Thứ Bảy, 2024-04-20, 8:17 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 15 » Ngập ngừng miễn cưỡng xác định chủ quyền
11:21 AM
Ngập ngừng miễn cưỡng xác định chủ quyền

Lê Vĩnh - Nguyễn Thanh Văn

Trong hai ngày 6 và 7 tháng 5 vừa qua, Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đã đệ nạp 2 hồ sơ về thềm lục địa Việt Nam cho Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục địa Mở rộng của Liên Hiệp Quốc (viết tắt là CLCS). Như vậy nhà cầm quyền Hà nội đã hoàn tất việc đăng ký này trước thời hạn 13/5/09 theo Công Ước về Luật Biển 1982 (viết tắt là UNCLOS), mà họ đã ký kết năm 1994. Công ước này qui định mỗi nước ven biển có vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở (tức bờ biển) của nước này. Công Ước về Luật Biển cũng ấn định nếu thềm lục địa kéo dài hơn 200 hải lý, thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng ngoài 200 hải lý gọi là thềm lục địa mở rộng.

Nếu chỉ đọc mẩu tin vừa kể, người ta có thể cho rằng đây là một nỗ lực đáng khen của Nhà Nước. Tuy nhiên, đi vào chi tiết của hai hồ sơ đó, người ta dễ dàng nhận ra ngay rằng các lãnh đạo Đảng và Nhà Nước CSVN chỉ làm việc này để xoa dịu sự bức xúc và hy vọng nhờ đó sẽ làm giảm áp lực từ nhân dân Việt Nam, cùng lúc tránh né đụng chạm Bắc Kinh; chứ không nhằm mục đích để Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục địa Mở rộng Liên Hiệp Quốc xác định thềm lục địa mở rộng của Việt Nam. Hậu quả của sự tính toán này có thể sẽ khiến Việt Nam bị mất hầu hết vùng Biển Đông. Tại sao?

Trước khi phân tích hai hồ sơ nói trên, cần phải nhắc lại ở đây một quy định mang tính cách thủ tục của CLCS như sau: “Trong trường hợp có sự tranh chấp lãnh hải hay đất liền, ủy ban sẽ không xét và chấp nhận tính hợp lệ lá đơn đệ trình của bất cứ nước nào liên quan đến chuyện tranh chấp này,” vì Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa Mở rộng (CLCS) không đóng vai trò như tòa án quốc tế để giải quyết chuyện tranh chấp lãnh hải giữa các quốc gia.

Trong hồ sơ về thềm lục địa phía nam, nộp chung với Mã Lai hôm 6 tháng 5, điều 4.1 ở trang 2, Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam ghi rõ: “Vẫn còn có những vùng đang trong vòng tranh chấp, chưa giải quyết” (1). Như vậy, dù không hoàn toàn tuân thủ quy định thủ tục của CLCS, Nhà Nước CSVN vẫn làm đúng bổn phận tuyên nhận chủ quyền quốc gia trong hồ sơ quốc tế.

Nhưng đến hồ sơ thềm lục địa phía bắc, tức vùng thềm lục địa liên quan đến Trung Quốc, được nộp ngày 7 tháng 5, thì Hà Nội ghi ở trang 3, điều 4, là không có sự tranh chấp trong vùng này (2). Tuy nhiên, ở phần giới thiệu mở đầu của bản văn dài 8 trang, viết bằng Anh ngữ của hồ sơ thứ hai họ lại ghi rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Kiểu xác định nhập nhằng này làm bật lên nhiều câu hỏi:

Trong vùng thềm lục địa phía bắc, đối tác chính có vấn đề với Việt Nam là Trung Quốc. Nếu bảo rằng không có tranh chấp thì các vụ hải quân Trung Quốc ngang nhiên bắt bớ, bắn giết ngư dân Việt trong vùng này không hề xảy ra sao? Việc Trung Quốc xua đuổi các tàu thăm dò dầu khí ký kết với Việt nam cũng trong vùng này không hề xảy ra sao? Và nếu coi như không có, thì quả đúng là các lời tuyên bố phản đối của đại diện Nhà Nước CSVN về các vụ việc này suốt mấy năm qua chỉ là chuyện "nói cho có lệ". Nhà Nước chẳng có ý định bảo vệ sinh mạng nhân dân hay tài sản đất nước.

Với sự xác nhận là không có tranh chấp nào đối với Trung Quốc, người ta cũng có thể hiểu rằng Hà Nội đã đồng ý và thoả thuận với những đòi hỏi của Bắc Kinh nên không còn tranh chấp nữa. Nếu đúng vậy thì câu xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam cũng lại là một câu "nói cho có lệ" khác. Vì trong thực tế Trung Quốc đang chiếm đóng cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa; mà Hà Nội lại không "tranh chấp" gì chuyện đó.

Hơn thế nữa, trong bản đồ đính kèm hồ sơ về thềm lục địa phía Bắc, Nhà Nước CSVN chỉ vẽ thềm lục địa Việt Nam đến gần 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rồi ngừng lại. Và họ khỏa lấp sự thiếu sót có chủ ý đó bằng giòng chữ "sẽ cung cấp sau". “Sau” là bao giờ? Tại sao một hồ sơ ở cấp quốc gia lại thiếu phần quan trọng nhất, phần cần xác định nhất như vậy? Và đến khi bổ túc "sau", liệu hồ sơ còn giá trị gì không khi thời hạn đăng ký theo quy định của Liên Hiệp Quốc đã hết?!

Mặc dù đã né tránh tới mức đó, cả hai lần Nhà Nước CSVN nộp hồ sơ về thểm lục địa vừa kể, Trung Quốc đều lập tức gửi công hàm phản đối và yêu cầu UNCLOS không cứu xét các hồ sơ đệ nạp của Hà Nội. Bắc Kinh cho rằng hồ sơ Việt Nam "bất hợp pháp và không có giá trị". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Mã Triều Húc tuyên bố hồ sơ của Việt Nam là "xâm phạm trắng trợn chủ quyền Trung Quốc" và tái khẳng định Trung Quốc có "chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở Nam Hải, gồm Tây Sa và Nam Sa và vùng biển lân cận."

Trước thái độ cực kỳ trịch thượng đó của Bắc Kinh, ông Nguyễn Quang Vinh, Vụ trưởng vụ Biển thuộc Ban Biên giới Quốc gia, đã giải thích rằng, báo cáo mà các nước nộp lúc này chỉ có tính khoa học thuần túy về địa chất, địa mạo để làm cơ sở cho các liên quan về sau, chứ không có giá trị phân định ranh giới. Điều ông Nguyễn Quang Vinh giải thích mang đầy nét một lời xin lỗi đối với Bắc Kinh và càng tự xóa giá trị 2 hồ sơ thềm lục địa mà Nhà Nước của ông vừa đệ nạp.

Ngoài các quyền lợi chính trị khiến các lãnh đạo Đảng CSVN hiện nay không dám làm mất lòng Trung Quốc, công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng xác nhận vùng biển của Trung Quốc bao gồm hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa, cũng khiến Hà Nội “há miệng mắc quai" và đang là nền tảng cho các hành động lấn chiếm của Bắc Kinh tại biển Đông.

Tóm lại, với thái độ ngập ngừng, miễn cưỡng và tự xóa giá trị việc xác định thềm lục địa Việt Nam, 15 thành viên Bộ Chính Trị Đảng CSVN một lần nữa lại đặt các quyền lợi chính trị của riêng họ lên trên các giá trị và quyền lợi của cả quốc gia. Dân tộc Việt Nam cứ mất dần và có xác suất sẽ mất trắng những vùng đảo, vùng biển truyền đời của cha ông, một khi CLCS công nhận những gì Trung Quốc đòi hỏi trong hồ sơ của họ. Đứng trước viễn cảnh này, người Việt Nam cần phải làm những gì? Đây là điều sẽ được đề cập đến trong bài kế tiếp.

— -

Ghi chú:
(1) Hồ sơ thềm lục địa phía Nam (ngày 6/5):
http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_mysvnm_33_2009.htm
có đoạn:
"4.1 The two coastal States wish to inform the Commission that there are unresolved disputes in the Defined Area of this Joint Submission. This Joint Submission......"

(2) Hồ sơ thềm lục địa phía Bắc (ngày 7/5):
http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_vnm_37_2009.htm
có đoạn:
"4. Absence of disputes
In accordance with Paragraph 2(a) of Annex I to the Commission’s Rules of Procedures, Vietnam wishes to inform the Commission that there is a common understanding that the area of continental shelf which is the subject of this Submission is of overlapping interests expressed by relevant coastal States. Nevertheless, subject to the provisions of UNCLOS 1982, Vietnam is of the view that the area of continental shelf that is the subject of this Submission is not a subject of any overlap and dispute. Further, Vietnam wishes......."

Nguồn: Việt Tân
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 745 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0