Vào thời điểm cuối năm 2008 khi diễn ra của các hội nghị quan trọng của một số ngành tình hình trong nước và quốc tế có một số đặc điểm mà nhóm lãnh đạo đang phải nhức đầu: Nạn lạm phát phi mã gần 25% trong 2008 vẫn còn là một gánh nặng cho nhân dân chưa giải quyết xong thì đất nước lại trải qua hậu quả rất tai hại của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế quốc tế lớn nhất từ mấy chục năm nay. Cơ cấu kinh tế VN đặt trọng tâm trong xuất cảng cho nên đang bị các hậu quả rất trầm trọng của cuộc khủng hoảng này. Vì ba trong bốn trung tâm nhập khẩu hàng hóa của VN là Mĩ, EU và Nhật sẽ giảm mạnh mức nhập cảng. Còn Trung Hoa, nước buôn bán nhiều nhất của VN, sẽ lợi dụng cơ hội này để ép VN không chỉ trong kinh tế thương mại, mà đặc biệt là trong chủ quyền lãnh thổ, hải phận và hải đảo. Vì thế vào cuối năm 2008 có những ý kiến hoang mang và lo ngại đã được một số nhân vật đưa ra. Họ cho rằng phải triệu tập Quốc hội (QH) họp bất thường trước nguy cơ rất xấu trong kinh tế và xã hội. Chính Vũ Văn Ninh, UVTUĐ và Bộ Trưởng Tài Chánh, đã phải xác nhận „Tình hình đang có chiều hướng rất xấu" và Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận đã cho biết: "Nếu cần thiết, QH có thể họp bất thường" [14]

Những tín hiệu báo động rất xấu về sự suy đồi kinh tế rất nhanh ở VN đã vượt qua những dự đoán chủ quan của nhóm cầm đầu, như mức tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ chỉ còn chừng 5%, mức xuất khẩu sẽ giảm mạnh, đầu tư của nước ngoài vào VN cũng sẽ giảm nhiều. Tình hình kinh tế xấu sẽ tác động trực tiếp lên các vấn đề lao động, xã hội và giáo dục, đảng viên đang xao xuyến, nhân dân càng bất mãn…Trong tình hình đó thì nạn thất nghiệp sẽ gia tăng mạnh. Phía nhà cầm quyền đã đưa ra con số là số người thất nghiệp trong năm 2009 có thể gia tăng thêm 3 triệu người. Điều này có nghĩa là nhiều người lao động sẽ lâm vào cảnh đói nghèo, những bất mãn của công nhân sẽ bung ra và vì thế các cuộc đình công sẽ có thể nổ ra nhiều hơn và mạnh hơn.

Không những thế, trong mấy năm gần đây nhóm cầm đầu độc tài bảo thủ đã tăng cường các biện pháp rất ngang ngược, tàn bạo thách đố nhiều thành phần trong xã hội. Như chính sách bất công cưỡng ép nông dân phải bán lại ruộng đất theo giả rẻ để cho các cán bộ thuộc phe cánh có quyền thể bán lại và ăn hoa hồng từ các nhà đầu tư nước ngoài xây các nhà máy, xí nghiệp và cả các sân Golf hoành tráng đã gây bất mãn rất lớn trong giới nông dân ở nhiều nơi. [15] Thái độ nuốt lời hứa của TT Nguyễn Tấn Dũng với Tòa Tổng giám mục (TGM) Hà nội trong vụ các khu đất ở Tòa Khâm Sứ và nhà thờ Thái hà cùng với thái độ xuyên tạc trắng trợn của của những người đứng đầu thành ủy Hà nội và các cơ quan báo chí của chế độ đối với TGM Ngô Quang Kiệt và các cuộc cầu kinh cùa hàng ngàn giáo dân đã cho thấy sự ngạo mạn quyền lực tàn tệ nhất của những người có quyền lực. Họ còn bôi nhọ các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất (GHPGVNTN) và dùng các thủ đoạn để phân hóa giáo hội này. Sự tha bổng nguyên Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến, tiếp đến là việc chuẩn bị của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công an ra lệnh và cả đe dọa báo chí phải biết cách viết, cách nói phù hợp với mắt và tai của bọn tham quan và độc tài trước khi đưa  ra tòa một số nhà báo tố cáo tham nhũng trong vụ tham nhũng nghiêm trọng PMU 18 đã chứng tỏ những người cầm đầu của chế độ độc tài toàn trị đã đổi trắng thay đen, công khai coi thường pháp luật để bảo vệ cho bản thân, gia đình và phe nhóm. Bên cạnh đó là các quyết định độc tài của nhóm cầm đầu chế độ cố tình ngăn cấm các tiếng nói trung thực và sự thông tin tự do của các Blogger trên các mạng lưới điện tử ở trong nước. Tất cả những biện pháp trên đây không chỉ chứng tỏ thái độ ngạo mạn quyền lực đã đạt đến cực điểm của nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị đối với dư luận VN và quốc tế. Nhưng mặt khác, việc này cũng còn cho thấy uy tín của họ ngày càng suy giảm và sự cô lập của họ đối với nhân dân ngày càng gia tăng.

Một chế độ toàn trị từng có nhiều kinh nghiệm mấy chục năm trong việc bảo vệ ngai vàng, quyền lực và tiền bạc cho một nhóm người, tất sẽ đưa ra những biện pháp vừa có tính cách xoa dịu, vỗ về, ru ngủ nhưng họ sẽ không quên sử dụng các biện pháp đàn áp thẳng tay và các thủ đoạn chia để trị không chỉ với nhân dân mà ngay cả trong nội bộ của phe cầm quyền.

Sách lược sử dụng song phương các biện pháp „mềm“ và „cứng“ để giữ „ổn định chính trị“, nghĩa là tìm cách kéo dài độc quyền cho phe nhóm, đã được thể hiện rất rõ ràng trong thời gian gần đây.

Để tìm cách xoa dịu sự bất mãn của các viên chức, người về hưu, thương phế binh và gia đình các liệt sĩ,.. nhóm cầm quyền đã tăng lương nhỏ giọt từ đầu năm nay cho các ngạch thấp, tăng trợ cấp cho những người đang sống nhờ trợ cấp xã hội, ra quyết định đình chỉ một số công trình xây dựng các sân Golf, hứa mua thêm nông phẩm, trong dịp Tết Kỉ Sửu còn tuyên bố không để một người dân nào không được hưởng Tết…Đối với các chuyên viên, nhân sĩ và văn nghệ sĩ thì nhóm lãnh đạo độc tài bảo thủ lại để cho Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tại cuộc họp vài ngày sau HNTU 9 phất lại ngọn cờ  làm „phản biện“ trong xã hội, nghĩa là hứa để cho MT này được quyền cùng ngồi chiếu ngang hàng với nhóm cầm quyền!

Bên cạnh chính sách mềm là một loạt các biện pháp cứng nhằm răn đe và ngăn chặn sự nổi dậy của nhân dân.Tại Hội nghị Công an Toàn quốc do Lê Hồng Anh chủ trì và Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, trong lời phát biểu người đứng đầu chính phủ đã hết lời khen ngợi những biện pháp đàn áp nhân dân của lực lượng công an trong năm 2008:

„Ngành Công an cũng đấu tranh ngăn chặn kịp thời và hiệu quả các hành vi kích động biểu tình gây rối, bạo loạn của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh ở các địa bàn chiến lược. Phát hiện và  đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá từ bên ngoài của các tổ chức phản động người Việt lưu vong, ngăn chặn kịp thời ý đồ công khai hóa và liên kết hình thành tổ chức chính trị phản động trong nước.“ [16]

Không những thế Nguyễn Tấn Dũng còn tự khen sự nuốt lời hứa của chính mình trong vụ Nhà Chung và Thái Hà, đồng thời ca ngợi các hành động đàn áp của công an đối với các giáo dân:

„Thủ tướng biểu dương việc giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật vụ việc tại 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), góp phần củng cố thêm niềm tin trong nhân dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ.“ [17]

Đặc biệt trong dịp này người cầm đầu chính phủ còn cảnh báo lực lượng công an về khả năng gia tăng các biến động trong các giới công nhân, nông dân, trí thức, nhà báo và những người dân chủ trước hoàn cảnh kinh tế khó khăn và những bất mãn đối với chế độ. Từ đó Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh cho bộ máy đàn áp phải tìm mọi cách ngăn chặn các cuộc biểu tình, đình công…

„ngành [CA] phải làm tốt vai trò  nòng cốt trong việc đấu tranh và phòng chống tội phạm, chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện sớm mầm mống tội phạm đối lập để xử lý kịp thời, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, khủng bố, bảo đảm an toàn các sự kiện, các hội nghị lớn trong năm.“ [18]

Trước đó Lê Hồng Anh đã khen ngợi các biện áp đàn áp của các lực lượng công an, đồng thời xuyên tạc và bôi đen các hoạt động đòi nhân quyền, tự do dân chủ của nhân dân:

„Đấu tranh ngăn chặn kịp thời và hiệu quả ý đồ kích động biểu tình gây rối, bạo loạn của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh ở các địa bàn chiến lược. Phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá từ bên ngoài của các tổ chức phản động lưu vong người Việt; ngăn chặn kịp thời ý đồ công khai hóa và liên kết hình thành tổ chức chính trị phản động trong nội địa.“ [19]

Một cuộc họp quan trọng khác để định hướng cho HNTU 9 là Hội nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTU) họp ở Hà nội vào hai ngày 24-25.12. Trong diễn văn khai mạc Nguyễn Văn Chi, Ủy viên BCT kiêm Chủ tịch Ủy ban này, một mặt đã phải nhìn nhận tình hình nội bộ đảng không bình thường:

„chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật về tình hình nội bộ Đảng ta hiện nay, tìm ra các giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng“ [20]

Nhưng cùng lúc đó người đứng đầu cơ quan Kiểm tra của Đảng lại răn đe các cấp ủy trong việc chuẩn bị các cuộc bầu cử đại hội đảng bộ các cấp dưới cũng như cử người về dự ĐH 11 không được để xảy ra „sự cố“ [21] , tức là đừng để cho các đảng viên chống đối nhảy được vào các cơ quan này! Đáng chú ý hơn nữa là Nguyễn Văn Chi còn công khai nói về sự bày kế của Ban Bí thư Trung ương cho các vây cánh ở các đảng bộ cấp dưới biết cách chuẩn bị để có thể tiếp tục giữ ghế, giữ phần bằng cách „tự điều chỉnh, tự giải quyết những vấn đề xẩy ra trong đảng bộ mình“ :

„Ban Bí thư đã nhắc nhở các cấp uỷ đảng, đặc biệt là các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương ngay từ năm 2009 phải tự điều chỉnh, tự giải quyết những vấn đề xảy ra trong đảng bộ mình, như: những tồn tại về quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý các dự án, khai thác tài nguyên khoáng sản, dự án phát triển thuỷ điện nhỏ; vi phạm trong chi tiêu ngân sách, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, độc đoán, gia trưởng, mất đoàn kết nội bộ…“ [22]

Trong thực thế, thực hiện lời khuyên của BBT mà Nguyễn Văn Chi đã thố lộ thì các cán bộ đang nắm quyền lực ở cấp tỉnh và thành ủy từ năm 2009 sẽ tìm cách ém nhẹm các vụ tham nhũng, lãng phí, lạm quyền và đồng thời thanh toán các đảng viên không ăn cánh ra khỏi các chức vụ quan trọng. Những cán bộ nào muốn được cất nhắc lên nắm các chức vụ quan trọng hơn phải ngả theo phe đang nắm thượng phong, hoặc ít nhất phải im lặng và nín thở. Lời khuyên này và cũng là cách răn đe của Nguyễn Văn Chi đã có tác dụng ngay trong HNTU 9 ít ngày sau đó.

Để chuẩn bị cho Hội nghị về Công tác Lao động 2009 họp vài ngày sau đó, ngày 25.12 bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã xác nhận tình trạng sẽ xẩy ra nạn thất nghiệp lớn ở VN trong năm 2009. Nhưng khi được hỏi là liệu những người thất nghiệp có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp đúng thời hạn như luật pháp qui định hay không, bà Ngân đã trả lời một cách vô trách nhiệm:

„bảo hiểm thất nghiệp mặc dù triển khai từ 1/1/2009 nhưng phải 1 năm sau mới có hiệu lực nên tất cả những đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 thì sang năm 2010 mới được hưởng chế độ.“ [23]

Không chỉ vô trách nhiệm, người đứng đầu bộ này còn ngạo mạn không cho biết lí do tại sao bộ này đã không thi hành đúng Luật về bảo hiểm thất nghiệp ngay từ đầu năm 2009 mà lại dời tới một năm sau, mặc dầu nạn thất nghiệp đang gia tăng! Trong khi ấy Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị về Công tác lao động còn đánh mạnh thêm nữa, lập lại đòi hỏi mà ông đã nói trong Hội nghị Công an toàn quốc vài ngày trước là phài tìm cách ngăn cản các cuộc đình công của công nhân.

„Thủ tướng lưu ý lãnh đạo Bộ quan tâm giải quyết đình công, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện tốt Luật Lao động, chủ động trong việc giải quyết hài hòa người sử dụng lao động và lao động, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế thấp nhất xảy ra tình trạng đình công“ [24]

Như vậy mọi người đã thấy rõ, qua các hội nghị quan trọng của một số ngành vào tháng 12.08 những người cầm đầu chế độ toàn trị đã tìm cách định hướng tư tưởng và uốn nắn thái độ của các cán bộ cấp cao tham dự HNTU 9 ít ngày sau đó!

Tại sao Tô Huy Rứa được bầu bổ túc vào BCT


Trong HNTU 9 đã có một số cải tổ nhân sự trong BCT, BBT, TUĐ và UBKTTU. Nhưng đáng để ý nhất là việc Tô Huy Rứa đã được bầu thêm vào BCT, nâng tống số lên là 15 người. Với việc được bầu vào BCT trong HNTU 9 và đồng thời vẫn giữ chân trong BBT nên  Tô Huy Rứa được coi là người đang có thế lực rất mạnh trong hai cơ quan có quyền lực mạnh nhất của chế độ. Không những thế, Tô Huy Rứa còn đảm nhiệm hai chức vụ mà theo truyền thống của ĐCSVN được coi là rất then chốt, đó là Trưởng ban Tuyên giáo và Chủ tịch HĐLLTU. Như vậy ông Rứa hiện nay là người chỉ đạo chính ở cấp cao nhất các công tác ý thức hệ, tư tưởng, báo chí, văn học và tuyên truyền. Chẳng thế mà ngày 14.1 chỉ một ngày sau khi HNTU 9 bế mạc và công bố Tô Huy Rứa trở thành UVBCT thì phiên xử vụ tham nhũng đất đai và nhà cửa của nhiều quan lớn ở thành phố Hải phòng đã bị đình hoãn với lí do rất mập mờ.[25] Vụ tham nhũng này đang gây bất bình lớn trong dư luận từ mấy năm nay nhưng vẫn được cấp trên tìm cách ém nhẹm, mặc dù Nguyễn Tấn Dũng đã coi đây là một trong 13 vụ án tham nhũng „trọng điểm“ phải sớm đưa ra xét xử! Người ta biết rằng, vào thời điểm xẩy ra vụ các quan lớn ở Hải phòng lợi dụng quyền lực để chiếm đất công thành nhà riêng thì  Tô Huy Rứa đang là Bí thư Thành ủy Hải phòng.

Ai theo dõi sát tình hình hoạt động của các nhân vật chính của chế độ toàn trị từ sau ĐH 10 tới nay thì việc nhẩy vào BCT trong HNTU 9 vừa qua của Tô Huy Rứa không đáng ngạc nhiên. Trong nhiều năm qua Tô Huy Rứa được coi là cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trọng trong các công tác tư tưởng, lí luận, tuyên truyền và báo chí. Tô Huy Rứa sinh 1947, quê ở Thanh hóa, tố nghiệp đại học ở Liên xô cũ, Tiến sĩ triết và Phó giáo sư, là UVTU từ khóa 8 (1996), từng là Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chánh HCM, Bí thư thành ủy Hải phòng. Từ ĐH 10 (2006) được bầu vào Ban bí thư TU, sau đó giữ các chức Chủ tịch Hội đồng Lí luận TU và Trưởng Ban Tuyên giáo TU. Một số những chức vụ này quan trọng này trước đó nằm trong tay Nguyễn Phú Trọng.

Đối với nhóm lãnh đạo độc tài bảo thủ thì trong các năm gần đây Tô Huy Rứa đã đóng góp công lao lớn trong việc bảo vệ quyền và lợi cho nhóm này. Một trong những thành tích mà ông Rứa đã giúp nhóm này là đóng góp tích cực để biến vụ tham nhũng động trời PMU 18, liên quan tới cả gia đình Nông Đức Mạnh và nhiều nhân vật quan trọng khác, thành một vụ án nhỏ. Đặc biệt là trong tư cách Trưởng ban Tuyên giáo nắm sinh mệnh toàn bộ các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí và văn nghệ sĩ, Tô Huy Rứa chỉ trong hơn hai năm đã đưa các hoạt động báo chí và những người làm báo phải đi vào lề do nhóm độc tài bảo thủ chỉ định.

Ông Rứa còn ra lệnh cách chức hoặc cho về vườn một số tổng biên tập, phó tổng biên tập cứng đầu, đồng thời đưa ra tòa kết án một số kí giả từng có can đảm viết các bài tố tham nhũng, đặc biệt trong vụ PMU 18. Không những thế Tô Huy Rứa còn cho tổ chức môt cuộc họp bắt các người đứng đầu các cơ quan truyền thông và báo chí nghe giải thích một chiều các lí do sẽ đưa một số nhà báo ra tòa vì biết bài tố cáo tham nhũng trong vụ PMU 18.[26] Qua đó ông Rứa đã bước vào vũng bùn của những người tiền nhiệm là ngạo mạn, lạm dụng quyền lực… Mới đây Tô Huy Rứa còn ra lệnh cho Bộ Thông tin và Truyền thông ra Quyết định số 52 ngày 2.12.08 bắt các cơ quan báo chí và kí giả phải „xác dịnh nguồn tin trên báo chí“ [27], nghĩa là phải cho cấp trên và cơ quan công an biết rõ nguồn tin lấy từ đâu, hay từ ai. Điều này hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc căn bản bảo vệ bí mật các nguồn tin của một nền báo chí tự do. Tất cả những việc làm này của Tô Huy Rứa có mục đích rất rõ ràng là bịt miệng báo chí và đàn áp các kí giả và làm sống dậy chủ nghĩa  minh họa và thần thánh hóa lãnh tụ!.

Công lao quan trọng thứ ba của Tô Huy Rứa đối với nhóm độc tài bảo thủ là ông làm người môi giới để gia tăng liên hệ về tư tưởng, ý thức hệ, đường lối và tổ chức với ĐCS Trung Hoa (TH). Chỉ trong hai năm với tư cách là Chủ tịch HĐLLTU Tô Huy Rứa đã cầm đầu phái đoàn ĐCSVN tham dự cuộc Hội thảo lí luận lần thứ 3 với ĐCSTH ở Bắc kinh từ 28 đến 30.7.07 vởi chủ đề „Phát triển khoa học, hài hòa giữa kinh tế và xã hội trong xây dựng chủ nghĩa xã hội – lí luận và thực tiễn“ [28]. Và gần đây từ 31.10 tới 2.11.08 Tô Huy Rứa đã đứng ra tổ chức cuộc Hội thảo lí luận lần thứ 4 giữa hai đảng  ở Hà nội với chủ đề „Những vấn đề lí luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thông – Kinh nghiệm VN, kinh nghiệm Trung quốc“. Cầm đầu phía ĐCSTH là Ủy viên Thường vụ BCT Chu Vĩnh Khang. [29]

Chính vì thế Tô Huy Rứa đang trở thành người thân tín của nhóm lãnh đạo độc tài bảo thủ. Sở dĩ được sự tin cẩn này vì ông Rứa cũng rất bảo thủ trong lãnh vực tư tưởng và rất cao ngạo về tư cách. Thật vậy, những phát biểu gần đây của ông trong tư cách là Trưởng ban Tuyên giáo và Chủ tịch HĐLLTU về những vần đề tư tưởng và văn hóa đã tự biểu lộ rất rõ tính cực kì bảo thủ và thái độ ngạo mạn. Trong bài dài đăng liên tiếp trong hai số Tạp chí Cộng sản (TCCS) tháng 3 và 4.08 nói về xây dựng văn hóa dân tộc Tô Huy Rứa đã khẳng định rằng, „xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kì mới“ thì phải tiếp tục „lấy chủ nghĩa Mác-Lê-nin …làm tư tưởng chủ đạo“.[30]  Ông Rứa cố tình cưỡng chế và gán ghép văn hóa dân tộc phải phát triển trong khuôn mẫu tư tưởng Mác-Lê. Tô Huy Rứa đã cố tình quên hay phủ nhận sự thực là, các tư tưởng này chỉ mới có hơn thế kỉ sau này, còn dân tộc VN đã có từ mấy ngàn năm. Nếu dám đặt vấn đề lên trên bàn để thảo luận thì thử hỏi tư tưởng nào đã bần cùng hóa dân tộc ta và tàn phá đất nước trên nửa thế kỉ qua?  Tô Huy Rứa tuy là có học nhưng đã tôn thờ chủ nghĩa Mac-Lê nên đã đánh mất tinh thần của một người trí thức, tinh thần của người khoa học. Một người như vậy là đã tự đánh mất lương tâm, lòng tự trọng và như thế là đã tự đánh mất mình!

Ngoài ra, trong hành động, với tư cách là Trưởng ban Tuyên giáo, ông Rứa đang làm cho sống dậy những chính sách đàn áp thô bạo người cầm bút và vực dậy bộ máy cai văn nghệ, cai báo chí từ thời Tố Hữu trước đây. Trong thời gian qua ngoài việc đàn áp các nhà báo và báo chí cứng đầu trong vụ PMU 18, Tô Huy Rứa còn chĩa mũi dùi tấn công các văn nghệ sĩ:

„Trong sáng tác văn học, nghệ thuật còn không ít tác phẩm chưa thể hiện được tính chất tiên tiến, dậm đã bản sắc dân tộc  …
Một bộ phận văn nghệ sĩ có khuynh hướng xa rời thiên chức sáng tạo và trách nhiệm công dân …
Gắn liền với hạn chế trên là xu hướng xuyên tạc, bóp méo lịch sử quá khứ, hạ bệ thần tượng, thậm chí có tác phẩm độc hại…“
Một số ít văn nghệ sĩ  bị những thế lực thù dịch kích động, lôi kéo làm chao đảo lập trường, tư tưởng, hoài nghi sự lãnh đạo của Đảng…“
[31]

Không những thế, như đã trình bầy ở trên, trong hơn hai năm làm Trưởng ban Tuyên giáo việc mở cuộc họp bí mật trong năm qua bắt những người cầm đầu các cơ quan bao chí, truyền thanh và truyền hình phải tới nhận chỉ thị và nghe cách giải thích một chiều việc chế độ chuẩn bị đưa một số nhà báo cứng đầu ra tòa vị đã tố cáo vụ tham nhũng PMU 18 đã chứng tỏ rõ ràng nhất việc Tô Huy Rứa đã ngạo mạn cùng cực, lợi dụng quyền lực để bảo vệ những người cầm đầu chế độ đã vi phạm pháp luật! [32]

 Nói tóm lại, các dẫn chứng trên về những hành động và thái độ của Tô Huy Rứa đã cho thấy, người vừa được bầu vào BCT là người  cực kì bảo thủ trong tư tưởng và hành động thì tàn bạo, coi thường pháp luật. Ở đây người ta thấy ông Rứa đang vực dậy các phương pháp độc quyền tư tưởng, minh họa lãnh đạo, cai văn nghệ và đàn áp những người cầm bút  như dưới thời Tố Hữu trước đây. Chỉ có điều khác là, thời Tố Hữu thì CNXH đang lên, còn hiện nay thì CNXH đang về chiều. Thành thử những ý đồ và phương sách của Tô Huy Rứa không thể có tương lai!

Nếu thực tình dám nhìn thẳng sự thực và dám nói thẳng nguyên nhân, như Nông Đức Mạnh từng tuyên bố trong buổi khai mạc HNTU 9, thì những người cầm đầu chế độ toàn trị hãy mời GS Hoàng Tụy tới thảo luận. Chính mới đây GS Hoàng Tụy đã nói thẳng rằng, nhiều người tốt nghiệp ở các đại học ở Liên xô trước đây và đang có quyền lực hiện nay đã tự đánh mất lương tâm và lòng tự trọng của trí thức trước vinh hoa của quyền và lợi:

„Dễ bị lâm vào thế ếch ngồi đáy giếng, dễ mắc bệnh vĩ cuồng, không hòa nhập vào dòng chảy văn minh của thời đại, không chấp nhận luật chơi quốc tế, rồi ngày càng tụt hậu mà vẫn tự ru ngủ mình, tự đánh lừa mình, và đánh lừa nhân dân mình với những thành tích không có thật. Chạy theo danh hão, chạy theo quyền lực, chạy theo chức tước, là căn bệnh thời đại của trí thức VN.  Chưa bao giờ trong xã hội ta có nhiều Xuân Tóc Đỏ như bây giờ.“[33]

Sách lược „trong ấm ngoài êm“  để  „ổn định chính trị“

Trong ba phần đầu của bài này người viết đã dẫn chứng một số sự kiện đã diễn tiến trước và trong HNTU 9. Những sự kiện trên đây nói lên điều gì? Muốn hiểu nó thì phải biết rõ động cơ thầm kín và thái độ thực sự của nhóm độc tài bảo thủ hiện nay.

Sau chuyến đi Bắc kinh Nông Đức Mạnh đã cho mở cuộc họp của Ban Đối ngoại Trung ương vào ngày 30.6.08. Tại đây ông Mạnh đã nhấn mạnh, chính sách đối ngoại là do Đảng trực tiếp lãnh đạo, tức là thuộc quyền của ông chứ không phải của TT Nguyễn Tấn Dũng (sau chuyến đi Mĩ tháng 6.08). Ngoài ra, trong cuộc họp này ông Mạnh còn giải thích đường lối đối nội và đối ngoại nói chung, đặc biệt chính sách „hợp tác toàn diện“ với TH  mà ông gói ghém trong câu „trong ấm ngoài êm“. [34] Cụm từ bốn chữ này chứa đựng một nội dung sách lược làm thế nào để giữ „ổn định chính trị“, nghĩa là làm thế nào để nhóm độc tài bảo thủ có thể trụ vững tiếp tục trong giai đoạn mà tình thế bên ngoài ngày càng bất lợi và tình hình trong nước ngày càng bất ổn. Theo dõi các việc làm của họ trong thời gian gần đây thì sách lược giữ „ổn định chính trị“ của nhóm cầm quyền hiện nay bao gồm một số vế chính là: 1. Gắn chặt hơn nữa với Bắc kinh về nhiều mặt. 2. Có những biện pháp chiều lòng và khuyến khích đầu tư của nước ngoài vào VN. 3. Mua chuộc, cô lập và thanh toán ngầm các đảng viên bất mãn. 4. Vỗ về và chia để trị các thành phần ngoài đảng. Nhưng đồng thời đàn áp thẳng thay các người dân chủ, các nhà báo, các tôn giáo chống đối, ngăn cản các cuộc biểu tình khiếu kiện của nông dân và các cuộc đình công của công nhân.

Như mọi người thấy, để „ngoài êm“ cho nên trong chuyến thăm Bắc kinh vào cuối tháng 5.08 Nông Đức Mạnh đã thỏa thuận với Hồ Cẩm Đào mở rộng hợp tác toàn diện giữa hai đảng và hai nước không chỉ trong lãnh vực ý thức hệ, mà cả trong chính trị, đối ngoại, an ninh quốc phòng và kinh tế, thương mại. Trong tháng 10.08 Nguyễn Tấn Dũng cũng phải sang Bắc kinh nghe Hồ Cầm Đào chỉ thị việc thi hành sách lược hợp tác mới này.[35]  „Êm“ với phương Bắc là phải biết yên phận im lặng và cúi đầu, nhẫn nhục chịu đựng các đòi hỏi ngang ngược đang gia tăng trong thời gian gần đây về lãnh thổ, hải phận và hải đảo của Bắc kinh.  Cũng vì thế cho nên Nguyễn Phú Trọng  vẫn phải dành thời gian ngay trong ngày khai mạc HNTU 9 để tiếp đại sứ mới của Bắc kinh. Vài ngày trước HNTU 9 hai bên tuyên bố là hoàn thành việc cắm mốc biên giới. Cho nên không ngạc nhiên là cả trong Thông báo chung và diễn văn bế mạc HNTU 9 của Nông Đức Mạnh trong các phần nói về chính sách đối ngoại, các cụm từ „bảo vệ các hải đảo“ đã không còn thấy, chỉ còn lại các từ chung chung „bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ“. [36] Cả trong Tuyên bố của Pham Gia Khiêm trong dịp này cũng vắng bóng cụm từ „bảo vệ các hải đảo“. [37] Có lẽ nhóm này lo sợ „húy“ với phương Bắc nên không còn dám dùng cụm từ này nữa?!

Để có „ổn định chính trị“ họ cũng cần tới đầu tư của tư bản nước ngoài và viện trợ của của phương Tây. Tiền bạc của tư bản đổ vào VN sẽ làm cho kinh tế vươn lên một phần, nhờ thế họ  hi vọng là nhân dân sẽ tín nhiệm. Không những thế, đầu tư và viện trợ của phương Tây với nhiều tỉ Dollar còn là chỗ để nhóm này chia chác, xà xẻo và tham nhũng làm giầu bất chánh và bảo vệ phe nhóm. Vì thế họ đã sáng tạo nhiều mánh lới đề làm „êm“ các nhóm tư bản bên ngoài. Cụ thể như chiều chuộng, tăng bốc hết mình các giới này, dành ưu tiên cho những nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những ai biết „chịu chơi“, được mua nhà đất với giá hạ, kể cả cho mở những sân Golf hoành tráng! Không những thế họ còn im lặng trước việc nhiều xí nghiệp nước ngoài bóc lột tàn nhẫn công nhân VN và đang phá hoại nghiêm trọng môi trường ở nhiều nơi trong nước! [38]

 Vế thứ ba trong sách lươc giữ „ổn định chính trị“ của nhóm cầm đầu độc tài bảo thủ là tìm cách làm cho „trong ấm“, bằng cách mua chuộc, cô lập và thanh toán ngầm các đảng viên bất mãn. Họ đã thực hành kế hoạch này bằng cách tổ chức hàng loạt các hội nghị chuyên ngành trước khi có HNTU 9 như đã trình bày trên đây. Trong các hội nghị này họ vừa mua chuộc vừa dọa dẫm các cán bộ, đảng viên, hứa hẹn sẽ cho các ghế ngon trong các cơ quan tỉnh  ủy, thành ủy trong cuộc bầu năm nay 2009 và trong ĐH 11 vào năm tới. Cho nên không ngạc nhiên là tại HNTU 9 hai vấn đề nổi cộm nhất là tệ trạng tham nhũng và chính sách tuyển dụng cán bộ … đã êm du, không thấy có những tranh cãi lớn. Đó là nhờ HNTU 9 đã dành một phần thời giờ quan trọng để họ bàn về cách chia ghế, chia phần!

Vế thứ tư trong sách lược giữ „ổn định chính trị“ của nhóm cầm đầu độc tài bảo thủ tập trung vào chính sách đối nội, tức thái độ hành xử với từng thành phần trong xã hội. Ở đây họ đã dùng cụm từ „trong ấm“ mà thâm ý đã được Nông Đức Mạnh nói tại Hội nghị của Ban Đối ngoại trung ương ngày 30.6.08. Trong đó, một mặt họ vỗ về và chia để trị các thành phần ngoài đảng. Nhưng đồng thời đàn áp thẳng thay các người dân chủ, các nhà báo, nhà văn, các tôn giáo chống đối; ngăn cản các cuộc biểu tình khiếu kiện của nông dân và các cuộc đình công của công nhân.

Ngoài một số biện pháp nhằm xoa dịu nhân dân như tăng lương nhỏ giọt vào đầu năm nay trước nạn lạm phát phi mã làm cho hàng triệu công nhân, viên chức phải lâm vào cảnh nghèo đói. Đối với các giới chuyên viên và trí thức thì họ lại lập lại khẩu hiệu để cho MTTQ giữ vai trò „phản biện“. Thành thử chỉ vài ngày sau HNTU 9 kết thúc thì Hội nghị của Ủy ban Trung ương MTTTQ được triệu tập và phất lại ngọn cờ „phản biện“ [39] mà nhiều người đã mỉa mai là muốn „để chuột kiểm tra mèo“! Nhưng đối với những người dân chủ, các tôn giáo và những người cầm đầu các cuộc biểu tình của công nhân và khiếu kiện của nông dân thì họ tìm mọi cách tăng cường các biện pháp đàn áp và khủng bố. Có thể nói là từ sau ĐH 10 đến nay chính sách khủng bố các giới này đã được thẳng tay phát động. Trong gần ba năm qua, mấy chục người dân chủ đã bị giam giữ, nhiều nhà báo đã bị tù tội, nhiều người cầm đầu các cơ quan báo chí đã bị cách chức, nhiều tu sĩ GHPGVNTN và Công giáo đã bị mạ lị, bôi nhọ và xuyên tạc.  Rõ ràng những hành động đàn áp trắng trợn này của nhóm lãnh đạo độc tài bảo thủ không phải là „trong ấm“, mà đúng ra phải nói là „trong ấn“, nghĩa là tìm mọi cách trấn áp tàn bạo những người khác chính kiến!

Chắc chắn thời gian tới nhóm cầm đầu độc tài bảo thủ sẽ tăng cường các biện pháp đàn áp không chỉ với các thành phần nhân dân chống đối mà ngay cả những đảng viên bất mãn. Việc này đã được Nông Đức Mạnh xác nhận trong buổi bế mạc HNTU 9:

 „Chủ động phát hiện từ xa, từ sớm và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường công tác bảo vệ đảng và bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, kết hợp với chống âm mưu „diễn biến hòa bình“ và xử lí biểu hiện „tự diễn biến“, „tự chuyển hóa“. Tiếp tục xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với chế độ XHCN..“ [40]

***

Tóm lại, muốn hiểu được những tính toán, các bước đi và cách hành động của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị hiện nay ở VN thì cần phải nắm vững cách tổ chức các cơ quan cao nhất của chế độ này, biết được cách vận hành của các bộ máy đàn áp tư tưởng và công an, hiểu được những động cơ thực sự thầm kín của một nhóm người có quyền lực mạnh nhất trong BCT để biết tại sao họ thường nói vậy nhưng không phải là vậy!

Phải biết rằng, trong mọi trường hợp, mục tiêu cốt lõi nhất của những người cầm đầu chế độ, trước đây, hiện nay và cả tương lai, là quyết giữ quyền lực trong tay. Đối với họ quyền lực là trọng nhất, đấy là tiêu chuẩn giá trị về cuộc sống của họ. Không thể để mất quyền với bất cứ giá nào. Để thực hiện mục tiêu này, họ phải sử dụng đủ các thủ đoạn và quỉ kế: Phải dựa vào phương Bắc, phải có thật nhiều tiền bạc và phương tiện, phải thực hiện các biện pháp, đòn phép dã man nhất và hiểm độc nhất để loại đối phương bằng tiêu diệt, bằng thỏa hiệp để làm câm miệng. Có hiểu như vậy mới hiểu được thâm ý của câu nói „trong ấm ngoài êm“ của Nông Đức Mạnh, người cầm đầu chế độ toàn trị.

Ngày nay đa số nhân dân ngày càng nhận ra chân tướng của nhóm cầm đầu độc tài bảo thủ: Chính quyền lực và tiền bạc đã khiến họ trở thành tham quan và biến thành bạo chúa. Ở đâu quyền lực và tiền bạc không được phân chia công bằng, phân minh và trong sáng, không được kiểm soát chặt chẽ, thì ở đấy sẽ sinh ra lạm quyền, tham nhũng, bất công và đàn áp. Một xã hội rơi hoàn cảnh đó giống như một con ngựa không cương!

Trước đây 79 năm ĐCSVN ra đời tự nhận là một đảng cách mạng, nhưng  khi cướp được chính quyền thì quyền lực và tiền bạc qua mấy thế hệ đã làm nhóm cầm đầu ngày càng tự diễn biến thành những phần tử phản cách mạng. Biên giới giữa cách mạng và phản cách mạng rất mong manh. Vì tính tham lam và ngạo mạn đã làm họ mù và điếc, không thể thấy và nghe được uất ức của nhân dân đang đứng lên nguyền rủa!

Trong một xã hội thiếu vắng các cơ chế dân chủ đa nguyên và tự do báo chí đã được thử nghiệm thành công trong nhiều nước văn minh tấn tiến thì sách lược giữ „ổn định chính trị“ để nhằm củng cố quyền lực và thu vén tiền bạc cho một nhóm nhỏ, như những người độc tài bảo thủ của CSVN đang thi thố chắc chắn không thể thành công. Vì sách lược này chứa đựng nội dung và thủ đoạn cúi đầu trước Bắc kinh, vỗ về tư bản bóc lột, nhưng lại đàn áp thô bạo những người yêu nước khác chính kiến. Do đó, trong thực tế sách lược „trong ấm ngoài êm“ phải nói cho đúng là „trong ấn ngoài im“! Một sách lược phản động, phản cách mạng như thế chỉ là giải pháp tình thế, thụ động nên không thể có một tương lai lâu dài!

Âu Dương Thệ

GHI CHÚ
[1] . Cộng sản điện tử (CS) 5.1
[2] . Nông Đức Mạnh, diễn văn khai mạc HNTU 9, CS 5.1
[3] . Chính phủ điện tử (CP) 11.1
[4] . CS 15.1
[5] . Đài BK 6.1
[6].  Phạm Gia Khiêm, sự kiện lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt-Trung, CP 14.1
[7] . Vietnam Net (VNN) 14.1
[8] . CS 13.1
[9] . CS 24-25.12
[10] . CS 22-23.12
[11] . CP 29.12
[12] . CS 30.12
[13] . CP 28.12
[14] . Quân đội nhân dân điện tử 28.12
[15] .  Nguyễn Thanh Nga, A-lếc-xơ Ua-ren, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lãnh vực xây dựng và bất động sản – Thực trạng và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Cộng sản (TCCS),11.08, tr.60-66
[16] . Nguyễn Tấn Đũng tại Hội nghị Công an toàn quốc, CP 22.12
[17] . CP 22.12
[18] . CP22.12
[19] . Lê Hồng Anh tại Hội nghị Công an toàn quốc , Công an nhân dân điện tử 24.12
[20] . Nguyễn Văn Chi tại Hội nghị Ủy ban Kiểm tra trung ương,CS 24.12)
[21] .  Như trên
[22] . Như trên
[23] . CP 25.12
[24] . Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị công tác lao động 2009,  VNN 29.12
[25] . BBC 13,14.1
[26] . Cuộc họp này đã được thâu băng và lọt ra bên ngoài, RFA 10.10.08
[27] . Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông 2.12.08
[28] . TCCS 9.07
[29] . TCCS 12.08
[30] . TCCS 4.08,tr.8
[31].  Tô Huy Rứa, tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật VN trong tình hình mới,TCCS 8.08,tr. 27-28
[32] . RFA, như trên
[33] . Hoàng Tụy, để có lớp trí thức xứng đáng, Tia sáng 6.12.08
[34] . Nhân dân 2.7.08
[35] . Âu Dương Thệ, chuyến đi đầu tiên thăm Bắc kinh của Nguyễn Tấn Dũng, Tạp chí Dân chủ &Phát triển số 37, 1.09, tr.57-62
[36] . Xem diễn văn bế mạc của Nông Đức Mạnh và Thông báo chung của HNTU 9, CS 13.1
[37] . Phạm Gia Khiêm, Thành tựu thời gian qua, nhiệm vụ thời kỳ mới của ngoại giao Việt Nam  CS 9.1 và Ngoại giao VN 2008: tích cực, chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì sự phát triển và nâng cao vĩ thế của đất nước, CS 6.1
[38] . Nguyễn Thanh Nga, A-lếc-xơ Ua-ren, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lãnh vực xây dựng và bất động sản – Thực trạng và những vấn đề đặt ra, TCCS,11.08, tr.60-66
[39] . CP, 16.1
[40] . Diễn văn bế mạc của Nông Đức Mạnh, CS 13.1

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
www.dcpt.org     hay    www.dcvapt.net
Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 781 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0