- Việc nghiên cứu để
bỏ HĐND cấp huyện, quận là một vấn đề không mới, đặt ra từ lâu rồi nhưng
đến Hiến pháp 1992 cũng không bỏ được. Nay đặt vấn đề thí điểm việc bỏ
HĐND cấp huyện, quận là cách làm thận trọng hơn, cẩn thận hơn trước khi
muốn mở rộng ra đại trà. Nhưng theo tôi, nếu là thí điểm một vấn đề kinh
tế cụ thể, bức xúc của đời sống nhân dân thì chúng ta có thể từ thí điểm
để mở rộng ra. Nhưng đây lại là một vấn đề nhạy cảm, quan trọng trong hệ
thống chính trị thì có nên thí điểm không? Trên cơ sở nào để làm thí
điểm thì phải trình bày rõ ra: tổng kết thế nào, đánh giá thế nào, kinh
nghiệm, mô hình trên thế giới ra sao... cần được thảo luận kỹ.
- Theo tôi, nói là không vi hiến là nói lấy được. Hiến pháp đã quy
định HĐND có ở các cấp, tức là các cấp hành chính, cấp chính quyền đều
có cơ quan dân cử, trung ương có Quốc hội, tỉnh, huyện, xã có HĐND. Nó
như một cơ thể hoàn chỉnh, thế mà chúng ta thí điểm (thực ra thí điểm
tiến tới bỏ nó đi), mà trong Hiến pháp ghi như vậy rồi, theo quan niệm
của tôi thì thực hiện thí điểm là chưa hợp lý, có thể nói là chưa đúng.
Việc thí điểm bỏ HĐND cấp huyện, quận phải trình QH xem xét, thông qua.
Nếu thấy chín muồi thì QH phải ra nghị quyết và nghị quyết đó phải tuân
thủ nguyên tắc của Hiến pháp. Việc nghiên cứu tổng thể hệ thống chính
trị của nước ta còn nhiều chỗ có thể chưa hợp lý, cần thay đổi hợp lý
hơn, hiệu quả hơn. Tôi là con người đổi mới, tôi ủng hộ việc đó, nhưng
mỗi việc làm phải tính toán chặt chẽ. Chúng ta xây dựng nhà nước pháp
quyền thì chính chúng ta phải bảo vệ Hiến pháp, cái gì làm khác với Hiến
pháp thì phải nghiên cứu rất kỹ và phải làm đúng thủ tục, quy trình.
- Nói HĐND cấp huyện hình thức là đúng. Nhưng khi thảo luận Hiến
pháp năm 1992 thì chúng ta đánh giá hoạt động HĐND cấp tỉnh, cấp huyện
và cấp xã đều còn mang tính hình thức. Cho nên, khi đó có một số ý kiến
cho rằng, bỏ HĐND cấp huyện và cấp xã để tập trung vào HĐND cấp tỉnh.
Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng không cần có HĐND cấp tỉnh. Tuy
nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình xoá HĐND cấp xã, cấp huyện vì HĐND
cấp xã, cấp huyện gắn với dân, gần gũi với người dân cho nên không thể
bỏ được. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, gắn bó gần gũi với người dân
nhưng vẫn là hình thức thì cũng nên bỏ. Tuy nhiên, đa số đều cho rằng là
không thể bỏ được một cách đơn giản như vậy.
Sau Đại hội VI của Đảng năm 1986, tại kỳ họp Quốc hội, Tổng bí thư
Nguyễn Văn Linh có bài phát biểu trước QH, đồng chí nói rằng, QH của
chúng ta lâu nay hoạt động hình thức như là “cây kiểng” để điểm cho thêm
đẹp (theo cách nói miền Nam). Thế bây giờ cứ cái gì còn mang tính hình
thức là bỏ đi à? Hay là chính chúng ta phải tìm nguyên nhân sâu xa là
tại sao nó hình thức? Ai để nó hình thức? Tôi cho đây là vấn đề lớn
nhất. Nếu vậy, kể cả hệ thống dân cử của chúng ta còn mang tính hình
thức, hệ thống chính trị của chúng ta cũng còn rất nhiều vấn đề hình
thức. Đấy, chúng ta phải nghiên cứu trên cái tổng thể đó, chúng ta xem
cái bệnh hình thức nó ở chỗ nào để tìm cách sửa chữa chứ không phải cứ
nhằm vào HĐND quận, huyện, phường hình thức thì bỏ đi.
- Tôi cho là vấn đề
bỏ HĐND cấp huyện... là vấn đề rất lớn, phải bàn trong các phương án
tổng thể và phải có nội dung chi tiết, cụ thể. Thí dụ, bây giờ bỏ HĐND
cấp huyện thì Ban chấp hành Đảng bộ của huyện đó sẽ được tổ chức như thế
nào? UBND của quận, huyện đó được xây dựng ra sao? Rồi MTTQ và các đoàn
thể cấp huyện có còn tồn tại không? Mối quan hệ của HĐND cấp tỉnh đối
với cấp huyện, cấp xã như thế nào? Không có HĐND nữa thì có còn gọi là
UBND quận, huyện hay không? Rất nhiều vấn đề đặt ra nhưng tôi sợ là
chúng ta chưa tính toán hết. Đây là một vấn đề lớn, chúng ta cần thảo
luận cho kỹ rồi sau đó trưng cầu ý dân và được sự đồng tình của nhân dân
thì tốt biết bao. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền mà nhà nước
là của dân, do dân, vì dân. Vì sao các vấn đề lớn của đất nước mà dân
không được thảo luận, dân không được bày tỏ ý kiến của mình?
- Theo tôi, trước hết cần đặt ra ở tầm vĩ mô, tức là tổng thể
trong một hệ thống chính trị. Chúng ta phải tính một cách đầy đủ, hợp
lý tất cả các bước đi, nếu thấy bài bản rồi thì mới tính tới sửa Hiến
pháp. Từ việc sửa Hiến pháp, việc sửa Luật tổ chức HĐND và UBND là bước
tiếp theo.
- Tôi muốn nói một cách hình tượng là, không thể mang một bộ phận
của cơ thể con người ra làm thí nghiệm, cũng như không thể đưa một nội
dung trong tổ chức của hệ thống chính trị ra làm thí điểm. Vì thế, chúng
ta nên nghiên cứu, thảo luận, tổng kết minh bạch, công khai hoạt động
của HĐND các cấp từ năm 1946 đến nay. Để trên cơ sở đó, thấy cái gì hợp
lý thì bổ sung, hoàn thiện để tính tới sửa Hiến pháp rồi sửa đổi Luật Tổ
chức HĐND và UBND. Chúng ta phải trở lại cách làm bài bản, khoa học. Vấn
đề này cũng quan trọng, cần thiết nhưng chưa phải là vấn đề quá bức xúc,
nước sôi lửa bỏng như chống nạn tham nhũng hiện nay mà phải vội vàng.
- Nếu nói HĐND các cấp hoạt động hình thức thì không chỉ là cấp
huyện. Cơ chế làm việc của cơ quan hành chính, tổ chức xã hội của chúng
ta vẫn còn hình thức. Còn HĐND cấp huyện, quận mỗi nơi có khoảng 40- 50
người nhưng chủ yếu là kiêm nhiệm, họ có làm chuyên trách đâu. Họ hưởng
phụ cấp mỗi tháng mấy trăm nghìn thì có đáng là bao nhiêu. Cho nên, theo
tôi, khi người ta đã muốn bỏ nó đi thì người ta tìm cách để lập luận,
tìm những cái hạn chế của nó để bỏ nó đi. Tôi không phủ nhận những cái
hạn chế, những cái còn yếu kém của HĐND cấp huyện, xã. Nhưng mà phải tìm
các nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân sâu xa chính là chúng ta đặt cho nó
như thế, muốn thế thì nó hình thức. |