Thứ Ba, 2024-04-23, 10:10 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 14 » Đề thi văn đại học 2009 sai, sự thật về lời nói của cố tổng thống Mỹ
3:14 PM
Đề thi văn đại học 2009 sai, sự thật về lời nói của cố tổng thống Mỹ

Đúng dịp khai trương vanhocmang.net, vô tình tôi đọc đề thi đại học môn văn khối C năm 2009 vừa qua, thấy bộ Giáo dục viện dẫn lời của tổng thống Mỹ để làm đề tài cho thí sinh bàn về tính trung thực. Đó là câu ở trong 1 bức thư được cho là của Lincoln viết, đã được đưa vào sách Ngữ văn lớp 10, xuất bản năm 2006: “xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”. Đọc đến đó tôi tưởng tượng ra vị trí của 1 tổng thống ngồi viết lá thư đó, đột nhiên tôi thấy bối cảnh này có nét gì đó bất hợp lý. Theo quan sát của tôi, các tổng thống phương Tây không có thái độ kẻ cả khi chạm tới chuyên môn của người khác như vậy. Về phía người nhận bức thư, nếu tôi là hiệu trưởng một trường ở Mỹ mà nhận được thư tổng thống “dạy bảo” tôi phải giáo dục như thế nào, có lẽ tôi sẽ thấy bị xúc phạm.

Tôi liền lên mạng tìm kiếm sự thật. Chỉ google vài từ khóa, tôi đã tìm được bản tiếng Anh của bức thư đó, nhưng ở 3 kết quả tìm kiếm đầu tiên thì kết quả đầu nằm ở Ấn Độ, kết quả thứ hai nằm ở Kabul – Afghanistan, chứ không phải ở Mỹ. Kết quả thứ 3 thì có đoạn cho rằng Bức Thư đó không phải do Lincoln viết vì cách diễn đạt là của ngôn ngữ hiện đại, khác hẳn so với thời của Lincoln. Tìm kiếm bằng google trên các site .gov (chính phủ Mỹ) và .edu (ngành giáo dục Mỹ) không đem lại kết quả nào khả quan liên quan đến Bức Thư, nhưng tìm được bộ sưu tập các tác phẩm của Lincoln, là một bộ sách đồ sộ, cho phép truy cập miễn phí, tuy nhiên sau những nỗ lực tìm kiếm trong bộ sưu tập này, tôi cũng không tìm được Bức Thư đó. Tiếp tục tìm kiếm, đến web site của một cơ quan bảo tồn lịch sử của bang Illinois, là bang nhà của Lincoln, tôi tìm thấy bài tổng hợp “Lincoln chưa bao giờ nói vậy” của tiến sỹ Thomas F. Schwartz khẳng định Bức Thư này là 1 trong 10 điều Lincoln chưa bao giờ nói hay viết, nhưng bị gán cho là của Lincoln. Riêng bài phân tích về Bức Thư đăng lần đầu ở tạp chí chuyên ngành của Hiệp hội Abraham Lincoln mang tên For The People, bản phát hành mùa đông năm 2001. Thomas F. Schwartz là Nhà Sử Học Bang Illinois, chuyên nghiên cứu về Lincoln, là giám đốc Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Lincoln, trong 16 năm lại đây ông đã xuất bản rất nhiều sách về Lincoln. Tôi tạm dịch bài viết năm 2001 của Thomas như sau:

Internet có thể là một công cụ tuyệt vời để thu thập tin tức nếu trang web chứa thông tin có một tiến trình phản biện trước khi thông tin được đăng tải. Tuy nhiên, nhiều khi thông tin bị thêm bớt lung tung, tạo thành rác thông tin. Tất cả các loại thông tin cùng nhanh chóng lan truyền khắp hành tinh, bao gồm cả rác. Gần đây tôi được báo về một bức thư viết bởi Abraham Lincoln gửi tới hiệu trưởng của con trai mình. Bức thư này xuất hiện ở Hội Đồng Quốc Gia Các Nhà Giáo ở New Dehli, Ấn Độ, và các trang web ở các trường khác. Mặc dù nội dung các trang web hơi khác nhau, thông điệp trong bức thư là một. Một trang web có lời đề tựa nói rằng “viết bởi Abraham Lincoln gửi tới hiệu trưởng của ngôi trường mà con trai ông đang học. Nó chứa một lời khuyên, mà đến nay giá trị vẫn còn nguyên cho các nhà quản lý, người lao động, giáo viên, cha mẹ và học sinh”. Bức thư này được lưu truyền dưới dạng các phần nằm trong dấu ngoặc vuông, nói lên rằng nội dung xuất hiện trên các trang web chứ không phải dưới các hình thức khác.

[tác giả trích dẫn nguyên văn bức thư tiếng anh]

Đáng tiếc là bức thư không được ghi ngày, và không có dấu hiệu nào giúp tìm được danh tính của người hiệu trưởng trong bức thư, cũng như danh tính người con trai của Lincoln. Trong 4 người con trai của Lincoln, chỉ có Robert sống đến tuổi trưởng thành để học trường ĐH Illinois và Phillips Exeter Academy. Không có bằng chứng nào cho thấy Lincoln đã từng viết thư cho nhà trường về hành vi của Robert. Cách viết và nội dung của bức thư không phải phong cách của Lincoln. Bất cứ ai quen thuộc với lối hành văn của Lincoln đều ngay lập tức nhận ra đó không phải lời của Lincoln.

Tham khảo thêm vài nguồn phân tích khác, các phán đoán cho rằng Bức Thư đó là của một người ẩn danh viết, tuy bản thân Bức Thư là một tác phẩm hay, nhưng để tăng thêm sức nặng, người đó đã đề tên Lincoln vào. Tác phẩm đó lan truyền trên Internet, nhiều nhất là ở vùng Trung Á. Có lẽ khi lan truyền đến Việt Nam, bộ Giáo dục và Đào tạo thấy hay nên đưa vào sách giáo khoa mà không kiểm tra nguồn gốc. Tác phẩm này có nhiều yếu tố của một tác phẩm “văn học mạng”. Khi gặp thời, văn học mạng cũng có thể đi từ Internet vào sách giáo khoa.

Lại quay lại trong Bức Thư, thấy có đoạn “xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới Chân Lý, thiết nghĩ bộ giáo dục cần có cơ chế huy động xã hội cùng lọc nội dung sách giáo khoa qua tấm lưới chân lý, để ta không rơi vào tình cảnh đem những kiến thức không chính xác dạy hàng triệu con em chúng ta.

[Tác giả: Các bạn đăng lại tin này nên tóm tắt và tạo link trỏ tới trang này, vì tôi sẽ tiếp tục cập nhật các vấn đề ở URL này. Các bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin chi tiết để đăng lại có thể email cho tôi: nguyendinhnam@gmail.com]

Nguyễn Đình Nam

(thành viên nhóm sáng lập vanhocmang.net), Hà Nội, 12/7/2009

Box 1:

Đề thi Văn khối C sai ngay từ trong nội dung của nghị đề

Đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009 vừa kết thúc ngày 10/7 với nhiều lời tán thưởng của các thí sinh, phụ huynh cũng như những người làm giáo dục trước đề thi Văn khối C. Trong đó, cả phần nghị luận xã hội lẫn phần nghị luận văn học đều được các giáo viên Văn đánh giá cao.

Câu nghị luận xã hội (Câu II, phần Chung cho tất cả thí sinh) trích dẫn một dòng thư của cựu Tổng thống Mỹ A.Lincoln gửi cho thầy hiệu trưởng của con trai mình. Nguyên văn trong đề thi như sau:

Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm):

Câu I (2,0 điểm)

Câu II (3,0 điểm)

Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” (Theo Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục, 2006, tr.135).

Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.

Những lời khen ngợi của những người làm giáo dục dành cho câu hỏi II đã phản ánh sự mong muốn đổi mới trong đề thi, mong muốn việc dạy và học cũng như thi cử môn Văn phải vượt qua được sự khô cứng, lối tư duy cũ mòn. Những mong muốn nhân văn và đích thực ấy của các thí sinh cũng như thầy cô chỉ có thể được giải đáp bởi những cố gắng tiến hành cải cách và nâng cao chất lượng dạy học văn, đổi mới những đề thi, để thí sinh phát huy hết năng lực cảm thụ cũng như tính sáng tạo của mình.

Thật bất ngờ khi nhóm sáng lập trang vanhocmang.net chúng tôi phát hiện, đề thi Văn khối C được khen ngợi đã đưa ra trong câu II một nội dung vô căn cứ và thiếu xác thực, đi ngược lại tiêu chí khoa học, cẩn trọng, xác tín mà bất kỳ một đề thi nào cũng cần phải có.

Cụ thể, Abraham Lincoln, tổng thống Mỹ thứ mười sáu, nhiệm kỳ 1861-1865 chưa bao giờ nói hoặc viết câu trích dẫn trên. Trong thư viện của Hiệp hội Abraham Lincoln cũng chưa từng bao giờ đăng tải hoặc công bố một nội dung tương tự trong “The Collected Works of Abraham Lincoln”. Và chắc chắn, trên trang 5 của tạp chí Hiệp hội Abraham Lincoln – “Thư gửi độc giả từ Hiệp hội Abraham Lincoln” quý 4 năm 2001, không phải ngẫu nhiên mà Hiệp hội đăng tải bài viết có đầu đề “Lincoln chưa từng bao giờ phát biểu thế!” để thanh minh về những nội dung người ta gán cho “Lincoln nói, hoặc viết”.

Chắc chắn là bởi đã có những phản hồi từ người đọc, người xuất bản, báo chí về những nội dung tương tự như “Bức thư gửi Hiệu trưởng của con trai tôi”, và vì thế, Hiệp hội phải lên tiếng đính chính. Và như vậy, Việt Nam cũng không phải quốc gia đầu tiên có hiện tượng nhầm lẫn và Bộ Giáo dục Đào tạo cũng không phải cơ quan đầu tiên xuất bản nội dung nhầm lẫn này.

Theo những truy nguyên văn bản của chúng tôi cho thấy, tuy không thể tìm ra tác giả, nhưng có thể khẳng định nội dung mà câu II trong đề thi Văn khối C đưa ra là không chính xác. Con đường vòng vèo mà tác phẩm “Thư gửi thầy giáo của con trai tôi” tới Việt Nam tương tự với hình thức các tác phẩm văn học mạng ngày nay được biết tới: Nội dung hấp dẫn, hình thức thân thiện, được bạn đọc lưu truyền và quảng bá rộng rãi, được công nhận là một tác phẩm mang giá trị văn học.

Văn học mạng bản chất là nội dung được bạn đọc yêu thích và lưu truyền, đăng tải lại nhiều lần, số lượng click view cao. Những dòng tâm sự vô danh của một người chưa bao giờ cầm bút cũng có thể trở thành một tác phẩm văn học mạng nổi tiếng nếu được bạn đọc ủng hộ và tuyên truyền rộng rãi. Chính bạn đọc đã trở thành người quyết định cái gì là tác phẩm. Và trong quá trình đón đọc, lan truyền đó, nguyên tác mất dần đi hình thức hoặc một phần nội dung ban đầu để trở nên một tác phẩm trọn vẹn, hoàn hảo hơn, gần với sự tiếp thu của công chúng hơn. Và việc đánh mất tên tác giả trong quá trình đó, bị đạo văn, thậm chí bị sửa đi, cắt đi, kéo dài, thu ngắn, gán cho những xuất xứ khác nhau là việc bình thường.

Trong quá trình dịch các tác phẩm văn học mạng nước ngoài sang tiếng Việt, tôi cũng mất rất nhiều thời gian để truy nguyên văn bản gốc hoặc bản được coi là đáng tin cậy nhất, cùng với tác giả. Việc đó cũng khó khăn như tìm chim bay trên trời, mò kim dưới đáy biển. Tuy vậy, bằng những cố gắng và sự hỗ trợ của các tiện ích mạng, tôi đã tìm được tác giả thật sự của rất nhiều tác phẩm, và chuyển nhượng được bản quyền của những tác phẩm đó, ví dụ như “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”, “Nắm tay và làm tình”, “Mẹ điên”, “Trôi dạt về đâu”, “Lỡ tay chạm ngực con gái”.

Từ đó, tôi khẳng định, việc truy tìm nguồn gốc một tác phẩm văn học là việc có thể, tuy khó khăn. Trong thời đại ngày nay, đó không chỉ là tôn trọng bản quyền, mà còn là một cách đối xử thực sự mang giá trị khoa học và nhân văn đối với một tác phẩm. Việc “Trả lại tên cho em” với một tác phẩm văn học, tôi nghĩ, sẽ càng dễ dàng hơn đối với Bộ Giáo dục Đào tạo, với các đề án nâng cao chất lượng dạy và học môn Văn, rút kinh nghiệm từ các yếu kém trong công tác biên soạn sách giáo khoa thời gian qua.

Trang Hạ

(thành viên nhóm sáng lập vanhocmang.net), Hà Nội, 12/7/2009

Box 2:

Ngày 11/7/2009, trang vanhocmang.net ra mắt tại Hà Nội với tư cách là website văn học mạng đầu tiên của Việt Nam, hội tụ những cây bút văn học mạng sung sức nhất hiện nay như Trang Hạ, Đặng Thiều Quang, Doãn Dũng, Giao Chi, Keng, Dương Bình Nguyên, Hà Kin… Website không chỉ đăng tải các tác phẩm văn học mạng trong và ngoài nước do chính các cây bút tự sáng tác và dịch thuật, còn cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật và tương tác trên nền web 2.0 để đáp ứng đặc trưng của thể loại văn học mạng. Trong ngày ra mắt, trên website đã có hơn 300 tác phẩm văn học mạng “made in Vietnam” và “made by Vietnam”, dự kiến sắp tới vanhocmang.net sẽ tích hợp các tính năng mới để người đọc có thể dùng ngay chính mật khẩu và hòm thư Yahoo, Gmail để tham gia viết và phản hồi trên vanhocmang.net.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 768 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0