Thứ Sáu, 2024-04-19, 6:49 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 9 » Nhiều doanh nghiệp dệt may trước nguy cơ phá sản
10:14 PM
Nhiều doanh nghiệp dệt may trước nguy cơ phá sản

2009-02-07

Sau 2 năm ngành dệt may VN chiếm vị thế đáng kể trên thị trường thế giới, thì hiện số liệu của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp dệt may cho thấy ngành dệt may VN đang đối mặt với khó khăn nghiêm trọng.

Photo AFP

Công nhân Việt Nam làm việc ở một xưởng sản xuất áo quần thể thao cho hãng Nike ở TP. HCM.

Thanh Quang tìm hiểu diễn biến này, và trình bày hầu quý vị như sau:

Trong mấy ngày nay, có nhiều nguồn tin trong nước báo động về viễn tượng không mấy sáng sủa liên quan hàng dệt may VN, với những bài báo tựa đề như “Nhiều doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa” hay “Phá sản diễn ra với các doanh nghiệp dệt may”.

Số liệu của Bộ Công Thương VN cho thấy thậm chí ngay trong dịp Tết vừa vồi, là lúc thường khi hút hàng, nhưng nhiều công ty may mặc đã bị thất thu khá nặng khi lượng quần áo người lớn, chẳng hạn, bán hồi tháng Giêng vừa rồi chỉ được khoảng 94% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn đặt hàng giảm mạnh

Do tình trạng đơn đặt hàng bị giảm mạnh, nên đã có một số doanh nghiệp tại những nơi như Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An … đã phải ngưng hoạt động, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của hàng loạt công nhân may mặc.

Còn những công ty nào không đủ mạnh về tài chánh để giữ công nhân lại thì chắc là họ phải đóng cửa hay là họ chuyển qua làm một ngành nghề khác.

Ô. Ngô Đăng Tiến

Hồi tháng 11 năm ngoái, khi lên tiếng với báo VietnamNet, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM có cảnh báo về vấn đề phá sản, cho rằng “đến thời điểm hiện nay hiện tượng phá sản đang bắt đầu diễn ra với các doanh nghiệp có sức đề kháng yếu kém, đầu tư dàn trải nhiều ngành nghề ngoài dệt may”.

Ông Diệp Thành Kiệt viện dẫn số thống kê của TQ cho thấy 67 ngàn doanh nghiệp ở Hoa Lục bị phá sản, nên ông tiên đoán rằng “sắp tới VN sẽ bị tác động, trong đó chắc chắn lãnh vực dệt may sẽ bị thiệt hại nặng.”

Và ông nêu lên lý do chính là các hợp đồng đặt hàng đang trên đà giảm mạnh do nhu cầu thị trường Hoa Kỳ, Âu Châu, và cả Nhật Bản bị hạn chế đáng kể.

Chúng tôi tìm hiểu thêm về khó khăn hiện giờ của ngành dệt may VN, và được ông Ngô Đăng Tiến, Trưởng Phòng Kinh Doanh Xuất Nhập Khẩu thuộc Công ty Cổ Phần May Việt Thắng tại Sàigòn cho biết:

Ông Ngô Đăng Tiến: Sức tiêu thụ tại các thị trường Mỹ, châu Âu giảm nên dĩ nhiên đơn đặt hàng may của VN xuất khẩu sang các thị trường ấy cũng bị giảm theo. Các nhà máy hiện ít đơn hàng hơn. Lượng hàng hiện giờ họ giảm tới 20 – 30%.

Thanh Quang: Như vậy số công nhân dệt may VN hiện trong tình trạng ra sao, thưa ông?

Ông Ngô Đăng Tiến: Bây giờ những công ty nào còn đủ sức thì họ cũng bù cho công nhân để giữ số công nhân đó lại làm cho tương lai sau này. Còn những công ty nào không đủ mạnh về tài chánh để giữ công nhân lại thì chắc là họ phải đóng cửa hay là họ chuyển qua làm một ngành nghề khác.

Thanh Quang: Ông vừa nhắc tới việc “đóng cửa” thì trong mấy ngày nay, nhiều nguồn tin trong nước đề cập tới chuyện có nhiều doanh nghiệp dệt may VN đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa. Vấn đề này ra sao?

Ông Ngô Đăng Tiến: Công ty tôi cũng nằm trong số đó. Nhưng hiện giờ tôi vẫn còn đơn hàng nên vẫn duy trì hoạt động được. Khi mình làm ra hàng với chất lượng tương đối khá thì vẫn còn khách hàng, tuy số lượng có giảm. Còn những doanh nghiệp nhỏ, đa số gia công lại, tôi nghĩ chắc chắn không tồn tại nỗi.

Thanh Quang: Cũng có tin cho rằng hàng dệt may VN xem chừng như thất thế đáng ngại trước hàng dệt may TQ – về giá cả và mẫu mã đa dạng. Vấn đề này như thế nào?

Ông Ngô Đăng Tiến: Tại vì Trung Quốc có lợi thế hơn, họ có đủ điều kiện, từ máy móc, nguyên vật liệu… có sẵn tại nước họ. Còn mình một phần phải nhập khẩu, nên bất lợi hơn họ.

Tìm kiếm thị trường mới

Thanh Quang: Nghe nói ngành dệt may VN hiện dự tính giảm bớt mức lệ thuộc vào các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Âu Châu, và quay sang chú trọng tới những thị trường mới như Trung Đông, châu Phi…Xin ông cho biết về triển vọng này?

Hầu hết doanh nghiệp VN chưa được trang bị kỹ lưỡng để hội nhập nên đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy thoái kinh tế thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất.

Ô. Diệp Thành Kiệt

Ông Ngô Đăng Tiến: Việc đó thì chúng tôi cũng đã thực hiện, nhưng thị trường Trung Đông, châu Phi không nhiều bằng thị trường châu Âu và Mỹ. Dù sao thì những thị trường mới này cũng là yếu tố giúp giải quyết khó khăn hiện nay khi các doanh nghiệp VN thiếu những đơn hàng từ châu Âu, Mỹ. Và đây chỉ là một bước thôi, và cần thời gian lâu dài mới giải quyết được.

Thanh Quang: Trong tình hình hiện nay, chính phủ có trợ giúp gì không cho công nhân dệt may, thưa ông?

Ông Ngô Đăng Tiến: Dạ có chứ. Hiện nay chính phủ VN bù lãi suất cho các doanh nghiệp làm hàng, cho vay vốn lưu động. Hiện nay chúng tôi vẫn được hưởng việc cho vay với lãi suất 8% hay 6%/năm, thì nhà nước bù cho chúng tôi lại 4% lãi suất để công ty chúng tôi đỡ khó khăn hơn.

Thanh Quang: Đó là việc giúp công ty, thế còn công nhân thì sao?

Ông Ngô Đăng Tiến: Công nhân thì nếu khan hiếm hàng, công ty lấy nguồn dự trữ bù cho công nhân. Chúng tôi có dự trữ từ năm ngoái rồi, vì dự đoán được khó khăn này.

Vừa rồi là ông Ngô Đăng Tiến thuộc Công ty May Việt Thắng, Sài Gòn. Trong khi đó, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ Tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TPHCM cũng lưu ý thêm qua báo VietnamNet rằng, mặc dù VN đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, nhưng “hầu hết doanh nghiệp VN chưa được trang bị kỹ lưỡng để hội nhập nên đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy thoái kinh tế thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất” của VN.

Các chuyên gia cảnh báo rằng tình hình dệt may VN sẽ còn gặp rắc rối hơn nữa khi giá hàng hóa tại các thị trường nhập khẩu chủ chốt hàng dệt may của VN, như Hoa Kỳ, Âu Châu, dự trù cắt giảm hơn 20%, trong khi chính Hoa Kỳ sẽ giảm nhập lượng hàng dệt may của VN tới 15%.

Điều này có nghĩa là hàng dệt may VN sẽ gặp phải sức cạnh tranh gay gắt ở thị trường hải ngoại trong thời gian tới.

Category: Kinh tế | Views: 976 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0