Thứ Năm, 2024-04-18, 6:15 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2012 » Tháng Sáu » 15 » Quốc hội VN ‘điều trần’ về thu hồi đất
8:13 AM
Quốc hội VN ‘điều trần’ về thu hồi đất
BBC
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn Quốc hội

Ông Quang nhận trách nhiệm trong những vụ nổi cộm về đất đai vừa qua

Diễn đàn Quốc hội Việt Nam hôm thứ Tư ngày 13/6 trở nên nóng bỏng khi các vị đại biểu đề cập một trong những vấn đề hết sức gai góc ở Việt Nam hiện nay là cưỡng chế thu hồi đất.

Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang đại diện cho chính phủ đã giải đáp các câu hỏi được các vị dân biểu đưa ra trong phiên mở màn chất vấn các thành viên chính phủ, dự kiến kéo dài đến hết tuần.

Phiên chất vấn này đã được truyền hình, truyền thanh trực tiếp và tường thuật rộng rãi trên hệ thống truyền thông trong nước.

‘Hàng hóa giá trị’

Theo ông Quang, lý do mà đất đai trở thành vấn đề ‘khá bức bách’ trong xã hội Việt Nam hiện nay là đất đai đã trở thành ‘hàng hóa có giá trị’ trong nền kinh tế thị trường trong khi dưới thời bao cấp thì không có gì phức tạp khi chính quyền thu hồi đất.

Do đó đây là vấn đề mà chính phủ không dễ gì giải quyết, vị bộ trưởng này phân trần.

Ông thừa nhận một số bất cập trong việc thu hồi cưỡng chế đất của người dân. Đó là giá bồi thường chưa thỏa đáng, chưa có quy định bắt buộc xây dựng khu tái định cư, chuyển nghề cho những nông dân bị mất đất và cơ quan thực thi pháp luật chưa đủ năng lực...

Bên cạnh đó, việc bồi thường cho người dân chưa ‘đảm bảo dân chủ, công khai, bình đẳng’, ông thừa nhận.

Phân tích nguyên nhân xảy ra các vụ việc phản kháng của người dân bị cưỡng chế đất trong thời gian qua, ông Quang nói với Quốc hội rằng đó là do ‘mâu thuẫn lợi ích’ giữa Nhà nước, người dân mất đất và nhà đầu tư được giao đất.

"Bộ trưởng nói rằng sau nay có chính sách gì đó để nâng cao đời sống của người dân ở vùng tái định cư để thi công các công trình thủy điện. Sau này là lúc nào?"

Nguyễn Thái Học, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên

Ông cho biết thay vì bồi thường người dân theo khung giá đã định sẵn thì tới đây chính phủ sẽ cho phép thêm ‘cơ chế tự thỏa thuận’ giữa dân mất đất và chủ đầu tư.

Ông giải thích làm theo cách này thì người dân sẽ được bồi thường với giá cao hơn giá của Nhà nước nhưng nói thêm rằng các làm này chỉ áp dụng với các dự án nhỏ là chủ yếu.

Trước truy vấn của các vị ‘dân biểu’ về những vụ cưỡng chế gây sóng gió trong dư luận trong thời gian qua như vụ Tiên Lãng ở Hải Phòng và vụ Văn Giang ở Hưng Yên, ông Quang cho rằng đây là những vụ việc ‘rất đáng tiếc’.

Nhận trách nhiệm

Ông thừa nhận bản thân ông cũng có trách nhiệm dù những vụ việc này xảy ra ở cấp độ địa phương.

Về vụ Tiên Lãng, ông cho biết Bộ đã giải quyết cho hộ ông Đoàn Văn Vươn chuyển từ giao đất sang cho thuê đất để tiếp tục sử dụng. Từ đó, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương rà soát lại việc sử dụng đất ỡ bãi bồi ven sông, ven biển như trường hợp của ông Vươn.

Ông khẳng định vụ Tiên Lãng ‘là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc’ đối với các cán bộ quản lý đất đai và trấn an Quốc hội rằng sự việc ở Tiên Lãng sẽ không lan ra cả nước.

Tuy nhiên, trong vấn đề Văn Giang, ông cho rằng việc chính quyền ở đây huy động lực lượng hùng hậu để cưỡng chế 5 hectare đất của 160 hộ dân chỉ là ‘thực thi pháp luật về đất đai’.

"Ông Quang đã tránh né một vấn đề căn bản là công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân nhất là nông dân."

Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TPHCM

Ông kể lại việc Bộ của ông đã cử đoàn công tác xuống Văn Giang tìm hiểu tình hình và ghi nhận rằng người dân ‘không kêu ca’ về việc bồi thường mà chỉ muốn ‘thu hẹp diện tích dự án’.

Về việc thời hạn sử dụng đất, ông cho biết Bộ đang nghiên cứu theo hướng nâng lên mức 50 năm để người dân yên tâm sản xuất. Mức hạn điền hiện tại là 6 hectare có thể cũng được năng lên từ 5 đến 10 lần.

Theo tường thuật của truyền thông trong nước thì phần điều trần của ông Quang còn nhiều chỗ mơ hồ, chưa rõ ràng đủ để làm hài lòng các vị đại biểu Quốc hội.

"Bộ trưởng nói rằng sau nay có chính sách gì đó để nâng cao đời sống của người dân ở vùng tái định cư để thi công các công trình thủy điện. Sau này là lúc nào?,” Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời đại biểu của tỉnh Phú Yên là ông Nguyễn Thái Học.

Trong khi đó, "đời sống của người dân khó khăn từng ngày, từng giờ, người dân bức xúc vì hy sinh đất đai, nhà cửa, ruộng vườn vì mục đích chung của đất nước nhưng quyền lợi của người dân chưa được đảm bảo,” ông Học nói thêm.

Theo ông Học thì các vị đại biểu của tỉnh ông đã đến thị sát các công trình thủy điện và nhận thấy rằng người dân ‘chưa thỏa mãn’ với việc đền bù và hỗ trợ tái định cư do các nhà đầu tư bồi thường không đúng hoặc chậm trễ.

‘Không tin ông Quang’

Nông dân Văn Giang kéo ra bảo vệ đất đai của mình

Nông dân Việt Nam liên tục phản kháng chính quyền thu hồi đất của họ

BBC đã liên lạc ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, người vốn theo dõi chặt chẽ các vụ việc cưỡng chế đất đai trong thời gian gần đây, để tìm hiểu phản ứng của ông trước phiên chất vấn này.

Ông Đằng nhận xét rằng Bộ trưởng Quang đã ‘tránh né một vấn đề căn bản’ là ‘công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân nhất là nông dân’.

Việc không công nhận quyền sở hữu đất, theo ông Đằng, là nguyên nhân sâu xa khiến cho các chính quyền từ trung ương đến địa phương ‘muốn thu hồi đất lúc nào thì thu hồi’.

Ông Đằng cũng không tin vào lời hứa của ông Quang sẽ tạo cơ chế tự thỏa thuận trong thu hồi đất trong thời gian tới vì ‘đằng sau là lợi ích của các tập đoàn, các cá nhân và gia đình’ mà bản thân ông Quang không thể chủ động được.

Ông đưa ra dẫn chứng ở khu đất Thủ Thiêm thuộc Quận 2 dù phó bí thư thường trực Quận ủy ở đây đã đấu tranh cho người dân có thể tự thương lượng với nhà đầu tư để có giá đền bù thỏa đáng nhưng ‘Ủy ban nhân dân thành phố đâu thực hiện’.

"Những vụ bức xúc về đất đai của người dân gần đây là do vấn đề sở hữu đất đai chứ không phải thời hạn sử dụng đất ngắn hay dài."

Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TPHCM

"Luật cũng có quy định rồi (việc tự thỏa thuận),” ông nói, "Tại sao không thực hiện mà sắp tới mới thực hiện?”

Muốn làm được điều này, theo ông Đằng, thì phải ‘giải tán các ban đền bù giải tỏa mặt bằng đi’ vì ‘nhà nước không thể thay mặt nhà đầu tư để đứng ra xua quân giải tỏa người dân như ở Văn Giang’.

Ông cho biết chính ở khu đất thuộc bán đảo Thủ Thiêm này mà thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch thành một khu trung tâm mới thì người dân chỉ được bồi thường theo giá đất ruộng ‘có mấy ngàn đồng một mét vuông’ trong khi nhà đầu tư rao bán trên báo là ‘trăm triệu một mét vuông’.

Ông Đằng cũng không cho rằng lời hứa kéo dài thời hạn sử dụng đất của ông Quang là một bước tiến cho quyền lợi của người dân.

"Kéo dài thời hạn nhưng vẫn là đất đai của Nhà nước. Điều này dễ bị chính quyền địa phương lợi dụng để quy hoạch, thu hồi và tìm cách cướp trắng trợn (đất của người dân),” ông giải thích.

Những vụ bức xúc về đất đai của người dân gần đây, theo ông Đằng, là do vấn đề sở hữu đất đai chứ không phải thời hạn sử dụng đất ngắn hay dài.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 516 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0