Thứ Tư, 2024-04-24, 5:15 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tám » 9 » Ngư dân Việt Nam bị cầm giữ
11:56 PM
Ngư dân Việt Nam bị cầm giữ

xHồng Nga

Một số ngư dân Việt Nam vừa mãn hạn tù tại Indonesia

Dư luận trong nước hiện đang hết sức quan tâm tới số 25 ngư dân Việt Nam đang bị Trung Quốc giam giữ vì 'vi phạm lãnh hải' trong khi đánh bắt ở gần quần đảo Hoàng Sa.

Tuy nhiên, ít người biết rằng, còn hàng trăm ngư dân Việt Nam đang bị cầm giữ tại các nước trong khu vực trong khi cũng có câu hỏi về cách giải quyết của chính phủ Việt Nam.

Hồng Nga của đài BBC đã đi tìm hiểu chuyện ngư dân Việt Nam bị bắt tại Indonesia:

Rời Hong Kong buổi sáng, trời vần vũ bão. Tới Pulau Batam buổi chiều, nắng đổ chói lòa. Giữa sáng và chiều, mưa và nắng, là một Biển Đông mênh mông và cuồn cuộn sóng.

Tôi tới Indonesia với mục đích rất rõ ràng: đi tìm ngư dân Việt Nam hiện đang bị nước này giam giữ. Indonesia được cho là có luật đánh cá cực kỳ nghiêm khắc, và con số người nước ngoài, nhất là người Việt, bị bắt vì 'vi phạm ngư trường' Indonesia lên tới hàng nghìn.

Trại tù Lapas Barelang được sơn màu trắng xám, nằm ngay ngoài ngoại ô thành phố Batam. Đây là thủ phủ đảo Batam, một đảo thuộc loại lớn trong các đảo ở đặc khu Riau.

Nếu người ta ví chuỗi đảo Riau như một vốc hạt tiêu ông Trời ném xuống biển, thì Batam là một hạt tiêu sọ, mấy năm nay phát triển vượt bậc, thu hút nhiều đầu tư và khách du lịch nước ngoài.

Tất nhiên, đối với các tù nhân đang ngồi bóc lịch ở trong trại, thì thế giới bên ngoài kia chỉ có hai màu mưa và nắng.

Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1986, người huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, bị bắt từ tháng Ba 2007.

Người tầm thước, chắc chắn, nước da đen và đôi mắt nhìn thẳng rất lì, Tùng là tài công (thuyền trưởng) của chiếc tàu số hiệu KG 9583-TS. Tàu có 12 thuyền viên, đều đã được thả về nước, riêng thuyền trưởng bị án nặng nhất là 3 năm 8 tháng thì còn ngồi trong trại.

Tùng kể, tàu bị bắt lúc giữa trưa, khi đang thả cần câu cá mập.

"Lúc nghe thấy tàu hải quân Indo phóng tới, tui đã cho cắt hết dây câu, bỏ chạy. Thế nhưng không kịp, tàu của họ nhanh quá."

"Khi bị bắt, nghe họ nói mới biết đã vào hải phận Indonesia. Lúc đó tui cứ nghĩ vẫn đang trong vùng biển Singapore."

Cùng bắt với tàu của Tùng, là tàu KG 09862-TS, vì tàu cá Việt Nam thường đi có cặp. Thuyền trưởng tàu này đã được thả về sau khi thế chân là một thuyền viên, Nguyễn Văn Liệp, sinh 1969.

Khi Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh bắt tại vùng mà nước này gọi là hải phận của họ, nhiều ngư dân Việt Nam đã chuyển hướng xuống đánh bắt phía nam. Trong số thuyền viên bị Indonesia bắt, có cả người các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa.

Đôi khi thuyền viên nhận thế chỗ cho tài công sau khi được họ hứa hẹn sẽ chu cấp cho gia đình và giúp để sớm ra tù.

Anh Liệp, quê huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nước mắt lưng tròng khi nghĩ đến mẹ già đang vò võ trông con, mà chỉ biết con đang ngồi tù nơi xứ lạ.

Anh thừa nhận: "Lúc bị bắt tôi biết đã vào vùng biển Indonesia. Nhưng chủ cho đi, thì phải đi."

"Biển Việt Nam hết cá rồi, đánh bắt khó hơn biển của bạn."

"Biển hết cá" là lý do ngư dân thường đưa ra để giải thích cho việc vi phạm lãnh hải nước ngoài.

Một lý do nữa, là khi Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh bắt tại vùng mà nước này gọi là hải phận của họ, nhiều ngư dân Việt Nam đã chuyển hướng xuống đánh bắt phía nam. Trong số thuyền viên bị Indonesia bắt, có cả người các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa.

Cũng có việc ranh giới biển không rõ ràng, nhất là tại các vùng chồng lấn khiến cho ngư dân vô tình mắc tội.

Canh cánh nỗi lo

Từ Batam, tôi đi tàu qua Tanjung Pinang, thủ phủ của đặc khu Riau. Thành phố này nằm tại Bintan, đảo lớn nhất của đặc khu, nổi tiếng vì là điểm trung chuyển thời kỳ thuyền nhân Việt Nam ồn ạt trốn đi những năm 70-80-90 thế kỷ trước.

Tanjung Pinang cũng có một nhà tù lớn, gọi nôm na là Lapas 18 vì cách thành phố 18km, hiện đang giữ tới 70 ngư dân Việt Nam.

Ông Phạm Minh Hoàng, sinh năm 1961, dân Kiên Giang, là một trong số đó.

Dáng vẻ hiền lành, ông Hoàng được phân công phụ bếp từ ngày nhập trại. Ông bị bắt hồi tháng 5/2007 và nếu đúng hạn sẽ phải chịu án tới tháng 2/2010.

Ông Phạm Minh Hoàng kể: "Tàu thả lưới, cứ dòng chảy tới đâu, lưới trôi tới đó, ra khỏi hải phận Việt Nam lúc nào chẳng biết."

"Tàu tui (Hiền Hương) bị bắt lúc 8 giờ tối, tắt hết đèn không rõ mặt người. Hải quân họ đến tui cũng không hay, đến lúc họ bật đèn pha mới biết là bị bắt."

"Thú thực lúc đó, tui rất sợ."

Giới chức Indonesia đòi tiền chuộc 170 triệu rupiah, tức khoảng 20.000 đôla Mỹ, thì cho về. Nhưng ông Hoàng nói gia đình không có tiền nên đành ngồi tù tới khi mãn hạn vậy.

Tàu bị tịch thu, chủ đã sang chuộc về, chỉ có người là ở lại.

18 thuyền viên bị xử tù ngắn hạn đã hồi hương, bản thân ông Hoàng đang hy vọng ra tù vào tháng 11 tới, sau mấy lần được giảm án vì cải tạo tốt.

Nhà tù Lapas Barelang

Nhà tù Lapas Barelang là nơi giam giữ nhiều ngư phủ Việt Nam

Chỉ còn hơn ba tháng, nhưng ông tâm sự, mỗi ngày dài như một thế kỷ.

"Ở trong này, khổ lắm cô à. Đói ăn đói mặc đã đành, mà nhớ vợ con, lúc nào cũng canh cánh lo sợ không biết rồi mình có được ra hay không."

Được quản giáo cho phép, ông Hoàng nói vào máy thu cho tôi ghi âm, mong đến tai nhà chức trách Việt Nam:

"Chúng tôi mong ngày mãn án được nhà nước quan tâm bảo lãnh cho anh em về đoàn tụ với gia đình."

Hầu như ngư dân Việt bị giam tại Indo nào cũng có nỗi lo hết hạn mà không về được, vì không có tiền mua vé máy bay, vì sứ quán không làm giấy tờ, vì tệ quan liêu của cả hai nước.

Đã có nhiều trường hợp tù mãn hạn cả mấy tháng trời, mà ngư dân vẫn ăn chực nằm chờ bên đất khách.

Tội nữa, là nhiều trường hợp bị bắt cả năm nay nhưng vì lý do nào đó không được mang ra xét xử, vất vưởng ở một nơi tạm giam xa lắc xa lơ. Được biết trên đảo Terempah, một đảo nằm khá xa trong vùng Biển Đông, vẫn còn hàng chục người Việt đang chờ được ra tòa, ngày ngày đi làm mướn nuôi thân.

"Không làm cá biết làm gì?"

Đa số ngư phủ mà tôi hỏi chuyện đều nói rằng họ chưa bao giờ được tiếp xúc với đại diện của sứ quán Việt Nam, ngay cả khi đã có vài trường hợp người Việt chết trong tù.

Bảo hộ công dân xem ra là một khái niệm còn xa vời với người Việt ở nước ngoài, nhất là những người bị cho là "vi phạm luật lệ của nước bạn".

Báo chí Việt Nam gần đây được bật đèn xanh hào hứng khai thác chủ đề ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, nhưng gần như không đả động tới ngư dân Việt ngồi tù ở các nước khác.

Cũng có ý kiến hoài nghi về khả năng của chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ công dân của mình.

Chúng tôi mong ngày mãn án được nhà nước quan tâm bảo lãnh cho anh em về đoàn tụ với gia đình.

Ngư dân Phạm Minh Hoàng, hiện đang ngồi tù ở Indonesia

Ông Nguyễn Văn Bình, một ngư dân Kiên Giang vừa mãn hạn tù mà tôi gặp ở Tanjung Pinang, nói: "Chúng tôi nhận tội, biết là mình đã sai rồi. Nhưng cái sai đó đã được trả giá bằng hơn ba năm ngồi tù."

"Nay chúng tôi xin nhà nước giúp can thiệp, để chúng tôi hết hạn tù được về với vợ con."

Khi được hỏi về nhà sẽ làm gì, ông Bình nói chắc lại làm nghề cá, vì "không làm cá biết làm gì".

Nguyễn Thanh Tùng, tài công trẻ tuổi mà tôi gặp ở nhà tù thành phố Batam, cũng nói như đinh đóng cột: "Về nhà, tui lại đi biển".

Tùng đã ngồi tù bảy tháng ở Malaysia năm 2000, nay tiếp tục chịu án ba năm ở Indonesia, thế nhưng máu chài lưới vẫn bừng bừng trong đôi mắt.

Cười thật thà để lộ chiếc răng cửa gãy trong một lần ẩu đả, Tùng tâm sự: "Tui buộc cái dây vào chai nước suối, tung tung đẩy đẩy, tập thể dục hàng ngày đặng sau này về có sức khỏe mà đi biển."

"Chứ cơm trại tù ngày hai bữa, toàn khoai mì mà suất cơm chưa đầy nắm tay, sức đâu ra."

"Thế nhưng từ bây giờ không dám vào biển Indonesia nữa."

Có tín hiệu đáng mừng là giới chức Việt Nam và Indonesia đang đi tìm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn nạn xâm phạm ngư trường hai bên. Mời quý vị đọc bài tiếp theo của Hồng Nga trên BBCVietnamese.com

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 654 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
      1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0