Thứ Bảy, 2024-04-20, 5:16 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 14 » VẤN ĐỀ "NHẠY CẢM" HAY SỰ NÉ TRÁNH TRÁCH NHIỆM?
9:15 PM
VẤN ĐỀ "NHẠY CẢM" HAY SỰ NÉ TRÁNH TRÁCH NHIỆM?
"Đừng lạm dụng từ "nhạy cảm" để né tránh những trọng trách đất nước đang đặt lên vai của Đảng" - ý kiến của TS. Mai Liêm Trực.

Bàn về việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng XI sắp tới, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông nói điều băn khoăn lớn nhất là làm thế nào để các văn kiện Đại hội sắp tới có thể thực sự tiếp nhận được trí tuệ của mọi tầng lớp xã hội chứ không phải làm chiếu lệ, hình thức. Đừng lạm dụng từ "nhạy cảm" hay để lại vấn đề bức xúc cho nhiệm kỳ sau để né tránh những trọng trách đất nước đang đặt lên vai Đảng.

Hỏi dân một cách hình thức là vô trách nhiệm với dân tộc

- Một nội dung quan trọng trong Hội nghị Trung ương sắp tới sẽ bàn về việc xây dựng các văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã "đặt hàng" báo chí chắt lọc, phản ánh những ý kiến đóng góp của người dân cho Đảng. Cá nhân ông kỳ vọng gì vào vấn đề này?

- TS. Mai Liêm Trực: Câu hỏi này làm cho tôi nhớ lại sự kiện Đại hội VI cách đây 25 năm. Thời kỳ đó toàn Đảng và cả nước cũng sôi nổi thảo luận để chuẩn bị cho ĐH. Kết quả là các văn kiện cuối cùng của ĐH so với bản dự thảo đã khác nhau rất nhiều.

Ông Mai Liêm Trực. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nói cách khác là lãnh đạo ở những cấp cao nhất đã đủ dũng khí để nhìn nhận thực tiễn khủng hoảng của đất nước sau 10 năm được thống nhất.

Với những tư duy rất mạnh mẽ như là "Nói thẳng nói thật", "Đổi mới hay là chết", đã khơi dậy được ý thức đóng góp của đảng viên và nhân dân để từ đó đưa được những tiếng nói thực tiễn đến các cấp cao nhất mà những cấp cao nhất khi soạn Dự thảo chưa lường hết được những sôi động của thực tiễn và trí tuệ xã hội.

Cần học tấm gương cố Tổng bí thư Trường Chinh, ông vốn là người khá nguyên tắc, cứng nhắc, kinh viện, nhưng với cái tâm với dân tộc, với trách nhiệm với Tổ quốc, ông đã lắng nghe từ thực tế cuộc sống để mà thay đổi, để quyết liệt đổi mới.

Chính những điều đó đã tạo nên bước ngoặt cho sự phát triển của dân tộc chúng ta trong 25 năm đổi mới vừa qua.

Tôi hy vọng là Đại hội lần này sẽ có nhiều những thảo luận sôi động để mỗi người với trí tuệ và khả năng của mình được đóng góp cho việc xây dựng đường lối, chính sách đưa đất nước phát triển giàu mạnh.

Sau 25 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành công. Chúng ta tự hào với điều đó nhưng khi nhìn lại thì cảm thấy vẫn còn rất nhiều điều trăn trở.

Trăn trở lớn nhất là chúng ta có thể làm tốt hơn vì tiềm năng trong đất nước của chúng ta vẫn còn rất lớn. Làm sao và bằng cách nào khai phóng mọi nguồn lực để bứt phá trong giai đoạn phát triển sắp tới là câu hỏi lớn nhất mà thời cuộc đang đặt ra.

Do đó, điều tôi băn khoăn, lo lắng là: liệu các văn kiện trong Đại hội sắp tới có thể tiếp nhận được những trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân cũng như những mong mỏi đề xuất từ cuộc sống nhất là từ cơ sở hay không? Hay chúng ta chỉ làm chiếu lệ, hình thức, mà biểu hiện là các văn bản dự thảo trước khi lấy ý kiến nhân dân và các văn bản sau khi có ý kiến của nhân dân đóng góp sôi nổi, đầy trách nhiệm mà chả khác là bao.

Làm như vậy là thiếu trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, nếu những cá nhân được giao nhiệm vụ chuẩn bị các văn kiện mà làm như vậy thì cần phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.

Nhân dân cần được lãnh đạo tôn trọng

- Ông vừa đề cập đến hiện tượng các văn bản dự thảo trước khi lấy ý dân và sau khi có ý kiến của dân đóng góp sôi nổi không khác nhau là mấy. Theo ông, làm thế nào để Đại hội sắp tới khắc phục được tình trạng này?

Điều tôi băn khoăn, lo lắng là: liệu các văn kiện trong Đại hội sắp tới có thể tiếp nhận được những trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân cũng như những mong mỏi đề xuất từ cuộc sống nhất là từ cơ sở hay không?. Ảnh: Lê  Anh Dũng
Để các văn kiện tiếp thu được tất cả những tinh hoa và giá trị của toàn dân tộc thì trước hết những người thực hiện phải có năng lực để mà đưa ra những cách thức thu hút người dân tham gia góp ý cho văn kiện. Mặt khác, những người đó cũng phải có năng lực để tiếp nhận và xử lý thông tin.

Nhưng tôi có cảm giác rằng hình như việc tổ chức soạn thảo các văn kiện hiện nay vẫn là những đội ngũ đã làm nhiều kỳ các văn kiện trước đây và sức tiếp thu những tư duy mới có vẻ hạn chế.

Tại sao chúng ta không sử dụng những nhân lực trẻ tràn đầy sinh lực, nhựa sống từ thực tiễn cuộc sống hôm nay, cảm nhận được những đòi hỏi và hơi thở của cuộc sống hôm nay?

Khi tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân, chúng ta cần nói rõ ý kiến nào tiếp thu hay không tiếp thu và phải có đối thoại rõ ràng. Những ý kiến nào được tiếp thu, những ý kiến nào chưa thể sử dụng, chưa thể tiếp thu lúc này, nêu rõ nguyên nhân.

Trong khi có bao nhiêu ý kiến tranh cãi thì lãnh đạo phải quyết và công khai đây là ý kiến của tôi, tôi chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc.

Nhân dân ta đã đi theo Đảng 80 năm nay, trao quyền lãnh đạo đất nước cho Đảng, hôm nay vẫn đặt niềm tin vào Đảng là chính Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước thì nhân dân phải được tôn trọng, phải được các cấp lãnh đạo đặt niềm tin vào mình.

Sao phải sợ những vấn đề "nhạy cảm"?

- Có nhiều vấn đề trong các văn kiện Đại hội bấy lâu chúng ta ít được đề cập và bàn bạc vì cho rằng đó là vấn đề "nhạy cảm". Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Cái nghề của lãnh đạo là phải ra quyết định, chứ chờ đến khi mọi người đồng tình rồi mới quyết định thì nói làm gì nữa, đâu cần đến anh lãnh đạo nữa. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tôi hơi bị dị ứng với những cụm từ như "nhạy cảm", "phức tạp" hay "phối hợp". Những từ đấy rất bình thường nhưng hiện nay đang bị lạm dụng để né tránh.

Cái chữ "nhạy cảm" là né tránh những vấn đề đáng lý phải giải quyết nhưng lại đẩy nó sang một bên hay làm chậm lại việc giải quyết.

Cái chữ "phức tạp" bản chất là do anh không có giải pháp nên anh dùng từ đó để né tránh giải pháp.

Từ "phối hợp" để nói đây là việc của nhiều người, bản chất là để né tránh trách nhiệm,

Lạm dụng những từ nhạy cảm, phối hợp, phức tạp để tránh phải đối diện với những vấn đề bức xúc cần giải quyết là không thể chấp nhận được.

Nhất là trong thời điểm hiện nay thì quyết định chậm cũng là quyết định sai vì chậm là mất thời cơ bứt phá.

Điều này cũng phụ thuộc vào bản lĩnh của người lãnh đạo, nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là cứ nhìn xuống chân ghế thì chẳng làm được gì cả, đất nước này giao cho anh trọng trách như vậy, mất cái gì nữa mà sợ!

Cái nghề của lãnh đạo là phải ra quyết định, chứ chờ đến khi mọi người đồng tình rồi mới quyết định thì nói làm gì nữa, đâu cần đến anh lãnh đạo nữa. Cứ nói "nhạy cảm" nhưng ở những cấp cao không ai làm thì ai sẽ làm? Tại sao chúng ta cứ phải né tránh?

Năm 1945 chỉ có 5000 Đảng viên, Đảng ta giành chính quyền, rồi sau đó lãnh đạo đất nước trong muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, mà nay cả 3 triệu Đảng viên, là chính Đảng duy nhất nắm quyền, lãnh đạo đất nước đang có những bước đi lên như thế này mà sao lại phải sợ, phải né tránh những vấn đề gọi là nhạy cảm?

Nhiều việc chúng ta cứ đổ lỗi cho cơ chế, phần nào cũng có cái lý của nó nhưng cơ chế là của ai? là của mình tạo ra chứ ai, tại sao chúng ta không thay đổi cơ chế ấy?!

Không thể cứ vấn đề bức xúc để lại nhiệm kỳ sau

- Như ông đã nói, chúng ta đã tiến hành công cuộc Đổi mới được gần 25 năm. Đâu là điều mà ông ưu tư cho giai đoạn đổi mới tiếp theo?

Nếu tự so với chúng ta 25 năm trước thì thành tích rất là tuyệt vời nhưng so với một số đất nước cũng trong vòng 20 năm từ một nước rất nghèo nàn, lạc hậu người ta đã thành công và bỏ rất xa chúng ta.

Sau 35 năm thống nhất đất nước, tôi cảm thấy rằng chúng ta vẫn để mất nhiều thời cơ. Chúng ta vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của đất nước, tài nguyên, truyền thống, trí tuệ và ý chí của dân tộc.

Dân tộc mình đã theo Đảng bao nhiêu năm, Đảng của mình là đảng duy nhất lãnh đạo và xứng đáng với điều ấy. Nhưng đứng về tâm trạng tôi cảm thấy nguy cơ tụt hậu vẫn tiếp tục còn.

Chúng ta đang cố gắng thoát khỏi thân phận một nước nghèo nhưng ngay như bản thân tôi không thể tránh khỏi cảm giác có lỗi khi những ngày gần tết mở cửa ra vẫn thấy những bà mẹ già gánh từng bó rau đi bán, không thể không cảm thấy xấu hổ và sốt ruột khi thấy phụ nữ Việt Nam phải xếp hàng cho đàn ông Hàn Quốc chọn vợ.

Công cuộc Đổi mới của chúng ta có những lúc bị lựng khựng, lúng túng và thường những vấn đề bức xúc cứ để lại nhiệm kỳ sau làm cho sức mạnh của Đảng, của Dân tộc chưa được phát huy hết.

Tôi cho rằng những biện pháp để đất nước phát triển, để bảo vệ chế độ có lẽ nên bằng hình thức xì hơi giải tỏa những bức xúc xã hội, bằng đối thoại dân chủ hơn là siết lại làm cho quả bóng nó thêm căng.

Bằng chính việc dựa vào nhân dân, tôn trọng lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân chúng ta mới có sức mạnh, mới có thể củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Lãnh đạo phải chuyển từ tư duy "cởi trói" đến tầm nhìn mở đường

- Vậy ông nghĩ sao về những đòi hỏi phải thay đổi trong tư duy lãnh đạo quản lý giai đoạn sắp tới để đáp ứng đòi hỏi của thời cuộc?

Vấn đề của giai đoạn hiện nay không phải là giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng như trước mà đây là đây là giai đoạn chúng ta cần phải có tầm nhìn để thúc đẩy phát triển.

Cũng như tư duy trong quản lý internet trước đây có lúc là "Quản lý được đến đâu thì mở đến đó" rồi sau đó được thay bằng tư duy "Quản lý phải theo kịp với yêu cầu của phát triển".

Nhưng bây giờ, trong những điều kiện của toàn cầu hoá, chúng ta cần tiến thêm một bước nữa đó là "Quản lý phải thúc đẩy phát triển".

Lãnh đạo không phải chỉ để cởi trói, lãnh đạo không chỉ cố gắng quản lý theo kịp yêu cầu phát triển mà lãnh đạo ở giai đoạn này phải với tư duy thúc đẩy phát triển.

Nó đòi hỏi một tầm nhìn khai đường mở lối, yêu cầu đó cũng đòi hỏi bản lĩnh của các nhà lãnh đạo, đòi hỏi một sự lắng nghe, đòi hỏi một không khí thảo luận dân chủ.

Có làm được điều đó thì những tiềm năng của dân tộc mới được phát huy tối đa, và lúc đó những người lãnh đạo lại càng được tôn vinh.

Để làm sao trong 20 năm tới, đến khi chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, nhìn lại bây giờ chúng ta nói rằng những trí tuệ, tinh hoa trong các tầng lớp nhân dân đã được đón nhận và phát huy. Chúng ta phải nói cái đó một cách dõng dạc vì chúng ta có cơ sở và xứng đáng để làm điều đó.

Tất nhiên chúng ta không được kiêu ngạo, chủ quan nhưng chúng ta có quyền tự hào về những điều đã làm được, ta tự tin nói về kỷ niệm Đảng 100 tuổi.

Có người lo ngại cho rằng nói như vậy có quá viển vông không? Liệu Đảng ta có tồn tại được 10 năm nữa không? Tôi cho rằng chúng ta có niềm tin, có khát vọng, có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, chúng ta hoạch định chiến lược, tầm nhìn, hoạch định các bước đi cụ thể, dốc hết tâm lực để thực hiện khát vọng đó.

Chúng ta đã ngẩng cao đầu không khuất phục trước các cuộc xâm lược trong thế kỷ XX và  đến lúc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng chúng ta ngẩng cao đầu với thế giới là một đất nước giàu mạnh, văn minh.

Và nếu có cái dũng khí đó thì tất cả những việc đó có gì đâu mà phải sợ, có gì đâu mà thấy nó nhạy cảm quá, có gì đâu mà phức tạp quá.

Thảo Lam - Cao Nhật
Nguồn: Tuần Việt Nam

 

 

Nếu ai cũng sợ bị "chụp mũ”

"Nếu ai cũng sợ bị "chụp mũ", nếu chỉ có một trung tâm độc quyền phát ra chân lý, nếu cấp dưới chưa có thói quen dám tranh luận với cấp trên, không dám suy nghĩ bằng cái đầu của mình vì còn sợ "mất đầu" thì tình trạng lạc hậu về nhận thức lý luận ở nước ta còn kéo dài" - ý kiến của GS.TS Dương Phú Hiệp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết học, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương.

Tranh luận sòng phẳng

Cá nhân ông từng là người tham gia soạn thảo một số văn kiện Đại hội Đảng, ông có ưu tư gì để công tác xây dựng, lấy ý kiến của người dân đạt hiệu quả ngày càng cao hơn?

- GS. TS Dương Phú Hiệp: Bắt đầu từ Đại hội VI, các văn kiện đã được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân, việc làm này là rất cần thiết và rất đáng hoan nghênh nhưng theo tôi nên có cách xử lý đổi mới vì nếu nó chỉ dừng lại ở tính hình thức, tính tuyên truyền thì không có nhiều ý nghĩa thực chất.

Người chuẩn bị văn kiện ĐH khi đã đưa ra hỏi ý kiến thì phải biết lắng nghe, thực sự cầu thị. Hỏi ý kiến ở đây là hỏi thật, nghe là nghe thật và phải tổ chức công việc tiếp nhận, phản hồi rõ ràng và cần một không khí tranh luận sòng phẳng.

Cứ theo tiêu chuẩn lớn nhất là "ích nước lợi dân". Vấn đề gì lớn tiếp thu thì nói rõ ra, cái này chúng tôi xin tiếp nhận để đưa vào, hoặc cái này thì tiếp thu nhưng xin để nhiệm kỳ sau hoặc nếu không tiếp nhận thì vì sao.

Ban soạn thảo phải phân công người đọc và nên có trả lời đăng rộng rãi trên báo chí chứ không phải từng người. Điều đó sẽ chứng tỏ rằng Đảng có trách nhiệm với những người đóng góp ý kiến, từ đó củng cố thêm lòng tin của người ta, lần sau người ta hăng hái đóng góp tốt hơn.

Nếu nhiều ý kiến được gửi lên mà không có sự phản hồi thì đó là một sự mất lịch sự, làm mất niềm tin của những người có thiện chí đóng góp.

Ông Dương Phú Hiệp. Ảnh: Thanh Nga

Ngoài ra, ban soạn thảo cần nghiên cứu xác định được những vấn đề lớn của mỗi kỳ ĐH để đưa ra tranh luận, mỗi ĐH nên tập trung bàn một vài vấn đề lớn mà nếu gỡ được cái này là gỡ được nhiều cái khác.

Chúng ta không nên bàn quá nhiều, mất quá nhiều thời gian cho những vấn đề còn lý luận xa xôi. Thay vào đó, việc lựa chọn vấn đề của mỗi ĐH nên sát với thực tế hơn, phải xuất phát từ thực tế chứ không phải xuất phát từ lý luận, mà như vậy thì nhân dân cũng dễ góp ý.

Ví dụ như ĐH X, chúng ta tập trung tranh luận đảng viên có được làm kinh tế tư nhân không. Phải tranh luận cho ra nhẽ để đưa ra được quyết định cuối cùng. Như thế mới có hiệu quả và đem lại những lợi ích to lớn.

Cầu thị

Ý của ông là rất cần những người có trách nhiệm lắng nghe thực sự cầu thị, chân thành?

Sự thành thực rất quan trọng, như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đương chức có lần xuống nói chuyện ở Viện Khoa học Xã hội, đã nói một câu rất chân thành: "Trong ĐH VIII có một câu là, nhận thức của chúng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng rõ ra, nhưng riêng tôi vẫn chưa thấy rõ lắm".

Câu nói đó phần nào cho thấy sự thành thực, thẳng thắn và cầu thị của ông. Vì vậy, chúng tôi cũng không ngần ngại gì trong việc đóng góp ý kiến của mình.

Nghĩa là khi mình muốn nghe góp ý thì phải chấp nhận có người nói dễ nghe, người nói khó nghe. Phát biểu trái với lãnh đạo, trái với nghị quyết chưa chắc đã sai. Ông là lãnh đạo, tôi nói trái với ông rồi ông bảo tôi sai, thế thì độc quyền chân lý à?

Sai hay đúng thì thực tiễn sẽ trả lời vì thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, là điểm xuất phát, đồng thời cũng là điểm cuối cùng để kiểm nghiệm chân lý.

Ông từng là thành viên nhóm tư vấn của cố Tổng Bí thư Trường Chinh trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội VI, chắc ông cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

Hồi tôi ở trong nhóm tư vấn của cố TBT Trường Chinh thì anh em cũng đóng góp ý kiến một cách rất thẳng thắn. Ông Trường Chinh mặc dù là cán bộ cao cấp như thế nhưng rất biết lắng nghe các ý kiến từ các nhà khoa học, đặc biệt là các ý kiến trái chiều.

Một người chân thành muốn nghe thì mình cũng chân thành phát biểu mà không e ngại gì cả. Ai cũng có thể đúng, có thể sai nhưng đã tham khảo ý kiến người ta thì sai đúng gì cũng phải nghe đã, còn quyết định cuối cùng lại là chuyện khác.

Tôi nhớ một buổi chiều đồng chí Trường Chinh nói hôm nay tôi hỏi các đồng chí một câu thôi, các đồng chí trả lời không cần lập luận nhiều: Bao giờ kết thúc chặng đường đầu tiên và bao giờ kết thúc thời kỳ quá độ ở Việt Nam?

Mỗi người đưa những mốc thời gian khác nhau, đến lượt tôi thì tôi trả lời là không biết vì lý lẽ của tôi là phải xem đường lối của Đảng như thế nào đã, chứ nếu như hiện nay thì có thể dẫm chân tại chỗ hoặc có thể bị lùi lại thêm nữa.

Ảnh: Thanh Nga

Hồi bấy giờ có nhiều ý kiến khác nhau lắm. Ý kiến khó nhất là đánh giá đường lối của ĐH IV, ĐH V tiếp tục đường lối đó, bây giờ ĐH VI phải xử lý thế nào.

Đường lối đại hội của Đảng ta vẫn luôn luôn nói là đúng nhưng thực tế lại dẫn đất nước vào khủng hoảng là vì sao?

Một luồng ý kiến giải thích rằng đường lối đúng nhưng nhận thức chưa đúng. Người Việt Nam cũng thông minh, nói như vậy thì ở Việt Nam này ai nhận thức đúng? Người soạn thảo ra đường lối phải có trách nhiệm làm cho người khác hiểu đúng đường lối chứ!

Luồng ý kiến thứ hai thì bảo đường lối đúng nhưng chưa cụ thể hóa thành những chính sách đi vào cuộc sống. Thế thì các Hội nghị BCH Trung ương Đảng hàng năm họp mấy lần nếu không cụ thể hóa đường lối trong khóa ấy thì làm gì?

Luồng ý kiến thứ ba lại lý luận là đường lối đúng, chính sách đúng, cụ thể hóa đúng nhưng việc tổ chức thực hiện kém. Tôi bảo, nếu cái gì nó hay, đúng với tâm lý của quần chúng thì cứ vạch ra là người ta tự động theo. Giống như bài hát mà hay thì chinh phục người nghe nhanh lắm, chẳng cần phải dạy, chỉ cần nghe một vài lần người ta cũng thuộc, không hay thì anh cứ cò cưa mãi trên đài cũng chả vào gì cả.

Tranh luận với cấp trên

Từng giữ cương vị Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, ông nghĩ sao về những đòi hỏi mới của công tác nghiên cứu lý luận ngày hôm nay?

Tôi nhớ lúc Hội đồng Lý luận Trung ương khi thảo luận dự thảo Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về công tác tư tưởng và công tác lý luận, tôi có bảo là hai cái này không nên nhập làm một.

Công tác tư tưởng hay tuyên huấn là phải tuyên truyền đúng như nghị quyết đã nói, không được nói trái, còn công tác lý luận thì có chức năng khác. Nó cho phép nói khác, nói trái chiều thì mới mong đi tìm cái mới, đi tìm chân lý được.

Chúng ta cần tạo ra bầu không khí dân chủ trong nghiên cứu khoa học, cho phép các nhà khoa học có quyền nói và viết những suy nghĩ của mình. Nếu không cho người ta nói trái với ý của mình thì chẳng bao giờ có tiến bộ trong lý luận, khoa học được cả.


Ảnh: Thanh Nga

Ở nước ta, do chưa có truyền thống dân chủ, chưa có thói quen tranh luận, nhất là tranh luận với cấp trên, thì việc mở rộng bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất là trong sinh hoạt đảng, trong nghiên cứu khoa học là một trong những điều kiện để khắc phục tình trạng lạc hậu về nhận thức lý luận.

Nếu quan liêu hóa công tác nghiên cứu lý luận, nếu ai cũng sợ bị "chụp mũ", nếu chỉ có độc thoại, không có đối thoại, nếu chỉ có một trung tâm độc quyền phát ra chân lý, nếu cấp dưới chưa có thói quen dám tranh luận với cấp trên, chỉ thụ động "gọi dạ, bảo vâng", không dám suy nghĩ bằng cái đầu của mình vì còn sợ "mất đầu" thì tình trạng lạc hậu về nhận thức lý luận còn kéo dài.

Trong Báo cáo Chính trị tại ĐH VI của Đảng, tư duy biện chứng duy vật đã được thể hiện trong việc đánh giá tình hình bằng cách "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật".

Còn lối tư duy không tin nhân dân, không dám nói thẳng, nói thật những khó khăn thiếu sót và sai lầm của Đảng trước nhân dân đã trở thành cách suy nghĩ lỗi thời.

Trong một thời kỳ dài đã từng tồn tại lối tư duy lạ lùng: chỉ nói đến những mâu thuẫn trong chủ nghĩa tư bản, còn trong chủ nghĩa xã hội thì hình như không có mâu thuẫn. Tư duy mới là tư duy dám nói đến những mâu thuẫn hiện thực trong chủ nghĩa xã hội và tìm cách giải quyết đúng đắn các mâu thuẫn đó, không e ngại, che giấu mâu thuẫn.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng trong những năm qua, chúng ta không những chậm phát hiện mâu thuẫn mà còn chậm giải quyết mâu thuẫn. Đổi mới tư duy chính là phải khắc phục tình trạng đó.

Cao Nhật
Theo Tuần Việt Nam

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 572 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0