Thứ Sáu, 2024-03-29, 2:01 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 24 » Giới trẻ nghĩ gì khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm?
9:08 AM
Giới trẻ nghĩ gì khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm?
Khánh An, phóng viên RFA
2010-03-22

Vừa rồi dư luận xôn xao, bất bình chuyện Hội Địa lý Mỹ phát hành bản đồ với chú thích Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, thì nay lại đến chuyện bản đồ Google cắt tỉnh Lào Cai sang Trung Quốc.

RFA PHOTO from Google Statellite.

Hình bản đồ vệ tinh của Google cho thấy một phần tỉnh Lào Cai đã nằm trong lãnh thổ Trung Quốc (phía trên đường biên giới đã được tô sáng).

Khánh An rất vui chào đón các bạn đến với Cafe Wifi. Hôm nay, mình sẽ nói về đề tài Hoàng Sa - Trường Sa cũng như là vấn đề về chủ quyền của đất nước. Xin các bạn giới thiệu một chút về bản thân mình.

Hải: Mình xin giới thiệu mình là Hải, sinh viên năm thứ ba. Mình ở TPHCM.

Nam: Nam thì hiện tại đang học nhạc ở bên Pháp.

Quân: Quân đến từ vùng New England của nước Mỹ. Quân cũng vừa học xong ngành tài chính, hiện đang là một kỹ sư về viễn thông.

Lào Cai thuộc Trung Quốc?

Khánh An: Cảm ơn Quân. Tin tức gần đây nhất về Hội Địa Lý Mỹ, họ đã in cái bản đồ mà trong đó Hoàng Sa được gọi là của Trung Quốc. Khánh An muốn hỏi là ở trong này bạn nào đã theo dõi câu chuyện này?

Hải: Mình có theo dõi vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa do Hội Địa Lý Mỹ đăng tải về vấn đề bản đồ thì thuộc chủ quyền Trung Quốc. Và mới đây nhất, mình có biết một tin nữa, đó là bản đồ của Google lại đăng tải một vấn đề sai về đường biên giới của Việt Nam với Trung Quốc, đó là đã cắt nguyên tỉnh Lào Cai sang Trung Quốc.

Quân: Quân cũng phát hiện ra được khi mà Google đã đăng lên những đường biên giới rất sai, không những là Lào cai mà còn nhiều vùng khác nữa ở Miền Bắc Việt Nam. Còn về vấn đê NGS (Hội Địa Lý Mỹ) mà họ quyết định thay đổi cái tên trên bản đồ thì đối với Quân điều đó không có gì là ngạc nhiên lắm, tại vì trước hết, Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa là một điều mà mình có thể nói là trái với pháp luật, lúc bấy giờ Việt Nam đang trong thời chiến mà Trung Quốc đã sử dụng quân đội lấn chiếm Hoàng Sa của chúng ta.

Và mới đây nhất, mình có biết một tin nữa, đó là bản đồ của Google lại đăng tải một vấn đề sai về đường biên giới của Việt Nam với Trung Quốc, đó là đã cắt nguyên tỉnh Lào Cai sang Trung Quốc.

Bạn Hải

Khánh An: Vâng. Cảm ơn ý kiến của Quân. Và bây giờ, Khánh An mời bạn còn lại là Nam.

Nam: Nam gần đây cũng ít quan tâm về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, vấn đề Bauxite Tây Nguyên, nhưng mà trước đó thì cũng rất là quan tâm và tự hỏi là liệu mình có làm gì được cho đất nước mình chẳng hạn.

 Khánh An: Khánh An muốn hỏi các bạn, khi mà các bạn nghe bất cứ một tin tức nào về vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa hay là một vùng lãnh thổ nào đó của đất nước bị xâm phạm, cảm xúc ngay lúc đó của các bạn là như thế nào?

Nam: Cảm xúc lúc đó trước tiên là mình tìm hiểu tin tức đó theo nhiều hướng, nhiều nguồn để mình xác thực thông tin đó, rồi cảm xúc lúc đó sẽ khác, chớ khi nghe một thông tin gì đó về điều này điều nọ về quốc gia thì đương nhiên là cảm xúc lúc đó chắc phải là tò mò, đi tìm lấy thông tin.

Khánh An: Vâng. Các bạn khác thì nghĩ sao?

Quân: Đối với Quân, khi phát hiện ra những điều này thì cũng như bạn vừa rồi nói là đi tìm thêm thông tin. Ngoài ra, Quân cũng đi đến các diễn đàn của các bạn trẻ khác để mình trao đổi thêm với các bạn ở trong và ngoài nước về những vấn đề này. Nhưng rất tiếc là Việt Nam gần đây đã ngăn chặn Facebook, không hoàn toàn, nhưng đã ngăn chặn những diễn đàn mà các bạn trẻ có thể tham gia.

Một số sinh viên tập trung trước Nhà Hát Thành Phố sáng 19-01-2008, mang theo các biểu ngữ phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Photo courtesy of Diễn Đàn x-cafevn.
Một số sinh viên tập trung trước Nhà Hát Thành Phố sáng 19-01-2008, mang theo các biểu ngữ phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Photo courtesy of Diễn Đàn x-cafevn.
Hải: Còn mình thì cũng giống như Nam, tức là khi mình biết những thông tin như vậy thì mình thường tìm kiếm những thông tin từ nhiều luồng khác nhau để có thể xác định lại những thông tin đó, vì đối với mình là một người đang ở trong nước thì vấn đề biết một phần lãnh thổ bị như vậy, cảm xúc đầu tiên của mình là rất là tò mò. Nếu mà thông tin chính xác thì mình rất là bực tức, tại vì một phần lãnh thổ của mình mà thế giới, gần như là một loạt các nước khác khi chúng ta giành được độc lập, thì đã công nhận rồi. Nhưng mà, khi có những sự nhầm lẫn như vậy mà là của giới khoa học thì rất là đáng tiếc cho sự nhầm lẫn đó.

Khánh An: Rồi bạn có theo dõi tiếp tục không?

Hải: Ừ thì mình vẫn theo dõi tiếp tục, như là đối với Hoàng Sa thì mình theo dõi từ lúc đầu tiên khi mà Trung Quốc đưa lính vào để lấn chiếm ở một số đảo. Sau đó đến tuyên bố luôn quyết định thành lập, đó là chủ quyền về thành phố Tam Sa, sau đó lại đưa ra cái hình bản đồ mà gọi là "lưỡi bò" đối với Biển Đông thì lấn chiếm khá nhiều so với Biển Đông của Việt Nam.

Giới trẻ có quan tâm?

Khánh An: Còn riêng chuyện vừa rồi Hội Địa Lý của Hoa Kỳ đã nhầm lẫn, các bạn bè của Hải có nhiều người quan tâm không?

Hải: Bạn bè của mình cũng có bạn quan tâm, có bạn không quan tâm lắm tại vì các bạn đó có thể là do việc học tập học hành gì đó nên các bạn ít có điều kiện để theo dõi. Còn nhóm bạn của mình thì thường xuyên theo dõi và cập nhật tin tức, như đưa ra rồi thì chính phủ Việt nam có phản ứng, bây giờ mình lại đang chờ đợi động thái tiếp theo của Hội Địa Lý Hoa Kỳ xem có sửa chữa ngay lập tức không, hay chỉ biện minh cho hành động nhầm lẫn của mình rồi cứ tiếp tục để cho sự nhầm lẫn đó tiếp tục.

Mình không nói lên những điều đó, những điều quan tâm của mình thì họ không bao giờ lắng nghe những ý nguyện của mình và khi họ đại diện cho mình thì họ cần phải lên tiếng cho số đông.

Bạn Quân

Khánh An: Khánh An có theo dõi khá nhiều những diễn đàn của các bạn trẻ trong nước về các vấn đề liên quan đến chủ quyền của đất nước, có một số bạn trẻ mà Khánh An đọc được, các bạn này nói rằng những vấn đề lớn như thế này là chuyện của những người lớn, chuyện của Nhà Nước hoặc của những người có chuyên môn, có trách nhiệm. Nó không liên quan gì đến cuộc sống hiện tại của họ. Vậy theo các bạn, điều này có đúng không?

Quân: Quân thấy đó là một điều rất đáng buồn khi nghe những bạn trẻ đó lên tiếng như vậy, tại vì một chính phủ, chính quyền, nhà cầm quyền tức là họ đại diện cho chính mình. Mình không nói lên những điều đó, những điều quan tâm của mình thì họ không bao giờ lắng nghe những ý nguyện của mình và khi họ đại diện cho mình thì họ cần phải lên tiếng cho số đông.

Khánh An: Cảm ơn Quân. Còn Hải, Hải đang ở Việt Nam, Hải thấy tình trạng này có nhiều không và Hải nghĩ như thế nào về thái độ này?

Hải: Ở Việt Nam hiện nay, tình trạng này không phải là số nhiều của giới trẻ Việt Nam nhưng nó cũng đang tồn tại trong giới trẻ Việt Nam khi các bạn không quan tâm nhiều đến tình hình của đất nước, mà các bạn chỉ quan tâm đến việc học tập, vui chơi của các bạn, thế thôi. Vấn đề này hiện đang là vấn đề đau đầu đối với một số người làm công tác thanh niên của Việt Nam, tại vì nếu nói đất nước này là đất nước của tất cả mọi người thì chẳng lẽ khi mà có vấn đề đó thì các bạn lại không quan tâm.

Các bạn xem đó là bổn phận để những nhà lãnh đạo họ giải quyết thì cái đó sẽ làm cho các bạn ngày càng xa rời những thông tin về đất nước hơn, thật là đáng buồn. Mới đây, đại hội thanh niên TP.HCM mới đưa ra vấn đề giới trẻ hãy cùng hành động về vấn đề chủ quyền của Việt Nam. Như vậy, nó cũng là một phương châm đưa ra để kêu gọi thanh niên Việt Nam trong nước đang chưa quan tâm đến vấn đề đất nước thì hãy quan tâm nhiều hơn. Các bạn mình cũng có tham gia một số diễn đàn thì những câu nói như vậy tạo cho mình cảm giác xấu hổ khi mình đọc báo lại nghe chính người Việt Nam đang ở trong nước lại phát ngôn những câu như vậy.

Bản đồ Google co thấy một phần diện tích của Tỉnh Lào Cao nằm bên trong lãnh thổ Trung Quốc (đường biên giới là đường màu đen). RFA Photo from Google Map.
Bản đồ Google co thấy một phần diện tích của Tỉnh Lào Cao nằm bên trong lãnh thổ Trung Quốc (đường biên giới là đường màu đen). RFA Photo from Google Map.

Khánh An: Nam thì Nam nghĩ như thế nào?

Nam: Mình thấy chính người trong nước mới thiếu thông tin hơn những người đi ra ngoài, người ta mới thấy được nhiều xã hội, nhiều chế độ chính trị khác nhau và khi đó mới có thể so sánh được nhiều. Ngay cả các bạn, nếu mà đa số các bạn còn ngồi trên ghế nhà trường thì việc đầu tiên mà họ phải làm và nên làm là học hành và lo chuyện học hành. Cho nên, những chuyện như thế này chắc các bạn ấy không để ý và điều này cũng có thể hiểu được. Mình nghĩ, có nhiều người có tư tưởng là những cái mình biết mà không làm gì được thì thà không biết còn hơn. Mình biết có nhiều người có tư tưởng như vậy.

Thực sự, nếu họ có thể biết và nếu khi mà nghe một thông tin gì đó trên báo chí nhà nước nói là vấn đề này sẽ do nhà nước quyết định thì thậm chí họ có thể chán nản và sau đó họ cũng không muốn biết nữa, không muốn quan tâm nữa vì không giải quyết được vấn đề gì cả. Trên những diễn đàn Việt Nam cũng nói nhiều về vấn đề này rồi, các bạn cũng đọc, đọc và đọc, rồi… cũng thế nên mình nghĩ là các bạn có thể chán nản chăng?

Khánh An: Hải, Hải đang ở trong nước, Hải có đồng ý với những ý kiến mà Nam vừa mới nói ra không?

Hải: Đối với ý kiến của Nam, khi ngồi trên ghế nhà trường thì đồng ý ai cũng có nhiệm vụ là phải học tập, nhưng mà các bạn vừa học thì các bạn cũng phải theo dõi thông tin xã hội, tại vì đó là đất nước các bạn đang sống kia mà. 

Chỉ lo kiếm tiền?

Khánh An: Không biết là các bạn có nhận thấy một thực tế hiện nay, theo như Khánh An được biết thì rất nhiều bạn trẻ, có thể nói là đa số, bây giờ chỉ lo đến chuyện kiếm tiền mà thôi. Làm sao để có một công việc tốt, một gia đình hạnh phúc, có nghĩa là gia đình của mình, người thân của mình, nhu cầu của mình, tất cả những gì "của mình” thì sẽ quan trọng hơn. Ngay cả những vấn đề lớn như vấn đề có liên quan đến vận mệnh đất nước, an ninh, môi trường, những vấn đề đó hình như cũng không quá quan trọng?

Các bạn trẻ ở Việt Nam bây giờ cũng nằm trong tình huống mình nghĩ là như vậy, tại vì nó chưa ảnh hưởng trực tiếp đến mình nên mình chưa có hành động gì để mà phản ứng quyết liệt, mãnh liệt.

Bạn Nam

Nam: Theo mình nghĩ, nếu bây giờ mình nói chuyện nhà của người dân ở Việt Nam chẳng hạn, mình đọc trên báo nếu một người nào đó bị mất nhà, bị mất đất vì chuyện gì đó thì mình cũng chỉ biết thế thôi vì mình không phải là người trong cuộc và mình không phải là người chịu đựng trực tiếp cái điều đấy thì mình cảm thấy ít quan trọng hơn. Thành ra, các bạn trẻ ở Việt Nam bây giờ cũng nằm trong tình huống mình nghĩ là như vậy, tại vì nó chưa ảnh hưởng trực tiếp đến mình nên mình chưa có hành động gì để mà phản ứng quyết liệt, mãnh liệt.

Hải: Mình cũng đồng ý với Nam vì những gì của mình khi mình suy nghĩ tới nó thì đầu tiên ai cũng muốn nghĩ lợi ích của mình trước hết, đúng không ạ? Chừng nào lợi ích của mình bị xâm phạm một chút thì bắt đầu chúng ta mới có thể lên tiếng hay làm gì đó để bảo vệ lợi ích của mình. Cái đó theo mình nghĩ là chuyện bình thường, khách quan.

Khánh An: Vâng. Và như vậy thì các bạn nghĩ rằng chuyện liên quan đến chủ quyền của quốc gia, đến môi trường, đến an ninh quốc gia thì không phải là lợi ích của các bạn à?

Nam: Chưa ảnh hưởng sát sườn thôi (cười).

Hải: Còn mình thì mình nói nó phải trực tiếp, phải tác động một cách lập tức tới lợi ích thì các bạn mới cảm thấy có cái gì đó nó đến. Nếu mà nó cứ từ từ, từ từ thì các bạn chưa thấy. Thí dụ như vấn đề môi trường hiện nay nó đã ảnh hưởng rất nhiều rồi đó, chúng ta đã thấy tác động của nó và bây giờ đã thấy có vấn đề lên tiếng về vấn đề môi trường thế giới. Thí dụ như hiện nay ở TP.HCM đã có dự báo là TP.HCM lên đến 40 độ mà trong khi đó chưa từng lần nào TP.HCM lên đến 40 độ thì mới bắt đầu mùa nóng chẳng hạn.

Khánh An: Mời Quân.

Quân: Quân không đồng ý với hai bạn một chút, đó là vì ở Việt Nam cũng có một câu châm ngôn rất là hay, đó là "dân giàu, nước mạnh", nhưng mà chủ quyền đất nước không còn nữa hay cơ hội làm ăn của người dân Việt Nam không còn nữa thì đất nước không thể nào mạnh hơn được cả.

Hải: Cái đó đúng.

Nam: Những người như mình chẳng hạn, mình thấy nó là quan trọng, nhưng những người ở trong nước người ta không thấy được điều đấy, mà Việt Nam thì mình nghĩ một điều rất là quan trọng là tuyên truyền, tuyên truyền, trong khi báo chí không nói về những vấn đề như vậy, không đưa tin một cách nóng bỏng, không bàn luận một cách nóng bỏng để người dân Việt Nam có thể thấy được điều đó thì chắc chắn là vĩnh viễn không bao giờ có thể thấy được. Nó chỉ trôi nổi trên các diễn đàn mà thôi, chỉ dừng ở đó chứ không thể đi xa được…

Khánh An: Quý vị vừa nghe ý kiến của Nam, một nghiên cứu sinh tại Pháp. Bây giờ thì đã đến lúc Cafe Wifi phải đóng cửa rồi. Cuộc nói chuyện về mối quan tâm của giới trẻ đối với vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa và những vấn đề nóng khác của đất nước sẽ tiếp tục vào tuần sau.

Khánh An xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 506 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0