Thứ Tư, 2024-04-24, 11:03 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Năm » 17 » Qua việc Lê Công Định kháng cáo: Bộ mặt thật của nền pháp lý CSVN
2:33 PM
Qua việc Lê Công Định kháng cáo: Bộ mặt thật của nền pháp lý CSVN

Nguồn: blog Free Lê Công Định

17.05.2010

Phiên xử phúc thẩm vụ án luật sư Lê Công Định đã khép lại. Nhiều tranh cãi cũng đã xuất hiện. Đồng tình và phản đối việc kháng án của luật sư Lê Công Định, kỹ sư Lê Thăng Long và doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức. Kháng cáo mà y án thì kháng cáo làm gì cho mất công. Nhân dịp này, tác giả bài viết xin được trình bày một góc nhìn về thực tế của việc tố tụng ở Việt Nam hiện hành.

Thực tế khách quan của hệ thống pháp lý cộng sản Việt Nam:

Luật tố tụng hình sự ở VN hiện hành có nhiều giai đoạn trong tiến trình thực hiện một vụ án hình sự: Điều tra – Truy tố – Xét xử – Thi hành án – Xóa án tích. Mỗi giai đoạn của quá trình tố tụng là mỗi cửa ải đầy nhiêu khê và khủng khiếp cho bị can, bị cáo. Nhưng đây cũng là "lợi thế” cho những ai biết lách luật.

Những quy định chồng chéo của pháp luật tạo cho các cơ quan tiến hành tố tụng những đặc quyền. Đó là nơi các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, trưởng trại giam khai thác quyền hạn của mình để mà tham nhũng và hành hạ bị can, bị cáo, phạm nhân. Các luật sư ở Việt Nam khai thác tối đa chỗ này để tiến hành việc "chạy án”. Khái niệm "Luật sư giỏi” ở Việt Nam hiện nay không căn cứ vào trình độ am hiểu pháp luật hay giỏi ngoại ngữ mà căn cứ và những mối quan hệ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, trại giam… và khả năng "chạy án”.

Cách chạy án tốt nhất là chia vụ án thành ra nhiều giai đoạn để mà chạy. Dù bất cứ giai đoạn nào cũng phải thuộc lòng công thức: Chuyển đổi tội danh từ tội nặng thành nhẹ hơn, chuyển đổi khung hình phạt từ cao xuống thấp. Và đồng tiền được coi là "vật chất quyết định tinh thần” trong suốt quá trình chạy án.

Thứ nhất là tại cơ quan điều tra của công an.

Các điều tra viên gần như nắm quyền sinh sát của vụ án bởi quy định: "án tại hồ sơ”. Tội nặng hay nhẹ là do giai đoạn này quyết định. Từ các vụ án tai nạn giao thông, đến việc có giám định hình sự về ma túy, giám định mức độ thương tích… đều gần như do các điều tra viên quyết định có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không. Nếu đánh người đến gần chết mà chạy cho được mức độ thương tích dưới 11% là coi như…vô tội. Điển hình gần đây, vụ ông Thành ở Buôn Ma Thuột là kiểu mẫu của việc chạy án bắt đầu từ cơ quan điều tra của công an.

Các kết luận điều tra của công an luôn đầy khiếm khuyết và mâu thuẫn nên các luật sư thường coi trọng tài liệu này để làm căn cứ bào chữa cho thân chủ. Mặc dù luật tố tụng quy định cho phép luật sư tham gia ngay giai đoạn điều tra, nhưng công an vẫn luôn làm khó dễ luật sư. Chỉ có vụ án do người chưa thành niên gây ra thì may ra công an mới cho luật sư tham gia. Còn các vụ án như Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung mà có luật sư tham gia thì làm sao có những cuốn băng phát trên VTV về việc "ăn năn nhận tội xin đảng và nhà nước khoan hồng” được? Ai cũng biết tại cơ quan điều tra việc dùng nhục hình ép cung là chuyện thường. Nhiều nạn nhân chết tại cơ quan điều tra vì bị ép cung, bị đánh đến chết.Vụ công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hay công an huyện Điện Bàn, Quảng Nam đánh chết người gần đây là phần rất nhỏ lộ ra sự tàn bạo của công an. Đằng sau bức màn sắt, việc dùng tù hình sự tra tấn nạn nhân, tra tấn 24/24, bỏ đói, khủng bố bằng các tình cảm cá nhân như hăm dọa bắt cóc con, hù dọa sẽ hành hạ người thân của nạn nhân… vẫn thường xuyên xảy ra.

Thứ hai là tại Viện Kiểm sát

Lệnh bắt hay thả người là do phê chuẩn của Viện kiểm sát. Vai trò của Viện Kiểm sát còn thể hiện ở chỗ truy tố và kháng nghị các bản án. Muốn được tại ngoại thì phải chi tiền cho Viện Kiểm sát. Muốn kháng nghị để tạm hoãn thi hành án phúc thẩm thì cũng nhờ Viện Kiểm sát "ra tay”. Tiền bôi trơn giai đoạn này không ít hơn ở cơ quan điều tra. Vụ án Năm Cam là kiểu mẫu chạy án nhờ quyền lực của Viện Kiểm sát. Một mối quan hệ với Viện Kiểm sát tốt sẽ giúp luật sư rất nhiều điều trong hoạt động hành nghề của họ.

Thứ ba là tại tòa án.

Với 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm thì các thẩm phán chủ tọa phiên tòa luôn luôn là những kẻ có "uy quyền”, nhất là ở mặt nổi của vụ án. Phầm chìm thì do cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát chi phối. Các chủ tọa thường khống chế các hội thẩm trước giờ xét xử hay trong phần nghị án.Việc quyết định mức hình phạt và khung hình phạt, hay trả án điều tra trở lại là do tòa án.

Tòa án cũng có thể bác những kháng nghị của Viện Kiểm sát. Đối với các kháng nghị với giá 30 triệu đồng của Viện Kiểm sát Tối cao tại Hà Nội luôn bị Tòa án Tối cao ra quyết định bác vì thiếu cơ sở pháp lý. Dù vậy các luật sư vẫn cần cái "kháng nghị 30 triệu” này từ Viện Kiểm sát để kéo dài thời gian được tạm hoãn thi hành bản án.

Các bản án phúc thẩm thì có hiệu lực ngay sau khi tuyên án. Tại tòa án thì các luật sư ra sức để nhờ chủ tọa áp mức hình phạt thấp hơn. Chẳng hạn như chung thân thì chạy sao để xuống tù có thời hạn là 20 năm hay 18 năm. Nếu điều luật quy định mức hình phạt tù từ 3 năm đến 7 năm thì luật sư chạy sao để mà tòa áp dụng mức thấp nhất là 3 năm. Các luật sư thường áp dụng điều luật các tình tiết giảm nhẹ, khi có 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì yêu cầu tòa chuyển đổi thành tội danh nhẹ hơn. Còn phần ở tù bao nhiêu sau đó (được khoan hồng sớm) thì chạy tiếp ở trại giam.

Các bài bào chữa của luật sư ở tòa thường khai thác các yếu tố mâu thuẫn của kết luận điều tra (của công an) và bản cáo trạng của Viện kiểm sát. Ở các tòa phúc thẩm thì luật sư chứng minh tòa sơ thẩm vi phạm tố tụng (hình thức) hay là về mặt nội dung thì xuất trình cho được các tình tiết mới.

Sau khi có án phúc thẩm, muốn chạy tiếp thì phải ra Viện Kiểm Sát tối cao 48 Lý Thường Kiệt hay Tòa án Tối cao 44 Lý Thường Kiệt Hà Nội để nộp đơn xin Giám Đốc Thẩm. Một thẩm phán ở Rạch Giá – Kiên Giang bị kết tội lộng ngôn và mất chức vì câu nói bất hủ: "Ở đâu cũng mất tiền hết, có ra ngoài tòa án tối cao ở Hà Nội cũng phải có phong bì”.

Thứ tư là giai đoạn tại trại giam.

Các đại gia về tội kinh tế thì nhắm vào giai đoạn này là chính. Chẳng hạn như Trần Đàm (Vụ Tân Trường Sanh, buôn lậu), Liên Khui Thìn (vụ Epco)… Đa số giám đốc ngân hàng, bể hụi, hay giựt nợ là chạy ở đây. Dù ra trại thi hành án, nhưng có thể đút tiền cho các trưởng trại giam để được đi chữa bệnh hay là được ân xá vào các thời điểm 2/9, 30/4. Nguyễn Trung Binh, người Nghệ An, trưởng trại giam Z30D ở Xuân Lộc nổi tiếng "chịu ăn” nhất. Ông ta là trưởng trại giam giàu nhất Việt Nam vì có trong tay những con mồi béo bở nhất.

Thứ năm là phần Xóa án tích.

Phần xóa án tích thì quay trở lại tòa án.

Trường hợp Luật sư Lê Công Định

Là luật sư nổi tiếng và tài giỏi, ông Lê Công Định hiểu rõ hơn ai hết các giai đoạn của "quá trình chạy án”. Chắc chắn những "lời nhận tội trên VTV” hay quyết định kháng cáo là có suy tính kỹ càng. Ra tòa sơ thẩm để chứng minh là các "lời nhận tội trên VTV” là có vấn đề. Ra tòa phúc thẩm là chứng minh tòa sơ thẩm và bản án sơ thẩm là có vấn đề chưa "tâm phục- khẩu phục”. Đó là tiến trình mà một luật sư am hiểu những "trò chơi” trong ngành như Lê Công Định phải trải qua.

Về mặt chủ quan và tình cảm cá nhân

Biết là kháng án sơ thẩm ra tòa phúc thẩm sẽ cần phải có những "tình tiết mới” may ra mới được cứu xét. Đồng thời từ lúc ở tòa sơ thẩm về đến trại giam sẽ luôn luôn bị đe dọa là bị cắt hết các tiêu chuẩn thăm nuôi cũng như sẽ bị kỷ luật nếu "ngoan cố chống án”. Nhưng tại sao luật sư Lê Công Định vẫn kháng án?

Là người am hiểu pháp luật nên chắc chắn là việc kháng án của luật sư Lê Công Định nằm trong "lộ trình tranh đấu” của anh. Ít ra Lê Công Định cho thấy những hăm dọa về việc cắt các chỉ tiêu thăm nuôi, bị kỷ luật trong trại giam sẽ phải thua anh trong trận "đấu trí" này. Đó là chưa kể việc Lê Công Định chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm vụ án của anh thì nhà nước cộng sản sẽ phải tốn kém rất nhiều tiền bạc và công sức để đối phó. Bộ phận công an phải huy động công an nổi công an chìm "bảo vệ phiên tòa”. Các thẩm phán và các kiểm sát viên sẽ phải thức đêm khuya sớm để mà " nghiên cứu hồ sơ”. Ba ngành Công an -Tòa án -Viện Kiểm sát sẽ phải họp tới họp lui các buổi họp nội chính để tìm phương cách đối phó với dư luận quốc tế. Có lẽ vì yếu tố này mà anh không muốn luật sư đồng nghiệp tốn thời gian vì anh và sẽ chịu những "khủng bố” sau phiên tòa như anh đã phải đối diện từ sau khi tham gia bào chữa cho Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Không ai hiểu vụ án của anh và chế độ độc tài toàn trị này bằng anh.

Về tâm lý cá nhân thì suốt ngày đối diện với 4 bức tường của trại giam 235 Nguyễn Văn Cừ ai chẳng thèm bầu không khí tự do khi đi ra ngoài. Trong cảnh chật chội và nóng bức của nhà tù tàn bạo chắc hẳn Luật sư Lê Công Định sẽ muốn một lần nữa trở lại nơi chốn thân quen trong hành nghề luật sư của anh là tòa án Sài Gòn. Ở trại giam của Bộ công an thì chắc Lê Công Định sẽ nhớ thế giới bên ngoài dù là con đường ngắn ngủi đẫn đến tòa phúc thẩm trên đường Công Lý. Anh cũng muốn nhìn thế giới bên ngoài qua cái lỗ bé xíu của xe bít bùng chở tù nhân. Ra tòa phúc thẩm Lê Công Định sẽ gặp nhiều người thân và bạn hữu hơn là thăm nuôi thì chỉ có một vài người thân. Ra tòa phúc thẩm thì luật sư Lê Công Định gặp lại anh Thức, anh Long và cả cậu em Tiến Trung nữa. Đó là cái bắt tay của anh Định khi tòa phúc thẩm chấm dứt dành cho anh Long và anh Thức.

Cảm nhận đối với các nhà dân chủ
3 năm rưỡi cũng tù, 10 năm, 20 năm cũng là tù. Tuy nhiên, phần giảm án mà anh Lê Thăng Long đạt được cho thấy một chiến thắng nhỏ của phe dân chủ trong phiên tòa này. Ít nhất cộng sản đã lùi một bước.

Vẫn còn quá sớm để nhận định và phán xét về các hành động và phương thức đấu tranh của các anh Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, và Nguyễn Tiến Trung đối với hệ thống pháp lý bất công của đảng CSVN qua phiên tòa xét xử các anh.

Các nhà dân chủ đang trong cảnh tù tội, họ không được tự do bảo vệ họ. Quan trọng hơn hết là chúng ta chưa có kinh nghiệm đối phó với bạo lực của CSVN. Có người chưa một ngày sống trong chế độ độc tài lại lớn lối lên tiếng phê bình, phỉ nhổ các nhà dân chủ đã hy sinh cuộc sống tự do của riêng họ để mưu cầu tự do chung của dân tộc. Anh hùng sao không dám quay về quốc nội thử đương đầu với công an cộng sản một lần xem sao?

Cũng như Ls Lê Thị Công Nhân sau khi ra tù thì mọi bí ẩn sẽ được tỏ bày. Lúc đó mọi người muốn phản biện sao cũng được. Ít nhất lúc đó những người "bị kết án” sẽ có cơ hội trình bày lý do tại sao và sự thật là gì. Bây giờ chỉ cần nhìn vào việc trở về nước của Nguyễn Tiến Trung, nhìn vào hành động dấn thân cho dân chủ, công lý của 4 nhà dân chủ cũng đủ để chúng ta ngưỡng mộ họ.

Có người so sánh các nhà dân chủ trong vụ Lê Công Định với Lê Thị Công Nhân. Tôi cho là khập khiễng vì "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Có gì đảm bảo trong quá trình dùng nhục hình và ép cung của công an cộng sản thì tương đương cho tất cả các trường hợp? Thời điểm cũng khác, vị thế và uy tín của CSVN ở mỗi thời điểm có khác nhau. Sự tính toán mang tính chiến lược đường dài của mỗi người cũng khác nhau. Bản lĩnh chính trị, sự tính toán chiến lược và lòng can đảm trong công cuộc đấu tranh này nhiều lúc không nhất thiết đi cùng với nhau.

Mỗi chúng ta hãy xét yếu tố con người và đặt mình vào hoàn cảnh của những người đấu tranh đang nằm trong vòng sinh sát tuyệt đối của bộ máy bạo quyền thì có lẽ chúng ta sẽ có những cái nhìn khách quan hơn.

Hãy tự hỏi đặt mình là họ thì mình phản ứng bằng cách nào?

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 644 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0