Thứ Bảy, 2024-11-23, 4:45 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 11 » Blogger Việt thảo luận về “Luật blog”
6:02 PM
Blogger Việt thảo luận về “Luật blog”
2008-10-10

Cuối tháng Tám vừa qua, chính phủ Việt Nam ban hành một Nghị Định dưới dạng Văn Bản Pháp Luật, trong đó nêu một số hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng Internet tại Việt Nam.

Hình chụp trang báo điện tử VietnamNet

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn: Thông tin điện tử là lĩnh vực mới mẻ, nhạy cảm, không thể buông lỏng quản lý.

Mới đây, Việt Nam lại chính thức cho ra đời “Cục Quản Lý Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử,” đặt dưới quyền quản lý của Bộ Thông Tin – Truyền Thông, và có chức năng xây dựng qui định quản lý thông tin trên Internet, trong đó có “quy định về quản lý blog cá nhân.”

Xiết chặt quản lý blog

Hai quyết định của chính phủ Việt Nam được giới quan sát cho là những động thái nhằm chuẩn bị xiết chặt các hình thức thông tin trên Internet, trong đó nổi bật nhất là hình thức “nhật ký cá nhân,” tức “blog.”

Câu hỏi đặt ra là, những thông tin trên các trang nhật ký cá nhân có nội dung ra sao? Có khuynh hướng như thế nào? Và tại sao, vào thời điểm này, Chính Quyền Việt Nam lại có những động thái mạnh mẽ, đặt trọng tâm vào việc bản lý “blog”?

Trước hết, hãy nghe lời nhận định của một blogger được biết đến rất nhiều trong giới blogger Việt Nam, là nhà báo tự do Nguyễn Hoàng Hải, với bút danh Điếu Cày:

Người dân ngày càng nhận biết blog là nguồn thông tin rất quý, là công cụ phát biểu ý kiến rất tốt. Blog là nơi mọi người có thể tham gia mà không bị sự cản trở của nhà nước. Blog là một sự tự do thông tin, tự do báo chí tốt tại Việt Nam hiện nay.

blogger Điếu Cày

“Gần đây, nhất là những tháng cuối năm 2007, người dân ngày càng nhận biết blog là nguồn thông tin rất quý, là công cụ phát biểu ý kiến rất tốt. Blog là nơi mọi người có thể tham gia mà không bị sự cản trở của nhà nước. Blog là một sự tự do thông tin, tự do báo chí tốt tại Việt Nam hiện nay.”

Blogger Điếu Cày đưa ra nhận định vừa rồi vào thời điểm cuối năm 2007, đầu năm 2008. Gần đây, một nhà báo cũng đưa ra nhận xét, rằng “Internet ngày càng trở thành nơi chia sẻ những thông tin “nhạy cảm”” về nhiều mặt, trong đó có kinh tế, xã hội và cả chính trị:

“Sự xuất hiện của Internet góp phần vô hiệu hoá nỗ lực kiểm soát thông tin của chính quyền Việt Nam. Những thông tin, suy nghĩ xưa nay được xem là “cấm kỵ” “nhạy cảm” thì càng ngày càng được chia xẻ trên Internet.”

Mới mẻ, nhạy cảm, cần kiểm soát

Những động thái kiểm soát Internet nói chung và blog nói riêng, theo giới quan sát, là điều chỉ còn phụ thuộc vào thời gian. Câu hỏi về chính sách của chính quyền đối với “thế giới ảo” không phải là “như thế nào,” mà là “bao giờ.”

QuanLyBlog-305a.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn: Thông tin điện tử là lĩnh vực mới mẻ, nhạy cảm, không thể buông lỏng quản lý.
Ông Thứ Trưởng Bộ Thông Tin – Truyền Thông, chủ quản của cơ quan kiểm soát blog trong nay mai, nói rõ với báo chí trong nước, rằng thông tin điện tử là lĩnh vực “mới mẻ, nhạy cảm, không thể buông lỏng quản lý.”

Thật ra, câu hỏi và các cuộc tranh luận của giới blogger Việt Nam về việc chính phủ kiểm soát blog không phải mới phát sinh gần đây. Trong khi một số người sử dụng blog e ngại về việc kiểm soát thông tin “nhạy cảm,” về mặt chính trị chẳng hạn, thì một số blogger khác cũng đặt vấn đề “blog bẩn.”

Chẳng hạn, trong bài viết “Quản Lý Blog: Nên hay Không?,” đăng hồi cuối năm ngoái trên ICTNews và VNMedia, tác giả đã cho đăng tải một số ý kiến liên quan đến đề tài này.

Một blogger tên là Minh Nguyễn, từ Sài Gòn, tin rằng chính sự tẩy chay của “cư dân mạng” có thể đóng vai trò thay thế cho việc quản lý blog. Anh viết:

“Việt Nam đang có rất nhiều người lập blog, nhưng cũng có rất nhiều blog mốc meo. Theo tôi biết, hiện nay có một số người đã chán blog. Vì thế, những người nào tiếp tục đồng hành với blog sẽ là người thực sự đam mê giao tiếp, chia sẻ, viết lách hoặc công việc liên quan tới viết lách và có thời gian rảnh rỗi.

Những chuyện như tuyên truyền chống phá chế độ, văn hóa phẩm đồi trụy... trên blog thì đã có chế tài khác quản lý. Hơn nữa, những cái xấu trên cộng đồng mạng thì sẽ bị cư dân mạng phát hiện và tẩy chay ngay. Vì thế, cá nhân tôi thấy chưa cần thiết quản lý blog.”

Cũng trong diễn đàn ấy, một blogger khác, là sinh viên du học tại Úc, thì tin rằng, “quản lý tốt” bao giờ cũng đưa đến kết quả tốt hơn là “phát triển tự phát.” Ý kiến của blogger này có đoạn:

“Nếu được quản lý tốt, bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống cũng sẽ tốt hơn là để phát triển tự phát. Blog cũng vậy. Nhà nước nên xây dựng văn bản luật để quản lý blog như quản lý một phương tiện truyền thông. Nhưng để việc quản lý hiệu quả hơn thì các cơ quan, tổ chức và các nhà cung cấp dịch vụ phải có nguyên tắc quản lý thông tin…”

Nhưng, một lần nữa, câu hỏi lại được đặt ra: “Chính Quyền thực sự muốn kiểm soát những thông tin nào?”

Quản lý như thế nào?

Trong Nghị Định được ban hành hồi cuối tháng Tám, Điều Số 6 có ghi rõ một số hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng Internet, trong đó có hành vi “Chống lại nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”

Vietnam-Police-Internet-200.jpg
Công an Việt Nam theo dõi thông tin trong một quán cho thuê internet ở Hà Nội. AFP PHOTO
Trong khi đó, ông Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, khi nói với VietNamNet, về định nghĩa của loại hình “nhật ký cá nhân,” thì cho rằng blog có nội dung chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội thì “không thể gọi là blog.” Hiểu một cách khác, blog “chỉ nói những vấn đề hoàn toàn mang tính cá nhân.”

Vậy thì, câu hỏi lại một lần nữa được đặt ra: “Thế nào là thông tin hoàn toàn mang tính cá nhân?”

Một blogger tại Việt Nam, là bà Tạ Phong Tần, phân tích về lời phát biểu của quan chức Bộ Thông Tin – Truyền Thông:

“Nói như thế là sai! Blog là do một người viết, và những điều người ấy viết có thể là cảm xúc cá nhân, những điều tai nghe mắt thấy, hoặc bình luận về các vấn đề xã hội. Đó không phải là bản tin. Mặc dầu một blog có thể đề cập đến vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng không thể gọi là bản tin, đó chỉ là cách suy nghĩ, nhìn nhận của duy nhất một cá nhân.”

Quản lý blog như chính phủ đang bàn tới là quản lý cái gì? Quản lý nội dung chi tiết của blog theo kiểu anh viết cái gì cũng phải đưa tôi duyệt trước, có đúng ý tôi thì mới được đưa lên mạng chăng? Nếu thế thì… ngột ngạt quá…

Bùi Nguyễn Quý Anh

Trong một bài viết đăng hồi đầu tháng Mười vừa rồi trên website “phiatruoc.net,” tác giả Bùi Nguyễn Quý Anh đặt ra vấn đề thực tế, rằng cho dầu trật tự và qui định là điều cần thiết, nhưng quản lý blog thì thật sự là “quản lý cái gì?”

“…Vẫn biết vạn vật đều cần phải có một trật tự và quy định chi phối nhất định mới có thể phát triển lành mạnh được, bằng không tất cả chỉ là sự hỗn mang, vô chính phủ để rồi sẽ đi tới tàn lụi một ngày không xa. Nhưng quản lý blog như chính phủ đang bàn tới là quản lý cái gì? Quản lý nội dung chi tiết của blog theo kiểu anh viết cái gì cũng phải đưa tôi duyệt trước, có đúng ý tôi thì mới được đưa lên mạng chăng? Nếu thế thì… ngột ngạt quá…”

Tác giả này nêu ra một số khó khăn về mặt kỹ thuật, một khi chính sách quản lý blog ra đời, chẳng hạn “lấy đâu ra sức người và tiền của cho khâu “biên tập blog.””

Anh kết luận, là liệu có cần ra thêm quy định quản lý blog, một khi “đã có những quy định về xử phạt hành vi xúc phạm nhân phẩm của người khác cũng như về việc truyền bá những sản phẩm văn hóa không lành mạnh, kêu gọi chống đối chính phủ v.v.”

Giới blogger bàn thảo

Trên một blog khá nổi tiếng tại Việt Nam hiện nay, có tên gọi là “Thông Tấn Xã Vàng Anh,” độc giả có thể thấy lời mời gọi giới blogger tham gia vào một chương trình có tên là “Diễn Đàn Blogger.”

Diễn đàn mở rộng cửa cho mọi blogger, tham gia bằng mọi hình thức và các cuộc thảo luận do chính giới blogger đưa ra. Chẳng hạn, người chủ trương “Thông Tấn Xã Vàng Anh” đưa ra gợi ý, một gợi ý rất thời sự:

Đó là thảo luận về chính lời phát biểu của thứ trưởng Bộ Thông Tin – Truyền Thông; hay là thảo luận về việc Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý thông tin trên Internet, vân vân…

Bạn nghĩ gì về chuyện quản lý blog ở Việt Nam? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn. email: vietweb@rfa.org

Một luật sư, cũng là một blogger, nói rằng anh hy vọng là các quy định đối với blog sắp được ban hành sẽ có những định nghĩa cụ thể, thay vì lối phác hoạ chung chung như Nghị Định được Thủ Tướng Chính Phủ ban hành gần đây liên quan đến việc quản lý Internet tại Việt Nam.

Nghị Định ấy có nội dung cấm sử dụng Internet để “Chống lại nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo…”

Theo nhận định của giới quan sát, hiện tại Việt Nam có khá nhiều qui định “chung chung, cố tình không làm rõ khái niệm để dễ vận dụng.” Nghị Định mới cũng nằm trong ý nghĩa đó, và đóng vai trò của một “tiền đề để xem xét trách nhiệm.”


Vừa rồi là những thông tin, nhận định được ghi nhận từ một số blog và diễn đàn trên Internet liên quan đến quyết định của Chính Quyền Việt Nam, thành lập “Cục Quản Lý Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử,” xây dựng qui định quản lý thông tin trên Internet. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các chương trình sau. Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org.


Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1061 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0