Thứ Năm, 2024-03-28, 6:27 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 12 » Công an chứng tỏ vẫn làm chủ
9:24 AM
Công an chứng tỏ vẫn làm chủ

Ngô Nhân Dụng

Sau khi bắt Luật Sư Lê Công Ðịnh, nhà kinh doanh Trần Huỳnh Duy Thức, công an Cộng Sản đã bắt Kỹ Sư Nguyễn Tiến Trung, cả ba cùng bị ghép tội “chống nhà nước.” Tội danh này căn cứ vào những điều luật rất mơ hồ cho phép chế độ Cộng Sản có thể áp dụng tùy tiện, theo lối giải thích của công an. Những vụ bắt bớ liên tiếp đó khiến dân Việt Nam đặt câu hỏi: Tại sao họ làm dữ liên tiếp như vậy?

Có người cho là Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang lo chính các đảng viên cũng đang căm phẫn trước các chính sách nhu nhược của chính quyền trước các đồng chí Bắc Kinh. Các cuộc biểu tình chống vụ Hoàng Sa, Trường Sa năm trước đã lôi cuốn rất nhiều đảng viên lão thành. Nay lại thêm các mỏ Bô Xít, những vụ Trung Quốc bắt giam ngư phủ Việt Nam. Mầm nổi loạn càng có vẻ lớn hơn khi hàng ngày người ta nghe tin nhân dân Iran đang đòi dân chủ. Nay lại thêm cảnh dân Uyghur bị tàn sát ở Tân Cương khiến người Việt ai cũng phải nghĩ tới số phận mình, nếu có lúc mình trở thành dân thiểu số ngay trong nước Việt Nam!

Có giả thuyết khác cho là các đồng chí Bắc Kinh đang thúc giục Cộng Sản Việt Nam phải dẹp tan các cuộc chống đối nhắm vào Trung Quốc, từ vụ Bô Xít tới những vụ bắt cóc ngư dân Việt Nam ngoài biển Ðông. Muốn chứng tỏ Ðảng mạnh, dám dùng bàn tay sắt cho nên Ðảng hãy bắt ngay hai người tranh đấu cho dân chủ trước. Những người khác phải coi đó mà sợ, từ các đảng viên cho tới những nhà trí thức ngoài đảng đang muốn đẩy mạnh cuộc tranh đấu chống Trung Quốc lên cao phải coi đó mà biết sợ. Ðảng Cộng Sản Việt Nam nhất quyết “không khoan nhượng” đối với những kẻ thù của các đồng chí Trung Quốc!

Ngày hôm qua, công an Cộng Sản Việt Nam lại chứng tỏ thêm một lần nữa là họ cương quyết bảo vệ chế độ của họ như thế nào. Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã ra lệnh “tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Mai Thái Lĩnh,” trong lúc ông đã có hộ chiếu passport, có chiếu khán visa nhập cảnh do chính phủ Mỹ cấp, đã cầm thẻ lên tầu, đang chuẩn bị bước vào cửa máy bay thì bị chặn! Công an đưa một cẳng chân ra cản, cả cuộc vận hành đưa Mai Thái Lĩnh đi du lịch ngưng chạy! Ðây là một vụ biểu dương sức mạnh của công an, nên phân tích cho rõ.

Từ khi xin được hộ chiếu và visa, mua vé máy bay của hãng Eva, du khách Mai Thái Lĩnh đi ra phi trường trình vé và lấy thẻ lên tàu, cân hành lý, gửi hành lý, chứng kiến cả bộ máy phức tạp vô hình vận chuyển chạy từng bước một để đưa mình lên đường từ Việt Nam sang Mỹ. Bộ máy vô hình này bao gồm hệ thống hành chánh và luật lệ xuất nhập cảnh của hai quốc gia, guồng máy thương mại của các công ty máy bay và cơ quan hàng không quốc tế nối liền Saigon với Taipei và Los Angeles qua Thái Bình Dương. Tất cả những ai từng đi du lịch nước ngoài đều đã trải qua kinh nghiệm đó, và ai cũng thấy là bộ máy liên quốc và quốc tế này chạy rất nhuần nhuyễn, như có một “bàn tay vô hình” điều khiển. Bao nhiêu giao dịch rắc rối, phức tạp biến thành những hoạt động chuyển hồ sơ qua máy điện toán của công ty hàng không, của các ngân hàng, của các cơ quan ngoại giao dùng luật lệ mỗi nước và quốc tế, chỉ để giúp một du khách bay một chuyến đi xa, từ Mỹ qua Nga, từ Pháp sang Tầu, hay từ Việt Nam sang Mỹ, đi một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng và không vấp váp.

Nhưng đối với du khách Mai Thái Lĩnh ngày hôm qua, cả guồng máy đó ngưng chạy. Chỉ do một lệnh của công an. Công an nói ngưng là ngưng! Chúng ta có thêm một bằng cớ nữa về tình trạng “công an làm chủ” trong nước Việt Nam. Lý do được nêu lên là “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.” Vì Mai Thái Lĩnh là một người trong nhóm các nhà trí thức tranh đấu đòi tự do dân chủ ở thành phố Ðà Lạt. Họ từng nhiều lần chỉ trích chế độ, như ngày hôm qua trên nhật báo Người Việt ông Hà Sĩ Phu trong nhóm này đã tố cáo tình trạng dân tính, dân tộc Việt Nam bị đe dọa vì sự bành trướng của người Trung Quốc, với sự tiếp tay đồng lõa của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Như Hà Sĩ Phu nói, mất nước chưa đau bằng mất dân tộc, mất dân tính. Mai Thái Lĩnh là bạn của Hà Sĩ Phu, mà tính cũng nói thẳng không khác nhau. Bị cấm đi, cũng giống như vẫn bị cấm nói.

Cũng giống như việc bắt giam Lê Công Ðịnh và Nguyễn Tiến Trung, lần nào công an cũng nêu lý do “an ninh.” Bất cứ lúc nào họ cũng có thể kiếm cớ buộc tội những người không cúi đầu vâng lệnh công an là “âm mưu lật đổ chính quyền xã hội chủ nghĩa.” khi an ninh được đề cao là mục tiêu ưu tiên số một, thì công an phải làm chủ! Mà họ đang làm chủ thật. Chỉ cần gán tội “âm mưu lật đổ chế độ” là tha hồ bắt.

Khi được phỏng vấn về vụ bắt giữ Nguyễn Tiến Trung, Giáo Sư Carl Thayer tại Úc Châu đã nêu thắc mắc về lối kết tội các nhà tranh đấu tự do dân chủ bất bạo động, “Làm sao họ có thể lật đổ chính quyền bởi lời nói và những hành động độc lập và ôn hòa?”

Ông Thayer cũng hỏi, tại sao Ðảng Cộng Sản “họ không bắt giam cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt” vì khi còn sống ông ta cũng “có những ý kiến chỉ trích chính phủ?” Và tại sao “họ không coi Tướng Võ Nguyên Giáp là người tuyên truyền chống nhà nước” khi ông ta cũng viết thư chống vụ Bô Xít mấy lần?

Khi đặt những câu hỏi đó, Giáo Sư Carl Thayer, một nhà chuyên nghiên cứu Cộng Sản Việt Nam từ bao năm qua, giả thiết rằng có một Ðảng Cộng Sản, và Ðảng đó có những chủ trương, chính sách rõ ràng, và ông vạch ra rằng họ đã tự mâu thuẫn khi thi hành các chính sách đó. Nhưng Giáo Sư Carl Thayer cũng thừa biết là không có “Một Ðảng Cộng Sản.” Vì trong nước Việt Nam bây giờ “Ðảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” như “công an làm chủ!”

Cũng biết như vậy cho nên chính Giáo sư Thayer đưa ra giả thuyết rằng việc bắt giữ ông Nguyễn Tiến Trung là một hành động của “một nhóm” trong đảng Cộng Sản Việt Nam.

Trong cuộc phỏng vấn trên, ông Thayer giải thích, “...hiện giờ Việt Nam đang ở trong giai đoạn tiến tới đại hội Ðảng... Vậy nên có hai khả năng là Bộ Công An muốn chứng tỏ sức mạnh của một nhóm có ảnh hưởng lớn hoặc đây là một nỗ lực tạo khuôn khổ hoạt động cho tương lai.”

Ông Thayer đã nói thẳng nhưng còn dè dặt. Chúng ta có thể nói rõ hơn. Bên trong đảng Cộng Sản hiện nay từ trên xuống dưới đang “bắt đầu tổ chức lại.” Trong cái hoạt động gọi là “cơ cấu người” vào dự đại hội sang năm, và vào Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, vào Bộ Chính Trị sau đại hội đó, các cuộc chạy đua phe phái đã bắt đầu. Cánh công an ra tay trước. Ra lệnh dùng bàn tay sắt đánh đấm bên ngoài, bắt giam Lê Công Ðịnh và Nguyễn Tiến Trung, chặn chân Mai Thái Lĩnh ngay cửa máy bay cho biết tay. Nhưng bàn tay sắt đó khi đưa lên đánh đấm thì cũng đe dọa luôn cả các “đồng chí” ở bên trong Ðảng. Các quốc gia chí biết thân thì hãy để cho công an nhiều quyền “cơ cấu” người của họ. Theo đúng đường lối “công an làm chủ.”

Khi “công an làm chủ” thì cách xếp đặt tốt nhất là họ phải làm chủ ngay từ trong đại hội Ðảng tất cả cùng theo một nghị trình của công an. Muốn làm chủ được đại hội Ðảng thì cần phải làm chủ ngay từ lúc đang chuẩn bị đại hội, trong việc tuyển chọn người đi họp đại hội. Cứ như vậy mới thực hiện được nguyên tắc công an làm chủ.

Nhưng chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu cho thấy sức đề kháng của dân tộc Việt Nam đang chuyển mình để biểu hiện công khai chống lại chính quyền Cộng Sản, dù do công an điều khiển hay không. Qua những vụ bắt giam Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, và Nguyễn Tiến Trung, ta thấy những người bị cáo buộc chống nhà nước này ở lớp tuổi còn trẻ, chỉ có cựu Trung Tá Trần Anh Kim là người đã lớn tuổi, đã từng đi lính trong chế độ Cộng Sản.

Ðặc biệt là Nguyễn Tiến Trung, 26 tuổi, anh thuộc lớp người được chế độ Cộng Sản nuôi dưỡng. Nhưng khi được đi học ở nước ngoài, anh đã khám phá ra những lối sống trong tự do dân chủ, khác hẳn ở Việt Nam. Khi thấy nhân dân những nước khác sống tự do, thịnh vượng, hạnh phúc anh mong muốn đồng bào mình cũng được như vậy. Anh lập phong trào Thanh Niên Dân Chủ tập hợp những người cùng thế hệ được may mắn học thành tài, cùng nhau tranh đấu cho đồng bào có ngày được sống tự do. Anh và các bạn trong phong trào này đã nhất định sẽ trở về trong nước tranh đấu ngay trong lòng chế độ, với mục đích thay đổi một cách ôn hòa.

Những thanh niên ước mong đất nước dân chủ hóa đều phải chọn một trong hai đường: Hoặc đấu tranh từ bên hệ thống để thay đổi trong vòng pháp luật của họ; hoặc đấu tranh thẳng trên hệ thống, đòi thay đổi tất cả cơ cấu chính trị và pháp luật hiện hành. Nguyễn Tiến Trung và các Thanh niên Dân Chủ đã chọn con đường thứ nhất. Hà Sĩ Phu và các bạn chọn con đường thứ hai. Nguyễn Tiến Trung đã tuân lệnh nhập ngũ, nhưng sau cùng lại bị giải ngũ, vì vẫn đòi sống tự do theo pháp luật, không chịu tuyên thệ trung thành với Ðảng Cộng Sản. Anh bị bắt vì bị gán tội chống chế độ Cộng Sản, tức là tội đấu tranh trên chế độ. Trần Anh Kim bị kết tội muốn công khai hóa Ðảng Dân Chủ Việt Nam, nếu đúng thì anh đã chấp nhận đấu tranh trên chế độ chứ không thể mỏi miệng kêu gào bên trong khuôn khổ chế độ ngặt nghèo này.

Nhiều thanh niên và trí thức khác ở Việt Nam, những người đã đi biểu tình chống vụ xâm lăng Hoàng Sa, những người ký kiến nghị phản đối vụ khai mỏ Bô Xít, họ cũng đang phân vân giữa hai con đường: đấu tranh từ bên trong hệ thống; hay đánh thẳng ngay lên hệ thống đang cai trị nước ta. Những đảng viên Cộng Sản cũng đặt câu hỏi tương tự: Thay đổi từ bên trong đảng, hay đứng ta ngoài cùng nhân dân đòi Ðảng Cộng Sản phải thay đổi? Họ sẽ phải tự hỏi: Trong một hệ thống chính trị do “công an làm chủ” thì cả cái Ðảng Cộng Sản mà họ nằm trong đó còn ý nghĩa gì không?

Khi công an Cộng Sản đàn áp bắt bớ một loạt những người vì những tội chống nhà nước, âm mưu lật đổ nhà nước, các thanh niên và trí thức sẽ thấy họ không có lựa chọn nào khác. Vì thấy tranh đấu theo lối cũ không hy vọng thay đổi được số phận đồng bào, họ sẽ phải đứng dậy thay đổi tất cả hệ thống chính trị và pháp luật ở Việt Nam. Nếu không, người Việt sống trên đất Việt vẫn có thể bị đối xử không khác gì người Uyghur sống ở Tân Cương!
Nguồn: NVOL
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 691 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0