Thứ Sáu, 2024-03-29, 3:40 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Mười » 9 » Mô hình Thủ tướng chủ quản tập đoàn đã phá sản?
7:23 AM
Mô hình Thủ tướng chủ quản tập đoàn đã phá sản?
 

Sở dĩ mô hình Thủ tướng chủ quản không thành công là do Việt Nam học theo mô hình của Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng giờ nó đã lạc hậu. Có hai điểm khác biệt lớn ở hai nước kia là doanh nghiệp thuộc chủ quản của Thủ tướng là doanh nghiệp tư nhân, họ phải cạnh tranh với nhau, còn ở Việt Nam thì là của Nhà nước và được độc quyền. Bên cạnh đó, cơ chế ngân sách mềm, tín dụng dễ dàng của Việt Nam dành cho các tập đoàn là "quá nuông chiều”, do đó chúng hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ chế Thủ tướng chủ quản tập đoàn còn gây một hệ luỵ là chủ tịch tập đoàn đó được coi tương đương bộ trưởng. Chức năng quản lý ngành của bộ bị vô hiệu hóa.

SGTT.VN – Trước quyết định của Thủ tướng Chính phủ dừng thí điểm hai tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) và tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) hôm 4.10, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, đã có thí điểm thì phải có đánh giá, tổng kết, chứ nếu "tự mình thí điểm và tự kết thúc là điều không bình thường”.

Thưa ông, việc dừng thí điểm hai tập đoàn nói lên điều gì?

Đây là một diễn biến chứng tỏ Thủ tướng đã có phản ứng kịp thời hơn với việc thí điểm hai tập đoàn đó, vì chúng được thành lập sau này.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải có đánh giá, tổng kết, chứ không thì không biết kết quả thí điểm thế nào? Tôi rất mong đợi một kết quả đánh giá và công khai với công luận, vì việc thành lập tập đoàn cũng mất rất nhiều công sức. Những người chủ trương thí điểm rất hy vọng sẽ có quả đấm thép, nhưng bây giờ quả đấm thép đâu? Vì sao lại như vậy?

Vậy đánh giá của ông là gì, với các tập đoàn?

Có điều rõ ràng là việc thí điểm các tập đoàn được tiến hành vội vã, không được chuẩn bị kỹ. Có quá nhiều công ty con, ví dụ như Vinashin có đến 300 công ty con, rồi hai tập đoàn này cũng có hơn 200 công ty con, cháu. Như vậy trở nên quá phức tạp, hỗn độn, và chất kết nối giữa các thành viên cũng không rõ ràng. Tập đoàn phải có thế mạnh. Tôi thấy phát biểu trên báo chí, ông Phạm Viết Muôn (phó trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp), nói rằng sẽ có tám tập đoàn trở nên mạnh và thành tầm cỡ khu vực. Trước đây cũng nói Vinashin sẽ thành tầm cỡ khu vực và còn có những câu "hùng hổ” hơn thế rất nhiều!

Bởi vậy cần phải có đánh giá khoa học, phải có hội đồng thẩm định. Nếu không thì tự mình thí điểm, tự mình đánh giá rồi tự mình kết thúc, là điều không bình thường.

Ông không lạc quan khi Chính phủ công bố sẽ giảm số lượng tập đoàn xuống còn 5 – 7?

Thu gọn cũng cần làm khoa học, phải có căn cứ, xem xét, đối chiếu tình hình kinh tế trong nước và thế giới như thế nào, năng lực của mình thế nào? Chứ bây giờ làm thế này tôi thấy hết sức phân vân, căn cứ khoa học không rõ, không rút ra kinh nghiệm gì từ Vinashin, Vinalines. Có thể đã có rút kinh nghiệm rồi mới tạm dừng thí điểm, nhưng việc đó đã khoa học và đầy đủ chưa? Cần làm rõ!

Sau khi dừng thí điểm hai tập đoàn, theo ông, nên tổ chức, sắp xếp các tập đoàn còn lại như thế nào?

Phải làm các tập đoàn trở nên lành mạnh hơn, cần công khai, minh bạch. Phải tách bạch rõ quyền chủ sở hữu, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp hiện đại. Hiện tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra tiêu chuẩn mà Trung Quốc đã áp dụng, tức là có các mục tiêu rõ ràng, yêu cầu phải đạt mục tiêu như thế nào khi bổ nhiệm. Dựa trên các tiêu chí bổ nhiệm, ông phải thực hiện các công việc này trong thời gian này, mới gọi là bổ nhiệm, chứ bây giờ như Vinashin sau khi ông Phạm Thanh Bình bị bắt, sau ba tuần ông Trần Quang Vũ cũng bị bắt, lại đưa ông khác lên. Người ta không hiểu căn cứ bổ nhiệm như thế nào? Trên thế giới họ bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, với mục tiêu rõ ràng, năm thứ nhất ông phải đạt được gì, năm thứ ba phải đạt được gì. Nếu không đạt được vì lý do gì từ trong và ngoài nước ra sao, chứ nếu không thì không đạt được tiêu chí hiện đại nào cả.

Tại sao chuyện minh bạch của các tập đoàn mãi không làm được?

Ở đây có sự gắn kết lợi ích thế nào đó mà không công khai minh bạch được. Giống như bây giờ có mệnh lệnh hành chính bắt các ngân hàng cho các tập đoàn vay, sau đó lại có mệnh lệnh xoá nợ cho Vinashin. Điều đó hoàn toàn không bình thường và không phù hợp với kinh tế thị trường. Tại sao như thế thì người ta hoàn toàn có thể hiểu được, cả việc đằng sau đó có câu chuyện gì nữa nhưng mà hiện vẫn chưa có lời giải. Tôi nghĩ Quốc hội cần lên tiếng, giám sát, đòi có trách nhiệm rõ ràng, bởi số tiền thất thoát lớn là tiền của dân.

Ông cũng đề cập tới sự lộn xộn của các tập đoàn do có quá nhiều công ty con, làm sao để chúng hoạt động có hiệu quả?

Cần trả lời nhiều câu hỏi: Việc lập ra các doanh nghiệp con ấy là thế nào? Mục đích làm gì? Trách nhiệm ra sao?

Lập ra phải có phương án kinh tế kỹ thuật chứ! Ví dụ như Vinashin ở Thanh Hoá có trạm nuôi heo, ở Hà Nội có gara ôtô Vinashin, ở Tam Đảo có khu du lịch nghỉ dưỡng Vinashin. Trại heo có đóng góp gì cho đóng tàu? Những chuyện thế không ai đề cập, không ai truy trách nhiệm, lẳng lặng thu xếp với nhau thế thôi.

Theo ông cần làm gì để xử lý vấn đề hiện nay của các tập đoàn là nợ xấu?

Theo ông Đinh Tuấn Minh thì số nợ của các tập đoàn khoảng 200.000 tỉ đồng. Vậy phương án xử lý là như thế nào? Nếu cần thì phải cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, bán tài sản đi để lấy số tiền đó trả nợ.

———

Chuyên gia Vũ Đình Ánh

Vẫn phải đi tìm mô hình thích hợp

Ông Vũ Đình Ánh cho rằng việc Thủ tướng quyết định dừng thí điểm hai tập đoàn cho thấy "mô hình không đạt mục tiêu thì thôi, quay về cơ chế cũ”.

Tuy nhiên, ông Ánh nói điều đó cũng không có nghĩa là mô hình đó là sai lầm, mà là cách triển khai không đạt hiệu quả. Chẳng hạn, mô hình tập đoàn tốt cho lĩnh vực nhà và đô thị nhưng bây giờ chưa chuẩn bị kịp đội ngũ CEO "xịn”, mà chỉ có các CEO quản lý tầm công ty thì khó thành công. Đồng thời, cũng không có nghĩa mô hình cũ là đúng. Do đó, vẫn phải trong quá trình đi tìm mô hình thích hợp hơn.

Đáng chú ý, Việt Nam không nên đặt vấn đề có bao nhiêu tập đoàn, mà quan trọng nhất là phải tìm ra mô hình phù hợp với mục tiêu đặt ra, ít nhất là với doanh nghiệp nhà nước. "Thế nhưng hiện nay, việc xác định Nhà nước đóng vai trò gì trong nền "kinh tế thị trường kiểu Việt Nam” chưa rõ, thì làm sao biết doanh nghiệp nhà nước họ làm gì được, làm sao có mô hình phù hợp”, ông Ánh nêu vấn đề.

Chuyên gia Nguyễn Quang A

Phải có một cơ quan quản lý tài sản của các tập đoàn

Bình luận về sự kiện dừng thí điểm hai tập đoàn, ông Nguyễn Quang A cho rằng nó đánh dấu sự quay trở lại của chế độ bộ chủ quản, thể hiện sự không thành công của mô hình tập đoàn thuộc chủ quản của Thủ tướng, điều mà ông đã từng cảnh báo hồi năm 2006.

Sở dĩ mô hình Thủ tướng chủ quản không thành công là do Việt Nam học theo mô hình của Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng giờ nó đã lạc hậu. Có hai điểm khác biệt lớn ở hai nước kia là doanh nghiệp thuộc chủ quản của Thủ tướng là doanh nghiệp tư nhân, họ phải cạnh tranh với nhau, còn ở Việt Nam thì là của Nhà nước và được độc quyền. Bên cạnh đó, cơ chế ngân sách mềm, tín dụng dễ dàng của Việt Nam dành cho các tập đoàn là "quá nuông chiều”, do đó chúng hoạt động không hiệu quả.

Bên cạnh đó, cơ chế Thủ tướng chủ quản tập đoàn còn gây một hệ luỵ là chủ tịch tập đoàn đó được coi tương đương bộ trưởng. "Ngang hàng thì không nói được” – chuyện đó làm xói mòn việc kiểm tra, giám sát của các bộ đối với tập đoàn.

Nêu đề xuất xử lý các tập đoàn hiện nay của Việt Nam, ông Quang A cho rằng, cần phải có một cơ quan nhà nước quản lý tài sản quốc gia ở các tập đoàn, không nằm trong Chính phủ, có thể là trực thuộc Quốc hội, và phải có luật hoạt động riêng, minh bạch, không phụ thuộc gì vào Chính phủ.

Theo SGTT.VN

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 456 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0