Thứ Năm, 2024-03-28, 9:03 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Ba » 3 » Chuẩn bị bầu cử Quốc hội tại Việt Nam cho đến nay chưa có dấu hiệu dân chủ thực sự
6:39 AM
Chuẩn bị bầu cử Quốc hội tại Việt Nam cho đến nay chưa có dấu hiệu dân chủ thực sự
Trọng Thành, rfi
Giáo sư Tương Lai (theo trang bauxit Việt Nam)

Ngày 22/05/2011 tới, các công dân Việt Nam sẽ đi bầu Quốc Hội khóa thứ XIII. Theo quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến bầu cử Quốc hội tại Việt Nam, Trung ương Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) Việt Nam giữ vai trò hết sức quan trọng. Phần chuẩn bị bầu cử được chia làm 3 giai đoạn chính. Giai đoạn thứ nhất vừa kết thúc vào cuối tháng 2 vừa qua.
Trong hai ngày 27và 28/02/2011, Thường trực Trung ương MTTQ có một cuộc họp tổng kết. Việc tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam cho đến thời điểm này có dân chủ hay không ?
Sau đây là nhận định của Giáo sư Tương Lai, một ủy viên lâu năm của MTTQ, và là người vừa có một số phát biểu đáng chú ý trong cuộc họp kể trên.
Ông Tương Lai nguyên là Viện trưởng Viện Xã hội học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt nam.

Giáo sư Tương Lai (Sài Gòn) 01/03/2011
Nghe (16:53)

RFI : Thân chào giáo sư Tương Lai, vừa rồi công luận rất chú ý đến bài phát biểu của giáo sư tại Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam. Giáo sư có thể cho biết lý do, vì sao giáo sư đã đưa ra phát biểu đó vào thời điểm này ?
Ông Tương Lai : Về nội dung tôi phát biểu hôm 27/02 vừa rồi, thì không phải lần đầu tiên. Đây là cái ý mà tôi đã nói nhiều lần, có thể nói là suốt hơn ¼ thế kỷ là thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Bất cứ ở diễn đàn nào của Mặt trận, tôi cũng nói với nội dung này. Bởi vì tôi quan niệm : Mặt trận chính là một tổ chức rộng lớn, tập hợp các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, không phân biệt đảng phái, không phân biệt quá khứ, không phân biệt ý thức hệ, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng. Có thể nói, đây là một tổ chức, về mặt danh nghĩa, tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, Mặt trận phải làm thế nào để phản ánh được tiếng nói rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, trong đại hội của Mặt trận lần thứ V, đã thông qua một cương lĩnh, trong đó nói rõ, không phân biệt về ý thức hệ, về quá khứ, trong đó, tôi chú ý cái chữ « không phân biệt về ý thức hệ ». Cho nên kỳ này, tôi nhắc lại là, Mặt trận phải làm thế nào để làm được việc đó.
Tôi cho rằng, chính cái « cơ chế » mà báo cáo của Mặt trận nêu lên kỳ này, thì nó tùy thuộc vào … Có lúc, cái « cơ chế » mở ra, nhưng lại có lúc « cơ chế » nó thắt lại. Tôi lẩy một câu Kiều cho nó vui : « Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi ». Vì sao lại như vậy ? Vì điều này tùy thuộc vào tư duy của bộ phận lãnh đạo cao nhất. Nếu những người lãnh đạo cao nhất thấy rằng, việc phản biện này là cực kỳ cần thiết trong điều kiện đất nước chỉ có một đảng cầm quyền, thì vai trò phản biện của xã hội thông qua Mặt trận là cực kỳ quan trọng. Và tôi hy vọng rằng, vừa rồi, chính ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu tại diễn đàn của đại hội cũng nói rõ, « phản biện xã hội cũng là trách nhiệm của Mặt trận ».
Từ khi có phát biểu đó, tôi tin rằng, nếu như bây giờ thực hiện lời của ông Tổng bí thư, thì chắc rằng cái « cơ chế » đó, nó lại sẽ được cởi ra, mà nếu được cởi ra, thì Mặt trận mới hoạt động được, còn nếu không thì Mặt trận chỉ làm một cái thứ « cây kiểng ». Tôi nói vui như vậy.
RFI : Nhưng nếu « cơ chế » mà nó rõ ràng, như kiểu một bộ luật mang tính chất tường minh, thì như thế nhiều khi các nhà lãnh đạo sợ rằng không thể nghe nối những lời phản biện. Có phải đấy là nỗi lo ngại của giới lãnh đạo hiện nay không, thưa giáo sư ?
Ông Tương Lai : Lo ngại của giới lãnh đạo hiện nay hay không thì tôi không biết. Tôi chỉ căn cứ vào những gì có trên văn bản thôi. Trong một cuốn sách viết về vấn đề « Văn hóa và đổi mới », ông Phạm Văn Đồng có tự kiểm điểm và nói rằng, tôi rất lấy làm ngạc nhiên không biết vì sao mà mình có thể quay lưng lại với những sự thật diễn ra hàng ngày trước mắt mình, để lao vào « những cái giá đắt phải trả », rõ ràng đây là một sự thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn. Đấy là một sự tự đánh giá.
Quay trở lại, tôi nhận thức thế này : cái « cơ chế » mà báo cáo của Mặt trận đã nêu lên, có phải là cái « cơ chế » đang quay lưng lại với sự thật hàng ngày đang diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm, với « những cái giá đắt phải trả » không ? Và « cái phải trả » kỳ này, đắt hơn phải trả kỳ trước. Còn nếu như kỳ này vẫn giữ cái « cơ chế » như thế, không tự « mở ra », như lời cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, thì cái giá phải trả nó sẽ rất lớn.
RFI : Thưa giáo sư, vừa rồi, đã diễn ra giai đoạn « hiệp thương » thứ nhất của phần chuẩn bị cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, vậy giáo sư nhận xét như thế nào về giai đoạn vừa diễn ra, mà trong đó, MTTQ Việt Nam giữ vai trò chủ chốt ?
Ông Tương Lai : Mặt trận được trao cho cái quyền giám sát cuộc bầu cử, chứ Mặt trận không cầm tay chỉ việc cho « dân ». Bầu cử như thế nào ? Giám sát cái gì ? Giám sát ai ? Giám sát ở đây tức là giám sát cái phương thức bầu cử, do Nhà nước quy định. Và khi nói bầu cử là gì, chính là « dân » thực hiện quyền dân chủ của mình. Thế thì kỳ này, khi người dân tiến hành bầu cử, nghĩa là phải lựa chọn những người rồi đây, khi vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thì họ thực hiện được cái vai trò đó, tức là họ phải là cái tiếng nói của dân, chứ không phải là cái tiếng nói của bản thân họ, hay là tiếng nói của cấp trên của họ. Vừa qua, tôi cảm thấy Mặt trận có làm điều này, nhưng không biết kết quả đến đâu. Theo quan điểm của tôi, phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới có thể thực hiện được chức năng giám sát ấy của mình.
RFI : Giáo sư có thể nói cụ thể phải phấn đấu ở chỗ nào, và như thế nào được không ?
Ông Tương Lai : Ví dụ, trong vấn đề danh sách bầu cử ứng cử, việc hiểu cho đúng nghĩa của chữ « hiệp thương » như thế nào, bản thân tôi cũng thấy nó lờ mờ. Bởi vì, như thế là Mặt trận lại áp đặt cái ý chí chủ quan của mình vào cho dân rồi. Theo tôi, tốt nhất là nên làm như thế nào, để người dân có thể giới thiệu rộng rãi những người ra ứng cử, mà khi mà ra ứng cử như vậy, thì họ phải trình bày cương lĩnh hành động của mình trước mặt mọi người, để dân, qua đó, hiểu rằng tôi trao quyền cho anh có xứng đáng hay không. Còn nếu không, nếu chỉ do một tổ chức đưa ra một danh sách, rồi dân căn cứ vào đó mà bầu, thì nhiều khi cái chuyện bầu này nó cũng chỉ hình thức và chưa thực sự dân chủ.
Tôi nói ví dụ như thế này, Hiến pháp đã có từ lâu ở điều 69 năm 1992, tôi nhớ không chính xác, nhưng đại khái như thế này : công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, v.v. Nhưng xem ra, cái điều này để thực hiện được còn gay go lắm. Phải đấu tranh thì cái quyền ghi trong Hiến pháp mới thực hiện được, còn nếu không thì cũng khó.
RFI : Trong luật Bầu cử Quốc hội, có những tiêu chuẩn khá đơn giản, tức là những người không phạm pháp,… chắc giáo sư biết rõ, thế nhưng trên thực tế, việc « hiệp thương » để chọn người vào danh sách ứng cử lại dựa trên những ý kiến của một số người ở trong một Ủy ban của Mặt trận được phân công làm chuyện đó. Vậy làm thế nào khâu đó trở nên minh bạch, công bằng, để tạo điều kiện cho những người được bầu, thực sự đại diện cho quyền lợi của nhân dân được ?
Ông Tương Lai : Đấy là cả một vấn đề. Nếu thực hiện được tốt chuyện này, thì mới gọi là người dân thực sự làm chủ, và cái cuộc bầu cử mới trở thành ngày « hội lớn », như người ta mong muốn. Nhưng mà muốn như vậy, thì phải phấn đấu thôi. Tức là còn phải cải tiến rất nhiều.
Vừa rồi, ông cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nói rất rõ, phải làm thế nào để người được bầu thực sự đại diện cho dân. Tôi không nhắc lại nữa. Phải nói đấy là một ý kiến rất xác đáng. Trước ông Nguyễn Văn An, ông Võ Văn Kiệt cũng có những ý tưởng rất sáng láng, chỉ có điều không được thực hiện.
Cho nên, nếu như bây giờ, thực hiện được những ý tưởng như vậy, chính là tạo ra được cơ chế để dân thực thi quyền làm chủ của mình một cách đích đáng. Dĩ nhiên, ở đây có hai mặt. Mặt thứ nhất là trình độ của người dân phải được nâng lên, điều này cực kỳ quan trọng. Nhưng điều thứ hai, để trình độ được nâng lên, các điều kiện để thực thi dân chủ phải được cởi rộng ra. Quan điểm của tôi là như vậy.
RFI : Thưa giáo sư, ý tưởng chính của hai vị trên là gì ?
Ông Tương Lai : Ý đó dài, nhưng tóm lại, theo tôi là như sau : người ra ứng cử phải thuộc về một « đơn vị », mà người dân hiểu được, và người đó sẽ gắn bó với cử tri suốt cả cuộc đời, và/hoặc là suốt cả thời kỳ mà mình đang là đại biểu của cử tri, chứ không phải tôi ở đâu đâu, tôi đến đấy, rồi tôi gặp cử tri, rồi tôi cắp cặp đi về, và tôi không hiểu gì về nguyện vọng của cử tri ở đấy cả. Điều này đòi hỏi cả một « cơ cấu tổ chức », mà kỳ này « cơ cấu tổ chức » ấy vẫn chưa được thực hiện, nếu theo những điều tôi được biết cho đến giờ phút này. Vì vậy, cho nên, tôi cho rằng, đây là cả một quá trình cần phải phấn đấu thôi. Như thế, trước mắt vẫn còn có những khó khăn.
RFI : Thưa giáo sư, nếu những ý tưởng như thế đã được đề ra rất lâu rồi, mà cho đến bây giờ vẫn chưa trở thành hiện thực, thì liệu người ta có cơ sở hy vọng một lúc nào đó nó được thực hiện hay không ? Hay là không thể nào thực hiện được ?
Ông Tương Lai : Tôi không chỉ nói mới đây, mà tôi đã viết cách đây hàng chục năm rồi. Dân chủ là phải tự đấu tranh để giành lấy. Dân chủ không đi xin. Dân chủ không do ở trên ban ơn. Không đấu tranh để đòi thì không có dân chủ.
Sự tha hóa của Nhà nước là mang tính phổ biến, sự tha hóa của quyền lực là mang tính phổ biến, nhưng mức độ là như thế nào thì tùy thuộc vào trình độ của dân và ý thức của dân. Nếu cuộc đấu tranh của dân mà mạnh mẽ, thì buộc cho những người bị tha hóa phải thay đổi. Nếu họ không thay đổi, thì dân không tín nhiệm họ nữa. Chuyện đó mang tính quy luật rồi !
Bởi vì, nếu nhìn cho rõ, thì khi dân trao quyền như vậy, là trao cho các tổ chức để thực hiện ý chí của dân, và quyền toàn bộ thì chỉ có dân mới có thôi. Nhưng đấy là trên nguyên lý, còn trên "thực hiện" là dân trao quyền. Vậy thì, trao quyền như thế nào để không mất quyền. Đấy chính là dân chủ đấy. Chuyện này là một quá trình lâu dài, là một quá trình, trong đó dân được nâng trình độ mình lên, và phải đấu tranh để đòi quyền dân chủ.
RFI : Như giáo sư nói, đấu tranh, về nguyên tắc là bắt buộc, bởi vì không dễ gì mà quyền lực lại sẵn sàng ban ân huệ từ trên xuống. Nhưng nếu như không có cơ chế hợp pháp, ví dụ như luật biểu tình, luật lập hội, là nền tảng cho một xã hội dân sự, các bộ luật nền tảng như vậy mà chưa được ra đời, thì trong đấu tranh, những người tranh đấu thường hay bị rơi vào cảnh tù tội, bị rơi vào cảnh bắt bớ, v.v. Vậy làm sao mà có thể dẫn đến một cuộc đấu tranh dựa trên các quy tắc thật sự công bằng. Mà nếu như không có những hình thức đấu tranh theo kiểu bất bạo động như vậy, xã hội sẽ hướng theo những bạo lực không kiểm soát được, có phải không thưa giáo sư ?
Ông Tương Lai : Đấy là điều chúng ta phải suy nghĩ. Đừng đẩy tới, để cho tình hình đẩy tới sự manh động của quần chúng. Mà khi mà sự manh động đó mà bục ra rồi, thì khó mà xử lý. Cho nên, phải ngăn chặn bằng việc thực hiện các giải pháp dân chủ. Đừng đợi nước đến chân rồi mới nhảy, rồi mới tuyên bố, đây bây giờ tôi sửa Hiến pháp đây, … như cái chuyện Mubarak hay Kadhafi bên Libya hay bên Ai Cập. Như thế là quá muộn !
Đến bây giờ đây, tôi tin tưởng rằng, những nhà cầm quyền Việt Nam đã hiểu ra và rút ra được những bài học kinh nghiệm. Mà ở Việt Nam, không phải là không có những lúc có những sự kiện như thế đâu. Năm 1997, ở tỉnh Thái Bình là tỉnh dẫn đầu về mọi mặt, mà vẫn còn bục ra những sự kiện như thế còn gì ?!
Cho nên vấn đề là làm thế nào để từng bước thực hiện dân chủ, để dân không bị dồn nén, để được giải quyết vấn đề một cách êm thấm, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy tiến bộ xã hội đúng trong tiến trình « như nó có », như những điều luật pháp quy định. Mà luật pháp quy định đầy đủ lắm. Đành rằng bây giờ có những luật chưa ra được, như luật lập hội. Đấy là cái điều mà tôi nói là chuyện « cởi ra rồi lại buộc vào ».
Thế còn cái chuyện mà đã được quy định trong Hiến pháp rồi, nếu như thế, cứ việc thực hiện thôi. Nhưng "nó" vẫn còn hạn chế, thì như vừa rồi tôi nói, « đấy là cái quy luật chung ». Vì vậy, người dân phải từng bước một mà đấu tranh để giành lấy thôi.
RFI : Thưa giáo sư, theo ý của giáo sư, trong giai đoạn một của phần chuẩn bị bầu cử đã diễn ra không thực sự minh bạch, và chưa có đổi mới. Bây giờ còn hai giai đoạn nữa. Trong hai giai đoạn tới, cũng chưa thấy dấu hiệu gì để cho thấy có sự cởi mở với người dân trong việc tự ứng cử, đề cử những người nói lên tiếng nói của nhân dân, của xã hội. Có đúng thế không ?
Ông Tương Lai : Tôi không kết luận một cách dứt khoát như anh. Bởi vì hiện nay, vừa mới bắt đầu đi vào tiến trình bầu cử. Bắt đầu từ hôm qua, khi bế mạc phiên họp thứ 3 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chúng tôi mới được phổ biến rằng, bây giờ mới bắt đầu thực hiện. Thế thì quá trình mới bắt đầu nào, sẽ như thế nào, chúng ta chưa có thể kết luận trước được. Nhưng mà, nếu như không có những thay đổi so với trước, không có những cơ chế cởi mở hơn, thì sợ rằng, những điều đòi hỏi mà dân muốn, thì chắc rằng còn khó thực hiện.
Nhưng bây giờ phải chờ, trong thực tiễn nó sẽ diễn ra như thế nào, chứ mình chưa nên quy kết trước vội. Chỉ có điều là : để làm được như thế, vai trò giám sát của Mặt trận phải như thế nào ? Như lời tuyên bố của ông Tổng thư ký Mặt trận, ông ấy nói rất rõ ràng và hùng hồn : giám sát là gì, giám sát là làm cho quá trình dân chủ được phát huy cao nhất, đấy là thứ nhất. Bảo đảm cho luật pháp về bầu cử được áp đặt đúng đắn ở mọi lúc mọi nơi, đấy là thứ hai. Bảo đảm quyền công dân của mỗi người được phát huy một cách đầy đủ tích cực, trách nhiệm.
Nếu làm được đúng ba điều đó, trong bước sắp tới đây, thì ta phải hoan nghênh. Còn nếu làm không đúng điều đó, thì chúng ta sẽ thấy, đấy là một cơ chế cũ. Ý của tôi là như vậy.
RFI : Như vậy, có phải là mình chờ đến phút cuối cùng, tức là đến hết cuộc bầu cử, thì mới có ý kiến chung cuộc, có phải không ?
Ông Tương Lai : Không, phải làm từ bây giờ chứ, còn nếu đợi đến chung cuộc xong thì còn nói làm gì ? Tôi quan niệm rằng, như bản thân tôi chẳng hạn, tôi phát biểu chính thức trước diễn đàn của đại hội, trước mặt ông Tổng bí thư, tôi đòi hỏi phải có một cơ chế dân chủ, để Mặt trận có thể thực hiện việc phản biện, và làm giám sát một cách thực tế. Như vậy, tức là ngay bây giờ, đã có những tiếng nói, và những yêu cầu như thế, và những điều đó, nó là một áp lực đòi hỏi người ta phải cải tiến, chứ không thể đòi hỏi áp đặt những cái quá cũ kỹ. Không phải là mình ngồi chờ đợi từ bây giờ đến cuối.
Nhưng mọi thứ cũng đừng nên ảo tưởng rằng, anh cứ nói ra là người ta thực hiện cả. Không có đâu. Trong thực tế của đời sống, nó phải từng bước, từng bước.
RFI : Xin trân trọng cảm ơn giáo sư Tương Lai đã trả lời phỏng vấn.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 554 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Ba 2011  »
SuMoTuWeThFrSa
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0