Thứ Ba, 2025-01-21, 6:14 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 5 » Tai Hại của Độc Đảng
5:12 PM
Tai Hại của Độc Đảng


Biểu tình chống Trung Quốc sản xuất sữa độc tại Sydney, Úc Châu

Tai Hại của Độc Đảng

Vụ sữa sản xuất tại Trung Quốc có pha chất độc melamine khiến 4 em bé bị thiệt mạng, và trên năm chục ngàn em bé khác bị bệnh, đang gây sôi nổi khắp thế giới từ một tháng nay. Theo một bài báo trên tờ New York Times vào ngày 26 tháng 9, vụ này sở dĩ thành trầm trọng, là do chế độ độc đảng cầm quyền tại Trung Quốc.

Bài báo do hai ký giả Jim Yardley và David Barboza viết từ thành phố Thạch Gia Trang (Shijiazhuang), thủ phủ tỉnh Hà Bắc (He Bei), là nơi có tổ hợp Tam Lộc (Sanlu), hãng sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc. Nội dung bài báo nói rằng, mới tháng trước đây, qua Thế vận Olympic Bắc Kinh, Trung Quốc đã chứng tỏ cách thức đảng Cộng sản vận dụng quyền lực của mình trong hệ thống chính trị độc tài. Nhưng qua scandal về vụ sữa pha chất độc lại chứng tỏ sự yếu kém của hệ thống đó.

* * *

Mới đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã xin lỗi về vụ sữa độc, và ông hứa sẽ có biện pháp thay đổi. Nhưng mới năm ngoái, sau vụ đồ ăn gia súc bị nhiễm độc, ông cũng đã xin lỗi và hứa thay đổi thủ tục kiểm soát để bảo đảm cho thực phẩm được an toàn. Hơn một tỉ đô la với ba trăm ngàn thanh tra đã được sử dụng để kiểm soát ngành sản xuất thực phẩm, nhưng vẫn xẩy ra vụ sữa pha melamine.

Câu hỏi được đặt ra, là liệu đảng Cộng sản cầm quyền có đủ khả năng để thiết lập một cơ chế minh bạch và hữu hiệu trong một hệ thống độc đảng không? Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu của đảng trong việc kiểm soát kinh tế và thông tin đã phá hư tính độc lập của mọi hệ thống kiểm soát.

Ngoài ra, ưu tiên của đảng trong việc cố tạo một hình ảnh Thế vận hòa hợp cũng là một yếu tố. Nhiều cha mẹ đã cố báo động về sữa độc, nhưng không được đáp ứng, trong khi báo chí bị kiểm duyệt không được đăng những tin tức nhậy cảm vào thời kỳ trước Thế Vận.

 

Nhà cầm quyền Trung Quốc đã nhìn nhận là nhiều hãng sản xuất sữa, kể cả hãng Tam Lộc, đã được miễn trừ thanh tra. Mà dù có thanh tra cũng vô ích, vì mới tháng Năm vừa qua, cơ quan hữu trách về phẩm chất thực phẩm đã báo cáo là sản phẩm sữa của Trung Quốc được coi thuộc thành phần an toàn nhất, với 99 phần trăm sữa dành cho trẻ em đã đủ tiêu chuẩn qua các cuộc thử nghiệm về an toàn. Bây giờ, 22 hãng sản xuất, kể cả sữa xuất cảng, bị khám phá pha chất độc melamine vào sữa.

Điều khiến dân chúng phẫn nộ hơn cả là tại sao tin tức đã bị bưng bít trong nhiều tháng, sau khi nhiều cha mẹ báo động rằng con cái họ bị bệnh vì ăn sữa bị nhiễm độc? Nhà cầm quyền Bắc Kinh nói họ mới biết nội vụ vào tháng 9, và đổ lỗi cho các công ty tham lam, và chính quyền địa phương. Nhưng nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền biết từ lâu nhưng cố tình dấu kín.

Ông Phúc Kiến Phong (Fu Jianfeng), Chủ bút một tuần báo nổi tiếng, cho hay ông đã biết vụ sữa độc từ hồi tháng Bảy, nhưng không đăng báo được, vì quá gần với Thế Vận.

Từ cuối tháng 6 đã có bà mẹ ở tỉnh Hồ Nam viết thư cho cơ quan Tổng quản trị về kiểm tra chất lượng, báo động nhiều trẻ em phải vào nhà thương vì bị sạn thận sau khi uống sữa bột của hãng Tam Lộc. Bà khẩn khoản yêu cầu mở điều tra, và thu hồi ngay sữa nhiễm độc, nếu không, sẽ có thêm nhiều trẻ em bị bệnh, nhưng chẳng được ai lưu ý.

Giới chức y tế tỉnh Cam Túc (Gansu) cũng báo cho Bộ Y Tế từ tháng 7 là có nhiều trẻ em ăn cùng một loại sữa đã bị sạn thận, nhưng chẳng có ai quan tâm.

Tin Reuters ngày 1 tháng 10 nói rằng chính quyền thành phố Thạch Gia Trang, nơi có công ty Tam Lộc đã giữ kín tin về sữa độc hơn một tháng, trong khi Bắc Kinh tổ chức Thế Vận. Báo Nhân Dân của Trung Quốc còn nói rằng công ty Tam Lộc đã gửi thư yêu cầu chính quyền làm ơn gia tăng kiểm soát và phối hợp truyền thông để tạo môi trường tốt đẹp cho việc thâu hồi sản phẩm của công ty. Nhiều nhà báo trung Quốc cho biết chính quyền đã ngăn cản việc loan tin về vụ sữa độc từ tháng 7, để không làm xấu bộ mặt Trung Quốc trước Thế Vận.

Thói quen của Bắc Kinh đối với các vụ xì căng đan, là khi không thể bưng bít được nữa, thì trừng phạt thật nặng, như sa thải, bỏ tù, kể cả xử tử, để ra vẻ chính quyền lúc nào cũng nghiêm khắc với những kẻ làm bậy.

Nhưng mối tương quan giữa các nhà kiểm soát và xí nghiệp vẫn không thay đổi. Nhiều chủ trại ở tỉnh Hà Bắc được phỏng vấn cho hay việc sữa bị pha trộn hầu như là chuyện ai cũng biết. Người ta pha nước để thêm lời, rồi sau pha thêm các thứ rẻ tiền khác để sữa có thể lọt qua thử nghiệm về protein. Lúc đầu, pha cháo hay bột vào sữa, nhưng những thứ này dễ bị khám phá, nên người ta đổi sang dùng melamine.

Ông Triệu Huệ Bình (Zhao Huibin), một chủ trại ở Thạch Gia Trang cho biết các thanh tra phẩm lượng tại Tam Lộc đã nhận hối lộ của chủ trại và các đại lý sữa để làm ngơ cho việc sữa bị pha trộn với melamine. Ông nói: Trong ngành làm ăn này, hối lộ giữ mọi người im lặng.

Các nhà phân tích cho rằng thiếu độc lập trong hệ thống điều hành khiến cho các biện pháp trừng phạt để trình diễn như sa thải hay xử tử chẳng đi tới đâu, nhất là người đứng đầu xí nghiệp nhiều khi cũng chính là người cầm quyền ở địa phương. Gốc rễ của vấn đề bắt nguồn từ đảng Cộng Sản can dự vào việc ấn định giá cả, điều khiển xí nghiệp và hướng dẫn thông tin.

Hãy dùng tổ hợp Tam Lộc có trụ sở trung ương tại tỉnh Hà Bắc như một thí dụ điển hình: Đảng bộ Cộng sản Hà Bắc chỉ định một nữ đảng viên cao cấp làm chủ tịch công ty Tam Lộc, trong khi quan chức thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ Hà Bắc bị kết tội thay vì báo động công chúng, đã ém nhẹm vụ sữa độc.

Công ty Tam Lộc đã nhận được than phiền về sữa bột trẻ em từ tháng 12 năm ngoái, nhưng vẫn giữ kín và không có biện pháp cụ thể nào. Trong khi ấy, vẫn tiếp tục quảng cáo sản phẩm của mình.

Tam Lộc là một công ty liên doanh với Tân Tây Lan. Vào đầu tháng 8, đại diện Tân Tây Lan đề nghị thu hồi sữa, nhưng bị Hội đồng quản trị gạt đi. Đầu tháng 9, chính quyền Tân Tây Lan can thiệp với Bắc Kinh, nội vụ mới đổ bể. Cũng như vụ thực phẩm gia súc nhiễm độc hồi năm ngoái, nội vụ chỉ đổ bể khi chất độc bị tìm thấy trong sản phẩm Trung Quốc xuất cảng sang Hoa Kỳ.

Nhà cầm quyền Trung Quốc chẳng những không chịu trách nhiệm, còn dùng hệ thống truyền thông quốc doanh đánh lạc hướng dư luận. Ví dụ, Tân Hoa Xã, thay vì phản ảnh sự phẫn nộ của dân chúng, đã nhấn mạnh là nhân dân biết ơn về đáp ứng mạnh mẽ của chính quyền trong việc trừng phạt những kẻ làm bậy.

Đối vối một dân số trên một tỉ người, mạng sống của bốn em bé là một mất mát quá nhỏ. Nhưng sự mất mát lớn hơn nhiều, là lòng tin của hàng tỉ người dân Trung Quốc, và hàng tỉ người khác trên thế giới đối với Trung Quốc.

Dù Trung Quốc có làm được hàng chục thế vận Olympic khác, cũng khó lấy lại được tín nhiệm đã mất trong vụ sữa pha chất độc. 
Category: Chính trị | Views: 961 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 10
Khách: 10
Thành Viên: 0