Thứ Năm, 2024-04-25, 10:56 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Hai » 25 » Trồng cây hay trồng người?
4:49 PM
Trồng cây hay trồng người?

Ngô Nhân Dụng



Hai vị tướng về hưu ở Hà Nội mới đưa ra công khai một bức thư yêu cầu đảng Cộng Sản chấm dứt ngay việc cho người Trung Hoa thuê đất rừng Việt Nam để khai thác trồng cây. Họ viết những lời lên án và cảnh cáo giận dữ nặng nề: Tự sát! Cố tình phá hoại! Gieo tai họa cho dân! Thâm độc và tàn bạo!

Tại sao phải nổi giận như vậy? Hai tác giả bức thư đã nói đến hành động "bán rừng,” "mua rừng” nhưng có thể khiến người đọc nghĩ đến hai chữ "bán nước.” Nếu có quốc gia nào âm mưu "mua rừng” của nước ta thì thâm độc và tàn bạo thật!

Theo lá thư ngỏ trên, mười tỉnh ở khắp ba miền Việt Nam đã cho người ngoại quốc thuê tổng cộng hơn 300 ngàn mẫu (ha) đất rừng, trong dài hạn 50 năm. Trong số đó, gần 90% đất rừng là cho những người thuê đến từ lục địa Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, nói chung là các công ty của người Trung Hoa. Phần lớn các khu đất rừng cho thuê nằm ở vùng biên giới. Riêng trong tỉnh Lạng Sơn, sẽ cho thuê hơn 70 ngàn mẫu tây rừng, bằng một phần tư tổng số rừng cho thuê khắp nước. Lạng Sơn là nơi quân đội Trung Hoa đã phá tan thị xã thành bình địa trong cuộc chiến năm 1979.

Hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh viết: "Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước.” Hai ông cũng ám chỉ đến một âm mưu lâu dài khi viết thêm: "Đây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia.” Cho nên họ tố cáo, "Các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo.”

Trước những những lời tố cáo của hai ông "tướng về hưu” trên, giới lãnh đạo đảng Cộng Sản và bộ máy chính quyền trung ương, như thường lệ, không ai thèm trả lời. Giống như họ từng bỏ qua không thèm trả lời mấy trăm nhà trí thức phản đối về vụ Bauxite. Họ gần như mặc nhiên coi việc cho người ngoại quốc thuê khai thác rừng là thuộc trách nhiệm của những cán bộ ký hợp đồng cho thuê, tức là các quan chức cấp tỉnh, hay thấp hơn!

Một lần nữa, chúng ta đứng trước một vấn đề luật pháp về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai, mà chế độ hiện nay cố ý giữ chặt di sản từ thời Hồ Chí Minh để lại, sau khi làm cải cách ruộng đất. Nhà nước cộng sản đã tịch thâu tất cả đất đai của toàn dân với quy tắc "nhân dân làm chủ,” tạo cơ hội cho các cán bộ cộng sản mặc sức lạm dụng, tham nhũng vì họ nắm toàn quyền quyết định! Lạm dụng cơ chế để làm giầu là một đặc quyền của các đảng viên cộng sản; nhưng khi đặc quyền đó lại có thể tác hại đến chủ quyền đất nước và gây hại lâu dài thì mọi người dân Việt Nam phải thắc mắc, như hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh.

Luật pháp cộng sản coi tất cả đất đai đều thuộc quyền quản lý của nhà nước, không người dân nào có quyền làm chủ đất. Nhưng ai là người nắm quyền cấp giấy phép cho dân sử dụng đất, theo những điều kiện nào? Luật pháp không rõ ràng đầy đủ, tạo cơ hội cho các quan chức địa phương giải quyết tùy tiện, áp dụng linh động. Một công ty ngoại quốc muốn thuê đất làm trụ sở hoặc dựng nhà máy, cơ xưởng có thể phải chạy chọt với quan chức cấp huyện hay cấp tỉnh, hay phải xin phép từ trung ương, điều này tùy thuộc "mối làm ăn” lớn hay nhỏ. Việc cho thuê đất rừng chắc cũng theo lối này.

Quan chức cộng sản cấp tỉnh tại Lạng Sơn đã bác bỏ lời lên án "bán rừng” của hai vị tướng về hưu. Một viên giám đốc trong tỉnh nói rằng "Không có chuyện mua bán đất đai. Không chuyển nhượng sở hữu, mà chỉ có cho thuê!”

Nói như vậy là đáng bùn sang ao, cũng như không nói gì cả. Tất nhiên là ở trong nước Việt Nam bây giờ không ở đâu có chuyện mua bán đất đai hay chuyển nhượng quyền sở hữu đất đai. Vì theo hiến pháp tất cả đất đai trên toàn quốc là "của tòan dân,” không ai có quyền sở hữu để mà mua hay bán! Nhưng trong thế giới bây giờ, ngay tại những nước tư bản, "quyền sở hữu” không quan trọng bằng "quyền sử dụng.” Ban giám đốc các công ty như IBM, Bank of America, Coca Cola nắm nhiều quyền hơn hầu hết, nếu không nói là tất cả chủ nhân các cổ phần!

Trên nguyên tắc toàn dân Việt Nam chung nhau quyền sở hữu đất đai, nhưng đảng Cộng Sản chiếm độc quyền "lãnh đạo nhà nước và xã hội” quyền hành to lớn hơn tất cả các ban giám đốc của những công ty tư bản, vì không ai có thể thay đổi ban giám đốc như trong các đại hội cổ đông! Cho nên đảng Cộng Sản nắm độc quyền sử dụng và cho phép người khác sử dụng tất cả đất đai trong nước, từ đất xây nhà ở đến đất làm ruộng hay trồng rừng, đào ao thả cá hay dùng làm nghĩa địa!

Như vậy thì các công ty Trung Quốc không cần phải "mua đất” trồng rừng ở Việt Nam! Vì trong chế độ xã hội chủ nghĩa này không có ai "bán đất” cả. Các ông chủ người Tầu chỉ cần "thuê đất” thì họ cũng có quyền hạn không khác gì những nông dân Việt Nam đang được nhà nước cho phép sử dụng đất cầy ruộng! Đất để xây nhà cũng là đất được nhà nước cho phép dân sử dụng, mà quyền sử dụng không có gì bảo đảm là vĩnh viễn, không biết lúc nào nhà nước đòi lại để làm việc khác hay cho người khác dùng. Thời hạn tối đa người nông dân Việt Nam được phép sử dụng đất cũng là 50 năm, không lâu dài hơn các ông chủ Trung Quốc thuê rừng 50 năm! Nếu vậy thì các ông chủ Tầu có quyền sử dụng đất rừng Việt Nam lâu dài không khác gì các nông dân Việt Nam đang làm ruộng. Nếu họ mạnh vì gạo, vì tiền, thì họ còn nắm quyền thuê đất trồng cây lâu hơn nữa!

Cho nên hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh mới cảnh cáo: "Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn.” Họ là những người đã trông thấy hàng triệu đồng đội chết vì những lời kêu gọi lòng yêu nước. Bây giờ họ đứng trước mối họa mất nước!

Đó là chưa kể một điều đáng lo khác: Mối nguy trồng người! Bức thư ngỏ của hai ông tướng về hưu đã nói đến "mối nguy di dân” khi các công ty Đài Loan, Hồng Kông hay Trung Quốc đem người Tầu sang làm việc!

Hiện tượng trồng người đang diễn ra. Hiện nay ở Việt Nam đã có những làng của công nhân người Hoa làm trong các dự án do người Trung Quốc đứng thầu. Đã xẩy ra nhiều vụ xung đột với dân bản xứ người Việt. Tháng Sáu năm ngoái, 200 công nhân người Trung Quốc đã tấn công dân chúng một làng ở Thanh Hóa, sau một vụ ẩu đả giữa một công nhân và người chồng của một bà chủ quán.

Cuối năm ngoái, nhật báo New York Times đã viết cả một bài về việc ”xuất cảng lao động” của Trung Quốc tại Việt Nam. Họ lấy thí dụ công trường xây cất nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Trung Sơn, Hải Phòng. Trong bốn năm xây dựng, chỉ có mấy trăm người Việt Nam kiếm được việc làm ở đó, còn hầu hết là người Hoa, có lúc lên đến 1,500 công nhân Tầu. Họ sống trong những cư xá riêng, với các cơ sở cung cấp dịch vụ cho họ cũng do người Trung Hoa trông coi, bốn chung quanh kín cổng cao tường. Có cả một "nhà tắm hơi đấm bóp” mà người ta biết ở trong có những "dịch vụ đen tối” khác, treo bảng chiêu khách bằng chữ Hán! Phóng viên Thời báo New York viết: "Cả một thế giới Trung Hoa mọc lên,” (an entire Chinese world has sprung up). Có cả một con đường treo bảng tên Quảng Tây Lộ! Tiệm ăn Tầu mang tên Quảng Tây treo bảng viết chữ Hán, quảng cáo, thực đơn bằng chữ Hán. Một nhóm công nhân người Hoa ngồi nhậu say sưa trong quán này, một anh họ Lâm nói với phóng viên Edward Wong của báo Times: "Tôi được gửi qua đây làm việc, để tròn bổn phận đối với tổ quốc” (I was sent here, and I am fulfilling my patriotic duty). Tất nhiên, anh ta nói đến tổ quốc Trung Hoa của anh.

Đó là mối họa di dân có thực. Chính quyền cộng sản vẫn mập mờ về chuyện giấy phép làm việc của các công nhân Trung Hoa sang Việt Nam. Phạm Chi Lan, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam nói với nhà báo Mỹ: Hiện nay có những làng hoàn toàn Trung Quốc. Chúng tôi chưa bao giờ thấy một hiện tượng như vậy trong các dự án của công ty người nước khác.” Trong một nước Việt Nam mà nạn thất nghiệp vẫn trầm trọng khiến phải "xuất cảng” nửa triệu người ra ngoại quốc kiếm ăn, sự có mặt của gần 40,000 công nhân Trung Quốc để làm những công việc không chuyên môn là điều không thể hiểu nổi.

Nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn nhẫn nhịn chấp nhận cho tư bản Trung Quốc và lao động Trung Quốc vào khai thác đất đai, hầm mỏ Việt Nam. Trong bài phóng sự trên Thời báo New York ngày 21 tháng 12 năm 2009, ký giả Wong cho biết ban giám đốc nhà máy điện sắp hoàn tất ở Hải Phòng còn kêu gọi chính quyền hãy cho thêm công nhân người Hoa vào làm những công việc không chuyên môn, để "hoàn tất dự án” kịp thời hạn. Đó là kiến thức và quan niệm của các quan chức cộng sản nước ta; họ chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt. Người Trung Hoa thường tính kế lâu dài. Quản Tử nói, "Kế hoạch 10 năm không gì bằng trồng cây; kế hoạch 100 năm không gì bằng trồng người.” Trồng người có thể hiểu theo nghĩa bóng là giáo dục, còn nghĩa đen là đem "cấy người” vào sống trong những vùng đất mới.

Trong lịch sử, người Việt đã từng xâm chiếm đất đai của các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, bằng cách di dân theo lối "tầm ăn dâu.” Giữa hai cuộc chiến tranh, trong lúc hòa hiếu tạm thời, bao nhiêu thế hệ người Việt đã đi qua các nước trên, khai phá đất đai và lập thôn lập xóm, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là một thứ kế "trồng người” theo nghĩa đen. Chúng ta đã biết kết quả của kế hoạch trồng người đó ra sao. Cho nên có thể hiểu tại sao hai ông tướng về hưu Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh lại cảm thấy cay đắng và giận dữ trước một hoàn cảnh tương tự. Vì họ phải lo lắng thấy người Việt Nam có thể sẽ phải đóng vai giống như người Chàm và người Khờ Me đời trước.


Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đề nghị Chính phủ

Theo chỉ  thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ  trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã cử đoàn cán bộ liên ngành trực tiếp kiểm tra hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, đồng thời tổng hợp báo cáo 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. Kết quả cho thấy 10 tỉnh [các tác giả chỉ liệt kê 9 tỉnh, tức sót một tỉnh – người biên tập] đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305,3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.

Đây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn. Cho Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc khai thác rừng đầu nguồn là tiềm ẩn đầy hiểm họa. Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thuỷ lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thuỷ điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp. Năm qua nhiều tỉnh miền Trung đã hứng chịu đủ, chẳng phải là lời cảnh báo nghiêm khắc hay sao?

Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá  hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có  biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những "làng Đài Loan”, "làng Hồng Kông”, "làng Trung Quốc”. Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng.

Chúng tôi  đồng ý với 5 đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xin nói rõ 2 đề nghị  đầu:

1. Đối với một số tỉnh đã lỡ ký với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các tỉnh thuộc vùng xung yếu biên giới, cần tìm cách thuyết phục họ khoán cho đồng bào tại chỗ trồng. Những tỉnh chưa ký thì đình chỉ ngay; thay vào đó, huy động các doanh nghiệp trong nước đầu tư, kết hợp sử dụng một phần vốn Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng để thực hiện. Thực tế đất rừng đã giao cho đồng bào sử dụng gần hết. Nếu ký cho nước ngoài thuê sẽ đụng đến môi trường, đụng đến quyền lợi đồng bào, nhất là đồng bào miền núi, đang thiếu đất, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề rất phức tạp.

2. Các tỉnh chỉ đạo các huyện, các lâm trường xây dựng bộ phận chuyên trách. Trong vòng 1 năm, chính thức giao đất, khoán  rừng cho từng hộ; cấp quyền sử dụng đất vào mục đích trồng rừng phòng hộ kết hợp rừng kinh tế.

Từ đây, chúng tôi đề nghị mở rộng chương trình xóa đói giảm nghèo ở miền núi thành chương trình làm giàu cho đồng bào miền núi, kết hợp tái  định cư của các công trình. Điều kiện làm giàu ở miền núi tốt hơn ở đồng bằng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đất rừng đầu hộ của đồng bào miền núi còn trên 4 ha. Tuy không nhiều, nhưng vẫn gấp 3 lần ở đồng bằng; ở đây, thực hiện được đa canh, đa con. Đặc biệt kết hợp tốt trồng rừng phòng hộ với rừng kinh tế. Lùi về trước đã có mô hình tỉnh Tuyên Quang nhân dân ta tự trồng rừng, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy Bãi Bằng. Vậy bây giờ có điều kiện hơn, tại sao lại giành cho nước ngoài?

Đất đai là thứ nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của nhân dân, hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng. Trước mắt đề nghị Chính phủ cho đình chỉ ngay việc cho nước ngoài thuê đất đầu nguồn dài hạn với diện tích lớn, dù có phải bồi thường cũng được, để tránh thảm họa cho dân cho nước.

Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 2010
Đồng Sĩ Nguyên - Nguyễn Trọng Vĩnh
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 510 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Hai 2010  »
SuMoTuWeThFrSa
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 10
Khách: 10
Thành Viên: 0