Thứ Năm, 2024-03-28, 11:21 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Mười Hai » 13 » Bàn về tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân"
3:32 PM
Bàn về tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân"

Kami.

"..hy vọng được những người cầm cán cân công lý khi họ "Nhân danh Nước CHXHCN Việt nam" để tuyên phạt những nhà hoạt động dân chủ đọc, để hiểu rõ rằng "Chính quyền nhân dân" thực chất là một chính quyền được xây dựng trên nền tảng của một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự. Và cái gọi là chính quyền nhân dân mà đảng và chính quyền Việt nam đang nhân danh là một trò giả mạo không đúng nghĩa của nó."


Hình công văn (chưa được kiểm chứng) mà giới blogger phổ biến
liên quan đến vụ luật sư Lê Công Ðịnh.

Những ngày vừa qua trên mạng internet có phát tán một bản chụp có tên là "Văn bản yêu cầu cử người bào chữa cho Luật sư Lê Công Định" được cho rằng là của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao số: 01/VKSTC-V2 ký ngày 11/12/2009 gửi Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh và bị can đã làm cho dư luận trong và ngoài nước xôn xao về tin LS Lê Công Ðịnh có thể sẽ bị đưa ra xét xử với tội danh "Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” thay vì tội danh "Tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” như trước đây.

Vài năm gần đây LS Lê Công Định được dư luận xã hội đánh giá cao bởi đã là người đứng ra bào chữa cho các nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt nam đặc biệt những bài viết phản biện mang tính đóng góp xây dựng với chính quyền nhà nước Việt nam nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa việc thiết lập một Nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự đúng nghĩa được báo chí trong và ngoài nước đăng tải. Những nội dung các bài viết của LS Lê Công Định được người dân trong nước tiếp nhận với một thái độ trân trọng bởi nó là những điều mới mẻ đối với họ những người đang sống trong một môi trường bị bưng bít thông tin như ở Việt nam, khi mà sự cai trị của chính quyền nhà nước vẫn mang nặng tính nhân trị.

Thực chất những bài viết của LS Lê Công Định chẳng có gì là mới mẻ, nó chỉ là việc ghi chép những điều được học, được đọc, được mắt thấy tai nghe của những người có cơ hội sống trong môi trường xã hội dân sự được lãnh đạo bởi một nhà nước cai trị bằng luật pháp ở các nước tiến bộ. Điều này người dân các nước đó đã được giáo dục ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở bậc tiểu học nó là quyền của công dân được luật pháp ghi nhận và bảo vệ.

Bỏ qua các tình tiết cho rằng LS Lê Công Định đã tham gia đảng Dân chủ Việt nam với chức danh Tổng thư ký v.v.. vì những thông tin này thuộc dạng nửa tin nửa ngờ, chưa có bằng chứng xác thực trước khi được công bố trong bản luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ công bố tại phiên tòa xét xử vụ án này trong một ngày gần đây.

Vì vậy cần phải làm rõ rằng LS Lê Công Định có thực sự có các "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" như tội danh được chính quyền Việt nam xác định trong quyết định khởi tố bị can hay không?

Chúng ta hãy cùng nhau trả lời 3 câu hỏi sau:

1.Chính quyền nhân dân là gì?
2.Ở Việt nam đã từng có chính quyền nhân dân tồn tại hay chưa kể từ sau ngày độc lập 2/9/1945?
3.Chính quyền của đảng CSVN đang điều hành đất nước có thực sự là chính quyền nhân dân hay không?

Chắc chắn những lời giải đáp sau đây không phải là một phần của lời bào chữa thay cho Luật sư Lê Công Định, vì ở Việt nam với nền luật pháp kém phát triển kiểu "Luật là tao-Tao là luật" người ta đã quen với những phiên tòa kiểu kangaroo, đặc biệt trong các vụ án chính trị, thì việc với những bản án bỏ túi đã được lãnh đạo đảng các cấp trên (tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ án) định sẵn theo lối làm án ngược là điều tất nhiên. Nghĩa là lãnh đạo đảng cấp trên giao yêu cầu cần cách ly bị can với xã hội (ở tù) bao lâu, thì lập tức các cơ quan tư pháp sẽ tìm kiếm tội danh và hoàn tất hồ sơ vụ án nhằm ghép tội cho bị can để phù hợp với yêu cầu đó.

Nhưng dù sao chăng nữa việc giả đáp những câu hỏi này cũng giúp chúng ta ít nhiều hiểu rõ sự thật và đặc biệt hy vọng được những người cầm cán cân công lý khi họ "Nhân danh Nước CHXHCN Việt Nam" để tuyên phạt những nhà hoạt động dân chủ đọc, để hiểu rõ rằng "Chính quyền nhân dân" thực chất là một chính quyền được xây dựng trên nền tảng của một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự. Và cái gọi là chính quyền nhân dân mà đảng và chính quyền Việt Nam đang nhân danh là một trò giả mạo không đúng nghĩa của nó.

1. Chính quyền nhân dân thực chất là gì?

Một điều kỳ lạ là ở các nước theo đường lối cộng sản trước kia và còn sót lại hiện tại như Việt nam, hai từ nhân dân được sử dụng rất nhiều trong các tổ chức bộ máy nhà nước. Các nhà lãnh đạo chính quyền cộng sản rất ấu trĩ, họ luôn nghĩ rằng chỉ cần dùng hai từ nhân dân để gắn cho các tổ chức đó là có thể thiết lập xong chính quyền nhân dân vì bản thân họ khi ấy  còn chưa hiểu thực chất chính quyền nhân dân là gì?

Nhưng "dân gian" họ lại đánh giá rằng, những cái bộ máy được gắn hai chữ nhân dân chỉ là những cơ quan làm hại và ức hiếp nhân dân, ví dụ Công an nhân dân giúp dân thì ít, bắt nạt ăn hiếp dân là nhiều, Quân đội nhân dân là quân hại nhân dân(*), Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân chuyên để xét xử người dân thấp cổ bé họng v.v.. Và họ còn bảo cái mà người dân thích nhất là tiền bạc thì chính quyền giành lấy làm của họ như Ngân hàng nhà nước, Kho bạc nhà nước là ví dụ.

Nhưng thực tế ở Việt nam hiện nay, kể cả những người có học chứ không nói tới dân thường, rất ít người hiểu được đầy đủ định nghĩa của chính quyền nhân dân là gì. Mặc dù cụm từ này được nhắc đi nhắc lại trong các bản tin liên quan đến vấn đề chính trị xã hội, nhưng người dân chỉ biết chứ không hiểu nghĩa thật của nó. Nếu ai không tin, ngay lập tức hãy dùng công cụ tìm kiếm của Google xem có lời giải đáp cụ thể hay không? Hoàn toàn không có, đó chính là mục đích của những người lãnh đạo đảng CSVN và nhà nước của họ cố tình như vậy, vì họ sợ người dân biết sự thật họ sẽ đòi hỏi.

Chính quyền nhân dân là chính quyền hợp hiến xuất phát từ ý nguyện của đa số nhân dân thông qua một cuộc bầu cử tự do, trung thực, công bằng, bình đẳng theo Hiến pháp và luật pháp quy định. Nói một cách khác thì chính quyền ấy nhất thiết phải do dân quyết định, tức là nhân dân phải là người thực hiện quyền lực, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua các đại biểu của mình. Để thực hiện quyền làm chủ của mình, nhân dân có quyền bầu cử, ứng cử, tham gia cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và Hội đồng nhân dân địa phương. Từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất quyết định tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhà nước do dân bãi miễn nếu không đáp ứng những yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Khi nhà nước do dân được tổ chức theo phương thức đại diện, đại biểu nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra thì dân có thể bãi miễn nếu người được bầu không còn xứng đáng.

Nói tóm lại một cách ngắn gọn chính quyền nhân dân chính là mô hình của một nhà nước pháp quyền đi cùng với một xã hội dân sự mà hiện nay đang được áp dụng rộng rãi ở các quốc gia tự do dân chủ trên thế giới.

2. Ở Việt nam dưới sự lãnh đạo của đảng CS đã từng có chính quyền nhân dân tồn tại hay chưa kể từ sau ngày độc lập 2/9/1945?

Xin trả lời là đã có, tuy nhiên nó mới ở quá trình bước đầu đang hình thành chưa hoàn chỉnh, tiếc rằng thời gian tồn tại của nó quá ngắn ngủi chỉ là vài tháng. Đó chính là cuộc bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I ngày 6/1/1946 làm nền tảng xây dựng một chính quyền của nhân dân.

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội khóa I đã thành công rực rỡ, ở 71 tỉnh thành trong cả nước, 89% tổng số cử tri đã đi bầu cử, bầu được 333 đại biểu trong đó 57% đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc ít người. Trong cuộc Tổng tuyển cử này mọi công dân Việt Nam đều tự do và bình đẳng thực hiện quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội. Trong số hàng ngàn người ra ứng cử, nhân dân đã tự mình lựa chọn bầu được 333 đại biểu. Riêng ở Hà Nội cử tri đã chọn được 6 đại biểu trong số 74 người ứng cử ở thành phố này. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đại diện cho ý chí của dân tộc, có đại diện của các thế hệ người Việt Nam đương thời, đại diện của Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ, của Việt Minh, các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc ít người, các tôn giáo,  những nhà tư sản dân tộc, công thương, những nhân sĩ trí thức và cả những người vốn là quan lại cao cấp của chế độ cũ, cả cựu hoàng Bảo đại vừa rời bỏ ngai vàng bệ ngọc để được làm dân một nước độc lập.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử dẫn đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội ngày 2/3/1946 là một bước tiến của tổ chức cơ quan Nhà nước cao nhất của Việt Nam. Quốc hội đã bầu ra Ban Thường trực Quốc hội do học giả Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban, thành lập Chính phủ chính thức - Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tiếc rằng do các yếu tố của lịch sử làm cho chính quyền đó đã không thể tồn tại khi đảng CSVN trở lại hoạt động với danh nghĩa chính thức một lần nữa.

3. Chính quyền của đảng CSVN đang điều hành đất nước có thực sự là chính quyền nhân dân hay không?

Trả lời: Không và chưa bao giờ chính quyền của đảng CSVN đang điều hành đất nước có thực sự là chính quyền nhân dân.

Bởi lẽ trước năm 1989, khi mà Liên xô và các nước trong phe XHCN (những nước theo CNXH) kể cả Việt nam, người ta không bao giờ nói đến nhà nước pháp quyền mà chỉ nói đến nhà nước chuyên chính vô sản. Chỉ đến khi gặp khủng hoảng vào năm 1988, để cứu nguy sự đổ vỡ của cả một hệ thống với "Perestroika” (đổi mới) ở Liên Xô khi ấy mới bắt đầu nói đến khái niệm "Nhà nước pháp quyền XHCN" mà ngày nay chúng ta thường thấy đảng CSVN và chính quyền của họ thường nhắc đến dưới khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Để giúp xác định tính chất của Nhà nước pháp quyền XHCN này do dân làm chủ, người ta không ngần ngại thêm vào cụm từ "của dân, do dân và vì dân” của A. Lincoln vị Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, nằm trong diễn văn của ông đọc tại Gettysburg năm 1863.

Một khi một chính quyền đi lên từ nòng súng như ở Việt nam, không phải từ ý nguyện của quần chúng nhân dân thông qua một cuộc  bầu cử tự do công bằng, bình đẳng và trung thực và dùng chuyên chính vô sản thay cho luật pháp để cai trị thì không thể coi đó là một nhà nước pháp quyền.

Hơn nữa trong Nhà nước của pháp quyền đó, phải được tổ chức theo nguyên tắc "tam quyền phân lập" để kiểm tra lẫn nhau. Trong nhà nước pháp quyền đó cơ quan nhà nước và công chức chỉ làm được những điều luật pháp cho phép, còn ngược lại nhân dân thì được phép làm tất cả những điều gì mà luật pháp không cấm. Và đặc biệt để đảm bảo dân ủy quyền mà không mất quyền thì công việc của nhà nước và các cơ quan công quyền phải công khai và minh bạch trước dân, dân có quyền tham gia vào việc hoạch định pháp luật, giám sát và kiểm soát dưới nhiều hình thức như báo chí, các tổ chức của xã hội dân sự v.v..

Thực chất hiện nay ở Việt nam, những người lãnh đạo đảng và chính quyền đã bắt đầu hiểu và người ta đang cố gắng xây dựng một nhà nước pháp quyền gắn liền với xã hội dân sự. Chỉ có điều, họ nói nhiều về nhà nước pháp quyền nhưng lại có phần nào còn e dè về xã hội dân sự vì lo ngại xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền thực sự sẽ ảnh hưởng tới quyền lực và lợi ích vốn có của họ, mặt khác họ không hiểu rằng xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền gắn với nhau như bóng với hình, sông song tồn tại và phát triển. Đặc biệt cái ý tưởng về "xã hội dân sự” vốn đã được ấp ủ từ lâu, rất lâu trong khát vọng tự do của con người đã và đang hướng tới. 

Qua ba câu hỏi kể trên, cho thấy tội danh mà chính quyền đã cáo buộc cho LS Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung là hoàn toàn vô lý không có cơ sở. Thực chất những người đó họ không hề phạm tội mà ngược lại họ là những người có công tiên phong đi đầu trong vấn đề đòi hỏi chính quyền nhà nước và đảng CSVN phải cải cách nhanh hơn nữa nhằm tiến tới thiết lập một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự. Đó mới thực chất là một chính quyền nhân dân thực sự mà họ đòi hỏi cần phải khẩn trương xây dựng và hoàn chỉnh, vậy tại sao lại cáo buộc cho họ tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" được.

Có chăng đó là họ là những người tiên phong đập bỏ cái cơ chế cũ lạc hậu giả danh chính quyền nhân dân iện tại bằng một chính quyền nhân dân thực sự của dân do dân và vì dân. Một xã hội dân sự, một nhà nước pháp quyền như Hồ Chủ tịch nói:(trích)

 "Nhà nước ta hôm nay phải do nhân dân ta lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, thay mặt mình tham gia cơ quan quyền lực nhà nước, quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước, quyết định tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, thay mặt cho nhân dân quản lý đất nước và quản lý xã hội, giữ quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Việc xây dựng nhà nước do đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là quyền lợi của mỗi người dân Việt Nam."


Và : "Tất cả quyền bính đều thuộc về nhân dân, những vấn đề quan hệ đến vận mệnh quốc gia do nhân dân phán quyết. Dân bầu ra người đại diện cho mình và có quyền bãi miễn nếu họ không còn xứng đáng. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đổi Chính phủ”.

LS Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và các nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền khác đã làm đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sao lại ghép tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" cho họ được? Nếu có họ chỉ có khuyết điểm chỉ là xuất phát quá nhanh trước khi nhận được sự cho phép chính thức của chính quyền.

Chính vì vậy, thay vì truy tố LS Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và các nhà đấu tranh vì tự do dân chủ khác cần phải khởi tố đảng CSVN và một số cá nhân với tội danh "Lợi dụng danh nghĩa chính quyền nhân dân để trục lợi, tạo đặc quyền cho một nhóm nhỏ người trong xã hội đã vi phạm lợi ích chính đáng của công dân được luật pháp bảo vệ". Bởi chính quyền này không phải do dân lựa chọn bầu ra, những cuộc bầu cử Đại biểu của dân chỉ là hình thức kiểu "đảng cử dân bầu" chứ chưa bao giờ người dân được bầu những người họ tự lựa chọn theo ý nguyện của họ và cái gọi dân chủ chỉ là hình thức là giả hiệu, thực chất đây là cuộc lừa dối vĩ đại để rồi từ lừa dối người ta chuyển sang trạng thái cưỡng bức cả một dân tộc đi ngược lại trào lưu phát triển của xã hội loài người tiến bộ đang hướng tới.

Lịch sử sẽ công tâm và ghi công nhưng nhân vật đã và đang đấu tranh vì tự do dân chủ và quyền của con người, đó là những hành động nhằm thúc đẩy để xây dựng một nhà nước pháp trị và một xã hội dân sự cho mọi người Việt nam chứ không phải dành riêng cho cá nhân họ. Và đảng CSVN trong một tương lai rất gần chắc chắn sẽ phải sửa sai và phục hồi danh dự trả lại bằng hình thức minh oan và ghi nhận công trạng như họ đã từng làm với ông Kim Ngọc Bí thư tỉnh ủy Vĩnh phú và các cá nhân trong nhóm Nhân văn giai phẩm đã từng bị đảng và chính quyền kết tội mấy chục năm trước.

Đó là một điều chắc chắn.

13/12/2009

-------------
(*) Lưu truyền trong dân gian "Quân đội nhân dân" là "Quân dận nhân đôi"-> là "Quân đội nhân hai" sau cùng là "Quân hại nhân dân".
© 2009 Kami
Nguồn: http://postsbykami.multiply.com
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 1364 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Mười Hai 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0