Thứ Sáu, 2024-04-26, 0:59 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Năm » 31 » CSVN Khủng bố và ngăn cản Đại lễ Phật Đản tại Quảng Nam
9:26 AM
CSVN Khủng bố và ngăn cản Đại lễ Phật Đản tại Quảng Nam
Theo bản tin khẩn của Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cho biết thì nhà cầm quyền và Mặt trận tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng khủng bố nhằm ngăn cản Đại lễ Phật Đản năm nay tại chùa Giác Minh là trụ sở của Ban Đại diện. Hòa thượng Thích Thanh Quang, Chánh Đại diện GHPGVNTN Quảng Nam -Đà Nẵng kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên đã gửi Bản Tin Khẩn lên Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, cho biết vào ngày 19.5.2010, Chủ tịch Phường Bình Hiên Nguyễn Phú Dũng ký và đóng dấu Giấy mời buộc Hòa thượng Thích Thanh Quang phải có mặt tại Phường vào lúc 14g ngày 20.5.2010 để làm việc, nhưng Hòa thượng đã từ khước. Nhưng sáng ngày 21.5, ba viên chức đại diện nhà cầm quyền và Mặt trận Tổ quốc nói là đến chùa thăm, nhưng sau đó lại bắt Hòa thượng Thích Thanh Quang khai báo việc tổ chức Đại lễ Phật Đản và cáo buộc rằng chùa dự tính tổ chức cắm trại là điều bất hợp pháp. Hòa thượng phủ nhận sự cáo buộc này. Sau gần 2 giờ làm việc, họ đã ra về với những lời hằn học hăm dọa.

Ngoài sự kiện hăm dọa, sách nhiễu tại chùa Giác Minh như trên, nhiều ngôi chùa trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) trong vùng cũng bị sách nhiễu tương tự. Như trường hợp Chùa An Cư, thuộc Quận Sơn Trà do Đại Đức Thích Thiện Phúc trụ trì. Đại Đức là Đặc Ủy Thanh Niên của Ban Đại Diện GHPGVNTN Quảng Nam Đà Nẵng, Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử tại đây, công an đã đến hạch xách, hỏi han về việc tổ chức Phật Đản và sau đó gởi Giấy mời Đại Đức đến trụ sở Công An làm việc ngày 26.5.2010, nhưng Đại Đức đã cương quyết không đi. Sau đó họ kéo nhau ra về và để lại một số công an thường phục và dân phòng canh gác.

Cùng thời điểm nầy, các chùa, các thất của các Thầy, các Sư Cô có liên hệ đến Chùa Giác Minh và Hòa Thượng Thanh Quang đều có Công An đến thăm và theo dõi với lời lẽ hăm dọa cấm không được về Giác Minh trong ngày Phật Đản.

Trong lúc đó những Phật Tử đến Chùa Giác Minh để giúp công việc Phật Đản đều bị cấm cản không cho vào.

- Human Rights Watch tố cáo Việt Nam tấn công các trang mạng của những tiếng nói đối lập

Trong thông cáo báo chí đề ngày 27/05, Human Rights Watch, một tổ chức nhân quyền quốc tế đã tố cáo Việt Nam tiến hành một chiến dịch tấn công tinh vi và dai dẳng nhắm vào những người bày tỏ ý kiến bất đồng trên internet, kể cả việc bắt bớ và đe dọa những người viết blog chống chính phủ. Theo tổ chức này thì "trong hai tháng qua, giới hữu trách Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 7 blogger độc lập, buộc họ phải trải qua những cuộc thẩm vấn liên tục, và trong một số trường hợp, đã hành hung những người này. Và "sự sách nhiễu gia tăng cường độ này diễn ra cùng lúc với những vụ tấn công trên mạng có hệ thống nhắm vào các trang web được điều hành bởi một số các blogger bị đàn áp và những nhân vật tranh đấu khác ở Việt Nam và nước ngoài”.

Human Rights Watch nêu lên trường hợp của ông Hà Sĩ Phu, một nhân vật bất đồng chính kiến đã bị cắt điện thoại và internet sau khi giới hữu trách tố cáo ông "truyền tải những thông tin chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Thông cáo của Human Rights Watch cho biết thêm rằng hơn 20 website và blog tiếng Việt đã bị tấn công từ tháng 9 năm 2009 tới nay, trong đó những trang web của những người Công giáo chỉ trích việc chính phủ tịch thu tài sản của giáo hội, những diễn đàn chính trị và một trang web phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc bộ phận Á châu của Human Rights Watch, nói rằng "những mưu toan trắng trợn của chính quyền Việt Nam nhằm trấn áp hoạt động tranh luận tự do và công khai trên internet là một bằng chứng khác nữa cho thấy thái độ thù nghịch của họ đối với tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác của quyền con người”. Năm ngoái, các nhà tài trợ Tây phương đã công khai chỉ trích sự hạn chế của chính phủ Việt Nam đối với giới truyền thông và hoạt động trên internet. Họ cảnh báo rằng điều này đe dọa tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo nhận xét của các nhà phân tích, các tổ chức nhân quyền và các nhà ngoại giao, tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xấu đi trong những năm gần đây.

- Báo Úc tiếp tục tố cáo Securency hối lộ quan chức Việt Nam

Một bài báo mới của báo The Age ở Úc đồng thời được loan báo trên truyền hình ở Melbourne, Australia, cáo buộc công ty thầu dịch vụ in tiền Securency của nước này không những hối lộ tiền cho quan chức nước ngoài mà còn có cả gái nữa. Bài báo ngày 24 tháng 5, 2010 của hai ký giả Richard Baker và Nick McKenzie trên tờ The Age nói rằng một nhân chứng giấu tên (viên chức của Securency) đã trao cho cơ quan Ðiều Tra Liên Bang Úc (AFP) một cuốn nhật ký trong đó ghi chép nhiều điều liên quan đến các vụ hối lộ viên chức ngoại quốc để đạt các hợp đồng thầu in tiền giấy nhựa polymer.

Khác với những bài báo trước có nhiều bài nói rõ số tiền hối lộ cho quan chức Việt Nam là khoảng 10 triệu Úc kim (hơn $8 triệu USD). Người đứng trung gian của các vụ hối lộ này là Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty Kỹ Thuật và Phát Triển (CFTD) mà các bài báo nói rằng có quan hệ chặt chẽ với ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, và cơ quan tình báo Việt Nam. Công ty của Lương Ngọc Anh nhiều phần là bình phong kinh tài cho guồng máy tình báo CSVN nên đã thầu được các món béo bở cho các cơ quan an ninh, quốc phòng, tài chính của Việt Nam, trị giá hàng chục triệu đô la mỗi năm.

Securency là công ty dịch vụ kỹ thuật và in tiền giấy nhựa polymer không những cho chính phủ Úc mà còn cho 27 quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Lúc đầu tiền polymer được in ở Úc nhưng dần dần, Việt Nam nhập cảng máy móc trang bị và mực để in tiền trực tiếp ở Việt Nam qua trung gian của CFTD trong đó có một công ty con mà con trai thống đốc (vào thời đó) Lê Ðức Thúy làm giám đốc.

Năm 2006 nhiều bài báo nêu ra những khuyết tật nghiêm trọng của tiền polymer từ nhòe mực đến phai màu bên cạnh nhiều khuyết tật khác. Ông Thúy đã phải chống đỡ vất vả khi có các cuộc thanh tra cấp nhà nước về vấn đề in tiền polymer bên cạnh chuyện ông chiếm dụng (mua lại) căn nhà công vụ với giá tượng trưng mà theo luật, nhà công vụ thì khi không còn được cấp cho ở, phải trả lại.

Tuy cơ quan thanh tra nói có thấy nhiều lầm lỗi nhưng, vì những quan hệ nào đó, ông và các phó thống đốc chỉ phải viết kiểm điểm. Tuy ông mất chức thống đốc ngân hàng nhà nước vào năm 2007 nhưng lại được đẩy sang làm một thứ cố vấn tài chính cho chính phủ (phó chủ tịch Hội Ðồng Tư Vấn Kinh Tế Tài Chính Tiền Tệ).

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 543 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0