Nguyễn
Việt Tiến, cựu Thứ Trưởng Bộ GTVT từng bị bắt, bị khởi tố về ba tội
trong nhóm tội về chức vụ và tham nhũng nhưng được “đình chỉ điều tra”
sau 2 năm tạm giam.
|
|
Hà
Nội, (NV) - Dù luật hình sự của CSVN xác định rằng, tham nhũng từ
500,000 đồng (khoảng $30 USD) trở lên là phải xử lý hình sự nhưng không
ít tham quam trong chính quyền CSVN được tha hoặc được hưởng án treo.
Bà
Lê Thị Thu Ba, chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội CSVN, cho biết:
“Theo báo cáo của chính phủ về phòng chống tham nhũng, năm 2008, trong
số 692 người bị xét xử vì tham nhũng, có tới 267 người được tòa án cho
hưởng án treo”. Bà này nhìn nhận: “Nhiều thành viên của ủy ban tư pháp
cho rằng dư luận xã hội không đồng tình với việc tòa án cho những người
đó được hưởng án treo, vì như vậy là chưa thể hiện tính nghiêm minh
trong xử phạt người phạm tội, ảnh hưởng đến đấu tranh phòng chống tội
phạm nói chung, trong đó có tội phạm về tham nhũng nói riêng”.
Tham
nhũng là một trong những tội mà hình phạt rất nặng. Theo điều 278 luật
hình sự của CSVN thì: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt
tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn
đồng đến dưới năm mươi triệu đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy
năm”. Tham nhũng có tổ chức bị phạt tù “từ bảy năm đến mười lăm năm” và
tham nhũng từ 3 tỉ đồng trở lên sẽ bị tử hình. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, số tham quan bị kết án tử hình đếm chưa hết các đầu ngón tay.
Bên
cạnh việc tha không truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc cho nhiều tham
quan hưởng án treo, báo chí Việt Nam thường xuyên đề cập đến “chạy án”,
một hiện tượng phổ biến trong hệ thống tư pháp của Việt Nam. Ðiều đó có
nghĩa là tham nhũng lan rộng trong cả công an, viện kiểm sát, tòa án -
những ngành làm công việc bảo vệ pháp luật. Bà Lê Thị Thu Ba tiết
lộ: trong 85,000 bị cáo được đưa ra xét xử từ đầu năm 2008 đến nay, thì
có tới 27.99% (tức 23,791 bị cáo) được hưởng án treo.
Tình
trạng này không phải chỉ mới phổ biến trong năm nay, Ðảng CSVN từng đưa
ra rất nhiều tuyên bố khẳng định “quyết tâm chống tham nhũng trong hệ
thống chính trị” song hồi đầu tháng 1 năm nay, báo điện tử VietNamNet
cho biết: “Năm 2007 cả nước phát hiện 584 vụ tham nhũng nhưng không có
vụ nào do cơ sở đảng phát hiện. Có trường hợp đáng nói như tiêu cực ở
Tổng Công Ty Vật Tư Nông Nghiệp bị tố cáo lên, tố cáo xuống nhưng đảng
ủy cơ quan vẫn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.”
Năm
2005, Quốc Hội CSVN thông qua “Luật Phòng Chống Tham Nhũng”. Luật này
có hiệu lực từ tháng 6 năm 2006, trong đó có các điều, khoản buộc tất
cả viên chức phải kê khai tài sản. Tuy nhiên, đến nay, yêu cầu này vẫn
chưa hoàn tất.
Hai
năm sau khi luật kể trên có hiệu lực, ngày 31 tháng 8 vừa qua, Nguyễn
Văn Sản, phó tổng thanh tra Chính Phủ CSVN, thông báo với báo chí:
“Hiện nay, mới chỉ có 15 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 5 địa phương
(trên 64 tỉnh, thành phố) hoàn thành việc kê khai tài sản”. Hoàng
Văn Chương, vụ trưởng Vụ Pháp Chế của Kiểm Toán Chính Phủ, than: “Kết
quả kiểm toán hàng năm hé lộ vô số sai phạm tại nhiều doanh nghiệp
(quốc doanh), địa phương, thậm chí cả ở bộ, ngành. Nhưng trường hợp xử
lý, nêu đích danh thì rất ít vì cá nhân người đứng đầu thường thoái
thác trách nhiệm, đổ lỗi cho cả tập thể, mà lỗi của tập thể thì thuộc
về ai?”.
Nhân
vật này tiết lộ thêm: “Chưa kể hậu thanh tra, kiểm tra, điều tra, việc
xử lý vi phạm, tham nhũng ở nước ta còn rất kém, khiến tham nhũng đến
thời điểm này vẫn kéo dài dù văn bản pháp luật về phòng và chống tham
nhũng rất cụ thể và đầy đủ”.
Trong
một nghiên cứu phổ biến hồi tháng trước, tổ chức kiểm toán quốc tế
Ernst & Young nói rằng 96% các xí nghiệp kinh doanh tại Việt Nam
phải hối lộ để “được việc”. Tuy nhiên, ngày 17 tháng 9, Hồ Xuân Sơn,
thứ trưởng ngoại giao CSVN, vẫn chống chế trong hội nghị các nhà tài
trợ cho Việt Nam là: “Việt Nam đặc biệt coi trọng chống thất thoát,
chống tham nhũng...” (T.N) |