Thứ Tư, 2024-04-24, 8:31 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 22 » Giáo dục lạc hậu, dân tộc khó ngẩng cao đầu
7:01 AM
Giáo dục lạc hậu, dân tộc khó ngẩng cao đầu

tuanvietnam.net


Trong một "thế giới phẳng", tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thì hơn bao giờ hết GD là lĩnh vực mang tính sống còn đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước. Không thể có một quốc gia tân tiến khi nền GD lạc hậu.

Ngành giáo dục đang gắng có những chủ trương, chính sách nhằm tạo ra sự thay đổi mang ý nghĩa quyết định tới chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Từ những quan sát, trải nghiệm có được trong quá trình nghiên cứu, học tập trong nước và ở nước ngoài, người viết bài này mạn phép đưa ra những  giải pháp cụ thể cho bài toán đổi mới GD.

Tăng lương giáo viên

Hiện nay, với thang bảng lương đang áp dụng, ngành GD thật khó để thu hút được đội ngũ giáo viên giỏi. Bởi nhìn vào điểm chuẩn đầu vào của các ngành sư phạm tại các trường ĐH năm 2009, người ta không khỏi giật mình.

Tại ĐH Đà Nẵng, điểm chuẩn ngành sư phạm Vật lý là 14,5 điểm, ngành sư phạm Tin học là 13 điểm. ĐH Tây Bắc, điểm chuẩn ngành sư phạm Toán là 14 điểm, sư phạm Vât lý là 13 điểm. Như vậy, chỉ cần trung bình mỗi môn thi từ 4,5 đến 5 điểm là các bạn trẻ của chúng ta đủ tiêu chuẩn bước vào giảng đường ĐH. Đầu vào là thế, vậy ta thử nghĩ xem liệu đầu ra (sau 4 năm học tập) của số sinh viên này như thế nào? Phải chăng 4 năm ĐH sẽ giúp các sinh viên này cải thiện rõ rệt về chất để trở thành những giáo viên có đủ tự tin đứng trên bục giảng truyền đạt lại kiến thức cho học sinh?

Trong khi đó điểm đầu vào của ĐH Ngoại thương Hà Nội năm 2009, đối với ngành Kinh tế đối ngoại (khối A) là 26,5 điểm. Tương tự ngành thấp nhất, điểm trúng tuyển cũng đã là 23,5 điểm.  ĐH Kinh tế Quốc dân điểm trúng tuyển thấp nhất của khối A là 22,5 điểm. Tại sao lại có nghịch lý này?

Đơn giản, bởi khi ra trường một sinh viên học về kỹ thuật, hay thương mại, kinh tế nếu làm cho một doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng có thể có mức lương khởi điểm từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, và may mắn hơn nếu được làm cho các tổng công ty, tập đoàn lớn hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì mỗi tháng bình quân có thể thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng, thậm chí hơn nữa. Với mức lương tháng đó, nhìn vào thang bảng lương giáo dục, người thầy không khỏi chạnh lòng.

Bởi vì, một giảng viên có thâm niên 10 năm kinh nghiệm tại các trường ĐH lớn của Việt Nam cũng không thể có được mức lương ngang bằng một sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH, làm cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. So sánh nhỏ này cho thấy chừng nào chúng ta chưa cải cách hệ thống thang bảng lương ngành GD, chừng đó chúng ta vẫn không thể có được đầu vào tốt cho ngành sư phạm.

Xét về mặt kinh tế, chi phí chúng ta đánh mất trong tương lai cho vấn đề này sẽ còn cao hơn rất nhiều so với việc tăng lương cho giáo viên. Vì một giáo viên kém ảnh hưởng đến hàng trăm người, và thậm chí ảnh hưởng đến cả nhiều thế hệ. Như vậy, phải tăng lương thì ngành GD mới có cơ hội chiêu mộ được người tài.

Cách  dạy- học mới và không công bố kết quả thi

Ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và đặc biệt là tại các trường ĐH và CĐ tình trạng giáo viên đọc "nguyên xi" giáo trình, hoặc "độc thoại" đang diễn ra phổ biến. Kiến thức đưa vào giáo trình giảng dạy dường như không bắt kịp xu thế phát triển chung của xã hội. Các bài thi hết môn chỉ tập trung đánh giá khả năng học thuộc các bài giảng của giáo viên, hoặc kiến thức trong giáo trình, chưa chú ý đến áp dụng lý thuyết như thế nào để giải thích hoặc xử lý thực tiễn. Rất ít trường có chương trình đào tạo kết nối với các cơ sở thực hành.

Có một thực tế khi ra nước ngoài học tôi nhận thấy rõ, đó là sinh viên Việt Nam rất khá trong các môn lý thuyết cơ bản như Toán, Lý, Hóa so với sinh viên Mỹ. Nếu cho phép chọn ngẫu nhiên 100 sinh viên Việt Nam hiện đang du học tại Mỹ, và tương tự chọn 100 sinh viên Mỹ để làm một bài kiểm tra kiến thức Toán học thì phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về sinh viên Việt Nam.. Nhưng ứng dụng bài toán đó trong thực tiễn như thế nào thì đó lại là vấn đề mà không phải nhiều sinh viên của chúng ta làm được.

Do vậy, đào tạo cho học sinh, sinh viên kỹ năng thực hành là rất cần thiết. Để làm được điều đó, nhất thiết các thầy, cô giáo phải biến giờ học thành dịp để thầy và trò cùng trao đổi về các nội dung của bài giảng. Hãy tạo cho học sinh có cơ hội để được trao đổi, thậm chí là phản biện với thầy, cô giáo. Điều đó giúp cho sinh viên cải thiện khả năng tranh luận, tính tự tin. Đó là nền tảng của tính dân chủ trong GD.

Liên quan đến dạy- học là thi cử: Ở nước ta, hầu hết các trường công bố công khai điểm thi của học sinh, sinh viên. Điều này, có ý kiến cho rằng nhằm giúp họ biết mình đang ở đâu để phấn đấu. Nhưng theo tôi, đây là một việc không nên làm. Kết quả thi là một trong những thông tin cá nhân. Luật pháp cho phép các công dân được bảo vệ các thông tin của mình. Hơn thế, việc công bố công khai điểm thi còn làm cho các học sinh, sinh viên yếu hơn về điểm số sẽ cảm thấy bị cô lập, tủi hổ, tự ti, dẫn đến chán nản học tập, xa lánh bè bạn.

Thay vì thế, chúng ta có thể công bố điểm thi cao nhất như là một cách để tuyên dương, còn lại học sinh, sinh viên sẽ nhận kết quả thi qua email, hoặc trực tiếp qua giáo viên giảng dạy, hoặc phòng đào tạo của nhà trường. Làm như thế nhằm giúp học sinh, sinh viên có kết quả học tập chưa cao vẫn biết mình đang ở đâu mà phấn đấu, và hơn thế giúp các em bỏ được thái độ chán nản, tự ti khi đến lớp.

Thay đổi cách tuyển chọn cán bộ, đánh giá giáo viên

Mặc dù gần đây một số địa phương đã đổi mới cách tuyển chọn cán bộ. Nhưng các kỳ thi công chức chưa hẳn đã thực sự khách quan. Đã đến lúc chúng ta cần siết chặt việc thi tuyển công chức, có cơ chế thi tuyển minh bạch hơn. Thanh tra ngành GD đi sâu vào đánh giá chất lượng giờ giảng của từng ứng viên thay vì thông qua các bài viết kiểm tra kiến thức chung chung. Kẽ hở trong thi tuyển công chức sẽ tạo ra cơ hội để những thầy, cô giáo không đủ năng lực lại làm nhiệm vụ "trồng người".

Một bác sỹ sai sót có thể gây ra cái chết cho một người, nhưng một giáo viên tồi có thể tạo ra cái "chết" cho cả hàng chục, thậm chí hàng trăm học sinh, sinh viên. Cái "chết" về mặt nhận thức trong một số trường hợp còn nguy hiểm hơn cả cái chết về mặt sinh học.

Liên quan đến thi tuyển là đánh giá giáo viên. Hầu hết việc đánh giá giáo viên do ban giám hiệu, trưởng khoa, hay tổ trưởng chuyên môn phối hợp tiến hành. Điều đó không đúng với thực tiễn, và thiếu tính khoa học. Bởi vì, cũng như các ngành nghề khác, đối với ngành GD chúng ta có thể xem giáo viên là người cung cấp hàng hóa (loại hàng hóa đặc biệt), còn học sinh, sinh viên là khách hàng. Như vậy, tại sao học sinh, sinh viên (với tư cách là khách hàng) lại không được tham gia chủ động, tích cực vào quá trình đánh giá đó?

Được biết gần đây, ngành GD có chủ trương học sinh, sinh viên được đánh giá thầy cô giáo. Đó là chủ trương cần thiết. Xin đừng sợ học sinh đánh giá thiên lệch. Thiết nghĩ không bao giờ có một thầy giáo kém năng lực mà được học sinh đánh giá tốt. Nếu có như vậy, thì trước hết nên xem lại chính các tiêu chí đánh giá do nhà trường hay do ngành GD đưa ra để cải thiện thang, bảng đánh giá. Tôi có cơ sở để tin rằng học sinh, sinh viên đủ kiến thức cần thiết để đánh giá được thầy cô giáo nào dạy tốt.

Xem xét nhu cầu thực tiễn xã hội để đào tạo

Mục tiêu của GD là tạo ra lực lượng sản xuất đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhưng thực tế cho thấy rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay đang thiếu nhân lực trầm trọng. Trong khi đó, mặc dù chưa có một khảo sát đầy đủ tỷ lệ sinh viên thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề của từng trường là bao nhiêu, nhưng ước tính con số đó không dưới 20% cho các ngành kỹ thuật và không dưới 30% cho các ngành khoa học xã hội. Tại sao nghịch lý này tồn tại?

Tôi đã có dịp tham gia phỏng vấn vị trí cán bộ pháp chế cho một tổng công ty vào loại lớn đóng trên địa bàn Hà Nội. Kết quả phỏng vấn hàng chục hồ sơ nhưng không có lấy một ứng viên nào đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Bởi vì các bạn sinh viên của chúng ta quá thiếu kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn (dù là đơn giản). Kiến thức lý thuyết chung chung và không vững, dẫn đến thiếu tự tin khi phải giải quyết vấn đề mang tính thực tiễn.

Do đó, điều cần thiết là các trường phải liên kết với các công ty, các tập đoàn để có chương trình vừa học vừa thực tập nhằm giúp sinh viên cải thiện kỹ năng chuyên môn của mình. Sợi dây liên kết giữa nhà trường và các cơ sở thực hành là điều kiện không thể thiếu, giúp học sinh, sinh viên làm quen và thực tập xử lý các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 566 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0