Thứ Năm, 2024-04-25, 8:45 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Năm » 11 » Vài ý kiến với ĐCSVN về những thế lực thù địch và tương lai của đảng
5:24 PM
Vài ý kiến với ĐCSVN về những thế lực thù địch và tương lai của đảng
Trần Bảo Lộc
Lời mở đầu của người viết: Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đảng lần thứ XI vào đầu năm 2011. Để chuẩn bị cho đại hội, đảng kêu gọi và muốn lắng nghe những góp ý xây dựng đảng. Bởi vậy, người viết, một công dân bình thường không có tham vọng chính trị, phản ảnh tiếng nói của những công dân thầm lặng vô danh, đặt quyền lợi đất nước trên hết, có vài ý kiến về các thế lực thù địch và tương lai của đảng, xuất phát từ thực tế hiện thực của đất nước hôm nay, muốn góp ý với đảng với hi vọng giúp đảng có một cái nhìn nhiều mặt hơn để đảng có thể trở thành đảng của dân tộc và phục vụ hữu hiệu hơn cho đất nước.

Có một số người nghĩ rằng đảng đã bị xơ cứng, không thể thay đổi được. Có góp ý với đảng cũng vô ích. Nhưng người viết không tin như vậy. Bởi vì, nếu muốn tồn tại, con người không thể không thay đổi theo thời gian và môi trường sống. Khi nào không thay đổi được nữa để hướng tới cái chân thiện mĩ thì có nghĩa là bắt đầu đi vào con đường thoái hoá và bị huỷ diệt. Cho nên người viết mạnh dạn góp ý với hi vọng đảng sẽ chủ động thay đổi để có thể tốn tại. Nếu đảng với các đảng viên đã gia nhập đảng vì lí tưởng tự do dân chủ và dân tộc không thể thay đổi được đảng thì việc đảng sẽ tự bị huỷ diệt và thành vết nhơ của lịch sử dân tộc là điều không thể tránh khỏi. Điều đó cũng chứng tỏ là vai trò của đảng chỉ thích hợp trong công việc chống ngoại xâm giải phóng đất nước nhưng không thích hợp trong việc xây dựng đất nước. Với thời đại liên mạng và @ thì việc tự bị huỷ diệt này sẽ xảy ra rất mau và đột ngột khiến khó có thể lường trước.

Đảng có một khuynh hướng cho các chống đối phá hoại đảng và các thất bại của đảng là do các thế lực thù địch. Khuynh hướng này đã được người đại biểu đảng Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương đảng lần 9 và đã được các cơ quan truyền thông của đảng và nhà nước tiếp tay phụ hoạ và nâng cấp.

Vậy có thực là có kẻ thù phá hoại đảng không? Hay chỉ là lí cớ để phủ nhận sự tồi dở và yếu kém của Bộ chính trị và các người lãnh đạo nhiệm kì vừa qua trong việc quản trị đất nước?

Để có câu trả lời chúng ta cần xem: những kẻ thù của đảng là ai? Họ có thể phá hoại được đảng không? Họ có phải là nguồn gốc của những thất bại của đảng?

Những kẻ thù bên ngoài đảng

Khi nói tới kẻ thù của đảng chúng ta thường nghĩ tới kẻ thù bên ngoài đảng. Và đối với đảng thì các kẻ thù bên ngoài đảng là tất cả những cá nhân hay tổ chức không nghe theo đảng, không ủng hộ đảng hoặc chống đối đảng. Bởi vậy chúng ta cần xem xét những kẻ thù bên ngoài đảng ấy là ai và đã tác hại tới đảng như thế nào.

Mĩ và các nước dân chủ

Kẻ thù bên ngoài đảng thường được đảng và các cơ quan truyền thông lề phải ám chỉ là Mĩ và các nước dân chủ. Nhưng đây chỉ là lí cớ để đảng buộc tội và đàn áp các người đòi hỏi dân chủ tự do và công lí là tiếp tay các thế lực thù địch cũng như để che đậy sự tồi dở và thiếu khả năng của Bộ Chính Trị và những người lãnh đạo đảng. Đảng thừa biết là chỉ khi nào đảng là trung tâm nuôi dưỡng và khuyến khích chống phá Mĩ và các nước dân chủ thì mới bị các nước này tìm cách để lật đổ. Còn bình thường thì Mĩ và các nước dân chủ liên hệ với đảng trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Mĩ và các nước dân chủ nhìn và đánh giá đảng dưới khía cạnh lợi ích kinh tế. Vấn đề nhân quyền đối với các nước này chỉ là thứ yếu. Bởi vì quan niệm của các nước này rất thực tiễn. Muốn có dân chủ và nhân quyền thì phải tranh đấu và xây dựng để có. Người dân không muốn dân chủ và nhân quyền thì việc gì họ phải đem nhân quyền và dân chủ đến biếu không! Thái độ của cựu Tổng thống Pháp Chirac trước đây và chủ trương của ngoại trưởng Clinton gần đây khi sang thăm viếng Trung Quốc lần đầu sau khi nhậm chức ngoại trưởng cho thấy điều này. Nhưng đảng cũng biết là các nước này gặp khó khăn với các tổ chức phi chính phủ về vấn đề nhân quyền. Vì vậy đảng đã có chính sách siết và mở, bắt và thả để trao đổi và giúp các chính phủ này trấn an các tổ chức phi chính phủ. Như vậy thì Mĩ và các nước dân chủ không phải là kẻ thù đích thực phá hoại đảng. Nhiều khi như, Hà Sĩ Phu nói, giao dịch với một nước dân chủ què quặt như Việt Nam lại có lợi cho các nước này nhiều hơn.

Trung Quốc và chủ nghĩa bá quyền

Lịch sử nước ta cho thấy Trung Quốc và chủ nghĩa bá quyền luôn là kẻ thù của dân tộc ta. Điều đó trên lí thuyết cũng có nghĩa là kẻ thù của đảng. Nhưng các sự kiện thực tế không phải như vậy. Trung Quốc đang là người bảo hộ và là chủ của đảng. Trung Quốc phải bảo vệ và duy trì đảng để thực hiện được chủ nghĩa bá quyền. Trái lại đảng lại cần bám vào Trung Quốc để có thể bảo vệ và duy trì được quyền lực của đảng. Điều này đã được ông Trần Quang Cơ trong cuốn Hồi Ức và Suy Nghĩ có nói đến. Hậu quả của việc bám vào Trung Quốc do tham vọng quyền lực cá nhân của các người lãnh đạo đảng đã và đang làm cho đảng dần dần trở thành xa lạ với dân tộc. Đây là một hiểm hoạ sẽ làm đảng tan rã và bị lịch sử dân tộc kết án là Lê Chiêu Thống kiểu mới.

Tôn giáo

Đảng chủ trương độc tài chuyên chế nên rất sợ các tổ chức. Và tôn giáo lại là những tổ chức. Tôn giáo có ảnh hưởng trên các tín đồ của mình. Trái lại đảng chỉ muốn độc quyền gây ảnh hưởng trên dân chúng. Vì vậy đảng lo sợ tôn giáo và coi họ là kẻ thù. Nhưng tôn giáo có thực là kẻ thù của đảng không?

Nếu xét về mặt mục đích của tôn giáo thì tôn giáo không phải là kẻ thù của đảng. Tôn giáo không có tham vọng nắm quyền lực chính trị. Dù có ảnh hưởng trên dân chúng đặc biệt là khối tín đồ của tôn giáo thì tôn giáo cũng không có tham vọng dành quyền lực chính trị với đảng. Nhưng dầu vậy đảng vẫn sợ ảnh hưởng của tôn giáo cho nên luôn tìm cách kiềm chế và phá hoại.

Có hai tôn giáo lớn có nhiều tín đồ là Phật giáo và Công giáo. Với Phật giáo thì đảng đã có một giáo hội Phật giáo quốc doanh lớn mạnh có ảnh hưởng trên một số lớn dân chúng. Còn Phật giáo Việt Nam Thống Nhất do Hoà thượng Thích Quảng Độ lãnh đạo lại bị đảng làm khó dễ, gây chia rẽ và cài cán bộ tôn giáo vào để phá hoại. Do đó Phật giáo Thống nhất cũng không phải là kẻ thù đáng nguy hiểm cho đảng. Công giáo thì có tổ chức chặt chẽ, có ảnh hưởng sâu đậm trên tín đồ và đảng cộng sản khó lãnh đạo hơn. Nhưng Công giáo lại chủ trương phục tùng nhà nước theo như lời Chúa: Của Caesar thì trả cho Caesar, của Đức Chúa Trời thì trả cho Đức Chúa Trời. Hãy xem cách hành xử hiện nay của Hội đồng Giám Mục Việt Nam. Hội đồng Giám Mục tùng phục nhà nước đến nỗi quên cả sứ mệnh chính của mình là rao truyền và bảo vệ công lí và sự thật.

Tôn giáo chỉ đòi hỏi được tự do hành đạo và làm các công tác từ thiện xã hội. Để cho họ làm đảng sẽ bớt đi một phần gánh nặng và sẽ được lợi hơn là hại. Nhờ những hoạt động xã hội và từ thiện của họ dân chúng sẽ được ổn định và như vậy tôn giáo sẽ trở thành cột trụ nâng đỡ đảng. Còn trái lại cứ dồn ép họ thì họ sẽ là nguồn cung cấp nhân sự cho các phong trào dân chủ khi có cơ hội.

Dân oan

Dân oan bị coi là kẻ thù của đảng vì tính chống đối của nó. Nhưng thực sự dân oan không phải là kẻ thù của đảng. Dân oan không có tham vọng chính trị. Họ chỉ đòi quyền lợi cho bản thân mình đã bị tước đoạt một cách thái quá. Nếu đảng giải quyết cho họ, họ sẽ biết ơn và ủng hộ đảng. Còn nếu đảng không giải quyết và cứ dồn nén họ thì họ sẽ là mầm mống để hình thành những tổ chức chống đối.

Các tổ chức đối lập dân chủ

Nếu kể là kẻ thù của đảng thì chỉ có các tổ chức đối lập dân chủ mới đáng được nói đến. Bởi vì tất cả các tổ chức đối lập dân chủ đều có mục đích tranh giành quyền lực chính trị với đảng.

Phe đối lập dân chủ trong nước chưa có thể là mối nguy cho đảng. Bởi dưới sự giám sát kĩ lưỡng của đảng, họ không thể hình thành được những tổ chức đối lập. Vì chỉ khi nào họ có thể hình thành được các tổ chức thì khi ấy họ mới có thể là nguy cơ cho đảng.

Đa số các người đối lập trong nước chỉ hoạt động lẻ tẻ với tính cách cá nhân. Hầu hết đều mang tinh thần muốn giúp đảng sửa sai để trở thành đảng của dân tộc đúng nghĩa. Trong thâm tâm, họ muốn hợp tác với đảng để xây dựng đảng thành đảng phục vụ đất nước thực sự chứ không có ý muốn lật đổ đảng. Nhiều người còn sợ lật đổ đảng để thiết lập thể chế dân chủ sẽ đưa đến hỗn loạn như tình hình hiện nay ở Thái Lan. Xét như vậy thì những phần tử này không phải là kẻ thù của đảng mà thực sự họ đúng là những người bạn đáng quý của đảng và là điểm tựa để đảng đứng vững.

Cũng có một số người đối lập trong nước liên hệ hợp tác với các tổ chức đối lập ngoài nước. Những người này cũng không thể là mối nguy cho đảng. Bởi vì những người liên hệ hợp tác với các tổ chức chống cộng cực đoan không lôi kéo được người dân. Người dân hôm nay đa phần có liên hệ bạn bè hoặc bà con với các đảng viên. Họ không có cái nhìn hận thù như các tổ chức chống cộng hải ngoại. Họ rất sợ lật đổ một chế độ độc tài để có một chế độ độc tài mới với hậu quả lại có những máu và nước mắt mới chảy ra. Bởi vậy họ thờ ơ với những loại tổ chức này và những kêu gọi dân chủ mà họ nghĩ là do những tổ chức này chủ xướng. Do đó có một số người đã cho là họ vô cảm và theo chủ nghĩa ‘mackenoisme’.

Còn những người liên hệ hợp tác với các tổ chức dân chủ hải ngoại có chủ trương hoà giải hoà hợp và bất bạo động thì cũng không phải là kẻ thù của đảng. Bởi vì những người này vì lí tưởng đề ra, họ sẽ là những người không xâm hại danh dự và sự sống còn của đảng dù cả khi đảng không còn nắm quyền lực.

Theo như tìm hiểu và nhận xét của người viết trong hơn một năm rưỡi sống ở Mĩ và Úc với những người Việt hải ngoại thì phe đối lập dân chủ ở hải ngoại cũng chưa có thể là mối nguy cho đảng. Thứ nhất bởi vì mục đích của phe này chỉ nhằm chống phá lật đổ nên chính các phe này cũng tìm cách chống phá và lật đổ nhau. Họ nói chuyện và làm chung với nhau nhưng trong thâm tâm thì coi thường nhau và tìm cách hạ bệ nhau. Khi không có sự kính trọng và tin tưởng nhau thì cũng không thể có sự hợp tác chân thành. Và như vậy thì cũng không có thể hình thành được một tổ chức lớn. Cho nên dù đã có nhiều cố gắng, họ cũng không có thể kết hợp để có một tổ chức lớn mạnh đủ trọng lượng đối phó với đảng. Có những người bàn đủ thứ nguyên nhân của việc không có tổ chức lớn mạnh mà quên đi một nguyên nhân quan trọng là sự kính trọng và tin tưởng nhau. Sự khiếm khuyết này là do lập trường đấu tranh của các tổ chức ấy chỉ chú trọng vào việc chống phá và lật đổ mà không để ý tới việc tranh đấu để xây dựng. Thói quen chống phá lật đổ đã thành quán tính nên họ luôn tìm cách nói xấu và chống phá nhau. Nhất là đảng lại cài thêm một số cán bộ chống cộng của đảng thì việc hình thành một tổ chức là mối nguy cho đảng còn ở rất xa, có thể không bao giờ tới. Thứ hai là cung cách hành xử của các tổ chức chống cộng khiến người ta sợ hãi. Họ nói dân chủ mà hành xử lại độc tài. Nhiều du sinh đã có kinh nghiệm và rất sợ các tổ chức này. Họ không thể bỏ một chế độ độc tài đã biết để theo một chế độ độc tài khác mà họ chưa biết là có khá hơn không.

Không thể kết hợp mà lại còn chống phá nhau và không có quần chúng ở ngoài nước và trong nước yểm trợ nên đối lập dân chủ ngoài nước không phải là kẻ thù nguy hiểm cho đảng. Dù họ có danh hiệu tổ chức nhưng lại ở bên kia bờ biển thì cũng chẳng làm gì được đảng. Nhất là lại không được cảm tình của người dân trong nước.

Vậy tương lai của đối lập dân chủ như thế nào? Có thể trở thành mối nguy cho đảng không?

Theo như thực tế hiện nay thì đối lập dân chủ cả trong lẫn ngoài nước đang đứng trước một số khó khăn khó có thể vượt qua.

Một là số người thích tham gia chính trị quá ít ỏi.

Hai là những người này không có đủ kiến thức về chính trị như: không biết sinh hoạt chính trị trong dân chủ chủ yếu là dựa vào lời nói (logos) để cố gắng trau dồi khả năng thông tin và truyền thông; không thấy giá trị của tổ chức trong sinh hoạt chính trị; không am hiểu sự vận hành của tổ chức; không nắm vững cách thức sinh hoạt dân chủ trong một tổ chức chính trị theo đường hướng tự do; không biết mình muốn gì và làm được gì; không thấy tài chánh và sự giàu có là cơ sở của dân chủ để cố gắng tìm kiếm tài chánh cho tổ chức và cho đất nước.

Ba là không có một lộ trình hành động, chỉ làm theo cảm tính và quán tính nặng phần đạp đổ và chống phá.

Bốn là không tìm được một mô thức tổ chức theo dân chủ mà chỉ lặp lại và bắt chước những mô thức tổ chức theo kiểu độc tài đã có sẵn từ trước nên không thích hợp với thể chế dân chủ mà họ theo đuổi.

Năm là không nhìn thấy trở ngại văn hoá trong việc tranh đấu để xây dựng dân chủ và quên đi việc tiếp thị trong sinh hoạt dân chủ.

Những khó khăn vừa nói trên làm phong trào đối lập dân chủ hiện nay cả trong lẫn ngoài nước không thể phát triển lớn mạnh và trở thành kẻ thù đích thực để có thể tranh giành với đảng. Tuy nhiên họ có thể khơi dậy những bất mãn trong quần chúng và giúp những những kẻ thù bên trong đảng có cơ hội làm đảng tan rã hoặc khiến đảng tách ra thành những phe nhóm tranh giành quyền lợi với nhau.

Những kẻ thù bên trong đảng

Khi nói tới kẻ thù, chúng ta thường chỉ nghĩ tới kẻ thù bên ngoài và ít ai nghĩ tới kẻ thù bên trong. Nhưng trong những ngày gần đây xuất hiện những bài viết trên các cơ quan ngôn luận lề phải về mối nguy diễn biến hoà bình trong đảng, về khả thể đảng đang bị phân hoá. Tại sao lại có những lời báo động như vậy? Điều đó cho thấy là trong đảng đang có những kẻ thù. Vậy những kẻ thù bên trong đảng là ai?

Vô đạo đức

Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng chính quyền của giai cấp công nhân và con người mới xã hội chủ nghĩa. Chính quyền và con người mới ấy được học thuyết Mác-Lênin chỉ đạo. Có nghĩa là:

Chính quyền ấy là bộ máy trấn áp của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị. Nó chỉ có nhiệm vụ là đem lại quyền lực và lợi lộc cho giai cấp thống trị. Nó đứng trên và ngoài luật pháp. Nó có thể sử dụng mọi biện pháp để đạt được cứu cánh. Đối với nó tính nhân bản chỉ là sản phẩm của tư sản.

Còn con người mới xã hội chủ nghĩa, mà đại biểu chính thức của nó trước hết là các đảng viên, là con người của bạo lực, của mạnh được yếu thua. Con người ấy không cần tính nhân bản. Cứu cánh của nó chỉ là quyền lực và lợi lộc. Nó trở thành vô cảm và không còn cần đạo đức của con người. Hãy xem hệ thống giáo dục mà đảng chỉ đạo. Đó là một hệ thống giảng dạy căm thù và tin vào các điều dối trá.

Tính vô đạo đức trong chủ nghĩa Mác-Lênin đang là môi trường để thúc đẩy quyền lực và lợi lộc trở thành kẻ thù bên trong của đảng. Mà chỉ có đảng viên mới có cơ hội có được quyền lực và lợi lộc. Bởi vậy tính vô đạo đức này đang làm đảng phân hoá. Nó làm cho con người xã hội chủ nghĩa trở thành thú vật. Chúng ta thấy nhan nhản trên báo chí lề phải các vụ sử dụng bạo lực của con người mới xã hội chủ nghĩa, từ người dân bình thường đến các đảng viên. Một cái nhìn có vẻ đểu là có thể bị đập chết. Một lời từ chối tình yêu là có thể bị ăn dao. Tính vô đạo đức ấy cũng đang biến con người xã hội chủ nghĩa trở thành luồn trên đạp dưới. Và vì vậy chủ nghĩa luồn lách đang là thái độ sống của các đảng viên sáng suốt biết thích ứng với thực tế. Các đảng viên này biết luồn trên và đạp dưới rất có bài bản. Các đảng viên lãnh đạo cao cấp nhất của đảng thì luồn Trung Quốc và đạp các đảng viên thấp hơn và dân chúng. Còn các đảng viên thấp hơn thì luồn các đảng viên cao hơn và đạp người dân. Hình ảnh người đi xe đạp ‘cúp’ đầu cúi chân đạp là hình ảnh của con người xã hội chủ nghĩa. Và con người xã hội chủ nghĩa ấy chỉ có thể đưa đất nước tiến lên theo tốc độ của xe đạp.

Tham nhũng

Tham nhũng là hệ quả tất yếu của tính vô đạo đức. Bởi bản chất của hệ thống tư tưởng Mác-Lênin chứa tính vô đạo đức nên tham nhũng là đặc tính tất yếu của chế độ cộng sản. Nó là một hình thái bóc lột và ăn cướp được hợp thức hoá. Không thể tiêu diệt được tham nhũng vì tiêu diệt nó tức là tiêu diệt đảng. Tham nhũng còn được đảng dùng làm đòn phép và lí cớ để triệt hạ những đối thủ mà đảng cho là nguy hiểm nằm ở trong đảng cũng như ngoài đảng. Nó là đặc tính của đảng nhưng cũng lại là kẻ thù nguy hiểm bên trong của đảng. Nó là một loại u não độc mà đảng không thể tự chữa trị được. Nó đang tàn phá đảng. Bởi vì nó chỉ làm cho hình ảnh của đảng càng ngày càng xấu đi.

Hình ảnh dối trá, lừa đảo và phản bội

Vô đạo đức và tham nhũng đang làm cho những hình ảnh không tốt về đảng càng ngày càng rõ nét. Dù đảng có tìm đủ mọi cách để che đậy và bào chữa thì cũng không có thể che giấu được những hình ảnh xấu ấy và làm cho người dân có thể tin tưởng vào đảng như trong thời chống ngoại xâm cứu nước. Chúng ta có thể kể ra một số hình ảnh điển hình về sự dối trá, lừa đảo và phản bội của đảng.

Hình ảnh đầu tiên về sự dối trá, lừa đảo và phản bội của đảng được thấy rõ nhất qua việc đảng luôn tự khẳng định là trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin. Thử nhìn vào thực tế xem đảng có thực sự trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin không? Tất cả những diễn biến trong thực tế cho thấy đảng đang phủ nhận chủ nghĩa này. Đảng đang đi theo con đường tư bản với kinh tế thị trường. Bởi vậy để che đậy sự dối trá, lừa đảo và phản bội này đảng đã phải thêm cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa vào kinh tế thị trường. Cái đuôi này chẳng qua chỉ là một cách lừa bịp và che dấu việc trao cho đảng quyền sử dụng bạo lực và chuyên chính để cướp đoạt một cách hợp pháp tài sản của nhân dân cho túi riêng của mình. Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ trong lá thư gửi đảng viết ngày 16-03-2010 được nhiều trang mạng đăng tải, đã cho thấy rõ sự dối trá, lừa đảo và phản bội này.

Hình ảnh thứ hai bộc lộ sự dối trá, lừa đảo và phản bội của đảng là khẩu hiệu chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc mà đảng đề ra. Chủ nghĩa Mác-Lênin chủ trương thế giới đại đồng, không phân biệt quốc gia và biên giới. Nó luôn mâu thuẫn với chủ nghĩa quốc gia là bảo vệ tổ quốc. Đảng lúc nào cũng hô to khẩu hiệu trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều đó có nghĩa là khẩu hiệu chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc chỉ là một sự dối trá, lừa đảo và phản bội. Bởi vậy đảng đã nhường biển và đất cho ngoại bang một cách thoải mái để bảo vệ quyền lực của mình. Đảng bắt bớ giam cầm các công dân chống việc nhường đất và biển này cho ngoại bang. Những sự việc đã xảy ra cho thấy rất rõ ràng là những người lãnh đạo đảng trước đây và hiện nay đã dùng khẩu hiệu chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc như là một chiêu bài để khích động quần chúng ủng hộ đảng cướp và bảo vệ chính quyền cũng như để lôi kéo những người yêu nước gia nhập đảng rồi sau đó dùng quyền lợi và bạo lực để khống chế.

Hình ảnh thứ ba cho thấy sự dối trá, lừa đảo và phàn bội của đảng là chủ trương kêu gọi đoàn kết và hợp tác của đảng. Một mặt đảng kêu gọi đoàn kết và hợp tác. Nhưng mặt khác đảng lại giáo dục và cổ võ căm thù và chuyên chính. Đảng luôn đề cao đảng và tìm cách hạ nhục những người không chịu nghe theo đảng. Đảng bóp méo những lời nói của các người muốn bảo vệ công lí và sự thật để gây căm thù và chia rẽ như trường hợp lời nói của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Ngày 30 tháng 4, đến nay đã được 35 năm, luôn được đảng dùng để đánh bóng mình và kích động sự căm thù và chia rẽ. Mà thực sự ngày 30 tháng 4 chỉ là ngày đáng ghi nhớ vì là ngày thống nhất đất nước chứ chưa chắc đã là ngày mà đảng có thể tự hãnh diện.

Việc hợp tác với các nước dân chủ trên thế giới cũng vậy. Một mặt đảng kêu gọi sự hợp tác của họ nhưng mặt khác đảng lại tuyên truyền sự căm thù đối với họ. Thí dụ như với Mĩ. Cung cách hành xử như vậy chỉ làm cho sự dối trá, lứa đảo và phản bội càng ngày càng lớn mạnh và trở thành quán tính của mọi người nhất là của đảng viên. Bởi vậy chúng ta không lạ gì việc luôn có những báo cáo láo của đảng viên và những kêu ca về lối sống gian dối vô đạo đức của người dân.

Qua những xem xét vừa nói trên thì kẻ thù đích thực sẽ huỷ diệt đảng không phải là các kẻ thù bên ngoài đảng mà chính là các kẻ thù bên trong đảng. Mà kẻ thù bên trong đảng nguy hiểm nhất, là nguồn gốc phát sinh ra các kẻ thù bên trong đảng khác, chính là chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tế xảy ra trên thế giới đã khẳng định là chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ có thể thích hợp cho việc giải phóng đất nước khỏi ách thuộc địa nhưng không thích hợp cho việc xây dựng đất nước đang cần phải hàn gắn những vết thương và đổ vỡ. Đến nay đã 35 năm thống nhất đất nước nhưng đất nước chúng ta vẫn còn thua kém rất xa nhiều nước trong vùng mà trước năm 1975 họ không hơn ta bao nhiêu. Điều đó buộc đảng phải xét lại về chủ trương và đường lối của đảng. Đảng cần phải thay đổi thành đảng của dân tộc, từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, chấp nhận dân chủ đa nguyên đa đảng nếu đảng còn muốn đất nước được thực sự tự do dân chủ, phú cường và đảng không bị tự huỷ diệt như là một vết nhơ của lịch sử dân tộc.

Lâm Đồng, ngày 30 tháng 4 năm 2010
Trần Bảo Lộc

© Thông Luận 2010

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 587 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0