Chủ Nhật, 2024-11-24, 9:10 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 8 » Đổi mới cần có đa nguyên văn hóa
5:35 PM
Đổi mới cần có đa nguyên văn hóa
BBC
 

 
 
Tranh của họa sĩ nước ngoài trưng bày ở Bảo tàng Mỹ Thuật ở Hà Nội
Trào lưu trao đổi văn hóa Đông Tây đang đến với Việt Nam
Nhân cuộc tranh luận về vai trò phản biện của giới trí thức và những người làm truyền thông tại Việt Nam, BBC xin đăng những đoạn quan trọng trong một bài viết không được đăng trọn vẹn ở trong nước của nhà sử học Nguyễn Thừa Hỷ:

Trong lịch sử phát triển của các quốc gia-đặc biệt là các nước nông nghiệp trong đó có Việt Nam, văn hoá thường kết tinh và phân nhánh thành hai tuyến.

Trên cơ sở thực thể đời sống kinh tế-văn hoá, đã hình thành một nhân cách cộng đồng, một tâm thức xã hội phản ánh tâm lý, lối sống của những tầng lớp quần chúng bình dân.

Mặt khác, phản ánh và để duy trì những thiết chế chính trị, đã xuất hiện một hệ tư tưởng chính thống đúc kết những quan điểm, nếp nghĩ mang tính chuẩn mực mô hình của giai tầng thượng lưu thống trị.

Một hệ quả của đa dạng, đa nguyên văn hoá chính là tinh thần khoan dung khoan thứ (tolérence). Đó chính là một chính sách chung sống hoà bình về văn hoá tư tưởng, mà có lúc đã bị coi là điều cấm kỵ.

Trong lịch sử, cũng như Trung Hoa, Việt Nam đã có cả một truyền thống lâu đời về khoan dung tôn giáo (Tam giáo đồng nguyên), tạo cơ sở cho tinh thần đoàn kết xã hội, đoàn kết dân tộc.

Đối trọng và phản biện

Về mặt xã hội, đa dạng đa nguyên văn hoá là đặc trưng của một xã hội đối trọng-phản biện. Trong một xã hội có đối trọng, những quan điểm khác biệt, phi chính thống, thậm chí đối lập được phép tồn tại và phát biểu công khai hợp pháp, miễn là nó không phải là những hành động vi hiến.

Những người theo chủ nghĩa độc quyền chân lý, một khi có quyền lực trong tay, thường cho thi hành chính sách cực quyền toàn trị văn hoá (total itarisme culturel), một dạng thức của chủ nghĩa duy ý chí cực đoan trong việc áp đặt văn hoá.

 Việt Nam đã có cả một truyền thống lâu đời về bao dung tôn giáo, tạo cơ sở cho tinh thần đoàn kết xã hội, đoàn kết dân tộc
 
TS Nguyễn Thừa Hỷ

Xuất phát từ một định đề mang tính chất tiên quyết cho rằng chỉ có mình là duy nhất đúng đắn, những chính thể toàn trị này đã can thiệp sâu vào mọi mặt của đời sống văn hoá tư tưởng của dân chúng, áp đặt, bắt buộc mọi người phải suy nghĩ, hành xử, sống theo một khuôn mẫu, và những tiêu chí chuẩn mực đã định sẵn, dựa theo những giáo điều kinh viện cổ điển lấy làm nguyên mẫu của mọi hệ tư tưởng chính thống.

Chủ nghĩa toàn trị văn hoá về mặt xã hội đã tạo nên những mô hình ảo, về mặt con người đã tạo nên những mẫu người ảo, chỉ có trong quan niệm ý tưởng chủ quan, chứ không tồn tại (hoặc tồn tại rất cá biệt) trong cuộc sống thực tế. Đó là những xã hội, những con người “như nó phải có” (comme il faut) chứ không phải “như nó vốn có” (comme il est).

Những tham vọng không tưởng về đời sống văn hoá của những thể chế toàn trị là rất lớn. Để chiến thắng và duy trì trật tự, họ muốn đồng phục hoá, toàn bộ xã hội về mặt trí óc để dễ bề cai quản. Có thể coi đó là hành động nhân bản sinh sản vô tính về văn hoá, tạo nên những thế hệ rôbốt triệt tiêu mọi cá tính cũng như tính đa dạng văn hoá.

Cuộc sống đã chứng minh rằng, mọi chủ nghĩa, thể chế toàn trị về chính trị cũng như về văn hoá, dù có thể đã tồn tại được trong một thời gian ngắn hay dài, nhưng cuối cùng đều không tránh khỏi bị lịch sử phản bác vào đào thải.

Bên cạnh hiện tượng thần thánh hoá cá nhân, là hiện tượng thần thánh hoá, tuyệt đối hoá những học thuyết, chủ nghĩa được dùng làm hệ tư tưởng thống trị. ở đây, học thuyết đã biến thành những giáo điều kinh thánh, người theo học thuyết trở thành những tín đồ nhiều khi đến mức mê muội, cuồng tín…

Sự thực, không phải tất cả những môn đệ của chủ nghĩa giáo điều đều là những người ngu tín, tin tưởng một cách ngây thơ, cố chấp và mù quáng. Họ cũng đã nhận ra những khuyết tật, sự lỗi thời của học thuyết nhưng trong điều kiện của một môi trường mà đa dạng, đa nguyên văn hoá bị thủ tiêu, họ đã trở thành những tù binh của ý thức hệ.

Họ không vượt qua được bản thân mình để dám nghĩ khác, nói khác những điều chính thống đã từng ngự trị và chi phối đời sống tinh thần của họ, nghĩa là không dám nói lên sự thật. Và lúc đó, sự dối trá sẽ trở thành một bệnh dịch tinh thần lan truyền trong xã hội, trong đó, người ta vừa là những tòng phạm, vừa là những nạn nhân.

Tính toàn cầu

Liên Hợp Quốc và tổ chức UNESCO trong khóa họp lần thứ 31 ngày 2 tháng 11 năm 2001, Hội nghị toàn thể của UNESCO đã nhất trí thông qua "Bản tuyên ngôn phổ quát về đa dạng văn hóa" mang nhiều ý nghĩa với phần Dẫn luận và 12 điều khoản.

Tuyên ngôn nhấn mạnh rằng đa nguyên văn hóa cũng cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với thế giới tự nhiên. Nó là di sản chung của loài người, thừa nhận tính đặc hữu, nhiều vẻ của bản sắc của những xã hội và những nhóm người khác nhau của nhân loại.

Đa dạng văn hóa chính là nhân tố của sự phát triển, là nguồn sức mạnh của mọi sáng tạo…Đa dạng, đa nguyên văn hóa cần được thực hiện thông qua quyền tự do tự biểu đạt, sự bình đẳng tiếp cận tới những thông tin và công nghệ truyền thông...

Ngày nay, đa dạng văn hoá đã trở thành một xu thế lịch sử tất yếu, không thể đảo ngược được trong đời sống toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Đó là mấu chốt, chìa khoá cho sự đổi mới văn hoá-tư tưởng.

Xã hội Việt Nam đang bước mạnh trên con đường Đổi Mới, toàn diện và triệt để, trong đó đổi mới văn hoá vừa là một hệ quả đồng thời vừa là một tác nhân. Muốn cho sự đổi mới có hiệu quả thiết thực, trước hết chúng ta cần xây dựng những điều kiện cho một hạ tầng cơ sở văn hoá mới.

Nhà nước cần tạo dựng những thiết chế văn hoá đa thành phần, cũng như đã tạo dựng một cấu trúc kinh tế đa thành phần, trong đó nguyên tắc đa nguyên văn hoá được tôn trọng, có sự chung sống hoà bình lưỡng nguyên đối trọng giữa các yếu tố nhà nước và dân gian, giữa những yếu tố quan phương-chính thống và những yếu tố phi quan phương-phi chính thống.

Sự thực đây cũng chỉ là hành động thừa nhận hợp pháp hoá một thực tế đã có, đang tồn tại trong xã hội hậu quan liêu bao cấp ngày nay cũng như nó đã từng tồn tại trong lịch sử.

Tranh của họa sĩ nước ngoài trưng bày ở Bảo tàng Mỹ Thuật ở Hà Nội
Tranh của họa sĩ nước ngoài trưng bày ở Bảo tàng Mỹ Thuật ở Hà Nội

Muốn vậy, cần giảm bớt càng ít càng tốt sự chỉ huy, can thiệp của chính quyền nhà nước vào các mặt của đời sống văn hoá nhân dân, thi hành chính sách tự do văn hoá, bên cạnh chính sách tự do kinh tế, từ bỏ nền văn hóa chỉ huy, tháo dỡ cơ chế quan liêu bao cấp về tư tưởng. Một nền văn hóa mở, khoan thứ, đa sắc và đa khuynh hướng chính là một nền văn hóa của mọi tầng lớp và mọi nhóm xã, của mọi người dân.

Cần khuyến khích để hình thành những trào lưu văn hoá mới trong quần chúng, đổi mới những quan điểm, tâm thức và hệ giá trị, theo hướng đề cao chủ thể văn hoá, ý thức về quyền lợi và trách nhiệm công dân.

Những trào lưu này phải mang tính tự nguyện, xuất phát từ chính nhu cầu của cuộc sống nhân dân, nếu có thể nói, mang đặc điểm của một “mốt thời thượng” mượn thuật ngữ "lý thuyết thiết kế cơ chế" (mechanism design theory) của nhà kinh tế học được giải Nobel 2007 Leonid Hurwigz.

Theo ý này chúng ta thấy rằng thay vì một thao tác đậm chất chủ quan, giáo điều duy y chí "xây dựng một mô hình văn hóa", nên chăng chuyển sang một thao tác mềm dẻo hơn tạm gọi là "thiết kế cơ chế văn hóa", để làm sao thu hút được tối đa số người tự nguyện tham gia vào cấu trúc và vận hành cơ chế chung, trong khi vẫn hướng tới những sở thích và lợi ích của riêng bản thân mình.

Đó không phải là sự áp đặt chủ quan một khuôn mẫu, một hệ giá trị với những tiêu chuẩn được chỉ đạo soạn thảo sẵn, từ trên ban xuống, rao giảng cho quần chúng noi theo, như kiểu bản"24 điều giáo huấn" thời Lê Thánh Tông, "47 điều giáo hóa" thời Lê Trịnh, hay "Thập huấn điều" thời Minh Mệnh.

Tuy nhiên, sự đổi mới thực chất nhất, sâu xa nhất, bền vững nhất vẫn là sự thay đổi tư duy, tâm thức, những cuộc “cách mạng tâm hồn” của từng con người trong xã hội. Chúng ta biết rằng tư tưởng tâm hồn con người chỉ có thể thay đổi một cách triệt để, một khi hiện thực cuộc sống, những điều kiện sống của xã hội thay đổi.

Đến lượt nó, khi tâm thức và nhân cách mới của cá nhân đã tồn tại một cách phổ biến, trở thành xã hội hoá, nó sẽ góp phần tạo nên một tâm thức xã hội, một nhân cách cộng đồng, làm nền tảng tinh thần cho một văn hoá mới. Đó chính là tác động tương hỗ, hai chiều giữa con người và xã hội, giữa những chiều kích nhân văn và những chiều kích kinh tế.

Tóm lại, ở Việt Nam ngày nay, đa dạng đa nguyên văn hóa chính là tiền đề và nội dung cơ bản của đổi mới văn hóa, đổi mới xã hội.

Bài viết của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hỷ, nguyên Tổng Thư Ký Hội Sử học Hà Nội, đã được đăng trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 8/2008. Nhưng rất nhiều đoạn đã bị cắt bỏ do nhà chức trách coi là "nhạy cảm, có thể gây phương hại đến môi trường chính trị xã hội Việt Nam". Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Quý vị có ý kiến gì xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1027 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0