1. Việt Nam Đã và Đang Mất Dần Nhân Tài
|
|
Nhân
tài, tiềm lực quan trọng chẳng khác gì các tài nguyên khác của quốc
gia, đã và đang bị hủy diệt bởi đường lối chính trị của các nhà lãnh
đạo Việt Nam đương thời. Trước đây, nếu những người yêu nước dưới lá cờ
Cộng Sản cho rằng họ chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ rừng vàng,
biển bạc cho đất nước và giành quyền tự do độc lập cho nhân dân thì
ngày nay chính họ là những người hủy hoại những tài nguyên này của quốc
gia kể cả chất xám, một nguồn lực vô giá của dân tộc Việt Nam. Cho đến
nay, không biết bao nhiêu tiêu đề về “chảy máu chất xám” được đề cập
trong các ban ngành, trên báo chí và các diễn đàn của Việt Nam. Đã có
nhiều bài biếm nhẽ về sự tham tiền của các du học sinh không chịu trở
về nước phục vụ sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài, nhiều bài phân tích về
nguyên nhân thất thoát chất xám và nhiều bài bàn luận các phương cách
thu hút những nhân tài trở về nơi sinh quán. Tuy nhiên, bất kể lời
trách móc thâm thúy hay cay đắng như thế nào, sự bàn bạc về cách thức
chiêu dụ lòng yêu nước qua “Hòa giải hòa Hợp”, “Đóng góp cho đất Nước”
và “Chiêu hiền đãi sĩ” sôi động ra sao, dòng chảy của chất xám Việt Nam
vẫn tuôn trào ra ngoài, không thể quay ngược lại và đất nước tiếp tục
mất dần nhân tài dưới nhiều hình thức khác nhau.
Sau
chiến tranh 1975, Việt Nam đáng phải được phát triển thành một nước
giàu mạnh và vượt bậc bởi sự hợp tác của tất cả những người dân của hai
miền, đã trở thành một nơi tàn phá nhân tài một cách khốc liệt.
Khác với các nước sau chiến tranh khác, chủ nghĩa cộng sản mà những
người lãnh đạo bắt toàn dân nước Việt tuân theo đã tiêu hủy không biết
bao nhiêu chất xám trong các trại học tập cải tạo, trong các chuyến
trốn ra nước ngoài và trong lòng biển. Nếu sau ngày đất nước bị chia
đôi năm 1954, miền Nam tiếp nhận một số lượng nhân tài của miền Bắc do
các chuyến di cư vào Nam thì sau ngày đất nước thống nhất, nhiều nhân
tài của cả nước mất dần sau những chuyến vượt biển. Sau khi Cao Ủy Tị
Nạn liên Hiệp Quốc quyết định đóng cửa các trại tị nạn, làn sóng trốn
ra khỏi nước của thuyền nhân được ngơi đi, những làn sóng tìm đường ra
khỏi Việt Nam qua hình thức lao động nước ngoài, và bảo lãnh theo diện
đoàn tụ gia đình vẫn tiếp tục. Các làn sóng ra khỏi nước ồ ạt này có
thể coi là hiện tượng người dân muốn thoát khỏi chế độ chính trị không
thích hợp hay vì đời sống xã hội đói nghèo và lạc hậu. Nói cách khác,
sự ra đi này bởi lý do chính trị hay kinh tế. Ngày nay, hiện tượng du
học của học sinh và sinh viên Việt Nam phổ biến đến độ nhiều người phải
tự hỏi có phải đây là làn sóng trốn ra khỏi nước vì lý do văn hóa.
Trong nước, không ai có thể giải thích một cách đường đường chính chính
về hiện tượng này; nhưng, nhà nhà, người người vẫn thi đua tìm cách ra
đi. Người nghèo đi theo cách của người nghèo, người giàu đi theo cách
của người giàu, người đẹp đi theo cách của người đẹp, và người tài giỏi
đi theo cách của người tài giỏi. Đã có biết bao nhiêu chuyến ra đi qua
đăng ký lao động nước ngoài, qua giấy tờ bảo lãnh theo diện hôn phu
thật lẫn giả, và qua du học. Nhiều phụ huynh giàu có ở Việt Nam đã tìm
cách đưa cho con ra nước ngoài học ngay từ bậc trung học để cho con họ
thoát chế độ thi vào Đại Học, sớm có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài
và có cơ hội gặp người bản xứ cho cuộc hôn nhân về lâu về dài. Đáng để
ý nhất là các học sinh, sinh viên giỏi do nhà nước tổ chức cho du học ở
nước ngoài. Những người này thường tìm cơ hội định cư tại các quốc gia
mà họ học xong chứ không chịu trở về nước. Không kể thành phần con cán
bộ giàu có bị rớt Đại Học và bị cha mẹ tống ra khỏi nước để tránh tình
trạng lông bông chơi bời hút xách, luồng nhân tài Việt Nam ra khỏi nước
ngày càng nhiều. Đa số là những người trẻ và số lượng rất đông. Vì hiện
tượng “Chảy máu chất xám” khá phổ biến ở Việt Nam, trở nên vấn đề tranh
cãi và bàn luận sôi động. Trong lúc nhiều ý kiến đổ lỗi cho thủ tục
rườm rà, hệ thống tuyển chọn không minh bạch, môi trường làm việc không
tốt, lương tiền thấp kém và chế độ ưu đãi không đúng mức; một số ý kiến
khác qui tội phản Tổ Quốc, không yêu nước, ham danh phận và lo ấm thân
cá nhân. Nếu hiện tượng vượt biển bị kết tội là vọng ngoại, vong bản,
hiện tượng lấy chồng ngoại quốc bị cho là ham giàu và hiện tượng du học
và định cư sau du học bị cho là vị kỷ, ham sang giàu thì phải chăng
Việt Nam từ sau năm 1975 cho đến nay đã sản sinh quá nhiều kẻ phản bội
Tổ Quốc? Hay là người dân Việt đã và đang tìm cách cứu tương lai cho họ
và gia đình họ? Phải chăng những hào nhoáng bên ngoài của chính sách
cởi mở, cải cách, và sửa sai chưa không đủ sức thu phục lòng tin của
người Việt sau nhiều năm chiêm nghiệm thực tế. Sự tìm cách đưa con cháu
hay cả gia đình ra khỏi nước bằng nhiều hình thức khác nhau của người
dân Việt đã chứng minh các chính sách đang thực hiện trong nước dù thay
đổi, mở hay cởi bao nhiêu vẫn không phát triển được tài năng của con
cháu họ. Việc âm thầm đưa con ra khỏi nước của người dân Việt đã chứng
minh hùng hồn thực hiện phương cách “Anh muốn nói gì thì nói, muốn làm
gì thì làm; tôi chỉ nghe vậy nhưng làm theo cách của tôi”. Đây
là một sự thật phũ phàng mà chính giới lãnh đạo Việt Nam không thể nào
phủ nhận nếu họ thực sự đối diện với lương tâm của họ. Điều buồn cười
là chính họ cũng tuồn con cháu họ ra nước ngoài du học để tìm đường
tiến thân hay định cư.
Sự thất thoát nhân tài do chế độ phong kiến vẫn còn tồn tại ở Việt Nam.
Mặc dù phê phán chế độ độc đoán của thời quân chủ phong kiến, chế độ
phong kiến biến dạng của Cộng Sản không khác nào lối “Ý vua là ý trời!
Nghịch ý vua là xử chém!” của thời vua chúa xa xôi. Áp dụng chế độ độc
đảng, độc quyền theo kiểu phong kiến biến dạng để kiểm soát tư tưởng
của người dân, điều khiển hành động của người dân và thống trị đời sống
tinh thần nhân dân, giới lãnh đạo Việt Nam đã bóp chết nguồn chất xám
ngay trong cái nôi của nó. Đã có biết bao nhiêu nhân tài đề cập trung
thực chuyện “ở truồng của vua” nhưng vua vẫn khăng khăng là đang mặc
chiếc áo đẹp. Rốt cuộc cho việc phủ nhận này là những nhân tài như tiến
sĩ Nguyên Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu), nhà báo Nguyễn Vũ Bình, kỹ sư Đỗ Nam
Hải, luật sư Lê Chí Quang, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Nguyễn Văn
Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân hoặc bị kiểm điểm hoặc bị cô lập, quấy
rối, hành hung hay giam cầm. Tiếc thay cho Việt Nam của chúng ta! Những
người tài như thế đáng ra phải có cơ hội phục vụ cho sự phú cường và
độc lập của đất nước, trí tuệ và tuổi xuân họ đều bị tàn phá và tiêu
hao!
Nhật
Bản không được thiên nhiên ưu đãi như Việt Nam nhưng là một cường quốc
hàng đầu của châu Á với một tiềm lực kinh tế hàng đầu của thế giới. Là
một quần đảo trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như núi lửa động đất,
dân tộc Nhật đã đưa nền kinh tế và đời sống xã hội của họ ngày càng
cao. Vì ý thức được mức kìm hãm của chế phong kiến và những liên quan,
Minh Trị Thiên Hoàng đã dứt khoát xóa hẳn những hệ lụy của chế độ này
và xúc tiến việc duy tân cho đất nước theo phong cách Âu Mỹ. Do phong
trào du nhập và áp dụng phong cách làm việc, luật pháp, phong tục, chế
độ giáo dục và thương mại theo lối Âu Mỹ, Nhật Bản đã phát triển đồng
bộ các ngành quan trọng cho đất nước. Bằng đường lối chính trị không
Cộng Sản, Nhật đã phát triển được nguồn chất xám của Quốc gia trong
nhiều mặt mà đặc biệt nhất là trong ngành công nghiệp. Chính tiềm lực
nhân tài này đã khống chế điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và đưa đất
nước họ trở nên độc lập, phú cường.
Mỹ
giàu có bậc nhất trên thế giới không phải chỉ vì được thiên nhiên ưu
đãi mà vì đường hướng chính trị kinh tế xã hội theo lối dân chủ. Sau
nội chiến, khác với chế độ lý lịch và phân biệt của đường lối Cộng Sản
tại Việt Nam, các điều luật trong hiến Pháp Mỹ đã bảo vệ quyền lợi công
dân một cách bình đẳng và công bằng. Ngoài những việc xây dựng đất nước
sau chiến tranh, sử dụng tài nguyên vốn có một cách hợp lý, và áp dụng
phương thức làm giàu cho đất nước một cách hiệu lực, Mỹ còn đầu tư và
phát triển chất xám cho tương lai đất nước một cách tối đa. Nếu trước
nội chiến (1861- 1865) Mỹ chỉ có 100 trường trung học công lập thì sau
15 năm(1880) số lượng trường trung học công lập của Mỹ tăng lên đến
800. Sau chiến tranh, Việt Nam có bao nhiêu phần trăm học sinh đến lớp?
Trong thời gian 32 năm, Việt Nam đã xây dựng thêm bao nhiêu trường công
lập? Và hiện nay đất nước có bao nhiêu phần trăm trẻ em cắp sách đến
trường?
Xã hội nghèo nàn và giáo dục lạc hậu cũng là nguyên nhân Việt Nam mất nguồn chất xám.
Vì kế sinh nhai của gia đình, nhiều trẻ em Việt Nam hiện nay không thể
cắp sách đến trường. Đáng lẽ phải ở lớp trong giờ học, các em lang
thang với những xâu bánh, thỏi kẹo, và vé số gọi mời khách mua. Đáng lẽ
phải được bắt buộc đến lớp học miễn phí và công bình, lối học kèm dạy
thêm và tiền học phí cao trở thành những tấm rào cản cho việc phát
triển trí thông minh của các em. Sự âm thầm chịu thua thiệt của các em
là hiện tượng nguồn chất xám của tương lai đất nước đang bị hủy hoại
dần theo cảnh cơ hàn và sự chênh lệch khá lớn giữa giàu và nghèo trong
xã hội. Khác với Việt Nam, Mỹ là một nước tự do nhưng không có nghĩa là
trẻ em Mỹ có quyền tự do không đi học. Ngoài những trường hợp đặc biệt
do phụ huynh yêu cầu tự dạy cho con ở nhà sau khi nhận chương trình học
hay cho con vào các trường tư thục, các trẻ em Mỹ đều được học miễn phí
tại trường công lập và đều phải đến trường. Ngay cả những trẻ em khuyết
tật hay có yêu cầu đặc biệt cũng được chu cấp giáo dục đầy đủ và hoàn
thiện. Ở Mỹ, phụ huynh nghèo cần trợ cấp tài chính, thực phẩm, y tế hay
nhà ở đều phải có giấy chứng thực là con họ đang học ở trường mới có
thể nhận được những phục vụ này. Nếu trẻ em Mỹ lảng vảng ngoài đường
trong thời gian học từ khoảng tám giờ sáng đến ba giờ rưỡi chiều, sẽ bị
cảnh sát chất vấn và đưa trở lại trường ngay. Ở Việt Nam, các em được
đến trường phải chịu lối giáo dục áp đặt theo đường hướng yêu chủ nghĩa
Xã Hội. Vì phải tiếp thu kiến thức đã được đặt sẵn và trả lời bài làm
theo những điều đã định, các em này không thể nêu nhận định một cách
thành thật sau khi phán xét và suy luận. Các em
phải đồng ý theo sự khinh ghét giai cấp giàu có, đề cao giai cấp công
nông và căm thù kẻ địch qua các bài văn học, lịch sử và đạo đức Việt
Nam. Ngoài ra, các em còn phải coi trọng chủ nghĩa Max Lê Nin và tôn
sùng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh như một chân lý sống tuyệt đối. Có
thể nói trường học Việt nam như là những cái khuôn nhào nặn các khối óc
non trẻ theo một kiểu nhất định chứ không tạo điều kiện cho học sinh
tính độc lập suy nghĩ và phát triển trí thông minh sẵn có. Không như
cách thức đào tạo của trường Việt Nam, các trường học ở Mỹ hay ở các
nước dân chủ tạo điều kiện cho học sinh học hỏi, tham khảo, và nhận
định về các lý thuyết xã hội chính trị và tính cách cá nhân của các vị
lãnh đạo của nước họ hay của các nước trên thế giới một cách độc lập và
tự do. Có biết bao vị tổng thống Mỹ cống hiến tài năng và sức lực cho
đất nước họ trở nên phú cường và đời sống xã hội của họ ngày càng cao
nhưng có vị nào được nêu danh, thần tượng hóa như lãnh tụ Hồ Chí Minh
của Việt Nam? Hơn thế nữa, sau nội chiến, Mỹ tôn trọng những di tích
lịch sử của quốc gia chứ không áp đặt mọi người khẳng định ai địch ai
ta hay ai phải ai trái. Nhờ quyền tự do ngôn
luận và tự do báo chí đã có nhiều cuốn sách lịch sử và tài liệu ghi lại
trung thực những sự kiện trong quá khứ. Đây là những nguồn tham khảo
quý giá giúp cho giới trẻ Mỹ thấu hiểu những gì đã xảy ra trong nước họ
cũng nhu trên thế giới. Đồng với sự lợi ích của quyền tự do này, lối
học tìm hiểu, phân tích và rút ra kết luận giúp cho học sinh Mỹ có thể
phát triển tư duy một cách độc lập và thông minh. Do những lẽ này mà
các lãnh vực giáo dục, nghiên cứu và khoa học của Mỹ phát triển nhanh
và mạnh.
Dù
bộ giáo dục Việt Nam cố gắng thực hiện mục tiêu đào tạo những con người
yêu Xã Hội Chủ nghĩa như thế nào, vẫn không thể thành công vì sự mâu
thuẫn giữa lý thuyết trong nhà trường với những chuyển biến mới của sự
chênh lệch giàu nghèo của xã hội Việt Nam hiện nay. Thêm vào đó, sự tìm
hiểu thế giới bên ngoài qua hệ thống thông tin toàn cấu đã làm lớp
người trẻ Việt nam không còn tin vào những gì chúng học trong nhà
trường và tỏ ra thờ ơ khá nhiều với lịch sử nước nhà. Sự mất lòng tin
đối với đường lối giáo dục của Việt Nam không những đã hủy diệt tính
ham học của thế hệ trẻ mà còn tạo nên sự bất mãn ghê gớm trong lòng phụ
huynh. Dưới áp lực thi cử của đại học, phụ huynh đã tốn không biết bao
nhiêu công sức đưa đón các con họ từ các lớp học thêm rồi cuối cùng
phải tìm đường cho con ra nước ngoài học tập.Trong khi những phụ huynh
có điều kiện tài chính tuồn con ra khỏi nước, phụ huynh nghèo đã để con
họ thất học ngay tại bậc tiểu học. Trong khi nhiều lớp mở ra cho bậc
trung học và đại học thì các lớp ở bậc tiểu học giảm dần đi. Dưới hai
hình thức này, các trường học Việt Nam dần dần ở dạng đầu voi đuôi
chuột. Trong khi các em nhỏ không được đến trường khiến nguồn thông
minh từ những bộ não non nớt ấy bị giết lần mòn, còn những em đến
trường thì vô hướng sau khi tốt nghiệp.
Các
nhà quản lý giáo dục Việt Nam không phát triển được nguồn nhân tài lớn
rộng của đất nước vì không tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển
một ngành giáo dục ngang tầm với chương trình giáo dục quốc tế. Do
tham nhũng, hối lộ và phe cánh, việc xây dựng trường học, phát triển
trang thiết bị và lương giáo viên thực hiện một cách trì trệ và hình
thức. Trong khi các em học sinh ở Việt Nam phải chịu cảnh thiếu lớp
thiếu trường, thiếu lớp và trang thiết bị thiếu chất lượng hàng năm,
các trường ở Mỹ phải chuẩn bị chu đáo cho sự xét duyệt phẩm chất trước
ngày khai giảng. Không chỉ những người chịu trách nhiệm trong ngành
giáo dục mà ngay cả các giới lãnh đạo trong các ban lãnh vực khác của
Mỹ cũng quan tâm đến sự phát triển nhân tài trong nước họ. Các phong
trào và đạo luật “Xây dựng một đứa trẻ cần sự hợp tác của một cộng
đồng”, hay “Không để một đứa trẻ nào bị thua thiệt” đã huy động thầy cô
giáo, những câu lạc bộ dạy thêm, những công tác thiện nguyện đã giúp đỡ
cho nhiều em học sinh có điều kiện học, học giỏi và phát triển trí
thông minh. Trong các bài báo và sách vở của nước Cộng sản, các nhà đại
tư bản kếch xù Mỹ thường bị kết án là giai cấp bóc lột; thực tế, họ là
những người đóng góp rất nhiều trong công tác trợ cấp xã hội qua việc
đóng thuế lợi tức cá nhân. Các tỉ phú như vua dầu Rockefeller, vua thép
Andrew Carnagie, và vua điện toán Bill Gate đã cống hiến số lượng tài
chính đáng kể cho các phúc lợi xã hội Mỹ như xây trường học, bệnh viện,
thư viện, đại sảnh dành cho phòng hội họp, và các trang thiết bị quan
trọng khác cho các phòng thí nghiệm trong các trường học. Nhờ những
đóng góp tài chính và những công tác thiện nguyện này mà Mỹ phát triển
nhân tài ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, Việt Nam có nhiều người giàu
đến độ không ai hiểu đất nước còn tiến lên chủ nghĩa Cộng Sản hay đang
ngược về xã hội tư bản. Dù ở hướng nào, những người giàu trong xã hội
Việt Nam hiện thời cũng được mang danh là giới tư bản đỏ. Trong lúc
giới này thi đua phát triển ngành du lịch như xây dựng các nhà hàng,
khách sạn, quán rượu, chỗ nhảy đầm, sân golf, trường đua ngựa... thì
ngành giáo dục cho sự phát triển công nghiệp hoá không hề được quan
tâm. Trong khi các bậc cha anh nhậu nhẹt ăn chơi bàn tán những mối lợi
về các tổ chức ca nhạc, trình diễn thời trang, tuyển chọn ca sĩ, tuyển
chọn hoa hậu... thì các chất xám trẻ lang thang trên các vỉa hè gọi mời
người mua thuốc lá, mua đậu phọng, mua kẹo cao su, hay mua vé số... Thử
hỏi nguồn chất xám của tương lai Việt Nam sẽ đi về đâu?
Chính vì đường lối chính trị nhập nhằng, kinh tế đình trệ và xã hội mâu thuẫn mà nguồn chất xám của đất nước bị mất dần đi.
Sau thời gian cấm vận, một số người trốn ra khỏi nước trước đây tin
rằng Việt Nam đã thực sự đổi mới, quyết định quay về góp phần xây dựng
đất nước, nhưng sau đó đã chán nản rút lui vì những thực tế không tốt
đẹp như họ tưởng. Những người này thường lớn tuổi, số lượng ít ỏi và
ngày một giảm dần đi. Nếu ngay sau thời gian cấm vận, người Việt ở Hải
Ngoại nghĩ đến sự góp kiến thức học hỏi ở nước ngoài để xây dựng đất
nước bao nhiêu thì ngày nay họ không còn tư tưởng ấy nữa. Có người nói
rằng “Trước đây tôi nghĩ là sẽ về Việt Nam làm việc và sống cho đến
chết nhưng về nước thấy cung cách làm việc chẳng tiến bộ gì tôi thà ở
xứ người mà thấy giúp ích hơn. Người khác tuyệt vọng rằng: “Còn lâu
lắm! Họ mạnh quá mà! Phải thêm một đời nữa, một thế hệ nữa thì may ra
đất nước ta mới có Dân Chủ! Ngày đó chắc chúng ta cũng chết hết rồi!”
Người khác chua chát hơn: “Muốn về Việt nam làm việc hay ở phải có
tiền. Nhưng tiền chỉ đủ làm vừa lòng một người mà không làm vừa lòng
nhiều người khác thì đâu sống nổi. Chẳng thà ở nước có Dân Chủ, có luật
lệ hẳn hoi, không bị ai bắt chẹt, sống an toàn hơn!” Đa số đều than van
về vẻ giả tạo khang trang của đất nước, về sự khăng khăng cố chấp của
những người lãnh đạo đất nước và những chính sách cực đoan làm mất
nguồn nhân tài. Thực tế, nhiều trí thức ở Việt Nam có tài nhưng không
có Đảng đều không được sử dụng hay sử dụng một cách không thích
đáng.Trong khi đó, những cán bộ có bằng cấp tại chức, đến sở để nhận
lương Nhà Nước chứ không hề giúp ích gì cho sự
phát triển một nền khoa học hiện đại, một nền kinh tế công nghiệp ngang
tầm với thế giới. Vì đường hướng nửa nạc nửa mỡ, giới lãnh đạo Việt Nam
đã không tạo được sự tin tưởng và lôi kéo lại nguồn chất xám đã mất mà
còn tuồn cho các công ty lớn của nước ngoài ngay tại trong nước một số
lượng khá lớn. Sau khi trở về nước, các du học sinh Việt Nam thường
kiếm việc làm ở các công ty nước ngoài vì mức lương và chế độ ưu đãi
hậu hỉ hay chỉ làm cho các cơ quan Nhà Nước một thời gian rồi cũng
chuyển sang làm việc cho các công ty nước ngoài như Nam Hàn, Nhật,
Pháp, Úc... vì chán chê với lối làm việc quan quyền, phe cánh, hối lộ
và tham nhũng của các quan chức Việt Nam. Nếu trước đây luồng nhân công
lao động Việt Nam tình nguyện sang các nước Xã Hội Chủ Nghĩa và các
nước dân chủ khác làm việc để mưu sinh cho gia đình thì ngày nay những
công ty lớn của nước ngoài đầu tư thu hút nguồn nhân công rẻ mạt và
nguồn nhân tài từ số du học sinh ngay tại nước Việt Nam một cách dễ
dàng và thuận lợi. Đây có thể coi là máu chất xám của Việt Nam chảy vào
các nước khác ngay ở trong nước. Điều đáng buồn cho hiện tượng này là
nguồn tài chính đầu tư cho những sinh viên du học đã bị lấy mất và sự
thông minh của người Việt Nam bị sử dụng bởi các quốc gia khác qua các
công ty của họ. Cứ như thế, dân tộc ta suốt đời mãi chịu kiếp làm thợ
làm công chứ không bao giờ có cơ hội làm chủ để có cơ hội đưa nền kinh
tế đất nước mở mang, phát triển và độc lập. Phải chăng giới lãnh đạo
của đất nước hiện nay vẫn còn muốn dân tộc gắn bó với “giai cấp công
nhân tiên phong”? Phải chăng Đảng và Nhà Nước chỉ muốn dân tộc ta tiếp
tục làm nô lệ cho các nước ngoài? Phải chăng sự luồn cúi với các nước
lớn là số kiếp mà cả dân tộc chúng ta phải chịu đựng muôn đời? Và phải
chăng lòng kiêu hãnh của chúng ta vẫn còn tồn tại khi nhìn những người
lãnh đạo đất nước chầu chực các nước lớn để xin xỏ và quỵ lụy điều nọ
điều kia trong các chuyến công du của họ?
Đất
nước ta chỉ có thể trở thành độc lập và phú cường thật sự khi nguồn
nhân tài của dân tộc được bảo tồn, phát triển và sử dụng đúng mức. Muốn
thế, Việt Nam cần dứt khoát với những hệ lụy của chế độ phong kiến,
những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ và cực đoan. Qua kinh nghiệm của lịch
sử trong và ngoài nước, chúng ta cần nhìn thấu đáo mọi sự việc để xét
đoán một cách sáng suốt phương cách đưa đất nước thoát khỏi sự phụ
thuộc vào các nước lớn, và được độc lập tự trị như Nhật Bản. Muốn lèo
lái đất nước đến chỗ độc lập phú cường, muốn giữ gìn tài sản tinh hoa,
và phát triển tinh thần dấn thân cống hiến của cả dân tộc, Việt Nam
trước hết cần một nhân tài xuất chúng. Một người vừa có tâm, vừa có tài
trong việc lèo lái đất nước theo một hướng mới mẻ và tươi đẹp. Điều này
thực hiện sớm hay muộn tùy vào sự can đảm và lòng nhiệt thành của người
ấy.
Tâm Ngọc-LTCP56