Trong khi cả thế giới đã và đang lâm vào tình trạng suy thoái về kinh tế trầm trọng vài năm gần đây, thì Trung Cộng không những không bị ảnh hưởng vì cơn lốc xoáy kinh tế mà còn trở nên hùng mạnh hơn, nhất là về mặt quân sự, như chúng tôi đã trình bày về đề tài hấp dẫn này qua nhiều số báo trước đây. Thế nhưng, người ta vẫn thắc mắc, tại sao TC lại có được cơ hội may mắn như vậy?

Xin được tóm gọn: sau hơn 20 năm cải cách kinh tế thị trường, nhờ các quốc gia trong khối tự do đổ tiền vào đầu tư, TC có hơn 1.3 tỷ dân số, với lực lượng nhân công khổng lồ, nhờ mức lương nhân công rẻ mạt, họ đã sản xuất vô số kể hàng hóa, phải nói là từ cây tăm cho đến cột nhà, cũng với giá thành rẻ như bèo, xuất cảng ra thế giới mà chúng ta tới bất cứ cửa hàng nào cũng chỉ thấy sản phẩm mang nhãn hiệu "Made in China” đến chóng mặt. Các quốc gia Tây phương cũng như các nước đang phát triển kinh tế đành bó tay vì hãng xưởng nội địa của họ không thể nào cạnh tranh nổi với giá hàng hóa quá rẻ nhập cảng ào ào từ TC.

Ngày nay TC đã nghiễm nhiên chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ hàng hóa gia dụng khắp thế giới, nhưng họ cũng đã và đang bị tai tiếng quá nhiều về phẩm chất mặt hàng, từ thực phẩm đến đồ gia dụng, thiếu vệ sinh, nguy hiểm vì lượng hóa chất pha chế quá tiêu chuẩn cho phép, hoặc hàng dỏm, mau hư hỏng, v.v...

Căn bản của nền kinh tế thương mại TC dựa vào tiểu công nghiệp, sản xuất theo nhu cầu của các công ty đầu tư ngoại quốc đặt hàng, hoặc do TC sản xuất hàng tiêu dùng để cung cấp cho giới bình dân. Lý do giá thành rẻ mạt vì nhân công TC bị bóc lột, xuất cảng được miễn thuế, hoặc giảm thuế; đó là chưa nói tới TC còn thủ đoạn phá giá đồng nhân dân tệ để xâm nhập hàng hoá vào các thị trường quốc tế. Thế nhưng người ta vẫn thắc mắc tại sao hàng hóa của TC lại được ân huệ giảm thuế xuất cảng, nhập cảng, trong khi họ còn cố tình phá giá đồng tiền để lũng đoạn thị trường, mà những nước đang có giao thương với TC phải bó tay im tiếng?

Khi đã mạnh về kinh tế, dù chỉ là sức mạnh bùng lên như lửa rơm, nhưng theo thống kê về kinh tế, hiện nay TC là đại cường kinh tế số 2, sau Hoa Kỳ, qua mặt Nhật Bản. Vì sự lớn mạnh này mà TC đã dốc toàn lực vào việc canh tân quốc phòng trong suốt 20 năm qua, nhất là về hải quân, họ đã sửa soạn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu để độc quyền hải hành tới Trung Ðông và Phi Châu, băng qua eo biển Malaca, rút ngắn hải trình để mua nhiên liệu dầu thô và khoáng sản. Ở biển Hoàng Hải, TC đang tranh chấp chủ quyền với Nhật về quần đảo Ðiếu Ngư, trong khi họ vẫn cò cưa với Ấn Ðộ về một vùng đất có nhiều khoáng sản ở biên giới Trung Ấn.

Tóm lại, ngày nay TC với một thể chế cộng sản biến thân kiểu "tư bản đỏ”, nhưng bản chất của họ vẫn hiếu chiến, gian ác và phi nhân tính. Giai cấp cai trị này là thành phần đại gia giàu có, say mê mộng thống trị Á Châu và dần dà tiến tới bá chủ toàn cầu về kinh tế và quân sự. Do đó họ đã hung hăng, bất chấp luật lệ quốc tế về đường biển, xem thường chủ quyền của các quốc gia trong vùng, bất chấp hậu quả có thể mang tới cuộc chiến tàn khốc, hủy diệt toàn cầu.

Chính giới Tây phương cho rằng đã đến lúc người Mỹ, buộc phải trở lại Á châu mạnh mẽ hơn vì quyền lợi kinh tế và vị thế quân sự của họ đối với các quốc gia bạn tại Á châu nói chung, đang bị Trung Cộng đe dọa. Có một bỉnh bút cho rằng "The Chinese military is trying to upgrade naval power well beyond the Chinese coast, from the ports of the Middle East to the shipping lanes of the Pacific, where the United States navy has long reigned as the dominant force.” Trung Cộng đang cố tăng cường Hải Quân, với tay ra khỏi lãnh hải của họ, tới những thương cảng ở vùng Trung Ðông về hải trình Thái Bình Dương, mà xưa nay vẫn nằm trong sự kiểm soát của Hải quân Hoa Kỳ.

Ý nói, biển từ lâu do Hoa Kỳ làm chủ. Nói tới biển là nói tới sức mạnh vô địch của Hải quân Hoa Kỳ mà từ trước tới nay không có đối thủ. Ngày nay TC muốn nắn gân Hoa Kỳ thì câu trả lời là còn lâu "No Way”.

Ðó chính là lý do mà giới hành pháp Hoa Kỳ, như Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates, đã lên tiếng mạnh mẽ rằng "Chúng tôi sẽ quay trở lại Á Châu vì quyền lợi chung trên biển”. Ngay tại Hội Nghị ASEAN ở Hà Nội hồi tháng 8, Ngoại Trưởng Hillary Clinton cũng đã cứng rắn với TC về vấn đề tranh chấp ở biển Ðông. Những lời tuyên bố thẳng thừng của là Clinton, tiếp theo là tàu chiến, hàng không mẫu hạm ghé thăm Ðà Nẵng trong dịp kỷ niệm 15 năm bang giao Việt Mỹ, ngoài mặt chỉ là ghé thăm giao hữu, nhưng ngụ ý vẫn là "Chúng tôi có mặt đây này, cần so găng thì nhào zô”. Trước đó, Nam Hàn và Hoa Kỳ đã thực hiện những cuộc tập trận quy mô ở biển Hoàng Hải khiến cho TC nổi giận lôi đình, xúi đàn em Bắc Hàn kéo các giàn hỏa tiễn tầm ngắn tầm xa ra khu phi quân sự chỉ để "biểu diễn”, nhưng rồi nín khe, trong khi TC kéo Hải quân thao diễn rầm rộ tại Nam Hải để thị uy và phô trương hỏa lực phòng không ở Hà Nam và Sơn Ninh với ý đồ: "Ta đây cũng thứ thiệt. Ðàn em như Việt Cộng, Hàn Cộng và các chư hầu theo ta thì sống, nghịch ta thì biết tay!”

Gần đây nhất, một biến cố khá sôi nổi khác về vấn đề Á Châu Thái Bình Dương là những lời tuyên bố rất mạnh mẽ, rõ ràng của TT Obama liên quan tới chính sách của Hoa Kỳ tại Hội Nghị Thượng Ðỉnh ASEAN ở New York. Qua bài diễn văn của TT Obama ngắn gọn, nhưng đầy hấp lực, người ta cho rằng quả thật đã đến lúc Hoa Kỳ phải mạnh mẽ đối đấu với TC ngay từ bây giờ. Nếu không sẽ y như câu "dưỡng h? vi họa” sẽ xảy ra.

Chúng tôi chỉ trích một đoạn chính trong bài diễn văn của TT Obama dưới đây để quý độc giả suy gẫm:

As a Pacific nation, the United States has an enormous stake in the people and the future of Asia. The region is home to some of our largest trading partners and buys many of our exports, supporting millions of American jobs. We need partnerships with Asian nations to meet the challenges of growing our economy, preventing proliferation and addressing climate change. As President, I’ve, therefore, made it clear that the United States intends to play a leadership role in Asia. So we’ve strengthened old alliances; we've deepened new partnerships, as we are doing with China; and we’ve reengaged with regional organizations, including ASEAN.

Tạm dịch:

Là một quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có một phần hùn rất lớn với người dân và tương lai của Á Châu. Khu vực này là đất của những đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi, mua nhiều hàng xuất cảng của chúng tôi, và nuôi sống hàng triệu dân Mỹ. Chúng tôi cần sự hợp tác với các quốc gia Ðông Nam Á để ứng phó với những thách đố qua sự phát triển kinh tế của chúng tôi, ngăn ngừa sự sinh sôi nẩy nở (võ khí hạt nhân) và giải quyết những thay đổi khí hậu. Ở cương vị tổng thống, vì thế, tôi nói rõ rằng Hoa Kỳ có ý định sẽ đóng một vai trò lãnh đạo ở Á châu. Do đó, chúng tôi đã tăng cường sự liên kết với đồng minh cũ; chúng tôi cũng đã có thêm những quan hệ đối tác mới, như chúng tôi đang làm với Trung Cộng; và chúng tôi đã tiếp cận trở lại với các tổ chức trong vùng, trong đó có ASEAN.

Ngay sau bài diễn văn ngắn của TT Obama, Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch ASEAN cũng đã phát biểu qua một bài diễn văn ngắn. Chúng tôi chỉ trích một đoạn chính sau đây:

Thưa quý ngài, những quan hệ giữa Ðông Nam Á và Hoa Kỳ giữ một vai trò quan trọng cho an ninh, hòa bình, và phát triển trong khu vực. Việt Nam và ASEAN luôn luôn ủng hộ sự thắt chặt quan hệ giữa Ðông Nam Á và Hoa Kỳ, song phương và đa phương. Và chúng tôi muốn đưa quan hệ của chúng ta đến mức toàn diện hơn, bền vững hơn cho hòa bình, ổn định, và phát triển trong khu vực chúng tôi. Tôi chờ đợi những thảo luận có hiệu quả và có năng suất mà chúng ta sẽ thực hiện hôm nay để mang lại lợi ích lớn lao và đặt nền móng cho sự tăng trưởng quan hệ và hợp tác giữa hai phía chúng ta.

Sau bài diễn văn của TT Obama, đại diện của TC cũng đùng đùng nổi giận. Nhưng giận thì làm được gì? Hung hăng với các nước lân bang, nhược tiểu như Việt Nam, Miến Ðiện, Bắc Hàn v.v... thì được, nhưng đụng tới Nhật Bản, Nam Hàn... tất nhiên sẽ phải đối đầu với Mỹ vì các quốc gia này đều có hiệp ước hỗ tương về quân sự khi họ bị một nước khác gây chiến, hoặc xâm lăng.

Ðối với Việt Nam, các bình luận gia thời cuộc vẫn cho rằng họ đang bị TC kìm kẹp vì những liên hệ về chế độ "Xã Hội Chủ Nghĩa Anh Em” – một loại chủ nghĩa cộng sản kiểu mới – mà TC đã cấy người từ lâu vào guồng máy lãnh đạo của đảng CSVN để điều khiển. Ðó chính là lý do mà đám chóp bu CSVN thường hay mâu thuẫn qua chính sách ngoại giao nửa vời trong nhiều năm qua theo phương pháp "đu dây” giữa Liên Sô và Trung Cộng như dưới thời Hồ Chí Minh lãnh đạo, nghĩa là thân thiện với Âu Mỹ về mặt phát triển kinh tế, nhưng chính trị thì phải theo TC và giữ đảng để sống còn.

Mấy tháng gần đây, giới truyền thông thế giới nói chung đã và đang bàn luận sôi nổi tới những biến động tại Á Châu, Thái Bình Dương. Ðối với người Việt ly hương, nhất là những ai đang quan tâm tới thời cuộc, quan tâm tới vận mệnh của dân tộc Việt trước đại họa xâm lăng, Hán hóa một cách trắng trợn của Trung Cộng v.v... đều mang những ưu tư, khắc khoải, đau buồn vì đất nước và dân tộc của chúng ta – sau 70 năm bị ngụp lặn một cách oan khiên dưới chế độ cộng sản ố ngày nay lại rơi vào tình thế "bắc thuộc” một cách phi lý, chỉ vì những tên thái thú bán nước cầu vinh đã dâng nộp mảnh đất thiêng liêng của tổ tiên chúng ta cho nhà Hán một lần nữa.

Lời Kết:

Ðiều mà ai cũng biết và người cộng sản cũng biết rõ như ban ngày là phải lìa bỏ thiên đường mù cộng sản mới dựng lại con người, xây lại xã hội tan nát trong suốt 70 năm qua. Chỉ có con đường duy nhất là phải gan dạ đứng lên, đứng thẳng rời khỏi ảnh hưởng của TC, xây dựng một thể chế trung lập, dân chủ. Nhất định giữ thế trung lập, tiến tới một nước dân chủ thực sự, không lệ thuộc ai về mặt quân sự, sẵn sàng chơi với bất quốc gia nào tôn trọng chủ quyền quốc gia Việt Nam. CSVN có thực hiện được cuộc cách mạng nhân bản này không? Hay những tay chóp bu CSVN còn hám danh lợi, quyền lực để rồi phải trả giá đắt hơn cho chính họ và tạo khổ đau cho cả một dân tộc?
Trương Sĩ Lương