Thứ Ba, 2024-12-24, 8:30 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Tám » 30 » Việt Nam đang chuyển hướng chính sách đối ngoại?
8:35 AM
Việt Nam đang chuyển hướng chính sách đối ngoại?
Việt Hùng, phóng viên đài RFA
2008-08-29

Mới đây trong một tuyên bố phát đi từ Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng cho rằng khu vực lãnh hải mà Việt Nam đang hợp tác với BP và Exxon Mobil là thuộc chủ quyền Việt Nam, trong khi Bắc Kinh cho rằng, đó là vùng biển đang có tranh chấp về chủ quyền.

AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam.

Người, cờ và bản đồ Trung Quốc tràn ngập đường phố Sài Gòn trong lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh hôm 29-4-2008.


Do đâu mà Hà Nội lại đưa ra lời tuyên bố vào thời điểm này, Việt Hùng có cuộc trao đổi với ông Trần Bình Nam, một nhà quan sát chính trị Việt Nam. Từ tiểu bang California, ông Trần Bình Nam đưa ra nhận định.

Ông Trần Bình Nam: Ghi nhận việc này tôi thấy có một sự chuyển hướng trong chính sách của chính quyền Việt Nam hay nói cách khác là của đảng Cộng sản Việt Nam.

Nếu theo dõi các sự kiện có thể thấy sự thay đổi này bắt đầu từ Đại hội 10 đảng CSVN vào năm 2006, rồi cuối năm đó có sự thăm viếng của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush sang Hà Nội, rồi gần đây ông Nông Đức Mạnh đi thăm Bắc Kinh. Có lẽ có sự căng thẳng nào đó cho nên hai bên Việt Nam – Trung Quốc đã đồng ý lập đường dây nóng Bắc Kinh – Hà Nội.

Rồi gần đây nhất là chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Tấn Dũng và qua chuyến đi này như chúng ta thấy Việt Nam – Hoa Kỳ đã có một bản thông cáo chung với lời lẽ rất rõ ràng, xác định quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là một quan hệ chính trị liên quan đến chiến lược an ninh, quốc phòng và để khẳng định sự ủng hộ của chính quyền Hoa Kỳ đối với chủ quyền quốc gia và an toàn lãnh thổ của Việt Nam.

Trở lại câu hỏi của ông, tôi thấy lời tuyên bố của ông Vũ Dũng là một dấu hiệu rất rõ ràng, có một sự thay đổi hướng chiến lược của chính quyền Việt Nam trong việc bảo vệ lãnh thổ.

Việt Hùng: Câu hỏi được đặt ra, nguyên do nào mà Hà Nội lại chọn thời điểm này để tuyên bố?

Ông Trần Bình Nam: Trong thời gian diễn ra Olympic Bắc Kinh 2008 thì Trung Quốc sẽ im lặng và không có hành động gì cả, nhưng sau Olympic thì thế nào Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu thi hành những đường hướng của mình. Đường hướng này là làm thế nào giành được quyền lợi trên biển đông, bởi vì trên biển đông hiện đang hứa hẹn có nhiều dầu khí.

VN-students-protest-china-305.jpg
Thanh niên Sinh viên Việt Nam biểu tình trước Tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội hôm 9-12-2007, phản đối Bắc Kinh xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa.

Sự tranh chấp này đã ngấm ngầm từ lâu và Việt Nam cũng bắt đầu thay đổi thái độ vì vậy cho nên mọi người đều chờ đợi sau Thế vận hội Bắc Kinh thế nào cũng có diễn biến mới. Vấn đề ở chỗ không bên này nêu ra thì bên kia cũng sẽ nêu ra. Và thời gian tới thế nào cũng có những chuyển biến chính trị quan trọng ở biển đông.

Chính sách của Mỹ và Trung Quốc?

Việt Hùng: Theo những dấu hiệu cho thấy, một số tàu đánh cá của Trung Quốc có trang bị võ trang vãng lai quanh khu vực mà trước đây hãng BP của Anh quốc vì áp lực của Trung Quốc mà phải rút lui khỏi những hợp tác với Việt Nam. Rồi mới đây với lời tuyên bố của ông Michael Michalak vào hôm 20-08 tại Hà Nội là “Washington không muốn một ai can thiệp vào những doanh vụ của các công ty Mỹ đang thực hiện các hợp đồng thương mại”, ông nhìn vấn đề ra sao?

Ông Trần Bình Nam: Tôi nghĩ lời tuyên bố của ông Đại  sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là để hỗ trợ cho lời tuyên bố tháng trước của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã nói sự làm ăn của hãng Exxon Mobil tại Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp.

Trong lần này ông Michael Michalak tuyên bố rõ ràng hơn và có tính cách gọi là dằn mặt hơn là Hoa Kỳ không muốn thấy ai can thiệp vào công việc làm ăn của các công ty Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Tôi thấy đây là thái độ yểm trợ Exxon Mobil, những cũng có thể nói đây là một sự gián tiếp ủng hộ những động thái của chính quyền Việt Nam và đồng thời cũng là hành động nhắn nhủ Trung Quốc cần phải thận trọng trong những hành động của họ…

Còn việc Trung Quốc đưa những tàu đánh cá ngụy trang có vũ trang đến vùng mà BP của Anh quốc trước đây định khai thác với Việt Nam rồi sau khi bị Trung Quốc đe dọa thì họ thôi đó.

Chúng ta cũng nên nhớ là sau khi có những lời đe dọa từ Trung Quốc hãng BP của Anh đã thôi, nhưng sau khi thấy Exxon Mobil ký giao kèo với Việt Nam thì BP có tuyên bố là có thể họ sẽ trở lại khai thác ở vùng cũ trước đây đang khai thác.

Việc này cũng làm cho Trung Quốc rất bực mình cho nên bây giờ chưa đến lúc họ đụng chạm thẳng với Exxon Mobil, nhưng họ đụng chạm với BP tức là đưa tàu ra vùng mà BP hứa đã khai thác trước đây để nhòm ngó coi thử BP đang làm cái gì. Về phương diện biển, khi đưa lực lượng ra nhòm ngó như vậy cũng  là một thái độ có tính cách đe dọa.

Việt Hùng: Trong những lời tuyên bố có liên quan đến vấn đề biên giới lãnh hải từ các nhà lãnh đạo Việt Nam với Trung Quốc thì thường thường người ta thấy các nhà lãnh đạo Hà Nội thường rất dè dặt, nay với lời tuyên bố của ông Vũ Dũng “mạnh” như vậy, liệu có phải là sự bức phá trong thế “gọng kìm” về sách lược mà Hà Nội đã chọn kể từ giữa nhiệm kỳ đại hội 10 đảng Cộng sản Việt Nam?

Ông Trần Bình Nam: Trong quan hệ giữa Trung Quốc – Hoa Kỳ thì Việt Nam hết sức thận trọng, nhưng thận trọng thế nào đi nữa thì việc gì tới sẽ phải tới chứ không thể dấu diếm mãi được, thành ra tôi nghĩ đến thời điểm này Việt Nam cũng không thể dùng những lời lẽ nhẹ nhàng được, đã đến lúc Hà Nội phải bày tỏ thái độ.

Thành ra tôi nghĩ ván bài tay ba Trung Quốc – Hoa Kỳ - Việt Nam đến một thời điểm nào đó, tôi nghĩ cuối năm nay hay chậm lắm là năm 2009 nó sẽ rõ ràng hơn trên bàn cờ.

Vấn đề ở chỗ là thái độ của Việt Nam, tôi nghĩ là dù tuyên bố mạnh mẽ, nhưng trong lâu dài thì Việt Nam khi nào cũng sẽ chọn thái độ “vừa đủ mức” để không làm cho Trung Quốc có thể lấy cớ để gây hấn hay tạo ra những phản ứng mạnh.

Còn về phía Hoa Kỳ tôi thấy Việt Nam cũng có sự dè dặt cần thiết là tại vì rút kinh nghiệm khi Hoa Kỳ yểm trợ một nước nào đó đến khi mà xong công việc, xong mục tiêu của mình thì Hoa Kỳ có thể thay đổi chính sách đôi khi cũng hơi dễ dàng.

Tôi nghĩ Hà Nội cũng lo lắng về những điểm đó, nhưng về lâu về dài tôi nghĩ nếu nhà cầm quyền Hà Nội biết rút kinh nghiệm về những quan hệ của Hoa Kỳ đới với các nước khác trên thế giới thì thấy rằng cũng không có gì phải quan ngại nhiều về vấn đề đó.

Tại vì trong quan hệ với Hoa Kỳ, muốn cho quan hệ trở nên bền vững thì mình phải phát huy nội lực để cùng với Hoa Kỳ làm công tác chung để bảo vệ quyền lợi chung. Thí dụ như Hoa Kỳ trước đây không bao giờ bỏ Nam Hàn, Hoa Kỳ cũng không bao giờ bỏ Do Thái là vì những quốc gia đó họ có phát huy nội lực của họ.

Thành ra nếu Hà Nội mà rút được kinh nghiệm đó thì Hà Nội cũng không có gì để mà phải sợ, nếu như chính quyền Hà Nội biết phát huy nội lực của mình  bằng cách vận động sự yểm trợ của dân chúng đứng sau lưng mình…

Việt Hùng: Cám ơn ông Trần Bình Nam.
Category: Chính trị | Views: 1243 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0