Thứ Bảy, 2024-04-20, 10:13 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Tư » 14 » Có mùi đổ bác
2:41 AM
Có mùi đổ bác
Đào Tuấn

Năm ngoái, cư dân mạng xôn xao khi clip một công dân phố phường, không đội mũ bảo hiểm, mặc áo "Lờ vai”, đi giày hip-hop - cưỡi ngựa nhong nhong trên phố được tung lên Youtube.

Có lẽ sắp tới, hình ảnh này sẽ không lạ nữa khi giá xăng lên cao chót vót, và nhất là khi quy định "Xe chẵn đi ngày chẵn, xe lẻ đi ngày lẻ” được thực hiện. Thậm chí, để có thể đi được cả ngày chẵn lẫn ngày lẻ, bên cạnh ngựa, người ta còn cưỡi bò, cưỡi trâu nữa, vừa tiết kiệm lại được tiếng… thuần Việt.

Năm 2007, nhà báo Đinh Phong phát biểu trong một hội nghị của ngành giao thông TP HCM: "Làm như thế là không ổn! Vợ tôi đẻ vào ngày chẵn thì phải đợi đến ngày lẻ mới được đến bệnh viện...?". Cái ý tưởng "chẵn lẻ”, biện pháp giảm ùn tắc có "mùi đổ bác” bấy giờ gặp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận, không chỉ vì chuyện… đẻ. Đến giờ, sau 4 năm, biện pháp giảm tải, thực chất là một thứ lệnh cấm đó lại được tái đề xuất một cách hăng hái hơn. Nào là: Xe quá nhiều… bãi đỗ xe quá thiếu… kẹt xe trầm trọng… Ô nhiễm báo động. Một quan chức ngành giao thông vận tải còn nhanh nhảu tính rằng: Nếu mỗi xe chỉ cần giảm từ 1/4 - 1 lít xăng thì thành phố sẽ tiết kiệm được 700 ngàn lít, tương đương 15 tỉ đồng/ngày. Song song với biện pháp "chẵn lẻ”, ngành giao thông cũng đề ra giải pháp "mọi người cùng buýt". Đặc biệt, đối với cán bộ công chức phải gương mẫu thực hiện đi xe buýt ít nhất một ngày/tuần.

Xe buýt cũng lại là chuyện cũ rích. Chính TP đã từng kêu gọi từ hồi năm 2008 khi bác Quân chém gió sẽ tiết kiệm những 80 tỷ mỗi ngày nếu (tất nhiên là có chữ nếu ở đây), nếu người dân chuyển sang đi xe buýt. Bác Quân - Chủ tịch, bác Phượng - Giám đốc Sở cũng kêu gọi các cán bộ, đảng viên gương mẫu. Không biết bác Phượng đã từng đi xe buýt chưa. Không biết bác Quân từ bấy đã có lần nào đi làm bằng xe buýt hay không, chứ Hà Nội thì tuyệt đối không. Nói đến chuyện buýt, cũng không thể không nhắc lại chuyện Chủ tịch nước cũng đã từng "xuống đường cùng buýt”. Nhưng đó là chuyến xe… vía, đi vào dịp tết, có các bộ trưởng, chủ tịch và báo chí, tất nhiên là "Vê tê vê” tháp tùng. Chuyện này xảy ra cách đây non chục năm rồi. Và suốt 10 năm nay, cũng không còn nghe lại chuyện nguyên thủ, bộ trưởng, chủ tịch hay bất kỳ quan chức nào đi xe buýt nữa. Hình như xe buýt, dân gian hay gọi là quan tài bay là thứ chỉ dành cho dân chúng.

Trở lại câu chuyện chẵn lẻ. Dường như nó đang cho thấy một điều là trong suốt 4 năm qua, kể từ lần đầu đưa ra ý tưởng này năm 2007, các nhà quản lý Thành phố đã không còn nghĩ được cái gì hay hơn, khả dĩ hơn ngoài việc copy and paste một cách máy móc cách thức cấm đoán mà "nước lạ” đã dùng. Nó bí, cũ, nhàm và bất khả thi đến mức có cảm tưởng là quan chức giao thông đang tuyệt vọng và họ buộc phải đề xuất cho có để khỏi mang tiếng với đồng lương từ thuế của dân chúng vẫn nhận mỗi tháng. Bởi cái lợi của sự cấm, thực chất cũng chỉ là cái lợi cho việc quản lý, của các nhà quản lý. Chưa nói tới việc có sự bất bình đẳng rõ ràng khi quy định này chỉ nhăm nhăm áp dụng cho dân chúng (Hay là xe biển xanh thì không gây ùn tắc nhỉ?), chả khác gì cuộc "miệt thị nhà quê” khi Hà Nội định cấm xe ngoại tỉnh vào năm 2004. Nhớ hồi có quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy, Bà Ngô Minh Hồng - phó giám đốc Sở Tư pháp TPHCM đã phân tích sự ngớ ngẩn của quy định này, rằng: Dù một người có đăng ký sở hữu nhiều xe gắn máy đi nữa nhưng khi đi đường thì mỗi người cũng chỉ chạy được một xe. Còn với quy định chẵn lẻ này, dân chúng thực tế đã mất 50% tài sản, tăng thêm 100% sự phiền hà.

Năm 2003, Bộ Công an ra quy định mỗi công dân chỉ được đăng ký một xe máy. Năm 2004, Hà Nội đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh. Rồi từ sau đó liên tục các ý tưởng cấm: Ngực lép không được lái xe. Thu phí ô tô vào nội thành… Rồi thì la liệt chuyện cấm đường, xẻ hè, bịt ngã tư. Toàn những thứ cấm đoán vô lý và oái oăm để kết quả cuối cùng hoặc phải bãi bỏ vì vi hiến, vì thiếu hiệu quả, hoặc không thể thực thi vì vấp phải sự phản ứng của dân chúng.

La liệt các kiểu cấm đoán đang cho thấy tư duy của các nhà quản lý là cái gì khó thì cấm, cấm đoán một cách vô lý và bế tắc. Và với sự khó đang tràn ngập phố phường thế này, không biết sẽ còn lệnh cấm gì nữa sẽ được đề xuất.

Ngày chẵn đàn ông ra đường, ngày lẻ đàn bà đi làm?

Chả biết chừng.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 621 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0