Thứ Sáu, 2024-03-29, 2:08 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 24 » Trang web mới kết nối với cử tri của Quốc hội Việt Nam, thực chất hay là lại một màn diễn?
8:50 AM
Trang web mới kết nối với cử tri của Quốc hội Việt Nam, thực chất hay là lại một màn diễn?

Lê Diễn Đức



Vài hôm nay, một trang web mới của nhà nước Việt Nam xuất hiện:  Trang web "Hỏi và Đáp – Kết nối cử tri với đại biểu Quốc hội”.

Cơ quan chủ quản trang web là Văn phòng Quốc hội CHXHCN Việt Nam có trụ sở tại 35 Ngô Quyền, Hà Nội. Địa chỉ của trang web này là: http://hoidap.quochoi.vn. Được biết kinh phí xây dựng trang web do Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tài trợ, với số tiền 30 ngàn Bảng Anh, khoảng 850 triệu đồng Việt Nam.

Trước hết, để xem thực chất của mục đích "kết nối cử tri với đại biểu Quôc hội” và ý nghĩa của trang web, tôi tìm hiểu "Các điều khoản sử dụng”.

Dĩ nhiên, bất kỳ trang web nào, công cộng hay cá nhân, chủ sở hữu của nó có quyền đưa ra luật chơi cho người sử dụng. Có những luật chơi cởi mở, thoải mái, tự do, dễ dàng, nhưng cũng có cả có luật chơi khắt khe, gò bó, tùy thuộc vào mục đích của trang web.

Là một người đã từng phụ trách biên tập trang web công cộng và hiện đang có weblog của mình trên WordPress, tôi đồng ý với thông lệ "sân chơi nào cũng nên có trọng tài”. Chính vì thế, những quy định của trang Web "Hỏi và Đáp – Kết nối cử tri với đại biểu Quốc hội” với tôi không có gì mới, cũng tựa như các quy định của rất nhiều các trang khác trên mạng điện tử. Nếu vào sân chơi này, tôi sẽ cố gắng tự chế, tuân thủ luật của chủ nhà, bởi vì đơn giản là tôi sẽ bị loại ra nếu vi phạm.

Tuy nhiên, tôi có một số suy nghĩ khi đọc "Sửa đổi các điều khoản sử dụng”. Đó là câu: "Chúng tôi được quyền điều chỉnh và thay thế nội dung điều khoản sử dụng tại bất cứ thời điểm nào theo chính sách của cơ quan chủ quản trang web…”.

Tôi cho rằng, vấn đề không nằm ở quyền tất yếu được điều chỉnh và thay thế nội dung của chủ quản trang web. Chính sách của cơ quan chủ quản trang web là gì ngoài nội dung "kết nối”? Trang web có mang tính độc lập nào không hay cũng bị kiểm duyệt bởi Ban Văn hóa và Tư tưởng Trung ương?

Thiết nghĩ, mở trang web này, nếu Văn phòng Quốc hội thực hiện được đúng chức năng nối kết cử tri với đại biểu Quốc hội một cách nghiêm túc và trong sáng, thì là điều đáng khích lệ. Ngược lại, nó sẽ trở nên nhàm chán và buồn tẻ như các trang web khác có đính quốc huy của CHXHCN Việt Nam.

Khi thực hiện sứ mệnh của mình, trang web mới của Quốc hội sẽ chơi đến đâu và có hay không bản lĩnh đối diện với sự thật, với dư luận của quần chúng? Các đại biểu quốc hội khi nhận được câu hỏi có dám giải đáp một cách thẳng thắn hay là chỉ đưa ra những nhận định "phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng”, tức là ngôn từ phải xếp hàng đi theo lề phải? Và, sức ép nào mạnh hơn lên tiếng nói của đại biểu quốc hội: của cử tri hay của lãnh đạo Đảng Cộng sản đang nắm độc quyền cai quản đất nước?

Chính vì những câu hỏi chưa có lời đáp trên khiến tôi không khỏi băn khoăn cho số phận tương lai của trang web "Hỏi và Đáp – Kết nối cử tri với đại biểu Quốc hội”.

Có gì trùng hợp giữa sự ra đời của trang Web mới này với thời gian nhóm họp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bàn về chính sách và nhân sự cho Đại hội XI tới?

Phải chăng diễn đàn của Quốc hội rồi cũng sẽ giống như cuộc góp ý cho Bản dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/2006? Biết bao nhiêu trí thức, học giả trong và ngoài nước đã ảo tưởng trút hết tâm huyết vào các kiến nghị, giải pháp, thỉnh nguyện của mình, cầm chắc lần này Đảng không đùa, để rồi thất vọng ê chề!

Phải chăng diễn đàn của Quốc hội rồi cũng sẽ giống như cuộc đối thoại trực tuyến giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với dân chúng. Ông tuyên bố ghét nhất sự giả dối, nhưng cố tình tré nánh, rồi ngụy biện vòng vo trước câu hỏi "Vì sao Thủ tướng lại ký chỉ thị nghiêm cấm tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức? Như vậy có đi ngược lại mục tiêu tự do dân chủ mà Thủ tướng phấn đấu hay không?”…

Tôi tin rằng, với những biến động vừa qua, dưới sức ép của dư luận quần chúng, của một số cán bộ lão thành cách mạng, của một số đại biểu quốc hội, sẽ có thêm nhiều đại biểu quốc hội khác ưu tư, trăn trở với tiền đồ của đất nước.

Tổ quốc đang có nguy cơ mất còn thực sự trước sự bành trường của Bắc Triều. Hải đảo đã bị chiếm, đất liền đã bị bị xâm lấn, hàng trăm hécta rừng ở các điểm trọng yếu đã bị cho thuê dài hạn, khoáng sản đang dần dần bị khai thác cạn kiệt bấp chấp an ninh và môi trường sinh thái…

Cuộc xâm lăng không tiếng súng của Trung quốc đang gặm nhấm có hiệu quả từng ngày lãnh thổ và lãnh hải mà Tổ tiên Cha Ông ta đã mấy ngàn năm dày công chống ngoại xâm, gây dựng.

Có ai, dù đứng ngoài Đảng hay là thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, còn một chút máu hồng của giống nòi Lạc Việt, lại không thể cay đắng, tủi nhục và phẫn uất trước vận nước mong manh.

Quốc hội CHXHCN Việt Nam thực chất chỉ là một định chế hình thức, hoạt động hoàn toàn theo chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam mà đại diện của nó là tập đoàn cộng sản Ba Đình – một nhóm nhỏ mười mấy cá nhân trong Bộ Chính Trị. Nhưng tôi cố gắng không muốn tin rằng, tất cả mấy trăm vị đại biểu đều là những ông nghị gật. Tôi cũng không tin rằng, tất cả hàng trăm vị được gọi là "dân cử” (dù là Đảng cử, dân bầu lấy lệ) đều cam chịu cúi đầu chạy theo cuộc sống hưởng thụ vật chất hôm nay, bất chấp lương tri và đạo đức của người Việt yêu nước, không biết hổ thẹn với Cha Ông và con cháu đời sau. Tôi không muốn tin rằng, ai cũng như ông Trần Đình Nhã – phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng bạc nhược liệt mình vào "hạng quan chức không có quyền thế gì”…

Tôi không tin. Đúng vậy! Vì ít nhất đã có một số vị đại biểu lên tiếng trong thời gian qua, mà tiêu biểu là qua vụ bê bối về tham nhũng PMU 18, vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên và vụ cho nước ngoài thuê rừng…

Nếu mấy trăm vị đại biểu có tiếng nói đa số, thống nhất và cương định, chắc chắn không một băng nhóm hay cá nhân nào trong tập đoàn lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lại không e ngại và dân chúng sẽ hết lòng ủng hộ.

Số phận của đất nước Việt Nam đang cần những tiếng nói quả cảm, thẳng thắn ngay trong bộ máy công quyền, vì lợi ích chung của cả dân tộc. Chỉ có những tiếng nói như thế mới có cơ hội chặn đứng ngay mọi thù trong, giặc ngoài, phát triển đất nước, bảo vệ được chủ quyền và lãnh thổ của Tổ Quốc, trước khi mọi việc đã rồi!

Các vị đại biểu đã đến lúc không thể chậm trễ nữa, phải thay đổi tư duy!

Tôi ghi lại lời phát biểu của giáo sư Trần Đình Bút, phó chủ tịch Hội khoa học Kinh tế và quản lý TP.HCM, chuyên gia tư vấn trong Ban nghiên cứu của cựu Thủ tướng Phan Văn Khải:

"Bộ máy quản lý nhà nước của nước ta hiện nay chỉ̉ là một bộ phận trong thể chế quản lý của đất nước, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam, như Điều 4 Hiến pháp đã quy định, coi đó là một nguyên tắc cơ bản”.

"Nguyên tắc này hoàn toàn cần thiết trong điều kiện những cuộc chiến tranh quyết liệt một mất một còn trước kẻ thù của dân tộc, nhưng trong điều kiện xây dựng kinh tế, chuyển sang cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế cần phải xem lại”.

"Nếu tiếp tục vận dụng nguyên tắc này như thời gian qua thì khó có thể hy vọng đổi mới, hoàn thiện tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước một cách có hiệu quả”- [xem BBC/Pháp luật Tp. HCM 17/03/06]

Nếu các vị đại biểu Quốc hội thực lòng muốn thực hiện một tiền lệ tốt, tôi mong mỏi rằng, qua trang web "Hỏi và Đáp – Kết nối cử tri với đại biểu Quốc hội”, các vị đừng tiếp tục giải bài toán dư luận bằng những câu trả lời khuôn sáo, dễ dãi, mà hãy lĩnh hội lòng dân, ý dân để đưa vào nghị trường, để không hổ thẹn với vai trò hiến định của mình: "Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy nhà nước”. ■

Ba Lan, 22/03/2010

© Ledienduc’s Blog 2010
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 520 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0