Cắt cổ tình nhân rồi tự vẫn?
Phát hiện đôi nam nữ thuê trọ đã chết, nhân viên bèn báo cho Công an.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện trên cổ và 2 tay anh Đ. có
những vết cắt do vật sắc gây ra, còn chị L. không có vết thương. Khả
năng chị L. đã dùng dao cắt cổ và tay anh Đ., sau đó uống thuốc độc tự
vẫn.
|
Cuốn nhật ký dính máu và bức thư tình của chị L. để lại
22h ngày 16/8, nhân viên nhà trọ Thảo Trang (số 8A2, Trung tâm thương
mại Cái Khế, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) sau khi thấy
một nam một nữ vào thuê phòng từ ngày 15/8 mà không ra ngoài liền kiểm
tra thì phát hiện họ đã chết.
Lập tức, sự việc được báo cho Công an quận Ninh Kiều và Phòng CSĐT tội
phạm về TTXH (PC14) Công an TP Cần Thơ. Nhận được tin báo, các phòng
chức năng của Công an TP Cần Thơ và đại diện Viện KSND TP Cần Thơ đã có
mặt tại hiện trường để điều tra sự việc.
Xác của 2 người được xác định là Phan Văn Đ. (29 tuổi, thường trú ở
huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, hiện cư ngụ ở huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ)
và Lê Thị L. (27 tuổi, thường trú ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa,
hiện ngụ tại tỉnh Bình Dương). Theo nhân viên nhà nghỉ Thảo Trang, anh
Đ. và chị L. đến thuê phòng nghỉ vào ngày 15/8. Cho đến cuối ngày 16/8
vẫn không thấy họ ra ngoài.
Nghi có chuyện không hay xảy ra, 22h 16/8 nhân viên nhà trọ lên phòng
kêu cửa nhưng không ai trả lời và khi mở cửa thì phát hiện 2 người họ
đã chết từ lúc nào.
Tại hiện trường, các cơ quan chức năng phát hiện trên cổ và 2 tay anh
Đ. có những vết cắt do vật sắc gây ra... còn chị L. không có vết
thương. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn phát hiện một con dao Thái
Lan, 1 cuốn nhật ký dính máu, một bức thư tình (được cho là của chị L.)
và một số đồ vật liên quan khác.
Theo nhận định ban đầu của các cơ quan chức năng, khả năng chị L. dùng dao cắt cổ và tay anh Đ., rồi sau uống thuốc độc tự vẫn…
Hiện vụ việc đang được xác minh làm rõ.
Theo Văn Đức
Lào Cai: Chuẩn bị đợt mưa bão mới
Theo Trung tâm khí tượng thuỷ văn tỉnh Lào Cai: Tối 17/8, rãnh áp thấp
có trục hướng Tây Bắc - Đông Nam sẽ đi qua Bắc Bộ sẽ được thiết lập trở
lại, kết hợp với một bộ phận không khí lạnh từ phía Bắc xâm nhập xuống.
Các tỉnh phía tây Bắc Bộ lại xảy ra một đợt mưa bão mới.
Dẫn đến, trên khắp địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ có mưa rào, kèm theo dông
kéo dài trong 5 ngày, lượng mưa phổ biến các khu vực từ 50-75mm, vùng
cao có nơi mưa trên 90mm. Sông ngòi trong toàn tỉnh xuất hiện một đợt
lũ với biên độ lũ ước tính khoảng 1m50 - 2m50.
Trong khi, các huyện của tỉnh Lào Cai đang tập trung mọi lực lượng để
khắc phục hậu quả nặng nề của cơn lũ lịch sử vừa qua, thì cơn bão mới
lại xuất hiện. Các xã như: Y tý, A Lù , Ngải Thầu, Mường Hum...của
huyện Bát Xát, xã Long Phúc...huyện Bảo Yên có nhiều vết rạn, nứt rộng
gần 1m, sâu 15 m, luôn tiền ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
Các tuyến đường giao thông huyết mạnh mới được thông, nhưng kết cấu
đường còn yếu sẽ lại có nguy cơ sạt lở gây ách tác giao thông trong
nhiều ngày tới.
Vì vậy, chính quyền các địa phương vừa khắc phục hậu quả, vừa phải hết
sức đề phòng đợt mưa bão tới. Cảnh báo nhân dân sinh sống gần các con
sông suối có độ dốc lớn, có nguy cơ sạt lở, nơi vừa bị sạt lở do đợt
mưa, cần phải di chuyên ngay đến nơi an toàn khi có mưa xảy ra.
Nhất là vào ban đêm mưa lớn cục bộ, lũ quét, lũ ống, trượt lở đất mang
yếu tố bất ngờ, mọi người dân không được chủ quan. Các vùng trũng, vùng
thấp, cảnh giác với gió mạnh, lốc tố, sét đánh trong cơn dông, người
dân tuyệt đối không được di chuyển trên đường.
Mọi cơ quan chức năng cần tập trung theo dõi sát sao tình hình thời
tiết trong những ngày tới, tránh thiệt hại tối thiểu về người và tài
sản trong đợt mưa lũ này.
Theo TTXVN
Lực điền miền Tây có nguy cơ... ế vợ
Những chàng lực điền vai u thịt bắp ở vựa lúa miền Tây bây giờ không
còn là thần tượng của các cô thôn nữ, nguy cơ ế vợ đang treo lơ lửng
trên đầu họ.
Ông Hai Quang, điền chủ ở vùng Hậu Mỹ huyện Cái Bè (Tiền Giang) và ông
Sáu Tâm, chủ một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở Cai Lậy là
bạn tâm giao. Hai ông bàn nhau kết sui gia. Ông Quang có đứa con trai
22 tuổi, một mình quán xuyến bốn mẫu ruộng của gia đình; ông Tâm có đứa
con gái 20 tuổi, đang học đại học ở Sài Gòn. Nhân dịp nhà có đám giỗ,
ông Tâm kêu ông Quang dắt con trai qua nhà cho hai đứa làm quen. Nhưng
cô gái rượu của ông Tâm chê con trai ông Quang “nông dân nhà quê một
cục” và tuyên bố chỉ thích lấy chồng ở thành phố.
|
Những cuộc nhậu say sưa khiến các chàng lực điền miền Tây càng mất điểm trong mắt các cô thôn nữ. Ảnh: SGTT.
Trai nông thôn ngày càng mất điểm
Ông Bảy Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang), kể: “Tôi hay được bạn
bè, bà con nhờ làm mai mối cưới xin. Nhưng mấy năm nay, nhận lời làm
mai đám nào, đều bị… “tổ trác” đám đó. Mới đây, làm mai một đám, đàng
trai gia sản rất khá, đàng gái nghèo hơn. Nhưng khi đàng trai dạm hỏi,
con nhỏ nhất quyết không ưng. Nó nói: Chỉ thích ra chợ, ra thành lấy
chồng để sau này thoát khỏi cảnh làm ruộng đầu tắt mặt tối. Nó chê đám
thanh niên trai tráng ở nông thôn ít học, quanh năm chỉ biết cắm mặt
xuống miếng ruộng, hễ rảnh việc đồng áng là tổ chức nhậu nhẹt ì xèo.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, chánh văn phòng tỉnh hội Liên hiệp phụ nữ,
cho biết các thôn nữ không muốn cưới trai tráng nông thôn đang là xu
hướng phổ biến. “Hiện nay các thôn nữ ở Đồng Tháp đua nhau tìm về các
thành phố lớn làm thuê, xin vào các nhà máy làm công nhân. Những cô có
nhan sắc thì chọn con đường lấy chồng nước ngoài để mau đổi đời. Bây
giờ ở vùng nông thôn Đồng Tháp toàn là ông già bà cả, con nít, phụ nữ
và… thanh niên trai tráng, phần lớn con gái đều “chạy” về TP.HCM, Cần
Thơ”.
“Hầu như tôi chưa thấy cô gái nông thôn nào, sau một thời gian ra thành
phố làm việc, chịu quay trở về quê lấy chồng. Nhiều trường hợp, do
không thể lấy được chồng giàu sang, học thức như mơ ước, các cô thôn nữ
chấp nhận lấy chồng cùng làm công nhân, cả hai cùng bám thành phố, chứ
nhất định không về quê lấy trai làng”, bà Nguyễn Hồng Diện, chủ tịch
hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Nguy cơ… ế vợ
Trần Văn Nam ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn (An Giang), 25 tuổi, nhà
có ba hecta ruộng, ba lần đi hỏi vợ, nhưng đến nay vẫn phòng không gối
chiếc. Anh tâm sự: “Tui học hết lớp sáu thì nghỉ, ở nhà mần ruộng. Cha
mẹ rất mong tui có vợ để đỡ đần việc nhà và có cháu ẵm bồng, nhưng bây
giờ lấy vợ khó quá. Đám mình ưng, đi hỏi, thì họ không ưng mình; cô ưng
mình, thì… xấu người, xấu nết, làm sao dám cưới. Thôi, tới đâu hay tới
đó, dù ở nông thôn hai mươi lăm tuổi chưa vợ đã bị coi là… ế”. Theo anh
Nam, tình trạng thanh niên trai tráng nông thôn tụ tập nhậu nhẹt là
“chuyện thường ngày ở xóm” vì làm ruộng theo thời vụ, thời gian rảnh
rỗi khá nhiều, nên có con cá, mớ ốc là có thể rủ nhau nhậu đến say mèm;
thanh niên nông thôn không nhậu nhẹt say sưa mới là… chuyện lạ.
Nhiều cán bộ hội Liên hiệp phụ nữ ở đồng bằng sông Cửu Long cho rằng,
do khoảng cách cuộc sống giữa nông thôn và thành thị ngày càng xa,
trong khi những hình ảnh giàu sang, phú quý ở thành phố nhan nhản trên
phim ảnh, tác động rất lớn đến tâm lý muốn thoát khỏi cảnh làm nông cơ
cực của các thôn nữ. Nhiều người nhận định: xu hướng thích lấy chồng
thành thị, lấy chồng nước ngoài nếu ngày càng lan rộng, trở thành một
lối sống mới, không sớm thì muộn, nam thanh niên nông thôn ở đồng bằng
sông Cửu Long sẽ rơi vào tình cảnh ế vợ giống như trai tráng vùng nông
thôn Đài Loan, Hàn Quốc: có tiền nhưng không thể lấy được vợ “nội địa”.
(Theo Sài gòn Tiếp thị)
Chân dung 'tú bà' 21 tuổi
Trong trại giam, Nguyễn Thị Mạnh (tức Phượng, 21 tuổi) vẫn hút hồn bởi
dáng người cao ráo, nước da trắng, mái tóc ép thẳng, nhuộm màu hung đỏ.
Trông cô khá trẻ trung dù từng lăn lộn trong các động mại dâm bên kia
biên giới.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bắc Ninh nhưng Phượng khá phổng phao
và xinh xắn so với bạn bè cùng lứa ở quê. Gia đình không hạnh phúc, bố
Phượng có 2 vợ, Phượng là con người vợ thứ hai nên chịu nhiều thiệt
thòi.
15-16 tuổi, cuộc sống của cô đã là những chuỗi ngày lang thang, tụ tập
ăn chơi cùng đám thanh niên tứ xứ. Sau một thời gian dài làm gái bán
dâm, năm 2007, Phượng "mở rộng" khách bằng cách sang Trung Quốc "làm
ăn". Cao trên 1,6 mét, nước da trắng hồng, và dáng người thon thả,
Phượng trở thành con át chủ bài, giúp chủ chứa kiếm tiền.
Sau khoảng 6 tháng hoạt động bên Trung Quốc, Phượng khá sành sỏi và
thông thạo một số tụ điểm bán dâm. Phượng làm quen và kết thân với Đoàn
Thị Nhịp (tức Phương) và Hoàng Thị Liên Thuỳ, hai cô gái Việt Nam từng
bị lừa bán vào các ổ mại dâm nơi biên giới, lập thành một đường dây mua
bán phụ nữ, ráo riết tuyển chọn người.
Tháng 9/2007, Phượng về nước và lần mối tìm hàng. Cô ta cặp bồ với một
người đàn ông tên Hải, dân thổ địa ở Móng Cái và thường xuyên qua biên
giới xách hàng. Hải có vợ con và cơ ngơi hoành tráng ở Móng Cái.
Với sự giúp đỡ tận tình của người tình, nhóm của Phượng (gồm 8 người)
đã đưa trót lọt sang Trung Quốc 7 cô gái, tuổi từ 14 đến 21. Sau mỗi
phi vụ mua bán trót lọt, nhóm này thường tụ tập, ăn chơi, thác loạn ở
các nhà nghỉ, vũ trường.
Phượng dùng những thủ đoạn rất tinh vi, sai những thanh niên nam trong
đường dây của mình, làm quen với một số cô gái lao động, mời họ đi ăn
uống, chơi bời rồi rủ lên Móng Cái. Tại đây, các cô gái được giam lỏng
trong các khách sạn, nhà nghỉ không dám ra ngoài vì "không có giấy tờ
tùy thân, ra ngoài sẽ gặp rắc rối".
Ngày 25/7, 4 người trong nhóm của Phượng đã đưa hai cô gái tên Hương và
Thu từ Hải Dương đến thị xã Móng Cái. Chiều tối hôm sau Phượng và gã
người tình dẫn sang Trung Quốc bằng đò. Nhìn thấy nhiều chữ Trung Quốc,
hai cô gái trẻ mới biết mình đã bị lừa bán. Sau đó, họ được nhóm người
này dẫn vào các nhà chứa, rồi đưa xuống Quảng Đông bán lấy 5000 nhân
dân tệ.
Tháng 8, từ sự trốn thoát trở về của hai nạn nhân, cảnh sát Hải Dương
đã bóc dỡ đường dây buôn bán phụ nữ. 8 kẻ buôn bán đã lần lượt sa lưới.
Ngày 4/8, nhận được tin báo một số thanh niên trong đường dây mua bán
phụ nữ này đang đi ôtô từ Móng Cái về Hải Dương, các trinh sát đã dừng
xe và tóm được 3 tên. Phượng cũng đi cùng taxi này nhưng đã xuống xe
dọc đường để về quê.
Sớm 7/8, khi các cảnh sát ập vào nhà ở Bắc Ninh, Phượng đang ngái ngủ nên không kịp phản ứng.
Tại cơ quan điều tra, Phượng tỏ ra khá lỳ lợm, quanh co vì nghĩ rằng
người tình của mình đã may mắn thoát được. Cô ta nhận hết tội về mình
và phủ nhận vai trò của Hải trong các phi vụ buôn người. Đến ngày 13/8,
khi nghe tin Hải đã bị các trinh sát tóm gọn, người đàn bà giang hồ này
đã ôm mặt nức nở.
Nam Anh
* Tên nạn nhân đã thay đổi
Lại chuyện Đạo nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam
TT - Khi vụ việc truyền thông Hàn Quốc chỉ trích ca sĩ VN đạo nhạc còn
chưa được giải quyết, khi nghi án đạo nhạc bài Vầng trăng khóc, Kiếp đỏ
đen, Hãy nói anh yêu em... còn chưa có lời đáp thì mới đây trên các
trang mạng lại xuất hiện thông tin ca khúc Mưa đã đạo nhạc của Nhật.
Theo thông tin ghi nhận từ các trang nhạc online, ca khúc Mưa là sáng
tác của Minh Vương, do Mạnh Ninh viết lời. Phiên bản đầu tiên của ca
khúc này, do Quang Duy hòa âm, được tung lên Internet vào đầu tháng
5-2008 qua tiếng hát của Thùy Chi và nhóm M4U.
Được biết Thùy Chi là giọng ca khá hot trong cộng đồng mạng VN và Minh
Vương là trưởng nhóm M4U. Dựa trên hòa âm nhẹ nhàng, ca từ đơn giản, dễ
hiểu, Mưa đã nhanh chóng lọt vào top những ca khúc được tìm nghe và
download nhiều nhất trên các site nhạc số. Từ thành công ban đầu đó,
Minh Vương đã gửi tác phẩm tham gia chương trình Bài hát Việt do VTV3,
Đài truyền hình VN tổ chức.
Mưa và Aitai
Trong đêm live show Bài hát Việt tháng bảy (29-7-2008), Mưa, qua phần
trình bày của Minh Vương và Mỹ Dung, đã giành giải thưởng bài hát được
yêu thích nhất do khán giả bình chọn - giải thưởng không gây ngạc nhiên
vì sự thành công của nó trên mạng. Điều khiến mọi người ngạc nhiên là
sự giống nhau giữa Mưa và một ca khúc tiếng Nhật mang tựa đề Aitai do
nam ca sĩ Hàn Quốc Se7en (Choi Dong Wook) trình bày.
Qua tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Aitai (tựa tiếng Anh là Want to love you) là
đĩa đơn thứ năm của ca sĩ Se7en do Nexstar Records phát hành trên thị
trường Nhật. Thời điểm phát hành Aitai là ngày 28-3-2008 và Se7en được
ghi nhận chính là người sáng tác ca khúc này. Tuy là một ca sĩ ăn khách
tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong... song đĩa Aitai của Se7en
tỏ ra không được chú ý lắm khi đến nay chỉ mới bán được hơn 8.000 bản
so với đĩa Ari no mama cũng của anh, phát hành ngày 4-7, đã bán
trên 11.000 bản.
Theo nhạc sĩ Trịnh Gia Kiệt, Mưa và Aitai có phần intro và khung sườn
hoàn toàn giống nhau. Anh nói: "Giai điệu của bài Mưa có một chút khác
biệt so với Aitai nhưng với tư cách người trong nghề, tôi có thể nói
hai bài giống nhau đến 80%".
Nhạc sĩ Mai Thu Sơn cho rằng "cách tiến hành hòa âm của hai bài rất
giống nhau, đặc biệt ở tiết tấu, giai điệu và cấu trúc". Anh nói thêm:
"Trên một beat (nhịp) nhạc, có thể có hai hay nhiều ca khúc giống nhau
về hòa âm, nhưng điều đó rất hiếm và dù có cũng không giống nhiều như
trong trường hợp này". Nhạc sĩ Đắc Tâm, Cao Ngọc Dũng cũng thừa nhận
hai ca khúc "giống nhau đến mức phải nghi ngờ".
Mưa không hề đạo nhạc?
Khi Tuổi Trẻ liên hệ với tác giả Minh Vương, anh khẳng định Mưa là sáng
tác của mình chứ không hề là tác phẩm đạo nhạc. Tuy thừa nhận đã viết
Mưa trên nền nhịp điệu của Aitai, Minh Vương cho rằng đó là chuyện rất
bình thường (?!) và nhiều người khác cũng làm như vậy. Anh đổ rằng việc
khán giả nghe thấy Mưa và Aitai giống nhau là vì có phần hòa âm của
Quang Duy chứ nếu xét riêng giai điệu thì hai ca khúc sẽ không hề
giống. Quang Duy giải thích: "Tôi hòa âm bài Mưa dựa trên bản demo (bản
thu mẫu) nhạc và tiếng hát do anh Vương đưa chứ không hề biết có bài
nào tên là Aitai hay ca sĩ nào trình bày bài đó”.
Có hợp pháp và bình thường không khi sử dụng nhịp của một tác phẩm khác
để tạo ra tác phẩm của mình? Ông Nguyễn Mạnh Quý, trưởng đại diện Cục
Bản quyền phía Nam, minh xác: "Nguyên tắc của bản quyền, cũng là nguyên
tắc chung của đời sống, là cái gì của mình thì mình dùng, không phải
của mình thì không dùng, hoặc nếu dùng phải được sự cho phép của người
ta. Dùng của người không xin phép là phạm luật".
PHẠM THÀNH NHÂN
Dịch vụ làm bằng cấp giả sắp có cơ hội phát triển mạnh:
100% cán bộ có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên
(HNM) - Ngày 15-8, Quận ủy Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổng kết 10 năm thực hiện
Nghị quyết TƯ3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH,
HĐH đất nước”.
Quận cũng làm rõ quyền hạn, trách nhiệm, tăng cường kỷ luật công tác
của từng tập thể, cá nhân, tránh chồng chéo hoặc buông lỏng trong từng
khâu, từng lĩnh vực; xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh
đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.
Quận ủy Hoàn Kiếm phấn đấu đến năm 2010 toàn bộ đội ngũ cán bộ chủ chốt
của quận có trình độ từ đại học trở lên; 100% có trình độ trung cấp lý
luận chính trị trở lên; 40% cán bộ dưới 45 tuổi và 30% là nữ.
Hà Nội: Dùng sổ đỏ giả thế chấp ngân hàng lấy tiền tỷ
(Dân trí) - Ngày 17/8, CA huyện Thanh Trì đã ra quyết định khởi tố vụ
án, khởi tố 3 bị can làm giả tài liệu của cơ quan Nhà nước để thu lợi
hơn 1 tỷ đồng.
Ba đối tượng này gồm: Vũ Quốc Hội (SN 1975, ở ngõ Hoà Bình 4, Minh
Khai, tạm trú đường Lĩnh Nam, Hoàng Mai); Đào Thị Hồng (SN 1963, ở phố
Lê Trực, quận Ba Đình) và Hà Minh Thăng (SN 1972, ở Kim Bài, Thanh Oai,
Hà Nội).
Ba đối tượng trên làm giả một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)
của huyện Thanh Trì để thế chấp vay 1,7 tỷ đồng của Ngân hàng Thương
mại cổ phần Quân đội.
Vụ việc nhanh chóng được các cơ quan hữu quan phát hiện. Tiến hành khám
xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an thu giữ 1 máy in
màu, 1 bản kẽm dùng vào việc làm giả sổ đỏ.
Hải Phong
Tá hỏa với hóa đơn điện thoại gần 500 triệu đồng
Cơ quan điều tra Công an quận Long Biên, Hà Nội đang thụ lý vụ việc
liên quan đến khoản tiền điện thoại phải thanh toán trong vòng một
tháng của một công dân lên đến gần 500 triệu đồng.
Người đứng đơn khiếu nại đến cơ quan công an là chị Phạm Thị Thu Hòa,
tạm trú tại quận Thanh Xuân. Khoảng tháng 6/2006, thông qua mạng
Internet, chị Hòa nhận làm phiên dịch cho một thanh niên quốc tịch
Trung Quốc tên là Lin Feng, SN 1980.
Ngày 11/7/2008, Lin Feng nhờ chị Hòa đứng tên đăng ký để làm tổng đài
thuê bao điện thoại với Công ty Viễn thông Viettel, địa chỉ đăng ký tại
tổ 15 phường Thượng Thanh.
Đến ngày 27/7, Lin Feng nói với chị Hòa anh ta đi vào TPHCM, rồi về
Trung Quốc tuyển thêm người sang làm việc, nhưng không thấy trở lại.
Ngày 8/8, chị Hòa nhận được hóa đơn đề nghị thanh toán cước điện thoại
tính đến hết ngày 31/7, với số tiền... 480 triệu đồng. Tá hỏa, chị Hòa
tìm mọi cách để liên lạc với Lin Feng nhưng vô vọng.
Theo An ninh Thủ đô
Khi các cụ mê chat
|
Lớp học dành cho người lớn tuổi ở Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế thuộc Viện Kinh tế TPHCM.
Từ khi biết sử dụng máy vi tính, ngày nào ông Huy cũng lên mạng. Chao
ôi đủ mọi thứ, cái gì cũng có, hèn chi bọn nhỏ mê. Lúc đầu chỉ là đọc
báo, sau ông biết vào Google để tìm kiếm thông tin, rồi viết blog, chat…
Tìm thấy niềm vui
Đang dùng bữa cơm chiều với các con cháu, chiếc điện thoại di động
trong túi ông Huy kêu lên 3 tiếng bíp, bíp, bíp. Ông nhẹ nhàng lấy ra
khỏi túi áo rồi đeo kính vào đọc. Gấp máy lại, ngẩng mặt về phía con
cháu, ông tặc lưỡi: “Thôi chút nữa ông ăn tiếp, ông phải lên máy chat
với bà Lan một chút”. Nghe vậy, con trai ông mặc dù đã là một doanh
nhân thành đạt, tròn mắt ngạc nhiên. Chưa kịp cất tiếng hỏi, bọn trẻ đã
tranh nhau giải thích: Ông nội bây giờ mê chat lắm ba ơi!
Chỉ cách nay một tháng, ông Huy thường không chịu nổi đứa cháu nội đã
học lớp 7 rồi mà suốt ngày chỉ mê máy vi tính. Ông bảo: Chẳng hiểu cái
máy có gì mà cứ đi học về là thằng bé dính chặt vào nó. Để kiểm soát
cháu, ông đề nghị cháu chỉ ông vài đường cơ bản. Lúc đầu nó hăm hở chỉ,
nhưng sau thấy ông không nhớ cứ hỏi lại hoài, nó cáu không chỉ nữa, thế
là ông quyết định tự đi tìm lớp học.
Đến với lớp học ở Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế thuộc Viện Kinh tế
TPHCM, ông Huy mới thấy các bạn đồng môn đều có hoàn cảnh giống nhau:
Tuổi cao, mọi vinh quang đã lùi dần phía sau, lẻ bóng và cô đơn luôn
ngự trị.
Mười năm trước, khi còn là thủ trưởng một cơ quan, tất cả mệnh lệnh ông
đưa ra đều được nhân viên răm rắp làm theo, ông không cần phải biết sử
dụng máy vi tính làm gì cho mệt. Chiếc máy vi tính vì thế cũng chẳng
được ông quan tâm đến. Nhưng nay, được hướng dẫn viên nhiệt tình chỉ
dẫn, khích lệ: “Không ngại gì cả, cái gì không biết các bác cứ hỏi”, cứ
như thế chỉ sau 2 buổi học, ông và các bạn già đã làm quen và thành
thục với các thao tác trên máy vi tính.
Từ khi biết sử dụng máy vi tính, ngày nào ông cũng lên mạng, chao ôi đủ
mọi thứ, cái gì cũng có, hèn chi bọn nhỏ không mê sao được. Lúc đầu chỉ
là đọc báo, sau ông biết vào Google để tìm kiếm thông tin, rồi viết
blog, chat. Nhờ vậy, ông có bao nhiêu bạn bè, mọi vui buồn trước đây
chẳng biết tỏ cùng ai thì nay đã có người chia sẻ.
Bà Lan mà ông đang ngồi chat là người quen cũ, tình cờ gặp lại khi đi
tập thể dục ở công viên. Chồng chết đã lâu, mặc dù con cháu khá giả
nhưng bà chẳng thể nào tìm được tiếng nói chung. Chỉ đến khi gặp ông,
được ông rủ đi học vi tính, bà mới thấy cuộc sống đáng yêu biết nhường
nào.
Mỗi khi có việc là bà hẹn ông chat. Chat xong, bà bảo ông mở email:
“Xem đi, tôi đã gửi cho ông bài thuốc giúp giảm mỡ trong máu hay lắm!”.
Có khi bắt gặp một câu thơ hay, một bản nhạc xưa... cũng đủ để ông bà
say sưa chat suốt vài giờ.
Sưởi ấm ngày hiu quạnh
Để tìm hiểu về mô hình lớp dạy vi tính cho người cao tuổi, chúng tôi đã
tham dự một buổi học của lớp nâng cao do Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh
tế tổ chức.
Hai dãy dài máy vi tính, lách tách những tiếng gõ. Những mái đầu bạc
phơ đang say sưa theo dõi trên màn hình, hai tay làm theo lời chỉ dẫn
của hướng dẫn viên trẻ tuổi. Trân trọng học viên, các hướng dẫn viên
luôn ân cần chỉ bảo, ghé vào từng màn hình hướng dẫn cho các cụ. Các
học viên tuy tiếp thu hơi chậm nhưng rất ham học hỏi, điều này làm cho
các hướng dẫn viên vui lây.
Về nhà, có cụ yêu cầu con cháu mua riêng cho mình một chiếc máy vi tính
xách tay, tự tạo địa chỉ email với những tên nghe cũng rất ấn tượng:
hoancongtu@, hoabanglang@ ngayxuaconmai@, benbotraitim@... Chia sẻ qua
email, viết blog, vào mạng, chat... đã rút ngắn khoảng cách với thế
giới xung quanh, cũng từ đó biết bao cảnh đời hiu quạnh được sưởi ấm.
“Ngày nào cũng vậy, sau khi đi tập thể dục về, ăn sáng xong là mẹ tôi
ngồi vào máy đọc email, viết blog. Khi vào blog của bà, tôi mới biết bà
có nhiều bạn bè, cuộc sống của bà ra sao, mọi vui buồn đều được các bạn
của bà chia sẻ, khuyên nhủ. Là con, tôi tự thấy mình vì quá vô tình đã
có lỗi với mẹ biết chừng nào”- chị Tuyến, một giám đốc trẻ, tâm sự.
Theo Ngọc Mai
Người Lao Động
|