Thứ Tư, 2024-04-24, 12:17 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2011 » Tháng Tư » 8 » Việt Nam: Hãy thả ngay những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị và tôn giáo
11:56 AM
Việt Nam: Hãy thả ngay những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị và tôn giáo

Nhiều nhà bất đồng chính kiến và blogger ôn hòa bị chính quyền bắt giữ tùy tiện

(New York, ngày 8 tháng Tư năm 2011) – Vào đúng dịp kỷ niệm năm năm ngày thành lập phong trào dân chủ được biết với tên gọi Khối 8406, nhiều nhà vận động ôn hòa cho cải cách dân chủ, pháp quyền, tự do tôn giáo và nhân quyền tiếp tục là nạn nhân của việc bắt giữ tùy tiện và bị áp đặt mức án tù nặng nề, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

"Việc dòng người bị bắt đều đặn chỉ vì đã đòi hỏi quyền của mình cho thấy một tình trạng nghiêm trọng,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. "Các nhà tài trợ và đối tác phát triển của Việt Nam cần kiên quyết bày tỏ sự ủng hộ công khai đối với những nhà hoạt động dũng cảm ở trong nước và kêu gọi chính quyền ngay lập tức thả tất cả những người đã bị bắt và giam giữ một cách tùy tiện.”

Được đặt tên theo ngày khai sinh, mồng 8 tháng Tư năm 2006, Khối 8406 đã phát triển thành một phong trào gồm hàng ngàn người, qua các thỉnh nguyện thư trên mạng, kêu gọi tôn trọng các quyền cơ bản của con người, xây dựng một chế độ đa đảng và bảo đảm tự do tôn giáo và chính trị. Chính quyền Việt Nam đáp trả những thỉnh nguyện ôn hòa của Khối 8406 và của các nhóm ủng hộ dân chủ và nhân quyền khác bằng những hành động sách nhiễu và bắt giữ.

Kể từ tháng Sáu năm 2010, chính quyền Việt Nam đã tạm giam ít nhất là 24 người, gồm các nhà vận động cho nhà thờ tại gia, các nhà bất đồng chính kiến và blogger; nhiều người trong số này bị biệt giam nhiều tháng, không được phép gặp gia đình hay tiếp cận nguồn hỗ trợ pháp lý.

Chỉ trong tháng vừa rồi, tòa đã kết án nhà vận động pháp lý nổi tiếng Cù Huy Hà Vũ bảy năm tù giam vào ngày 4 tháng Tư; giữ nguyên mức án nặng nề đối với ba nhà vận động trẻ tuổi vì quyền lợi của người lao động vào ngày 18 tháng Ba; và vào ngày 31 tháng Ba đã kết án ông Chau Hêng, nhà vận động cho quyền sở hữu đất đai và là người dân tộc thiểu số Khmer Krom ở tỉnh An Giang, hai năm tù giam. Vào ngày 8 tháng Tư, Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành, bị công an Hà Nội bắt từ tháng Sáu năm 2010, sẽ bị xử vì đã phát sóng thông tin từ đài lắp trái phép tại nhà về Pháp Luân Công.

Trong kế hoạch ngăn chặn sự ủng hộ của công chúng đối với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, ngày 4 tháng Tư, công an ở Hà Nội đã bắt giữ bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân khi họ đang cố tiếp cận Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội ở phố Hai Bà Trưng, nơi diễn ra phiên xử Tiến sĩ Vũ. Ban đầu, chính quyền tuyên bố đây là phiên tòa công khai, nhưng sau đó, khu vực xung quanh tòa án bị phong tỏa, có lực lượng công an và dân phòng canh gác.

Lê Quốc Quân từng tham gia khóa học tại Học viện Quốc gia Dân chủ (NED) Hoa Kỳ, từng bị bắt vào ngày 8 tháng Ba năm 2007, bốn ngày sau khi từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam. Chính quyền giam giữ ông 100 ngày với tội danh tiến hành hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, theo điều 79 của Bộ luật Hình sự. Ông được thả vào ngày 16 tháng Sáu năm 2007.

Nhà vận động dân chủ, bác sĩ Phạm Hồng Sơn cũng từng bị bắt vào ngày 27 tháng Ba năm 2002 với tội gián điệp (Điều 80 Bộ luật Hình sự) vì đã sử dụng mạng internet để liên lạc với các nhà bất đồng chính kiến khác và phát tán những bài viết và tuyên bố ủng hộ dân chủ. Chính quyền xử ông 13 năm tù vào tháng Sáu năm 2003, sau đó phiên phúc thẩm giảm án xuống năm năm, cộng thêm ba năm quản chế. Ông được ân xá và thả trước thời hạn vào ngày 30 tháng Tám năm 2006.

"Chính quyền đang chơi trò ‘tới gần là có tội’ khi bắt Phạm Hồng Sơn và Lê Quốc Quân vì họ đứng gần tòa án,” Robertson nói. "Điều này chỉ khẳng định thêm rằng phiên tòa trình diễn vừa qua đánh dấu một mức mới trong chiến dịch tiếp tục đàn áp các nhà vận động cho nhân quyền ở Việt Nam.”

Cán bộ trại giam ở Việt Nam thường xuyên ngược đãi và tra tấn những người bị tạm giữ vì lý do chính trị trong khi thẩm vấn, nhằm ép buộc họ ký các bản thú tội được viết sẵn và khai báo về các nhà hoạt động khác. Trong thời gian tạm giữ trước khi xét xử, có thể kéo dài tới 20 tháng, những người bị tạm giữ vì lý do chính trị thường bị cùm biệt giam trong xà lim tối và chỉ được đưa ra để thẩm vấn và hành hạ.

Từ tháng Một, công an giam giữ một số nhà hoạt động có liên quan tới Khối 8406 để điều tra, ví dụ như nhà khiếu kiện về đất đai Hồ Thị Bích Khương và mục sư Tin Lành Nguyễn Trung Tôn. Một số người khác ủng hộ Khối 8406 đã bị xử với mức án tù rất nặng, trong đó có Phạm Bá Hải, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Anh Kim, Trần Khải Thanh Thủy, Trần Quốc Hiền, Trương Minh Đức, Trương Quốc Huy và Vi Đức Hồi. Ngoài ra, một số thành viên của Khối 8406 vẫn đang bị quản chế tại gia sau khi ra tù, như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài.

Một số nhà vận động ôn hòa không liên quan trực tiếp đến Khối 8406 cũng bị bắt, ví dụ như Phạm Minh Hoàng (người viết blog với bút danh Phan Kiến Quốc) và mục sư Tin Lành Mennonite Dương Kim Khải. Cả hai người đều đã bị giam giữ hơn sáu tháng với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Nguyễn Văn Hải (người viết blog với bút danh Điếu Cày) đã bị biệt giam không có tin tức từ ngày 20 tháng Mười năm 2010 sau khi đã thi hành hết 30 tháng tù với tội danh trốn thuế ngụy tạo.

Một blogger khác là Phan Thanh Hải (tức Anhbasg) cũng bị giam giữ gần sáu tháng nay. Công an bắt ông vào ngày 18 tháng Mười năm 2010, hai ngày trước ngày dự kiến ra tù của Nguyễn Văn Hải. Cả hai ông là sáng lập viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, được thành lập vào tháng Chín năm 2007 với mục tiêu thúc đẩy tự do ngôn luận và nhân quyền. Một thành viên sáng lập khác của Câu lạc bộ này, blogger Tạ Phong Tần, cũng bị công an thẩm vấn và sách nhiễu.

"Không thể bắt và giam giữ các blogger và các nhà hoạt động vận động cho tự do ngôn luận và nhân quyền một cách ôn hòa,” ông Phil Robertson nói. "Giam giữ họ hàng tháng trời mà không xét xử hoặc cho tiếp cận với nguồn trợ giúp pháp lý là sự vi phạm nghiêm trọng đối với các quyền dân sự cơ bản của họ. Họ phải được phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện.”


Muốn biết thêm các báo cáo về Việt Nam của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, xem:

http://www.hrw.org/en/languages?filter0=vi; và http://www.hrw.org/asia/vietnam


Category: Việt Nam ngày nay | Views: 564 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0