Thứ Sáu, 2024-03-29, 2:55 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2010 » Tháng Ba » 3 » Việt Nam cho Nga xây lò nguyên tử để được mua 6 tàu ngầm?
7:57 AM
Việt Nam cho Nga xây lò nguyên tử để được mua 6 tàu ngầm?

TOKYO (VN) - Báo chí Nhật đặt nghi vấn Hà Nội đã phải chấp nhận cho Nga xây dựng lò điện nguyên tử để đổi lại được mua võ khí từ nước này với các điều kiện dễ dãi.

Nghi vấn này được đưa ra trong một bản tin về việc thủ tướng Nhật đang vận động trực tiếp với Hà Nội với hy vọng Nhật được dành cho dự án xây dựng lò điện nguyên tử khác sau này.

Theo bản tin báo Yomiuri Shimbun hôm 27 tháng 2, chính Thủ Tướng Nhật Yukio Hatayama dự trù viết bức thư riêng gửi cho Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Suốt từ nhiều năm nay, Nhật Bản đã lập giúp kế hoạch nghiên cứu khả thi và cố gắng vận động để xây dựng lò điện nguyên tử cho Việt Nam, từ cung cấp vốn tài trợ, xây dựng đến huấn luyện chuyên viên.

Kỹ thuật điện năng nguyên tử của Nhật tối tân và an toàn hàng đầu thế giới vì Nhật là nước đối diện thường xuyên với động đất, xây dựng với tiêu chuẩn bảo đảm tối đa có thể được.

Trong số cường quốc có kỹ nghệ điện năng nguyên tử, Nga là nước có thể bị coi là kỹ thuật lạc hậu và kém an toàn nhất. Tuy nhiên, Hà Nội đã chọn Nga để xây dựng hai lò điện nguyên tử đầu tiên ở Ninh Thuận khiến người ta phải đặt dấu hỏi tại sao.

Ngày 9 tháng 2, 2010, báo tài chính Nikkei của Nhật cho hay công ty năng lượng nguyên tử của Nga Rosatom đã ký với tổng công ty điện quốc doanh EVN bản thỏa ước hợp tác xây lò điện nguyên tử đầu tiên cho Việt Nam.

"Dường như người Nga đã áp lực được việc này trong khung cảnh của sự hợp tác chiến lược rộng rãi hơn.” Một nguồn tin trong kỹ nghệ điện năng nguyên tử nói với Nikkei như vậy. Nay thì báo Yomiuri Shimbun nói rõ hơn.

"Một nguồn tin trong chính phủ Nhật cho biết chính phủ Nga có thể đã hứa hẹn trợ giúp quân sự để đổi lại, đạt được hợp đồng trước đây” (xây lò điện nguyên tử cho Việt Nam). Báo Yomiuri viết như thế, ám chỉ đến hợp đồng được ký kết khi Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, cầm đầu một phái đoàn đến Nga ký một loạt hợp đồng lớn trong đó nổi bật nhất là hợp đồng mua 6 tàu ngầm hạng Kilo, hợp đồng xây lò điện nguyên tử và hợp đồng mua 12 chiến đấu cơ đa năng Sukhoi SU-30MK2.

Hợp đồng mua 6 tàu ngầm hạng kilo trị giá khoảng 2 tỉ USD bao gồm cả việc huấn luyện sĩ quan và binh lính, thiết lập căn cứ và cơ sở đồn trú, viễn thông chỉ huy, bảo trì, sửa chữa cho tàu ngầm ở Cam Ranh.

Dự án hai lò điện nguyên tử ký với Nga với tốn phí lên khoảng 15 tỉ USD, dự trù sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2020. Tuy nhiên, tốn kém xây dựng và vật liệu sẽ bị "đội lên” theo thời gian với nhiều yếu tố bất định nên có thể giá thành xây dựng lên gấp nhiều lần. Hệ quả, giá điện bán ra từ các lò điện đó sẽ đắt hơn so với xây các nhà máy nhiệt điện (mà phí tổn xây cất rẻ hơn nhiều).

Khi có tin Nga được hợp đồng xây dựng lò nguyên tử cho Việt Nam, nhiều chuyên viên đã khuyến cáo không có lợi ích kinh tế lại nhiều nguy hiểm cả về an ninh quốc phòng và môi sinh. Nhưng Hà Nội vẫn nín lặng, cho người ta hiểu sẽ không có gì thay đổi khi Bộ Chính Trị đã quyết định tiến tới.

Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên và trước đây, các dự án lập xưởng lọc dầu ở Dung Quất, đập thủy điện tại Sơn La là các thí dụ lớn điển hình.

Theo bản tin báo Yomiuri Shimbun, biết là không thể dành được hợp đồng xây 2 lò điện nguyên tử đầu tiên cho Việt Nam, thủ tướng Nhật muốn dùng vị thế nước cấp viện nhiều nhất cho Việt Nam suốt nhiều năm qua để giành lấy việc xây dựng 2 lò điện nguyên tử kế tiếp cho Việt Nam.

Theo nguồn tin báo Nhật, dự án lò điện nguyên tử xây dựng cho Việt Nam tốn phí khoảng 1 ngàn tỉ yen (khoảng 11.2 tỉ USD) trong đó 700 tỉ yen là tốn phí xây dựng, phần còn lại là bảo trì, huấn luyện chuyên viên và nguyên liệu.

Yomiuri Shimbun nói trong bức thư, thủ tướng Nhật đề nghị Hà Nội bắt đầu thảo luận sớm sủa để sớm thực hiện dự án và chuyển giao công nghệ. Nhật sẽ cho thành lập một công ty tư nhân với sự hợp tác của một số công ty điện của Nhật để hoạt động ở nước ngoài. Sau khi cân nhắc phản ứng từ Hà Nội "Hatoyama muốn lúc đầu nói chuyện bằng điện thoại với Nguyễn Tấn Dũng rồi sau đó cử đặc phái viên đến Hà Nội.” Yomiuri nói.

Nga đã gạt ra ngoài không những Nhật Bản mà còn cả Pháp và nhiều nước khác gồm cả Hoa Kỳ khi dành được hợp đồng xây dựng lò điện nguyên tử đầu tiên cho Việt Nam.

Ngay từ tháng 9, 2007, chính phủ Hoa Kỳ đã ký với Việt Nam một bản hợp đồng hợp tác phát triển nguồn điện hạt nhân. Theo thỏa hiệp, Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam xây dựng một lò điện nguyên tử "an toàn và bảo đảm,” tốn phí lúc đó ước tính lối $4 tỉ USD. Nay thì không thấy ai nói gì đến bản hợp đồng này.

"Kỹ thuật điện nguyên tử Hoa Kỳ thuộc hàng cao nhất thế giới mà cả Nhật và Âu châu đều mua bản quyền phát minh và thực hiện theo,” một chuyên viên người Việt về điện nguyên tử nói với báo Người Việt thời gian gần đây.

Hồi tháng 11, 2006, khi đến Hà Nội tham dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh APEC, Tổng Thống Mỹ George W. Bush đã ký một thỏa hiệp mở đường giúp Việt Nam chuyển lò (khảo cứu) nguyên tử ở Ðà Lạt thành một nhà máy với độ sản xuất (uranium) thấp để nhà máy này không thể làm cơ sở chế tạo bom nguyên tử. Với chừng 200 nhân viên, nhà máy Ðà Lạt được dùng làm căn bản sản xuất những chất đồng vị phóng xạ dùng trong lãnh vực khảo cứu và y học.

Nhưng với các nhu cầu cần trang bị quân sự mà các nước khác không cung cấp với các điều kiện dễ dãi từ tài trợ tín dụng đến loại trang bị, Nga đã giành được mối của Việt Nam.

Tin tức báo Nga từng cho hay, vì có thể Việt Nam không nhiều tiền mặt, Nga chỉ sản xuất cho Việt Nam và bắt đầu giao từ năm nay hoặc năm tới mỗi năm 1 chiếc tàu ngầm Kilo thay vì có thể sản xuất nhanh hơn. Nay người ta biết thêm là hợp đồng bán trang bị quân sự dính tới việc xây dựng lò điện nguyên tử.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 472 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0