Thứ Năm, 2024-04-25, 10:30 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 20 » Đàm phán Việt Nam – EU về tự do mậu dịch
4:25 PM
Đàm phán Việt Nam – EU về tự do mậu dịch
Việt Hà, phóng viên RFA
2010-03-19

Để thuận lợi trong vấn đề được Liên Hiệp Châu Âu công nhận là nước có nền kinh tế thị trường hoàn toàn, Việt Nam cần đạt thỏa thuận với EU về tự do mậu dịch song phương – FTA.

AFP photo/Hoang Dinh Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ ông Karel De Gucht, Ủy viên Thương mại châu Âu tại Hà Nội hôm 02/3/2010.

Kinh tế thị trường tạm thời

Đầu tháng này, ông Karel De Gucht, ủy viên thương mại châu Âu trong chuyến thăm Việt Nam cho biết Liên Hiệp Âu Châu muốn mở đàm phán với Việt Nam về thỏa thuận tự do mậu dịch song phương hay còn gọi là FTA. Ông nói rằng thỏa thuận này sẽ giúp Việt Nam mau chóng được EU công nhận là nước có nền kinh tế thị trường toàn bộ, cơ chế mà cho đến giờ Việt Nam chỉ được EU công nhận một cách tạm thời.

Việt Hà có cuộc phỏng vấn ông Antonio Berenguer, tham tán thương mại của phái đoàn EU tại Hà nội về đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam. Trước hết đánh giá về quan hệ thương mại giữa hai bên, ông Berenguer cho biết như sau:

Chúng tôi muốn trao các đối xử này cho các nước có thành tích tốt về quyền con người và cùng đồng ý với EU về các vấn đề chính trị chính.

Ô. Antonio Berenguer

Antonio Berenguer: Nhìn chung thương mại giữa hai bên trong các năm qua rất tốt. Trong nhiều năm liền EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chỉ khoảng 2 hay 3 năm gần đây Hoa kỳ mới vượt EU để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện nay khoảng 20% hàng xuất khẩu vào EU đến từ Việt Nam. Năm ngoái trị giá hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 9,3 tỷ đô la. Phần lớn những mặt hàng Việt Nam xuất chính vào EU là ở những ngành sử dụng nhiều lao động như giầy, may mặc, đồ nội thất, hàng thủy sản, hồ tiêu, vân vân. Thương mại hai chiều tăng trưởng khoảng 10% một năm.

Năm ngoái do khủng hoảng kinh tế xuất khẩu của Việt Nam vào EU giảm khoảng 9%. Nhưng nhìn chung thương mại hai chiều vẫn rất tốt. Việt Nam luôn xuất siêu vào EU. EU cũng cho Việt Nam Cơ chế thuế quan phổ cập để hàng hóa của Việt Nam nhập vào EU có được mức thuế thấp hơn so với một số nước khác. Chúng tôi đang chuẩn bị đàm phán thỏa thuận tự do mậu dịch song phương, điều này có nghĩa là mức thuế đánh vào các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ còn giảm hơn nữa. Và như thế là sẽ có lợi hơn cho Việt Nam và thương mại với Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn nữa bởi vì thuế sẽ rẻ hơn cho hàng hóa Việt Nam.

Việt Hà: Việt Nam đang muốn được EU công nhận có nền kinh tế thị trường, theo ông bằng cách nào thỏa thuận tự do mậu dịch song phương này có thể giúp Việt Nam sớm được EU công nhận có nền kinh tế thị trường?

Antonio Berenguer: Phải nói rõ ngay từ đầu là FTA và cơ chế kinh tế thị trường là hai phần khác nhau. Để được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần phải hội đủ 5 tiêu chí là mức độ ảnh hưởng của nhà nước đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp; không có hiện tượng nhà nước bóp méo hoạt động của các doanh nghiệp liên quan tới cổ phần hóa và không có việc sử dụng các hệ thống đền bù hay thương mại phi thị trường; sự tồn tại của một hệ thống quản trị doanh nghiệp thích hợp; sự tôn trọng các luật sở hữu trí tuệ; sự tồn tại của một khu vực tài chính đích thực hoạt động độc lập với nhà nước và chịu sự điều chỉnh của các quy định bảo lãnh đầy đủ và sự giám sát thích đáng.

Ông Antonio Berenguer, tham tán thương mại của phái đoàn EU tại Hà nội về đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam. Photo courtesy of europa.eu
Ông Antonio Berenguer, tham tán thương mại của phái đoàn EU tại Hà nội về đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam. Photo courtesy of europa.eu
Hiện Việt Nam đã đạt được tiêu chí thứ nhất và gần đạt được tiêu chí thứ hai. Những tiêu chí này phản ánh những thay đổi căn bản trong nền kinh tế. Không có mối liên kết chính thức giữa FTA và cơ chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên FTA là một thỏa thuận có nhiều tham vọng, có nghĩa là nó đòi hỏi phải có những thay đổi lớn và mạnh mẽ trong cách mà nền kinh tế được vận hành. Và đó cũng là điều mà ngài ủy viên thương mại châu Âu đã nói khi đến thăm Việt Nam.

Vì vậy nếu một nước có thể đạt được thỏa thuận tự do thương mại song phương toàn bộ với EU thì cũng sẵn sàng để cải tổ nền kinh tế đến mức đạt được cơ chế nền kinh tế thị trường hoặc gần mức đó. FTA và cơ chế kinh tế thị trường tuy không cùng một đường nhưng lại nhằm vào cùng một điểm bởi vì FTA đòi hỏi một mức độ thay đổi trong nền kinh tế trong các lĩnh vực như lao động, sở hữu trí tuệ. Vì thế có mối liện hệ giữa hai quá trình này. Chúng tôi hiểu làViệt Nam mong muốn có cơ chế kinh tế thị trường bởi vì nếu không có cơ chế này thì Việt Nam dễ bị kiện chống bán phá giá.

Chúng tôi đang chuẩn bị đàm phán thỏa thuận tự do mậu dịch song phương, điều này có nghĩa là mức thuế đánh vào các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ còn giảm hơn nữa.

Ô. Antonio Berenguer

Vì thế Việt Nam cảm thấy nếu Việt Nam vào WTO, có thỏa thuận tự do thương mại song phương nhưng vẫn bị kiện chống bán phá giá thì không tốt. Việt Nam cho rằng nếu được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường thì sẽ khó bị kiện hơn. Và cũng đúng là ngay kể cả khi Việt Nam có FTA thì việc bị đánh thuế chống bán phá giá sẽ vẫn có thể xảy ra, trừ khi có cơ chế kinh tế thị trường thi sẽ khó bị đánh thuế chống bán phá giá hơn. Chúng tôi hiểu Việt Nam lo lắng về vấn đề này.

FTA và quyền con người

Việt Hà: Xin ông cho biết khi nào thì hai bên sẽ chính thức đàm phán FTA và sẽ phải qua bao nhiêu vòng đàm phán, EU hy vọng bao giờ có thể ký kết thỏa thuận này với Việt Nam?

Antonio Berenguer: Hai bên đã đồng ý sẽ tiến hành đàm phán thỏa thuận này nhưng chưa chính thức bắt đầu đàm phán. Hai bên cần ngồi lại với nhau và chúng tôi cần khoảng 2 tháng để nói chuyện với Việt Nam về các vấn đề như phạm vi của thỏa thuận là gì, các lĩnh vực nào sẽ bao gồm trong thỏa thuận, mục tiêu là gì, có bao nhiêu loại thuế sẽ được đưa xuống 0%.

Điều mà chúng tôi cần đàm phán là tham vọng của thỏa thuận là gì. Từ phía EU chúng tôi phải thông báo cho Hội đồng các bộ trưởng, cơ quan đại diện cho các nước thành viên EU. Chúng tôi cũng cần phải thông báo cho quốc hội châu Âu về mục tiêu và kế hoạch đàm phán để có được sự đồng ý từ họ. vì thế chúng tôi cần ít nhất là vài tháng. Phía Việt Nam cũng cần một thời gian để chuẩn bị các thủ tục. Các bên cần khoảng 3 đến 4 tháng để chuẩn bị. Sau đó chúng tôi có thể sẵn sàng để đàm phán.

Thời gian bao lâu thì theo tôi nghĩ là càng sớm càng tốt bởi vì hiện Việt Nam đã có FTA với Nhật, Ấn Độ, các nước Asean, úc, Newzealand. Mỗi ngày qua đi thì càng khó hơn cho EU bởi vì chúng tôi không được các quyền lợi như các nước khác. Chúng tôi muốn các công ty của chúng tôi cũng được hưởng lợi công bằng như các công ty từ Nhật Bản, hay Hàn Quốc. Theo tôi thì 1 năm là một mục tiêu đầy tham vọng. Nhưng chúng ta cũng không loại trừ khả năng lâu hơn vì Việt Nam cũng rất cứng rắn trong một vài vấn đề.

Đồ gỗ do Việt Nam sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Photo courtesy of europa.eu
Đồ gỗ do Việt Nam sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Photo courtesy of europa.eu

Việt Hà: Để có được thỏa thuận tự do thương mại song phương, Việt Nam và EU phải đàm phán thỏa thuận hợp tác đối tác, trong đó có các vấn đề về nhân quyền, Việt Nam có gặp khó khăn gì trong vấn đề này hay không khi đàm phán các thỏa thuận này với EU? Liệu đó có phải là vấn đề mà Việt Nam tỏ ra cứng rắn trong đàm phán.

Antonio Berenguer: Chính sách của EU là chúng tôi có những thỏa thuận thương mại đặc biệt, và FTA là một thỏa thuận đặc biệt dành cho các nước như Việt Nam. Chúng tôi không trao FTA cho Trung Quốc. Để đạt được FTA, hai bên cần phải đạt được thỏa thuận hợp tác đối tác. Chúng tôi có thể đảm phán hai thỏa thuận này cùng một lúc nhưng thỏa thuận hợp tác đối tác phải xong trước FTA. Điều này phản ánh chính sách của EU. Nói ví dụ với Miến Điện, nước chúng tôi cũng có những đối xử thương mại đặc biệt. Chúng tôi muốn trao các đối xử này cho các nước có thành tích tốt về quyền con người và cùng đồng ý với EU về các vấn đề chính trị chính.

Tôi không tham gia vào đàm phán chính trị với Việt Nam trong thỏa thuận hợp tác đối tác nên tôi không thể đưa ra nhận xét chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên cam kết của chúng tôi về vấn đề quyền con người luôn rõ ràng, đặc biệt là quyền tự do bày tỏ quan điểm. Trong tất cả các cuộc đàm phán chúng tôi luôn bày tỏ mong muốn có những cải thiện trong các vấn đề này, trợ giúp về mặt kỹ thuật mỗi khi có điều kiện, khuyến khích Việt Nam xem xét các vấn đề về nhân quyền, các nghiên cứu về tự do, nạn buôn người. Chúng tôi muốn nhìn thấy các tiến bộ trong các lĩnh vực này mỗi khi có cơ hội và đó là mục tiêu của chúng tôi.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Category: Kinh tế | Views: 604 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0