Thứ Sáu, 2024-04-19, 2:52 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Năm » 4 » HIỆP THƯƠNG: CÔNG CỤ TƯỚC ĐOẠT QUYỀN ỨNG CỬ VÀ BẦU CỬ
7:44 PM
HIỆP THƯƠNG: CÔNG CỤ TƯỚC ĐOẠT QUYỀN ỨNG CỬ VÀ BẦU CỬ

Tạ Phong Tần


Điều 2 Luật bầu cử đại biểu quốc hội (BCĐBQH) quy định: "Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật”.  Tiêu chuẩn để trở thành ĐBQH quy định tại Điều 3 luật này cũng không phức tạp, ai mà chẳng muốn "làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, nghe rất hay, đọc xong có hứng thú tự ứng cử ĐBQH liền.

Tuy nhiên, đi vào phần thủ tục mới thấy các Điều luật tiếp theo bên dưới đã ngang nhiên dùng công cụ "hiệp thương” gạt bỏ quyền tự ứng cử và quyền tự- do- lựa- chọn- người- đại- diện- cho- mình- khi- bầu- cử- của- công- dân.

Theo Điều 30, 31, 37, 38 Luật BCĐBQH (17/04/1997)  và Luật BCĐBQH sửa đổi bổ sung (25/12/2001) thì mục đích của hội nghị hiệp thương là "thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người” ứng cử và "để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó làm việc (nếu có)”.

Luật bầu cử đại biểu quốc hội nước CHXHCN Việt Nam qua các thời kỳ đều đưa vào luật thủ tục "hội nghị hiệp thương” nhưng không giải thích rõ hiệp thương là gì. Từ điển tiếng Việt khái niệm hội nghị là "cuộc họp quan trọng để bàn những vấn đề lớn”; hiệp thương (hiệp: giúp đỡ; thương: bàn luận) là "họp nhau để bàn bạc, thương lượng, dàn xếp công việc, cùng bàn bạc để thống nhất”.


Lực lượng hùng hậu chận cửa không cho bạn bè, hàng xóm của ông Lê Quốc Quân vào phòng "họp lấy ý kiến"

Như vậy, xét theo tiêu chuẩn tại Điều 2, Điều 3 luật BCĐBQH những người đều đạt yêu cầu, không thuộc những trường hợp bị mất quyền ứng cử và bản thân họ có mong muốn, nguyện vọng chính đáng ứng cử làm người đại diện cho nhân dân cả nước nhưng thực tế chưa bầu cử thì họ đã bị cái gọi là "thoả thuận về cơ cấu, thành phần” gạt ra ngoài.

Cơ cấu, theo cách nói nôm na bình dân là "chia phần, chia bánh” kiểu dàn đều hay theo cánh hẩu (không "cùng cánh” xin mời cút xéo đi chổ khác). Ví dụ: mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi dân tộc, thành phần ông già, phụ nữ, trung niên, thanh niên, tôn giáo, hội đoàn…  phải có 1-2 ứng viên đưa vào, dù thực tế trình độ, năng lực không đáp ứng nhiệm vụ nhưng vì "cơ cấu” phải ráng "nhét vào” cho đủ số, mặc kệ những người đủ năng lực và nhiệt huyết nhưng dư so với "cơ cấu” thì bị gạt ra ngoài. Đây cũng là lý do để nhiệm kỳ trước người ta gạt bỏ ứng viên rất được lòng dân là ông Đặng Hùng Võ -nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường (đã nghỉ hưu trước khi ứng cử) vì đảng "không phân công ông ứng cử đại biểu Quốc hội”, mà "cơ cấu” vào những vị hễ mở mồm ra là gây ngao ngán kiểu như ông Trần Tiến Cảnh, hay có vị tham gia liên tiếp 4 nhiệm kỳ chỉ để "gật gù”.

Thành phần của cái hội nghị hiệp thương này "gồm Đoàn Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ), đại diện Ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận”. Điều này thật phi lý và trái với Hiến pháp, bởi lẽ bầu ĐBQH là đại biểu cho dân cả nước chớ có phải bầu đại biểu cho MTTQ đâu, vậy một nhúm nhỏ người của tổ chức MTTQ (là đảng viên đảng CSVN, ăn lương từ ngân sách nhà nước) lấy tư cách gì gạt bỏ quyền ứng cử của công dân với lý do "cơ cấu, thành phần”; trong khi danh sách người ứng cử có vẻ như rất bí mật, người dân cả nước không hề biết ai là người dự định làm "tiếng nói” cho dân và dân chưa hề có ý kiến đồng ý hay không đồng ý vị ứng cử viên này mà MTTQ đã gạt tên họ ra ngoài?

Với những trường hợp tự ứng cử ĐBQH thì người ta cũng dùng chiêu bài "lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó làm việc” (Điều 38 Luật BCĐBQH) để tước đoạt quyền ứng cử và quyền tự- do- lựa- chọn- người- đại- diện- cho- mình- khi- bầu- cử- của- công- dân.

Trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt ngày 31/3/2011, Luật sư Lê Quốc Quân (người tự ứng cử ĐBQH Việt Nam khóa XIII và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016) kể rằng nhà cầm quyền địa phương tổ chức "lấy ý kiến” ở một ngôi nhà bít bùng và có "lực lượng ta” hùng hậu "cản địa” hết lối vào bên ngoài, "chỉ người dân tổ 64 của phường mới được vào”, bạn bè ông Quân bị ngăn cản không vào bên trong được dù sự có mặt của bạn bè ông Quân không có nghĩa là những người bạn này có quyền biểu quyết. Ông Quân cho biết "cử tri tổ 64 phường Yên Hòa là chừng 120 người nhưng chỉ có trên 40 người được chọn mời đến dự họp”, "một số người thân quen ông Quân (cũng là người dân tổ 64) đã không được phép vào”. Dĩ nhiên, không cần đợi đến phần biểu quyết mà ngay từ đầu có thể hiểu rằng 40 người "được chọn” này đều chống lại ông Quân. 40 người "được chọn” này lấy tư cách gì thay mặt cho 120 người của tổ 64 phường Yên Hòa, càng không đủ tư cách thay mặt cử tri cả nước nhưng nhóm "được chọn” này được "nhà nước ta” chống lưng đã ngang nhiên tước đoạt quyền lựa chọn đại diện của ít nhất 120 người, còn rộng ra là quyền của hơn 80 triệu người dân Việt Nam trên toàn quốc.

 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (tự
ứng cử ĐBQH) nói về việc "lấy ý kiến": "Căng
thẳng lắm. Người ta cứ việc lên tố tôi những
điều không có. Tôi thì không được phép trả lời".
Người ta ứng cử đại biểu quốc hội, tức đại diện cho hơn 80 triệu công dân cả nước chớ có phải ứng cử "đại biểu xóm”, "đại biểu công ty” đâu mà đưa ra lấy ý kiến một nhúm người rồi gạt bỏ tư cách ứng cử của người ta?

Nếu thật sự người của "đảng cử” mà dân ủng hộ nhiệt tình (như lần nào cũng công bố kết quả kiểm phiếu đạt từ 90% trở lên) thì "nhà nước ta” hãy để cho người dân "dạy cho kẻ khoái tự ứng cử một bài học” bằng lá phiếu của họ, ứng cử mà không ai thèm bầu thì hắn ta tự quê độ hết dám ứng cử lần nữa, mất công tổ chức hội nghị hiệp thương, lấy ý kiến dân phố chi cho hao người tốn của mà còn mang tiếng bóp nghẹt nhân quyền!

Ứng cử viên được cử tri tín nhiệm hay không cứ để cho cử tri quyết định bằng chính lá phiếu của họ bằng cách gạch hay không gạch trên lá phiếu là xong, cần gì phải lấy ý kiến tín nhiệm trước khi bầu cử chính thức? Lý do duy nhất chỉ có thể hiểu theo hướng "nhà nước ta” sợ dân sẽ bầu cho những người tự ứng cử còn người của "đảng cử” bị gạch tên đến tối tăm mặt mũi, bởi lẽ người "đảng cử” thì dân không ưa, còn người dân ưa thì "đảng không cử”.

Tuổi Trẻ ngày 27/4/2011 đăng tin: Thay mặt Hội đồng bầu cử, chủ tịch hội đồng Nguyễn Phú Trọng đã ký nghị quyết số 351/NQ-HĐBC Công bố 827 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII nhưng tôi tìm "nát nước” mà không thấy cái danh sách này ở đâu hết, kể cả trang web của Quốc hội lẫn Chính phủ Việt Nam cũng không thấy. Dư luận đang đồn rằng nếu danh sách ứng cử này có tên ông Nguyễn Thanh Nghị (con trai đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) thì chắn chắn ông Nguyễn Thanh Nghị sẽ trúng cử ĐBQH, nếu ông Nghị trúng cử trở thành ĐBQH thì chắn chắn ông sẽ được xếp cho "chiếc ghế” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, một kiểu "dọn đường cho thái tử” như Kim Jong Il "dọn đường” cho Kim Jong Un bên Bắc Hàn vậy. Có đi bầu cử hay không cũng vậy thôi, kết quả đã được "cơ cấu” trước hết rồi. Tin này không biết chính xác cỡ nào, người dân Việt Nam hãy chờ xem!

@ http://taphongtan.wordpress.com/

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 538 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0