Thứ Bảy, 2024-04-20, 2:31 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Mười » 13 » Trọng tâm là vấn đề biển đảo'
2:47 PM
Trọng tâm là vấn đề biển đảo'

BBC
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội

Đã có hàng chục cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội

Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hiện đang có chuyến thăm chính thức 5 ngày (11/10-15/10) tới Bắc Kinh.

Ngay trong ngày đầu tiên 11/10, ông Trọng cùng Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã chứng kiến việc ký kết một loạt văn kiện, trong đó có Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển.

Tháp tùng ông tổng bí thư Việt Nam là một đoàn đại biểu, mà theo nhận định của nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy, thuộc loại hùng hậu nhất từ trước tới nay.

Ông Dy, người từng phục vụ lâu năm trong ngành ngoại giao và từng giữ chức Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, đã nói chuyện với BBC từ Hà Nội.

Chuyên gia Dương Danh Dy: Đoàn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc lần này trong bối cảnh quan hệ hai bên đang có nhiều căng thẳng.

Đài Hoàn Cầu của Trung Quốc trước chuyến đi của ông Trọng đã mượn lời bản tin của Nhật Bản phát đi các chi tiết như, không giống người tiền nhiệm Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Phú Trọng lên tổng bí thư 10 tháng rồi mới thăm Trung Quốc, trong khi ông Mạnh chỉ nhậm chức có bốn tháng đã đi Bắc Kinh.

Rồi họ cũng nói ông Mạnh đi Trung Quốc là nước đầu tiên, trong khi ông Trọng chọn đi Lào rồi mới đi Trung Quốc vv...

Dường như họ muốn nói cho người dân trong nước biết, ông Trọng không phải nhân vật được hoan nghênh như ông Nông Đức Mạnh.

Một điều nữa, là nhìn vào thành phần đoàn thì tôi cho là từ khi tôi vào ngành ngoại giao tới nay, chưa bao giờ tôi chứng kiến một đoàn đi Trung Quốc mà thành phần đông đảo và cao cấp như lần này.

Trong đoàn có tới bốn ủy viên Bộ Chính trị, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng, 11 ủy viên Trung ương Đảng. Rồi tuy là đoàn của Đảng, nhưng về phía chính phủ có một phó thủ tướng và đại diện của bảy bộ bao gồm sáu bộ trưởng và một thứ trưởng.

Về phía Trung Quốc, thì họ cũng tiếp đón một cách hùng hậu tương tự. Kể cả ông Hồ Cẩm Đào, họ cũng có bốn ủy viên Bộ Chính trị đón tiếp đoàn, ba ủy viên Quốc vụ viện, rồi cả ba bộ trưởng ngoại giao, công an, quốc phòng đều có mặt.

Không phải tự dưng mà hai bên lại bố trí thành phần như vậy, mỗi bên chắc chắn đầu có ý đồ.

Ý đồ của phía Việt Nam, theo tôi khá rõ, là muốn cho thấy đây là chuyến đi đông đảo của tập thể, chứ không phải chuyến đi của riêng một ông tổng bí thư.

BBC: Thưa ông, trong ngày đầu hai bên đã ký thỏa thuận về các nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển. Theo ông, liệu thỏa thuận này có mang tính đột phá gì hay không ạ?

Chuyên gia Dương Danh Dy: Gọi là đột phá thì cũng hơi mạnh quá, vì chúng ta thấy trong chuyến đi này hai bên đã ký tổng cộng sáu văn kiện, hiệp định, mà thỏa thuận về các vấn đề trên biển chỉ là một.

Tuy nhiên, cần phải nói là các văn kiện đã ký phần lớn đều không có mấy tính thực chất, thí dụ không có các điều khoản cụ thể như đầu tư bao nhiêu vào đâu, cho vay bao nhiêu tiền vv... Nói về quan hệ hữu hảo, rồi 16 chữ vàng bốn tốt thì lâu nay hai bên đều nói rất nhiều rồi.

Do vậy, nhận định chủ quan của tôi là hình như người ta đã phải gói rất nhiều chủ đề vào để làm cho chủ đề nóng bỏng nhất, gây tranh cãi nhất (Biển Đông) bớt gay gắt đi.

Trong thời gian vừa qua, hai bên đều thấy nếu không có một sự giải quyết dứt khoát thì vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ bùng nổ.

"Ý đồ của phía Việt Nam, theo tôi khá rõ, là muốn cho thấy đây là chuyến đi đông đảo của tập thể, chứ không phải chuyến đi của riêng một ông tổng bí thư."

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy

Muốn hay không muốn, điều này sẽ không có lợi cho cả hai nước, nhất là Trung Quốc vì từ sau vụ Bắc Kinh cắt cáp tàu Bình Minh của Việt Nam hồi tháng Sáu, dư luận thế giới và khu vực đều tỏ ra chỉ trích Trung Quốc.

Thêm vào đó, cũng từ tháng Sáu dư luận trong nước Việt Nam tỏ ra bức xúc, nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra, báo chí lề phải cũng bắt đầu được nói về những mặt trái, phê phán Bắc Kinh... nên lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rằng nếu cứ để tình hình như vậy thì sẽ rất bất lợi, họ buộc phải tìm cách thỏa thuận, ngăn chặn.

Tôi cho thỏa thuận đó là cái được nhất của chuyến đi này.

Thế nhưng tôi muốn nhắc lại chuyện lịch sử, là hồi năm 1978 trước khi có cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, ông Tổng bí thư Lê Duẩn cũng dẫn một đoàn sang Bắc Kinh đàm phán. Hai bên cũng nói chuyện hữu nghị, đoàn kết, nhưng rút cục tháng Hai năm 1979, Trung Quốc họ vẫn đánh Việt Nam.

Thế cho nên giải quyết vấn đề Biển Đông dần dần như thế là được, nhưng vẫn phải cảnh giác, đừng tưởng là chuyện Biển Đông như thế là xong được.

BBC: Có một chi tiết chúng tôi hơi tò mò, là báo chí chính thống khi nói về chuyến thăm chỉ nói đây là 'chuyến thăm chính thức', chứ không dùng chữ 'chuyến thăm hữu nghị' như lệ thường. Liệu chúng ta có nên bình luận gì về điều này hay không, thưa ông?

Chuyên gia Dương Danh Dy: Vâng, nhận xét đó khá chính xác. Tôi muốn nói là trước đó báo chí Trung Quốc, như Tân Hoa Xã, khi đưa tin về chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng, cũng không dùng cụm từ 'hữu nghị'.

Chỉ thế là nói lên nhiều điều rồi, tôi xin miễn bình luận (cười).

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 556 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0