Thứ Sáu, 2024-03-29, 2:31 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Chín » 18 » ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM: TỰ TAY BÓP CỔ MÌNH
9:10 PM
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM: TỰ TAY BÓP CỔ MÌNH

Phạm Trần

Đảng  và Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã tự tay bóp cổ mình khi thi hành, kể từ ngày 15-09-2009, Quyết Định nhằm triệt tiêu mọi đóng góp của các Nhà Trí  thức không chịu đi theo con đường của đảng để củng cố Chế độ độc tài, độc đảng phản dân chủ bậc nhất ở Đông nam Á châu trong thập niên đầu Thế kỷ 21.

Quyết  Định số 97/2009/QĐ-TTg “Về việc ban hành Danh mục các lĩnh vực  cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ” do Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng ký ban hành ngày 24 tháng 7 năm 2009 chỉ có 6 Điều, nhưng Điều 2 chính là “lưỡi dao mã tấu” chém đầu những Trí thức không chịu phục tùng lệnh đảng.

Nguyên văn Điều 2 nói về “Trách nhiệm của cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ phải:

1. Chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ do mình thành lập, tuân thủ các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các pháp luật có liên quan.

2. Chỉ hoạt động trong lĩnh vực thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.”

Chính sự ràng buộc phản khoa học và phản dân chủ này đã khiến cho 16 Nhà Trí thức ở trong nước, được coi như am hiểu và có kinh nghiệm hàng đầu trong nhiều lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kinh tế, Lịch sử, Ngọai giao và Giáo dục của Viện Nghiên Cứu Phát Triển (Institutes Of Developmenty Studies, IDS) đã “quyết định  tự  giải thể để biểu thị thái độ dứt khoát của Viện đối với Quyết định 97.”

Nhưng 16 Vị Học Giả này là ai và họ thành lập IDS để làm gì? Đó là Giáo sư nổi tiếng Hoàng Tụy, Chủ tịch Hội đồng IDS; Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Viện trưởng ; Bà Phạm Chi Lan (Chuyên gia Kinh tế), Phó Viện trưởng; Giáo sư Phan Đình Diệu; Giáo sư Chu Hảo; Tiến sỹ Kinh tế Lê Đăng Doanh; Bà Vũ Kim Hạnh (Cựu Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, người nổi tiếng với các Bài báo chống Tham nhũng, Băng đảng. Bà bị cách chức Tổng Biên tập vào năm 1992 khi chính Bà quyết định cho đăng lọat bài về Đời tư của Hồ Chí Minh); Các Giáo sư Phạm Duy Hiển;Vũ Quốc Huy; Tương Lai Phan Huy Lê; Nhà văn Nguyên Ngọc, người đã công khai chống Khai thác Bauxite trên Tây Nguyên; Các Ông Trần Đức Nguyên, Hùynh Sơn Phước; Trần Việt Phương và Nguyễn Trung, Cựu Đại sứ.

IDS được thành lập vào ngày 27/09/2007, được Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội cấp giấy phép hoạt động ngày 18/10/2007. IDS là một cơ  quan tư nhân độc lập, vô vị lợi  đầu tiên ở Việt Nam chuyên về nghiên cứu và cung cấp dịch vụ về chiến lược, kế họach phát triển cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp,  các cá nhân trong cũng như ngòai nước.

Trong 2 năm làm việc, viện IDS đã thành công nghiên cứu 3 đề tài : Cái cách giáo dục và y tế nhìn từ khía cạnh kinh tế học;  Một số vấn đề về nông thôn và nông dân; Chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Theo tài liệu chính thức của Viện, các Nhà Trí thức đã tổ chức được 15 Cuộc tọa đàm tại trụ sở số 53 Nguyễn Du, Hà Nội và đã thu hút được  sự chú ý và tham dự miễn phí của nhiều giới trong nước.

Phản bác về quyết định hạn chế các đề tài nghiên cứu của Nguyễn Tấn Dũng, Viện IDS tuyên  bố : “ Cuộc sống vô cùng phong phú, có nhiều vấn đề chưa biết đến, luôn luôn vận động, biến đổi và phát triển, luôn luôn đặt ra những đòi hỏi mới, cần có các quyết sách mới và các giải pháp thích hợp. Vì vậy không thể bó khuôn mọi vấn đề được phép nghiên cứu trong cuộc sống vào một danh mục dù danh mục ấy có rộng đến đâu. Quy định như vậy sẽ bó tay các nhà khoa học, những người nghiên cứu độc lập, hạn chế sự đóng góp của họ vào việc xây dựng chính sách đổi mới và phát triển đất nước.

Nghiên cứu khoa học là hoạt động sáng tạo nhằm khám phá các quy luật vận động trong tự nhiên và xã hội; từ đó tạo ra công nghệ mới, hoạch định chính sách phát triển và nâng cao dân trí để thúc đẩy xã hội tiến lên. Trong cuộc sống còn có những lĩnh vực, những vấn đề đã trở nên lỗi thời hoặc đã bị vượt qua. Thực tế này cũng là một đối tượng quan trọng của công việc nghiên cứu, nhất là trong tình hình một quốc gia phải ra sức phấn đấu khắc phục tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Trong một xã hội tiến bộ, công việc nghiên cứu với tính cách như vậy không thể đóng khung trong một danh mục gồm các lĩnh vực được quy định như đã nêu trong Quyết định 97.”

Trả lời cho việc nhà nước  cấm không cho các Nhà nghiên cứu phổ biến rộng rãi các ý kiến của mình khi công bố dưới  danh nghĩa của một Tổ chức như Viện  Nghiên Cứu Phát Triển,  16 Trí thức trả lời : “ Về vấn đề phản biện: Quá trình đi lên của đất nước chưa có con đường vạch sẵn, cuộc sống có vô vàn vấn đề thuộc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cần được phản biện để có thể xử lý đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều ý kiến phản biện về đường lối chính sách bị cất hầu như không có thời hạn trong các “ngăn kéo” của các cơ quan chức năng hoặc của những người có thẩm quyền có liên quan. Có quá nhiều phản biện dưới mọi dạng như kiến nghị, đề nghị, thư, tài liệu nghiên cứu… không bao giờ được hồi âm.

Ví dụ nổi bật nhất là cải cách giáo dục – một vấn đề sống còn của sự phát triển đất nước, một yêu cầu bức xúc của xã hội đang được dư luận và giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm, phản biện công khai sôi nổi từ nhiều năm nay nhằm thực hiện những nghị quyết của Đại hội Đảng và các Hội nghị Trung ương Đảng về cải cách giáo dục. Tuy vậy, sự phản biện này chưa được đánh giá và tiếp thu nghiêm túc.

Một ví dụ khác gần đây là vấn đề bô-xít, được coi là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Sự phản biện công khai, quyết liệt vừa qua của rất nhiều nhà khoa học và các hiệp hội thuộc các lĩnh vực khác nhau đã góp phần thúc đẩy việc ban hành quyết định ngày 24-04-2009 của Bộ Chính trị lưu ý những vấn đề phải quan tâm trong khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Tuy vậy, còn biết bao nhiêu phản biện quan trọng khác trong vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Trong tình hình nêu trên, cấm các tổ chức khoa học công nghệ do các cá nhân thành lập phản biện công khai như nêu trong Quyết định 97 thực chất là cấm phản biện xã hội, hệ quả sẽ khôn lường.”

Phân tích bằng con mắt của các Nhà Khoa học, Viện IDS đã thẳng tay vạch ra cái “bẫy có chủ mưu” ẩn náu trong Quyết Định 97 của Nguyễn Tấn Dũng, khi Nhà nước cho phép cá nhân lên tiếng, nhưng lại chống ý kiến của một  tập thể. Các Nhà Trí thức viết : “Khoản 2 trong điều 2 của Quyết định 97 không viết thành văn nhưng hàm ý để ngỏ khả năng: cá nhân được phép phản biện công khai với tư cách riêng của mình. Như vậy, sẽ không thể giải thích:

(a) Tại sao cá nhân thì được phản biện công khai, còn tổ chức, tức trí tuệ tập thể và liên ngành được tập họp để có thể có chất lượng cao hơn, thì lại không? Quy định chỉ cho phép cá nhân phản biện công khai tạo thuận tiện cho việc vô hiệu hóa hay hình sự hóa việc phản biện của cá nhân? Phải chăng quy định như vậy ngay từ đầu đã mang tính chất không khuyến khích phản biện, mà có hàm ý làm nản lòng thậm chí hăm dọa sự phản biện của cá nhân.

(b) Tại sao trong nhà nước pháp quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một văn bản pháp quy có tầm quan trọng như vậy lại có thể được thiết kế như một cái bẫy và để ngỏ khả năng cho việc vận dụng cái bẫy đó?

IDS kết luận : “Việc cấm phản biện công khai là phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ.”

Ngoài các quan điểm phản đối thẳng thắn nêu trên, các Nhà Khoa học của Viện IDS còn lên án Nguyễn Tấn Dũng và Chính phủ  đã  trắng trợn vi phạm Hiến Pháp.  Họ nói: “Trước hết, đối với Hiến pháp, điều 2 trong Quyết định 97 vi phạm Điều 53 quy định công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương; Điều 60 quy định công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng tác; Điều 69 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

Các Trí thức cũng vạch ra những điều sai trái của Quyết định 97 đã đi ngược lại  tinh thần và nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6 tháng 8 năm 2008  của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về  “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

NGHỊ QUYẾT VỀ TRÍ THỨC

Vậy Nghị quyết đầu tiên về Trí thức kể từ ngày thống nhất đất nước năm 1975 đã nói gì?

Nghị quyết 27, trước tiên, đã xác quyết lòng dạ “chào hàng” của đảng : “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.   

Mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đòi hỏi phải lựa chọn con đường phát triển rút ngắn, phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức.  

Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.”

Sau khi nhìn nhận “Công tác trí thức của Ðảng và Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Ðến nay vẫn chưa có chiến lược tổng thể về đội ngũ trí thức”, Đảng CSVN đã tự đấm ngực xét mình : “Một số cán bộ đảng và chính quyền chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí của trí thức; đánh giá, sử dụng trí thức không đúng năng lực và trình độ, ngay cả với những trí thức đầu ngành, dẫn đến tâm tư nặng nề trong đội ngũ trí thức. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ chú trọng đến vốn tiền, vật chất mà chưa coi trọng nguồn nhân lực có trình độ cao. Vẫn còn hiện tượng ngại tiếp xúc, đối thoại, không thực sự lắng nghe, thậm chí quy chụp, nhất là khi trí thức phản biện những chủ trương, chính sách, những đề án, dự án do các cơ quan lãnh đạo và quản lý đưa ra.”

Đó cũng là một trong muôn vàn lý do đảng CSVN chưa chiêu dụ được trên 300 ngàn Trí thức người Việt ở nước ngòai, đa phần thuộc Thế hệ thứ hai của trên 3 triệu người Việt Nam đã bỏ nước ra đi tị nạn Cộng sản sau năm 1975. Ngay cả đối với một số Trí thức người Việt sống lâu năm ở nước ngòai đến cuối đời muốn trở về giúp nước cũng đã chán nản với chính sách giáo dục u tối chỉ biết “hồng hơn chuyên” của nhà nước nên khống ít người, dù có thương nước mấy, cũng đành rũ áo ra đi không muốn ngoảnh mặt lại.

Bởi vậy, khi thấy đảng đã biết nhìn vào gương soi mặt mình khi đưa ra Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 6 tháng 8 năm 2008, thì nhiều Trí thức cũng lấy làm mừng vì ít ra đảng đã biết thừa nhận vai trò của Trí thức trong  tiến trình giữ nước và dựng nước, cũng như đã công khai cam kết trước toàn dân qua 3 điểm :  

1- Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.

2- Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

3- Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. 

Ngòai ra Đảng CSVN cũng đã cam đoan với cả nước sẽ: “Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và xây dựng cơ chế hoạt động, tổ chức nhiều diễn đàn để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Phê phán và xóa bỏ sự coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng.”

Nếu đem nội dung đầy khích lệ và tự tin của Nghị quyết 27 mà đảng CSVN đã hứa với đội ngũ Trí thức so với Quyết Định 97 của Nguyễn Tấn Dũng nhằm loại Trí thức ra ngòai lề xã hội và không cần đến sự  đóng góp của họ cho đất nước  thì ai cũng muốn biết tại sao đảng đã nuốt lời của chính mình?

Có phải vì đảng và Nhà nước sợ không kiểm soát được Viện Nghiên Cứu Phát Triển và nghi  nhóm Giáo sư Hòang Tụy, Tiến sỹ Nguyễn Quang A và 14 thành viên nổi tiếng của IDS là “những phần tử chống đối  Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, nên phải ra tay ngăn chặn?

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Viện trưởng IDS đã tố cáo đích danh Nguyễn Văn Hưởng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công An là người đã đưa ra lời nói vu cáo này  tại  Hội nghị về An ninh  ngày  26-12-2008 do Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì.

Trong Văn thư đề ngày 16/01/2009 gửi Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng; Nguyễn minh Triết, Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, và Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công An; Tiến sỹ Nguyễn Quang A  còn trích lời Nguyễn Văn Hưởng đã  hỗn xược nêu nghi vấn :“bọn họ tụ tập tại 53 Nguyễn Du để làm gì?”.

Ông A đã yêu cầu phía đảng và nhà nước tổ chức cuộc gặp bất cứ ở đâu để hai bên đối thọai cho rõ trắng đen, nhất là về lời Hưởng tố giác vô bằng cớ nói rằng Tiến sỹ Nguyễn Quang A đã bí mật tiếp xúc với nhân viên ngọai giao Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Cho đến ngày 14-09-2009 khi Viện IDS tuyên bố tự giải thể thì phía Đảng và Nhà nước vẫn chưa trả lời yêu cầu của Tiến sỹ Nguyễn Quang A.

Nhưng hậu qủa nhãn tiền cho hành động của Nguyễn Tấn Dũng khi đưa ra Quyết Định 97 đã rõ. Chính Dũng đã tự tay đeo thòng lọng vào cổ Nhà nước để cắt đứt “liên hệ máu thịt” với Trí  thức và nhân dân. -/-

Nguồn: Ðối Thoại
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 679 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Chín 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
27282930
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0