Xung đột giữa nhà nước Việt Nam và tôn giáo qua các cuộc
tranh chấp với Công Giáo gần đây
“…Đảng Cộng Sản Việt Nam đang cần
một thay đổi lớn, thay đổi cả một văn hóa quyền lực. Đây là một thay đổi rất khó
khăn vì ngoài một nhận thức mới họ còn phải giải quyết những sai lầm, kể cả
những tội ác, đã tích lũy từ nhiều thập niên…”
Diễn tiến vụ Toà Khâm
Sứ và giáo xứ Thái Hà có thể tóm lược trong vài nét chính: tịch thu nhà đất một
cách tùy tiện không văn bản, hứa trả lại đất, nhưng rồi không trả và đề nghị các
mảnh đất khác, sau đó khẩn cấp công viên hoá các khu đất giáo phận đang đòi lại,
bắt giam những người được coi là có uy tín trong khối giáo dân, gửi côn đồ tới
khiêu khích và đánh đập giáo dân tham gia cầu nguyện.
Diễn tiến này
không khỏi gây ra nhiều thắc mắc. Tại sao không trao trả những khu đất yêu cầu
mà lại chỉ định các khu đất khác? Có phải vì những khu đất đòi hỏi đã được
chuyển nhượng nên không thể trao trả? Tại sao không lập công viên tại các khu
đất đã đề nghị cho giáo phận Hà Nội? Có phải vì lời tuyên bố của tổng giám mục
Ngô Quang Kiệt là khối Công Giáo chỉ đòi lại những nơi đã không được sử dụng vào
công ích nên nhà nước đã vội vàng công viên hoá khu đất để vô hiệu hoá việc đòi
lại đất? Tại sao lại vu khống và lăng nhục tổng giám mục Kiệt bằng các phương
tiện truyền thông nhà nước? Tại sao lại sử dụng bọn xã hội đen?
Nhưng
muốn hiểu những gì xảy ra cần ý thức trước hết một điều, đó là đề tài “Phân tích
sự xung đột giữa nhà nước Việt Nam và tôn giáo, điển hình qua các cuộc tranh
chấp với Công Giáo gần đây” tự nó đã chứa đựng một sai lầm. Không làm gì có xung
đột và cũng không làm gì có tranh chấp. Bởi vì chỉ có thể nói tới xung đột và
tranh chấp khi các đối tác trong cuộc tranh giành với nhau một quyền lợi mà cả
hai đều có một lý do nào đó để cho là của mình. Đằng này chỉ là một sự bắt chẹt
một chiều của một nhà nước cậy có bạo lực đối với một thành phần ôn hoà của xã
hội dân sự. Công Giáo bị cướp đoạt đất một cách tùy tiện không qua một văn bản
nào cả. Họ đòi hoặc phải trả lại họ hoặc phải có văn bản tịch thu hẳn hoi. Như
vậy không thể gọi là một tranh chấp được. Vả lại các tôn giáo Việt Nam đều không
có tham vọng chính trị nên không muốn và cũng không thể tranh chấp với chính
quyền cộng sản. Đặc biệt là trong trường hợp Công Giáo thì hàng giáo phẩm Công
Giáo Việt Nam từ trước đến nay luôn luôn có khuynh hướng nhẫn nhục với chính
quyền, theo như lời Chúa phán: "của César hãy trả cho César, của Đức Chúa Trời
hãy trả cho Đức Chúa Trời", ngay cả khi César lấn sang quyền của Thiên Chúa.
Thái độ nhẫn nhục quá đáng này nhiều khi đã khiến người ta phải phiền lòng. Bởi
vậy quan hệ giữa Công Giáo, và các tôn giáo Việt Nam nói chung, với chính quyền
cộng sản chỉ là một quan hệ đàn áp đơn phương.
Nhưng tại sao lại có quan
hệ đàn áp đơn phương như vậy?
Tính toàn trị và quan liêu của nhà nước
công sản
Nhà nước Việt Nam hiện nay chỉ là công cụ của Đảng Cộng Sản
Việt Nam. Và ĐCSVN thì lại quan niệm rằng một khi mình đã cướp được chính quyền
("cướp chính quyền" là tiếng mà chính người cộng sản đã dùng để nói về Cách Mạng
Tháng 8) thì tất cả đất nước là của họ. Đảng đã quy định quyền này bằng điều 4
của hiến pháp để biến Đảng thành một ông vua kiểu mới. Đảng là luật, chỉ một
mình Đảng có quyền trên đất nước còn mọi người khác, mọi tôn giáo, phải thần
phục, không có quyền đòi hỏi mà chỉ được phép xin, để Đảng tùy tiện cho hay
không cho. Chính vì vậy nhà nước Việt Nam, công cụ của Đảng, đã tỏ ra hống hách
quan liêu, không bao giờ chấp nhận là mình đã sai, không bao giờ muốn biết tới
quyền của những người ngoài Đảng. Những ai có ý định đòi hỏi, không chấp nhận
cách hành xử "xin-cho" thì phải bị đàn áp và trừng phạt. Trái với một nhận định
hơi vội vàng, chủ nghĩa Mác-Lênin chưa hề cáo chung tại Việt Nam, mô hình kinh
tế của nó đã phá sản và không thể tiếp tục được nữa, nhưng văn hóa toàn trị của
nó vẫn còn đó.
Sợ hãi xã hội dân sự
Như mọi chính quyền
toàn trị, chính quyền cộng sản Việt Nam rất sợ xã hội dân sự. Vì vậy họ chủ
trương bóp nghẹt xã hội dân sự. Các tôn giáo là những thành phần của xã hội dân
sự. Các tôn giáo lại có số người đông đảo, có truyền thống lâu dài, có lòng tin
và sự gắn bó cao. Đó là những thành phần xã hội dân sự bền vững nhất nên cũng
phải bị khống chế chặt chẽ nhất. Xã hội dân sự là điểm trên đó lập trường của
đảng cộng sản và của đối lập dân chủ đối chọi với nhau một cách rõ rệt nhất. Một
bên, đảng cộng sản, coi xã hôi dân sự như một mối nguy cẩn phải triệt tiêu; một
bên, đối lập dân chủ, coi đó là yếu tố nền tảng của đất nước cần được phát huy
tối đa.
Trong dự án chính trị Thành Công Thế Kỉ 21, Tập Hợp Dân Chủ Đa
Nguyên đã phát biểu một quan điểm trái ngược hẳn với quan điểm của chủ nghĩa
cộng sản:
“Xã hội dân sự là toàn thể các giáo hội, hiệp hội, câu lạc bộ,
các tổ chức thiện nguyện, các nghiệp đoàn, hợp tác xã, công ty, xí nghiệp. Nói
chung, đó là tất cả các kết hợp của người dân, được thành lập để cùng theo đuổi
một số mục đích chung và không nhắm tranh giành quyền lực chính trị.
Ý
niệm xã hội dân sự đã được xuất hiện cùng một lúc với các xã hội văn minh. Đó là
những sợi dây chằng chịt gắn bó những con người với nhau và gắn bó con người với
xã hội. Những sợi dây liên lạc đan xen đó tạo ra sự bền chắc của quốc gia. Các
kết hợp công dân tạo thành xã hội dân sự cũng là những cái nôi cho ý kiến, sáng
kiến và tiến bộ. Một xã hội dân sự mạnh bảo đảm các ý kiến mới được nảy sinh
nhanh chóng, các mâu thuẫn được phát hiện và giải quyết kịp thời, xã hội không
ngừng tiến hóa trong hòa bình và trật tự.
Trong mô hình xã hội của chúng
ta, xã hội dân sự còn được giao phó một vai trò quan trọng là thực hiện liên đới
xã hội, giúp đỡ và bênh vực những người yếu kém và thiếu may mắn.
Mọi
kết hợp đều tạo ra sức mạnh. Sức mạnh của xã hội dân sự là sức mạnh tổng hợp,
nhưng không bao giờ thống nhất, của các kết hợp công dân có khi cùng hướng với
nhau, có khi biệt lập với nhau và cũng có khi đối chọi với nhau. Sức mạnh của xã
hội dân sự từng lúc và từng cơ hội hòa nhập với nhà nước hay đối lập với nhà
nước, nhưng lúc nào cũng ảnh hưởng trên nhà nước và không bao giờ có tham vọng
tranh quyền với nhà nước bởi vì nó không có và không thể có tham vọng chính trị.
Xã hội dân sự đảm bảo sự năng động của xã hội và đồng thời cũng bảo đảm
tự do, dân chủ, nhân quyền, ngăn chặn mọi ý đồ độc tài chuyên chính. Mọi chế độ
độc tài bạo ngược đều nhắm trước hết tiêu diệt xã hội dân sự. Bản chất của các
chế độ độc tài là dựa trên một thiểu số để khống chế một xã hội phân hóa. Các
bạo quyền không cần dân chúng tin yêu mình mà chỉ cần người dân đừng gắn bó với
nhau để không có sức đề kháng. Không gì thỏa mãn các tập đoàn độc tài hơn là sự
thờ ơ và bất lực của quần chúng.
Triết lý của một chế độ dân chủ, trái
lại, coi xã hội dân sự là thành tố áp đảo và nền tảng của quốc gia vì thế vai
trò của nhà nước là làm cho các kết hợp công dân ngày càng đông đảo, không ngừng
tiến lên và mạnh lên để đóng góp tích cực cho sự phồn vinh của xã hội. Nhà nước
dân chủ đa nguyên tự coi mình là công cụ của xã hội dân sự với sứ mệnh bảo đảm
hoạt động lành mạnh của xã hội dân sự, để xã hội dân sự tạo hạnh phúc cho các
công dân. Đó không phải là một sự từ nhiệm mà là một triết lý chính trị mới của
một chính quyền đủ tự tin để đặt lòng tin vào các công dân. Trong quan hệ biện
chứng với xã hội dân sự, nhà nước dân chủ đa nguyên tự coi mình là người trọng
tài, phối hợp và thể hiện những nguyện vọng của xã hội dân sự. Nhà nước phục vụ
chứ không khống chế xã hội dân sự”
Văn hoá tôn giáo của đảng cộng sản
Việt nam
Việt Nam là một trong những nước may mắn không thực sự có
vấn đề tôn giáo. Số người có tôn giáo chỉ là một tỉ lệ nhỏ và họ cũng không hề
quá khích. Công giáo 8%, tín đồ Phật Giáo thực sự, nghĩa là những Phật tử hành
đạo một cách tương đối đều đặn vào khoảng 10%, Cao Đài và Hoà Hảo chỉ còn rất ít
tín đồ thực sự. Một cuộc thăm dò gần đây của đại học Irvine, Hoa Kỳ, cho thấy
gần 90% thanh niên Việt Nam tuyên bố họ không theo và cũng không muốn có một tôn
giáo nào; gần 100% không muốn tôn giáo can thiệp vào hoạt động chính trị. Bất cứ
một chính quyền nào, trừ chính quyền cộng sản, cũng không có lý do nào để phải
lo ngại các tôn giáo. Vấn đề tôn giáo chỉ đặt ra vì, ngoài tâm lý toàn trị, văn
hoá cộng sản về bản chất cũng không khác một văn hóa tôn giáo, nghĩa là cũng đòi
người dân tin Đảng thay vì lý luận, cũng đòi được tôn sùng thay vì phê phán.
Chúng ta có thể thấy văn hoá tôn giáo của đảng cộng sản qua những ứng xử như
việc thần thánh hoá các lãnh tụ (Hồ Chí Minh đã được đưa vào chùa và còn được
cho ngồi ở nơi trang trọng hơn Đức Phật), việc đảng không bao giờ sai lầm, việc
chủ trương xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, việc hô hào học tập đạo đức
Hồ Chí Minh…. Chính văn hoá tôn giáo này đã khiến đảng cộng sản nhìn các tôn
giáo như là các đối thủ.
Âm mưu chia rẽ Công Giáo với phần còn lại của
dân tộc
Âm mưu lộ liễu của chính quyền CSVN là chia rẽ Công Giáo với
phần còn lại của dân tộc. Họ muốn là dân chúng nhìn vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ
như là một tranh chấp giữa một bên là chính quyền CS muốn xây công viên và thư
viện, nghĩa là những tiện ích công cộng phục vụ toàn dân, và một bên khác là
Công Giáo chỉ muốn giành các khu đất cho mình. Vì vậy nhà nước đã sử dụng các cơ
quan truyền thông để xuyên tạc vu khống, để khích động dân chúng và cố tạo ra
hiềm khích giữa dân chúng và người Công giáo. Chiến dịch đả kích và bôi nhọ tổng
giám mục Kiệt -bằng cách cắt xén và xuyên tạc những gì ông nói và bịa đặt cho
ông những ý đồ mà ông không hề có- nằm trong mục tiêu cô lập người Công Giáo để
dễ đàn áp. Chúng ta cần phải cảnh giác với âm mưu này và lên án mạnh mẽ một
chính quyền đang cố tình chia rẽ dân tộc. Chia để trị luôn luôn là chủ trương
của những chính quyền toàn trị. Đó cũng là lý do khiến đảng cộng sản rất dị ứng
với chủ trương Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không
ngừng cổ võ. Chính vì “Hòa giải và hòa hợp dân tộc là điều kiện cần cho thắng
lợi của cuộc vận động dân chủ hiện nay và cũng là điều kiện cần cho thành công
của cố gắng phục hưng đất nước ngày mai” (TCTK21) nên chúng ta cần phải cảnh
giác với mọi âm mưu phá hoại chất liệu nhân xã của dân tộc ta.
Vấn đề
cụ thể: cướp đoạt nhà đất để chia chác
Ngoài những nhận định về
triết lý chính trị chúng ta không thể bỏ qua một mâu thuẫn cụ thể giữa chính
quyền CS và các tôn giáo, đó là vấn đề nhà đất. Đảng CS đã cướp đoạt quá nhiều
nhà đất của dân chúng, trong đó có các tôn giáo. Khối dân oan hiện nay lên tới
gần một triệu người. Vấn đề nhà đất không phải là vấn đề riêng của Công Giáo,
hay của một tôn giáo nào, hay của các tôn giáo, mà là vấn đề chung của cả dân
tộc. Cả một dân tộc bị cướp bóc! Chính vì vậy mà các biến cố Thái Hà và Tòa Khâm
Sứ nguy hiểm cho chế độ vì sự phản kháng của Công Giáo có thể lây lan sang nhiều
thành phần dân tộc khác. Trong lịch sử cận đại của thế giới chưa có trường hợp
một đảng cầm quyền nào cướp đoạt nhà đất của dân chúng trên một qui mô lớn như
tại nước ta. Nhà đất là một trái bom nổ chậm. Điều đó càng khiến nhà nước cộng
sản sợ và phản ứng thô bạo.
Một hy vọng
Những phân tích
trên đây một lần nữa tái xác nhận là trong tình trạng hiện nay tại Việt Nam điều
được nhìn như các xung đột giữa chính quyền với các thành phần dân tộc thực sự
mới chỉ là những đàn áp đơn phương của một chính quyền đồng hóa cai trị với
thống trị. Sự kiện người Công Giáo không nao núng, vẫn giữ được quyết tâm mà
không bị trượt tuột vào thái độ căm thù là một yếu tố rất quan trọng và là một
hy vọng. Nó có thể tạo ra thay đổi tâm lý cả trong xã hội Việt Nam lẫn trong
đảng cộng sản. Về phía xã hội Việt Nam nó tạo ra ý thức rằng dù quyền lợi chính
đáng đến đâu cũng phải đấu tranh có tổ chức nếu muốn giành thắng lợi. Cuộc đấu
tranh của người Công Giáo Hà Nội đã có hiệu lực vì họ có tổ chức. Về phía đảng
cộng sản từ chỗ không thể đàn áp người ta có thể dần dần bỏ tâm lý đàn áp và
chấp nhận đối thoại như là phương thức văn minh hơn và hiệu quả hơn để giải
quyết những bất đồng. Chúng ta không mong đợi gì hơn.
Đảng Cộng Sản Việt
Nam đang cần một thay đổi lớn, thay đổi cả một văn hóa quyền lực. Đây là một
thay đổi rất khó khăn vì ngoài một nhận thức mới họ còn phải giải quyết những
sai lầm, kể cả những tội ác, đã tích lũy từ nhiều thập niên trong quá trình
giành chính quyền, giữ chính quyền và lạm dụng chính quyền. Những người cầm
quyền hiện nay không phải là nguyên nhân của phần lớn những vấn đề nghiêm trọng
của đất nước, họ chủ yếu là những người đã kế thừa một di sản nặng nề. Chắc chắn
rất nhiều người yêu nước sẵn sàng thông cảm những khó khăn của họ và sẵn sàng
đánh giá những bước đi đúng hướng. Với điều kiện là chính họ cũng phải sẵn sàng
chấp nhận một đoạn tuyệt quyết định với tâm lý và những tập quán
cũ.
Nguồn: Thôngluận.org