Thứ Sáu, 2024-03-29, 8:16 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 29 » Lấy Đất và Cướp Nước?
1:42 PM
Lấy Đất và Cướp Nước?


§ Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long

RFA 27/05/2009 -- Thứ Hai 25 vừa rồi, ba cơ quan quốc tế công bố báo cáo đầu tiên về một hiện tượng rất mới là nhiều quốc gia thiếu nông sản đã mua hoặc thuê đất của xứ khác, tại châu Phi, châu Á, hay Trung Nam Mỹ, để khai thác và xuất khẩu về nước.

China-in-Africa.jpg

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào dự lễ động thổ một công trình xây dựng của Trung Quốc ở Mali hôm 13-2-2009. AFP PHOTO/Habib

Hiện tượng ấy nên được gọi là "cướp đất" hay là cơ hội phát triển cho các nước nghèo mà thừa đất canh tác? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hiện tượng mới lạ ấy qua cuộc trao đổi sau đây giữa Việt Long cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

Phúc trình của LHQ

Việt Long: Hôm Thứ Hai 25 vừa qua, hai cơ quan về lương nông của Liên hiệp quốc và một trung tâm nghiên cứu tại Luân đôn đã công bố bản báo cáo về hiện tượng xứ này canh tác đất đai xứ khác để giải quyết yêu cầu về nông sản và lương thực của mình. Hình như đây là một hiện tượng mới lạ nên quốc tế mới chú ý nghiên cứu. Vì vậy, chương trình kỳ này sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này. Trước hết, xin ông cho biết về bối cảnh của chuyện ấy...

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi lại làm nhiều người thất vọng khi trả lời là chuyện này cũ mà mới! Cũ vì việc xứ này khai thác đất đai xứ khác dưới nhiều dạng khác nhau là hiện tượng đã từng có từ lâu, nhưng lại mới vì vụ lấy đất canh tác này có những đặc tính khác biệt chưa từng thấy.

Khi vấn đề xảy ra, truyền thông và nhiều cơ quan quốc tế đã báo động về nạn "cướp đất", nên hai cơ quan của Liên hiệp quốc là Lương nông FAO và Quỹ Phát triển Canh nông Quốc tế IFAD mới cùng viện Nghiên cứu Quốc tế về Môi sinh và Phát triển IIED tại London tìm hiểu. Hôm Thứ Hai, họ cho biết kết quả sơ khởi trong bản phúc trình dày hơn 140 trang vừa được công bố.

Việt Long: Vẫn nói về bối cảnh, có gì là cũ và những gì là mới trong hiện tượng ấy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta chỉ nói riêng về việc dùng đất hợp pháp, là có sự thoả thuận đôi bên, thì từ lâu rồi, các nhà đầu tư từ xứ này đã mua lại nông trại hay nông trường xứ khác để canh tác lấy lời, là chuyện xảy ra tại Phi Châu hơn nửa thế kỷ trước, hoặc tại Nga sau khi Liên xô tan rã.

Từ năm 1996, Trung Quốc cũng ráo riết đầu tư theo chiến lược "hướng ngoại" của họ vào nhiều nông trại tại Cuba, Lào, Mexico và Philippines và từ năm ngoái thì muốn đầu tư thêm vào nước Úc, nước Nga hay Phi châu hoặc Mỹ châu La tinh. Cho nên, đây không là một chuyện mới.

Chuyện mới bây giờ là kích thước có quy mô rất cao của hiện tượng lấy đất. Người ta không chỉ mua hay thuê lại nông trường mà nghĩ tới nhiều khu vực rộng lớn từ trăm ngàn hecta hay mẫu tây trở lên.

Thí dụ như Trung Quốc đang thương thuyết việc khai thác một khu vực rộng hai triệu 800 ngàn hecta tại Congo để khai thác dầu làm cồn thay xăng, hoặc năm 2007 đã tính thuê hơn một triệu mẫu đất cho một dự án tại Philippines mà sau này dự án bị hủy bỏ.

Chuyện mới thứ hai, người ta không chỉ lấy đất để khai thác cây công nghiệp đa niên như trà, cà phê hay cao xu mà muốn sản xuất lương thực hay loại nông sản có thể chế cất thành cồn thay xang, là năng lượng sinh học, hoặc biofuels.

Thứ ba, với quy mô lớn như vậy, các dự án lấy đất không còn là công trình đầu tư của tư nhân - như ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đầu tư vào việc chăn nuôi gia súc tại Trung Quốc - mà là kế hoạch giữa chính quyền xứ này với chính quyền xứ khác. Dù là do doanh nghiệp nhà nước khai thác, vai trò của chính quyền trong việc thương thảo và thực hiện các dự án là một yếu tố rất mới.

Và sau cùng, cũng rất mới, vì là dự án quy mô của chính quyền, hiện tượng chiếm đất đi cùng hiện tượng di dân. Như năm nay, người ta tính ra là Trung Quốc sẽ đưa qua Phi Châu cả triệu lao động nông dân nên cũng gây lo ngại cho các nước châu Phi...

Nguyên nhân

Việt Long: Bây giờ, chúng ta tìm hiểu về nguyên nhân, vì sao lại có hiện tượng mới lạ ấy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta hãy cùng đi từ gốc đến ngọn. Gốc là quốc gia đầu tư vào đất đai, ngọn là quốc gia nhượng đất.

Nguyên nhân thứ nhất là yêu cầu an toàn thực phẩm của các quốc gia thiếu đất canh tác để nuôi đủ miệng ăn trong nước. Thí dụ như Trung Quốc là xứ có sản lượng lương thực cao nhất thế giới mà vẫn không đủ ăn cho một dân số quá đông và có diện tích canh tác chỉ bằng một phần ba của bình quân thế giới và diện tích canh tác ấy còn bị thu hẹp vì tiến trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Hoặc như các xứ Á Rập bán dầu tại Trung Đông không có khả năng sản xuất lương thực vì đất đai khô cằn nên tìm cách đầu tư vào đất đai xứ khác.

Đó là cái nhân. Cái duyên là nạn lương thực và nông sản đột ngột tăng giá vào cuối năm kia và đầu năm ngoái nên việc cung ứng lương thực cho dân chúng trở thành một ưu tiên chiến lược. Đã thế, vì lương thực bỗng thành khan hiếm, nhiều xứ bèn hạn chế xuất khẩu để giữ giá khỏi tăng trong nước nên các nước thiếu ăn càng khó nhập khẩu vào phải đầu tư ngay từ gốc để bảo đảm có đủ lương thực cho mình.

Nguyên nhân thứ hai cũng nằm trong đà tăng giá thương phẩm năm ngoái, nhất là dầu thô. Vỉ vậy nhiều nước phải nghĩ tới năng lượng sinh học nên muốn sản xuất thêm nông sản để cất thành cồn. Đó là trường hợp các nước Âu Châu.

Chinese-workers-in-VN.jpg

Chinese-workers-in-VN-305.jpg Thậm chí người Trung Quốc còn đặt nhiều tên đường VN bằng tiếng Hoa. Ảnh: đường Dong Fang, được tập đoàn điện khí Dong Fang Trung Quốc, trúng thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, đặt tên. Ở công trình này, tên các con đường nội bộ đều do nhà thầu Trung Quốc đặt.

Bây giờ, dù giá xăng dầu có hạ so với đỉnh cao tháng Bảy năm ngoái, người ta vẫn cho rằng dầu khí là khoáng sản hữu hạn sẽ cạn dần nên các nước muốn chuyển qua loại năng lượng sinh học và phải sản xuất nông phẩm tại xứ khác.

Việt Long: Đó là các nguyên nhân chiến lược thúc đẩy hiện tượng đầu tư vào đất đai xứ khác. Còn các nước tiếp nhận đầu tư thì có những lý do gì để nhượng đất?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Lý do kinh tế là thêm cơ hội tăng trưởng và tăng thu về thuế khoá nhờ phát triển các diện tích dư dôi sang mục tiêu canh tác. Lý do kinh doanh bất chính cũng có là khi giới chức cấp đất có thể trục lợi ở giữa nhờ cấu kết và tham nhũng. Ngoài ra, việc cải tiến thủ tục đầu tư tại nhiều nước cũng góp phần thúc đẩy hình thức đầu tư của nước ngoài vào đất đai.

Vì vậy, nhiều người đã nói đến làn sóng thứ ba của đầu tư hải ngoại vào các nước đang phát triển, đó là sau khi nhận đầu tư vào công nghiệp chế biến rồi công nghệ tin học, các nước này bắt đầu nhận đầu tư vào đất đai của mình.

Việt Long: Trên đại thể thì hiện tượng đầu tư ấy sẽ có lợi ích kinh tế như thế nào cho toàn cầu?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ nhiều năm nay, cơ quan Lương nông FAO báo động là các nước Á Phi đã đầu tư ngày một ít hơn vào nông nghiệp nên năng suất chung có sút giảm. Với làn sóng đầu tư mới vào canh nông, sản lượng toàn cầu có thể tăng và đấy là một cơ hội tốt đẹp.

Một thí dụ được nêu ra là các nước đầu tư có trình độ công nghệ cao hơn nên trên cùng một diện tích canh tác có thể sản xuất nhiều hoa màu hơn và đây là điều có lợi cho toàn cầu.

Kết quả là sản lượng ngũ cốc toàn cầu từ 200 triệu tấn một năm có thể tăng thêm hừng ba bốn chục tiệu tấn. Ngoài ra, đầu tư vào canh nông còn đòi hỏi việc xây dựng hạ tầng cho chuyển vận và tồn trữ nông sản nên cũng có lợi cho quốc gia nhượng đất.

Việt Long: Thực tế có được như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sự thật lại không nhất thiết lạc quan như vậy vì còn tùy thuộc vào điều kiện của từng hợp đồng mà nhiều người không được biết rõ. Và mặt trái của vấn đề là người dân tại các nước nghèo có cảm tưởng mình bị cướp mất đất đai của tổ tiên, hoặc môi trường sinh sống bị đảo lộn vì sự cấu kết của chính quyền với nước ngoài.

Cũng vì vậy mà người ta đang nói đến phong trào cướp đất - land grab - thậm chí cướp nước nữa vì việc canh tác và tiêu tưới sẽ lấy mất một lượng nước đáng kể cho người dân ở các vùng phụ cận.

Hậu quả

Việt Long: Nếu như vậy, có lẽ chúng ta cũng phải tìm hiểu về những rủi ro hoặc tai họa trong hiện tượng mới này. Ông có thể cho biết về rủi ro ấy là những gì không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta có nhiều cấp thẩm định rủi ro từ nhiều giác độ, từ phía đầu tư nước ngoài tới chính quyền và người dân của các nước nhượng đất.

Nhà đầu tư và chính quyền nước ngoài có thể không được biết hết về quy hoạch đất đai và quy chế của các thửa đất muốn lấy nên vô tình trở thành đồng lõa cho tội cướp đất xuất phát đầu tiên từ chính quyền và viên chức của các quốc gia muốn nhượng đất. Để tránh rủi ro ấy, tất cả đều phải được minh bạch hoá. Công khai hoá như vậy còn giúp ích cho việc tính toán lời lỗ sau này.

Chính quyền các nước muốn nhượng đất có thể gặp rủi ro và tai họa vì thiếu viễn kiến, với loại dự án dù sao cũng trường kỳ mà họ chưa thấy hết được hậu quả về kinh tế lẫn xã hội. Muốn tránh được chuyện ấy, họ phải tính cho ra và cho đúng là quốc gia mất những gì, mà ai mất, để được hưởng những gì, mà ai hưởng.

Nếu có viện trợ kỹ thuật của các định chế quốc tế, nhất là về kỹ thuật thẩm lượng giá trị của dự án đầu tư đại quy mô vào canh nông, một loại dự án dù sao vẫn cỏn quá mới, thì chính quyền các nước này có thể phần nào tránh được những rủi ro ấy.

Việt Long: Các định chế quốc tế có thể khuyến cáo những gì cho các nước nghèo tránh được những rủi ro này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Lãnh đạo các nước phải nhìn thấy trước nhất chuyện "được" và "mất" trong trường kỳ và cho mọi thành phần dân chúng liên hệ. Đấy là triết lý kinh tế chính trị học đầu tiên.

Khi đã cân nhắc được/mất và lợi/hại như vậy rồi thì họ dễ thấy ra hình thái đầu tư nào là có lợi nhất cho đa số và cho quốc gia trong lâu dài, thí dụ như nên bán hay nên sang đất và trong bao lâu, ở nơi nào và để khai thác theo kỹ thuật nào. Đồng thời, phải ngăn ngừa được trò đầu tư cho nông sản mà thực chất chỉ là đầu cơ vào đất đai.

Kế tiếp, phải tính ra cho rõ mọi hậu quả kinh tế, xã hội, môi sinh và cả an ninh của việc đầu tư ấy, nhất là hậu quả cho cư dân ở vùng phụ cận vì họ bị ảnh hưởng trước tiên và rất nặng. Quan trọng nhất, việc quyết định phải công khai minh bạch để cả quốc gia đầu tư lẫn người dân của mình đều cùng biết mà tính toán.

Việt Long: Thế còn rủi ro cho dân chúng ở các quốc gia nhượng đất. Những rủi ro ấy là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đó là bị nhà nước hay cán bộ địa phương cướp mất đất đem nhượng cho nước ngoài mà không có bồi thường thỏa đáng. Một điều kiện phải có để tránh được rủi ro ấy là luật lệ minh bạch về quyền sử dụng đất. Xứ nào chưa có nền tảng tối thiểu ấy thì việc nhượng đất tất đưa tới lạm dụng, thực tế là nhà nước cướp đất của dân đen bán cho người ngoài.

Một rủi ro khác là cả một khu vực rộng lớn từ nay sẽ thay đổi và gây tai họa về môi sinh, xã hội và văn hoá cho người dân ở vùng phụ cận. Họ phải có cơ chế bảo vệ khi cần khiếu nại. Nói chung thì chính quyền càng độc tài lạc hậu thì người dân càng bị rủi ro thiệt thòi.

Tai họa lớn nhất là sự cấu kết giữa hai chính quyền chuyên chế trên lưng của người dân. Vì vậy, báo cáo vừa qua của quốc tế có nói đến nguy cơ cướp đất và đề nghị các định chế tài trợ quốc tế nên giúp thành lập một hệ thống thông tin trong sáng cho mọi người đều biết.

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 687 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0