Thứ Bảy, 2024-04-20, 3:33 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Hai » 27 » Hành hung một nhà ngoại giao chứng tỏ nhà nước CSVN xem thường nhân quyền
6:58 PM
Hành hung một nhà ngoại giao chứng tỏ nhà nước CSVN xem thường nhân quyền

Phan Lưu Quỳnh phỏng dịch theo "Attack on a diplomat shows Vietnam's contempt for human rights", của Bs. Nguyễn Đan Quế, đăng trên Washington Post, ngày 26/2/2010


Trong khi toàn thế giới đang chú tâm vào các biến chuyển ở Trung Đông, thì công cuộc đấu tranh dân chủ vẫn tiếp tục bám rễ ở những nơi khác.

Chỉ mới vào mùa hè năm ngoái, Việt Nam và Hoa Kỳ đã kỷ niệm 15 năm dịp thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Phục hồi lại quan hệ ngoại giao cho thấy đó là một việc làm ích lợi cho Việt Nam: Hoa Kỳ là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, mậu dịch song phương hàng năm giữa hai nước có trị giá 15 tỷ đô la, và 13.000 học sinh Việt Nam đang du học tại các trường chuyên nghiệp ở Mỹ.

Mặc dù có những tiến triển như thế, nhưng vào tháng trước đây, một viên chức người Mỹ ở Việt Nam đã bị một nhóm người hành hung trong khi công an chỉ đứng nhìn. Đó là ông Christian Marchant, tùy viên chính trị của Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, đã bị hành hung khi ông dự tính đến thăm một linh mục Công giáo bất đồng chính kiến với nhà nước.



Buổi gặp gỡ giữa ông Marchant và Lm. Nguyễn Văn Lý đã được sắp đặt từ trước. Lm Lý nói với đài Á Châu Tự Do rằng công an ngăn cản không ông Marchant vào nhà Lm Lý và đẩy ông Marchant té xuống đất khi ông cố gắng vượt qua họ.

Một số nhân chứng nói rằng ông Marchant bị dập cửa xe vào chân trước khi bị công an bắt đi. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào ngày hôm đó rằng ông Marchant tuy không bị chấn thương trầm trọng nhưng ông phải bước đi khập khiễng sau vụ rắc rối đó.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Michael Michalak nói sự kiện đó là "một sự vi phạm trắng trợn đến luật pháp quốc tế".  Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành --nhưng cảnh báo rằng các nhà ngọai giao nước ngoài nên chấp hành luật pháp của nước sở tại.

Chắc có lẽ chính nhà nước Việt Nam mới là kẻ cần phải tập làm quen với luật pháp quốc tế. Nhất là khi Công ước Vienna đã ghi rõ ràng rằng các nước sở tại phải có trách nhiệm ngăn ngừa mọi tấn công vào các nhà ngoại giao nước ngoài.

Các yếu tố đóng góp vào thái độ cư xử của nhà nước Việt Nam đã có từ trước khi hiệp định thương mại song phương được ký kết, và khi Việt Nam được gia nhập vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới hoặc ngay cả khi họ tái lập lại quan hệ ngoại giao với Hoa Thịnh Đốn. Ở từng thời điểm một, nhà nước Việt Nam đều hứa hẹn rằng họ sẽ tôn trọng nhân quyền và chấp hành theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, vào mỗi dịp như vậy, nhà nước Việt Nam lại hiểu rằng họ có thể thu thập được tất cả mọi lợi lộc mà không cần phải tôn trọng bất cứ lời hứa nào.

Hai ngày trước khi có vụ rắc rối xảy ra hồi Tháng Giêng, một tờ báo xuất bản ở quê quán của ông Marchant đã đăng tải một bản tin sơ lược về tiểu sử ông, với lời chú giải rằng ông sẽ được đồng trao tặng giải thưởng Nhân quyền và Dân chủ của Bộ Ngoại giao vào Tháng Hai. Bản tin trên trích dẫn một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên dương ông Marchant là "một người ủng hộ nhiệt tình cho cộng đồng các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam đang bị chính quyền sách nhiễu, hoạt động không biết mệt mỏi như một mối liên lạc giữa các nhà bất đồng chính kiến đang bị tù đày với gia đình họ và thế giới bên ngoài.”

Trong bản tin sơ lược trên, ông Marchant lên tiếng về những cố gắng của mình để tìm sự cảm thông với người Việt Nam. Nhưng ông khẳng định rằng Hoa Kỳ không thể giữ im lặng mãi về những vi phạm nhân quyền. Ông cho tờ báo biết là trong năm vừa qua, có 25 người Việt Nam bị bỏ tù vì lên tiếng chỉ trích chính quyền của họ.

Ông nói, "Có sự khác biệt to lớn giữa hai nước, là nếu một người nào đó có thẩm quyền tại Hoa Kỳ mà xúc phạm một cá nhân thì người đó sẽ vào tù.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton đã cảnh báo Hà Nội rằng trong khi Hoa Kỳ muốn làm sâu đậm hơn mối quan hệ song phương, gồm cả về thương mãi, thì tình trạng vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam vẫn là một điều trở ngại. Những lời tuyên bố kiểu này khiến nhà cầm quyền cộng sản không mấy hài lòng với các viên chức Hoa Kỳ. Nhưng người dân Việt Nam lại rất mang ơn khi có những người bạn lên tiếng giúp họ.


Ông Christian Marchant đứng chắn giữa một nhóm công an và
bà Trần Khải Thanh Thủy

Tôi gặp ông Marchant vào năm 2009, lúc ấy chúng tôi nói chuyện khá lâu về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam ngày càng xấu đi, và Hoa Kỳ có thể làm được những gì. Ông Marchant đã gây cho tôi một ấn tượng là một nhà ngoại giao tích cực, nhiệt thành với một giọng nói nhẹ nhàng, là người có một tấm lòng khiêm tốn và cử chỉ thân thiện. Là một người Việt Nam, tôi cảm thấy xấu hổ với những gì mà ông đã phải chịu đựng chỉ vì làm công việc của mình.

Một câu hỏi khác lớn hơn là  tại sao sau 15 năm với mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn mà rõ ràng là không gây một ấn tượng nào đối với giới lãnh đạo CSVN.  Thì ra thái độ của họ rất rõ ràng: Chấp nhận buôn bán và đầu tư với Hoa Kỳ, nhưng dẹp dân chủ và nhân quyền sang một bên.

Tôi lấy làm lạ không hiểu người dân Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào khi thấy một trong những nhà ngoại giao của họ bị hành hung với sự chấp thuận hiển nhiên của nhà cầm quyền Việt Nam. Tôi hy vọng người Mỹ sẽ nhìn vào sự kiện này như nó đã xảy ra.

Làm sao mà người ta có thể mong mỏi một nhà nước không tôn trọng công dân của họ lại có thể tôn trọng người nước ngoài? Các chính phủ khác trên thế giới đang theo dõi, và thắc mắc không biết Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào về sự xúc phạm này.

Và đối với nhà nước cộng sản ở đây, thì sự thật là chế độ Hà Nội cần Hoa Thịnh Đốn nhiều hơn là Hoa Thịnh Đốn cần Hà Nội. Giới lãnh đạo Việt Nam rồi đây sẽ hối tiếc về việc đã để cho một viên chức người Mỹ bị đối xử tồi tệ. Nhưng hiện nay Việt Nam đang phải đề phòng trước một Trung Quốc đang tái quân sự hóa và vấn đề tranh chấp chủ quyền vẫn đang xảy ra trên Biển Đông, đó là chưa đề cập đến nhiều khó khăn trong nước bao gồm một nền kinh tế chậm chạp và một hệ thống giáo dục lỗi thời.

Và nếu Hoa Thịnh Đốn đang tìm kiếm ở Việt Nam một đối tác lâu dài cho hòa bình và ổn định khu vực, thì người Mỹ sẽ thành công hơn nếu họ công khai nhìn nhận rằng chỉ có một nước Việt Nam tự do dân chủ mới có thể giúp được họ.

@TNTDDC
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 442 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Hai 2011  »
SuMoTuWeThFrSa
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0