Thứ Sáu, 2024-04-19, 10:54 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 12 » Tô Hải có hèn không?
8:35 PM
Tô Hải có hèn không?

Ngô Nhân Dụng

Tôi đã đọc hết cuốn hồi ký của Nhạc sĩ Tô Hải. Hơi tiếc, vì ông viết ngắn quá; chỉ có hơn 500 trang giấy in. Vừa đọc vừa tiếc. Vì có lúc đang theo ông qua những đoạn đường, trong bụng chờ sắp được nghe ông kể tiếp một chuyện đang nói nửa chừng, thì ông lại nhảy sang chuyện khác. Tiếc, và trách tác giả không để thêm thời giờ kể rõ ngọn ngành cho người đọc biết thêm. Nhưng khi nghe Tô Hải giải thích trong cuộc phỏng vấn với Ðinh Quang Anh Thái (sắp đăng trên báo này) thì hiểu tại sao. Tô Hải không có ý kể câu chuyện cuộc đời mình. Ông bảo, trong cuốn sách này, “tôi chủ ý chỉ viết về cái hèn của tôi thôi.”

 
Hình bìa cuốn "Hồi ký của một thằng hèn"
Như vậy thì hiểu được, vì tên cuốn sách đầy đủ là “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn,” như những lời thú tội về cái hèn của mình, một cái hèn đeo mãi trên một con người, kéo dài hơn nửa thế kỷ. Ðến năm gần tuổi 70, con người đó mới chợt thấy phải kể lại mình đã sống hèn như thế nào, và bắt đầu thú nhận.

Một điều cảm động, là tác giả muốn thú tội với thân phụ của ông trước hết. Vì trước khi ông bỏ nhà đi rồi gia nhập đảng Cộng Sản vào năm 17 tuổi, cụ thân sinh đã bảo thẳng người con trai lớn đó là đã “bị Cộng Sản nó lừa.” Không những thế, cụ còn dọa mai mốt có trốn cộng Sản chạy về nhà thì cụ sẽ đuổi đi, không nhận làm con nữa. Cả cuộc đời hai lần Tô Hải mong được gặp lại cha mẹ và các em, một lần năm 1954 khi trở về Hà Nội, và lần sau năm 1975 khi tìm vào Sài Gòn.

Cuối cùng thì ông chỉ gặp lại cụ thân sinh trên những trang giấy của cuốn hồi ký này. Ông đã kể lại một đời sống cam tâm chịu hèn không phải của riêng ông mà còn bao nhiêu những người trí thức bị trói buộc trong guồng máy “chuyên chính vô sản” nên họ đành phải làm tay sai cho đảng Cộng Sản.

Cuốn hồi ký kể biết bao nhiêu câu chuyện như một bức bích họa cho thấy tấm thảm kịch đổ lên đầu dân tộc Việt Nam trong thế kỷ trước, nó hủy hoại nền tảng đạo lý trong xã hội và làm tê liệt lương tâm của từng cá nhân.

Tai họa đó là do cách cai quản con người đã được Stalin sáng chế và Mao Trạch Ðông biên cải cho thích hợp với văn hóa phong tục Á Ðông, rồi được Hồ Chí Minh hết lòng áp dụng nước ta. Ðó là một guồng máy kiềm thúc, cai quản, ràng buộc đó đã biến hàng triệu con người trở thành những tên hèn, ngay cả những người đóng vai kiểm soát những người khác.

Có một đoạn chúng ta không thể nào quên, là năm 1956 khi Tô Hải đi “liều mạng” trở về Thanh Hóa tìm “cứu đứa con trai.” Hai vợ chồng ông đều phải đi làm công tác văn nghệ với quân đội trong thời kháng chiến cho đến sau khi hòa bình, cho nên họ đã gửi đứa con thứ hai này cho ông bà ngoại nuôi. Ông kể, “Gia đình vợ tôi chẳng có một tấc đất nào, nhưng bị đẩy lên... (hàng) địa chủ.”

Trong thời gian cải cách ruộng đất đó, các cố vấn đã chỉ thị mỗi làng phải có mấy phần trăm là địa chủ, mấy phần trăm là phú nông, bao nhiêu là trung nông, vân vân, đúng như tỷ số theo thống kê từ bên Trung Quốc đã làm. Nếu một làng không đủ người đúng tiêu chuẩn vào mỗi hạng thì những người ở hạng dưới được “đôn lên” hạng trên. Nhưng thân phụ bà Tô Hải là cụ Nguyễn Ðăng Quỳ vốn không phải là địa chủ, cũng không phải người ở vùng quê Thanh Nghệ này. Ông đã đi theo Nam Bộ Kháng Chiến chống Pháp. Sau đó ông đã bỏ tất cả gia sản ở miền Nam đưa gia đình chạy ra Bắc, sống ở thành phố Vinh.

Tô Hải kể, “Khi Vinh bị tiêu thổ kháng chiến, ông mua một mảnh vườn sát chân núi Diễn Châu.” Nhưng Ðội Cải Cách đã “lôi ông già ra đấu,” họ tra hỏi ông tại sao mua đất, làm vườn ở nơi không phải quê quán mình, “Có phải để bóc lột nông dân hay không?” Họ đặt ra những lời kết tội bịa đặt khác, mà tác giả viết, “Tất cả lý lẽ đưa ra chỉ nhằm mục đích chiếm bằng hết những gì có thể chiếm: Giường tủ, bàn ghế, quần áo, mâm đồng, chậu thau, bát đĩa, ấm chén,... Phải kiếm cho ra một cớ gì để trấn lột công khai. Tôi thì chụp cho (ông cụ) cái mũ ‘kẻ thù giai cấp’ là xong.”

Sau khi bị cướp mất hết, từ cái quần cho đến cái bát đã mẻ, cả gia đình cụ Nguyễn Ðăng Quỳ bị giam tại chỗ ở chân núi, chỉ còn cách sống bằng ăn rau, lá kiếm được trên núi, trong cánh đồng. Hình phạt này là cách bắt những người bị tố chết đói hoặc tự tử. Nhiều người đã tự tử.

Gia đình ông cụ có hai con trai và một con rể (tức Tô Hải) đi bộ đội đánh nhau với Pháp. Khi cụ ông bị đem đấu tố thì Tô Hải và một người con trai của cụ đều biết nhưng không ai dám về thăm bố. Họ phải “dứt khoát với kẻ thù giai cấp” để bảo toàn mạng sống của chính họ và gia đình nho nhỏ của họ.

Nhưng vợ chồng Tô Hải còn đứa con bé gửi ông bà ngoại, đứa bé cũng đang nằm trong “vòng vây của những ông bà nông dân.” Họ phải cứu lấy con! Tô Hải may mắn nhờ một người bạn cũ giúp, ông này là một cán bộ lớn thuộc Ðoàn Ủy Cải Cách Ruộng Ðất. Người bạn nhân danh chức vụ đó viết một tấm giấy ra lệnh tên địa chủ Nguyễn Ðăng Quỳ phải trả cho “Ông bộ đội Tô Ðình Hải” đứa con trai của ông đã gửi ở nhà tên địa chủ dù không có họ hàng thân thích gì hết.

Tô Hải kể, “Sáng sớm chưa rõ mặt người, tôi thấy bố vợ tôi mặt mày sưng vù, răng cửa rụng gần hết vì bị đánh, mang tới trụ sở một thằng bé, không, một cái xác trẻ con gầy guộc xám ngoét. Ðó là thằng con yêu quý của tôi. Nó chỉ còn thở thoi thóp sau bảy ngày chỉ sống nhờ những lá rau lang, mà ông bà ngoại ngắt về từ mấy luống khoai trồng trước nhà, mớm cho.... Tôi cắn răng ôm lấy con, không kịp nói một lời an ủi bố vợ. Vì các ông bà nông dân đã đuổi quầy quậy ngay sau khi ông trao trả cháu ngoại...”

Cảnh ông ngoại trả cháu cho bố nó mà không được dặn dò, thăm hỏi một câu; người con rể không dám nói một lời cảm ơn bố vợ; đó là hình ảnh người đọc không thể nào quên được.

Cả xã hội Việt Nam đã phải sống với nhau như vậy trong những năm “long trời lở đất” khi Hồ Chí Minh quyết tâm theo đường lối cách mạng của Mao Chủ Tịch. Chính Tô Hải đã soạn một bản nhạc ca tụng Hồ Chí Minh lấy nền dựa trên giai điệu của bài Ðông Phương Hồng mà bên Trung Quốc dùng để ca ngợi Mao Trạch Ðông! Liệu ai trong chúng ta có can đảm hành động khác với Tô Hải trong khung cảnh đó? Có ai nhất định phải sống ngay thẳng, sống có đạo nghĩa, không chịu sống hèn hạ từ bỏ cả cha mình hay không? Không biết được. Người không sống trong guồng máy kìm kẹp tàn bạo của Stalin thì không thể biết mình sẽ ứng xử như thế nào cho xứng đáng làm người. Người bạn giúp Tô Hải tấm giấy giới thiệu cho đi “đòi con” chính anh ta sau này cũng bị khai trừ khỏi đảng Cộng Sản, và “khai trừ khỏi... mặt đất” khi bị thất sủng.

Nhưng chúng ta có thể biết chắc là nhạc sĩ Tô Hải không hèn. Ông đã dành hàng chục năm cuối của cuộc đời kể tội chính mình. Ông nằm trên giường bệnh nhưng vẫn vào mạng lưới Internet, trở thành người giữ blog lớn tuổi nhất Việt Nam, nêu gương sáng cho lớp thanh niên. Thông điệp ông gửi cho giới trẻ, cho đồng bào, cho cả những người từng là đồng chí của ông còn trong đảng Cộng Sản, là: Chúng ta không được phép sống hèn nữa. Thế giới đã thay đổi. Phải trở lại làm người!

Phải can đảm phi thường thì một người ở tuổi 83 mới làm được công việc đó. Nhất là trong lúc guồng máy di sản của Stalin và Hồ Chí Minh tuy đã xộc xệch sắp tàn nhưng vẫn còn ngự trị trên đất nước chúng ta. Tô Hải đã thú tội với thân sinh ông. Với nhạc phụ ông. Bao giờ thì những người trong cả guồng máy kìm kẹp trên cũng biết ăn năn thú tội?



Hồi ký Tô Hải: Âm vang một thời kinh hoàng của đất nước

Trần Khải

Tác phẩm “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” của nhạc sĩ Tô Hải sẽ được giới thiệu vào 2 giờ chiều Thứ Bảy, 13 Tháng Sáu, 2009 tại hội trường Nhật Báo Người Việt ở Quận Cam. Hồi ký này đã thực sự vượt ra ngoài chức năng hồi ký: đây là các trang sách viết cho những thế hệ sau, rằng có một thời đất nước mình như thế, một thời theo chủ nghĩa Cộng Sản và bóp nghẹt mọi tự do của từng người dân và đã biến toàn dân trở thành một thứ nô lệ mới, nơi đó các chủ nô rao giảng một lý tưởng đầy máu và nước mắt.

 
Tác giả viết và ý thức rằng mình chắc chắn sẽ bị công an vùi dập thô bạo, nhưng ông lo sợ rằng sự im lặng của ông sẽ làm kéo dài thêm cái chế độ CS phi nhân này. Không hèn tí nào, nhạc sĩ Tô Hải đã rời tay đàn, ngồi vào bàn máy vi tính và gõ xuống những dòng chữ ông biết là sẽ mang tai họa tới cho ông, nhớ tới những bạn đồng ngũ cùng đi kháng chiến từ thời mới lớn và rồi bị guồng máy đảng trấn áp, nhớ tới các bạn văn nghệ sĩ một thời đi giữa mưa bom ra trận chống Pháp và khi về Hà Nội lại bị lùa vào một dàn đồng ca vĩ đại, nhớ tới hàng triệu đồng bào bị đấu tố trong cải cách ruộng đất và chết oan ức... và như thế, ông viết với một ký ức gìn giữ từ nhiều thập niên, và từng chữ gõ xuống mang theo ước mơ rằng dân tộc Việt sẽ sớm thoát khỏi khổ nạn có tên là Cộng Sản này.

Và như thế, nhạc sĩ Tô Hải đã lặng lẽ viết tập hồi ký trong nhiều năm. Giữ kín, giữ bí mật trong nhiều năm vì sợ công an trấn áp. Từng trang sách hiện lên màn hình vi tính lặng lẽ, và đã trở thành một bản giao hưởng không lời mà nhạc sĩ Tô Hải muốn gửi lại đời sau. Như thế, không cần tới các nhạc khí và các dòng nhạc phức tạp, cuốn “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” của nhạc sĩ Tô Hải đã để lại những âm vang tuyệt vời, hiển hiện cả một thời kinh hoàng của đất nước.

Ngồi tại căn nhà ở vùng ngoại ô Nha Trang, nhạc sĩ Tô Hải viết tập hồi ký để đời sau biết về, như trang 415:
“Cái gọi là chủ nghĩa Cộng Sản chính là một tà giáo đại bịp nhất trong lịch sử loài người mà những tên lãnh tụ tối cao của chúng dựa vào để gây chiến tranh nồi da xáo thịt, để tiến hành âm mưu hiểm độc tiêu diệt mọi lòng tin khác, mọi nhận thức, mọi tình cảm, mọi tình yêu, kể cả lòng yêu nước của con người.”

Nhạc sĩ Tô Hải, tức Tô Ðình Hải, sinh năm 1927 tại Hà Nội, học chữ và học nhạc ở các trường Công Giáo Hà Nội; mùa thu 1945 đậu xong Bậc I (Tú Tài I chương trình Pháp) thì gia nhập Vệ Quốc Ðoàn, tốt nghiệp hai trường Quân Chính Nguyễn Huệ Khóa I và Lục Quân Trần Quốc Tuấn Khóa V. Nhờ có tài năng âm nhạc, ông trở thành một nhạc sĩ cho cuộc kháng chiến chống Pháp, và đã sáng tác hàng trăm ca khúc, trong đó có những bản nổi tiếng như Nụ Cười Sơn Cước, Trở Lại Ðô Thành... được trao tặng nhiều giải thưởng, huân chương, huy chương do các nhân vật như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trần Ðức Lương... ký.

Lời giới thiệu của nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ghi thêm về tác giả Tô Hải, “Hiện nay, ở tuổi 83, ông sống tại Sài Gòn, bệnh tật, di chuyển khó khăn, nhưng 'vẫn làm việc nằm' bên computer và là blogger già nhất nước kêu gọi sự thức tỉnh từ bỏ chế độ Cộng Sản để tìm lại sự sống cho người dân đã bị hủy hoại từ mùa Thu 1945.”

Tập hồi ký này không ai có thể trích dẫn mà nói lên cho đầy đủ những hình ảnh của đất nước được ghi lại trên trang giấy. Cuốn sách 540 trang chứa đựng nhiều thông tin tới mức không thể nói cho gọn. Nơi đây, chúng ta ghi lại một phần về lời nhạc sĩ Tô Hải kể về họa sĩ Dương Bích Liên (1924-1988), người đã tuyệt thực tới chết để bày tỏ tinh thần phản kháng chế độ.

Như ở trang 515, nhạc sĩ Tô Hải kể lại về họa sĩ Dương Bích Liên:

“Ðó là lần đầu ở nước Việt Nam có một văn nghệ sĩ xin ra khỏi Ðảng rồi tự tử (hay tự xử mình) bằng cách nhịn ăn, chỉ uống rượu trong 30 ngày, tiêu hủy toàn bộ tác phẩm còn lưu giữ, tài liệu, thư từ, bản thảo, ghi chép... để ra đi không một lời nhắn nhủ gì cho bạn bè, hậu thế... Phải chăng vì ông đã trót 'được' (hoặc 'bị') trao giải thưởng cao nhất của Nhà Nước (giải thưởng Hồ Chí Minh) mà cái chết của ông phải xếp vào loại chết bình thường?”

Nơi các trang sau, nhạc sĩ Tô Hải kể tiếp về họa sĩ Dương Bích Liên:

“...Ông, người họa sĩ Không Chịu Ðánh Mất Cái Tôi mà chọn con đường câm lặng cho đến lúc về với hư vô! Xin lỗi hương hồn ông, may là ông không vợ con nên tớ được thoải mái viết tất cả những gì suy nghĩ về ông mà không sợ bị kiện ra tòa, kể cả Ban Xét Duyệt Giải Thưởng Hồ Chí Minh nếu bây giờ mới té ngửa ra là: ông là họa sĩ duy nhất không có một tác phẩm nào phục vụ cách mạng cả... ông xứng đáng được tôn vinh nhất trong giới văn nghệ sĩ miền Bắc vì đã chọn con đường sống vì nghệ thuật đích thực, là 'người đầu tiên không hài lòng với các tác phẩm, với công việc sáng tạo của bản thân và tự kết thúc cuộc đời mình bằng cách nhịn ăn... ' (Trích Dương Bích Liên của Nguyễn Hào Hải và Trần Hậu Tuấn. NXB Mỹ Thuật 2003) cho đến chết... 'mọi niềm tin trong ông đều đổ vỡ dần. Và điều kinh khủng đối với ông là ông vẫn sáng suốt để chứng kiến sự đổ vỡ từng ngày.'

... Ông sáng suốt đốt hết tài liệu, thư từ, ghi chép và còn biết dặn lại người bạn thân nhất của ông, nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải là 'có nguyện vọng muốn được ra đi trong lặng lẽ, đưa tang có lẽ chỉ cần đặt quan tài lên một cỗ xe ngựa đơn sơ, và rời thành phố vào sáng sớm, theo tiễn chỉ cần một đứa trẻ ăn mặc chỉnh tề... ' (Trích như trên)

... Với tớ, Dương Bích Liên là người nghệ sĩ đích thực, đau khổ và dũng cảm duy nhất của miền Bắc Việt Nam.”

Nhạc sĩ Tô Hải giải thích rằng, “...suốt hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm, tuy 'đi theo Cách Mạng,' Dương Bích Liên chẳng hề có tác phẩm nào 'chiến đấu và sản xuất' cả, ngoài tấm Bác Hồ Qua Suối mà khi xem thấy cứ buồn ơi là buồn: một ông già đơn độc và một con ngựa nhỏ tí giữa bạt ngàn rừng xanh xám và một dòng suối hung dữ! Không bóng người nào bên cạnh ông già?” (trang 518)

Nhạc sĩ Tô Hải kể, họa sĩ Dương Bích Liên được cử lên sống bên cạnh ông Hồ ba tháng để vẽ “Bác,” nhưng Dương Bích Liên chỉ có một bản ghi chép, không bao giờ trở thành tác phẩm. Trong kháng chiến chống Pháp, chẳng để lại gì, và trong “cuộc chiến chống Mỹ,” Dương Bích Liên đi thực tế dưới bom đạn cùng các họa sĩ nổi tiếng thì “khi trở về, ông chỉ có một Chiều Biên Giới, mà theo tớ, nó buồn đến lạnh người, không một màu sáng, trừ mấy cọng cỏ lau bị gió thổi sắp đổ ngã về phía bên kia biên giới không một bóng người... Tác phẩm dính líu đến chiến tranh nhất lại là 'tác phẩm có vấn đề' nhất! Ðó là Hào. Tớ đứng rất lâu trước tác phẩm này để cố 'đọc' những gì mà tác giả muốn gửi gấm. Tớ chỉ thấy buồn và lạnh đến rùng mình! Lần đầu tiên, tớ thấy trong tranh ông có bóng dáng Con Người. Nhưng là những con người bất động, súng không cầm tay mà đeo ngang lưng, chẳng ra tiến chẳng ra lùi, dường như chấp nhận số phận sẽ được 'hào' chôn vùi, những đường hào quá sạch có góc vuông y hệt những... quan tài!” (trang 518)

Tác phẩm “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” của nhạc sĩ Tô Hải là một cuốn sách cần đọc, cần để trong tủ sách gia đình và dặn con em mình đọc, để biết rằng đất nước của mình như thế.

Trường hợp độc giả ở Nam California. Xin mời tới tham dự buổi sinh hoạt giới thiệu tác phẩm “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” của nhạc sĩ Tô Hải, từ 2 giờ đến 5 giờ chiều Thứ Bảy, 13 Tháng Sáu 2009. Tại hội trường nhật báo Người Việt: 14772 Moran, Westminster, Nam California. Ðược biết, một số thân nhân của tác giả sẽ có mặt trong dịp này.

Ðây là một tập hồi ký chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn, không chỉ trong văn học sử sau này, mà còn cho tất cả những người đang mơ ước được sống tự do thực sự, dân chủ thực sự.

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 796 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0