Phạm Đình Trọng
“…
Nguyên nhân ô nhiễm môi trường sông Thị Vải đã rõ. Cuộc chiến môi
trường với Vedan đã kết thúc nhưng cuộc chiến đạo đức chưa kết thúc!…”
Không
còn chiến tranh bom đạn, chết chóc, trong cuộc sống hòa bình tưởng như
êm ả nhưng lại có những cuộc chiến âm thầm song cũng vô cùng khốc liệt,
cũng nhiều mất mát đau lòng không kém sự chết chóc trong chiến tranh và
những cuộc chiến ấy diễn ra trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Cuộc
chiến tham nhũng. Cuộc chiến băng nhóm tội phạm. Cuộc chiến xâm lăng
văn hóa. Cuộc chiến gian lận thương mại. Cuộc chiến ô nhiễm môi
trường... Cuộc chiến nào cũng nhiều mất mát thương tổn và thương tổn
lớn nhất, đau lòng nhất là thương tổn về đạo đức con người và đạo đức
xã hội. Vì thế cũng có thể gọi những cuộc chiến đó là cuộc chiến đạo
đức!
Cuộc chiến môi trường Vedan nổ ra ngay từ cuối năm
đầu tiên Vedan đi vào hoạt động khi tháng 10. 1994 người dân chài lưới
trên sông Thị Vải ở huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai và
huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đồng loạt thất thanh lên tiếng về
cuộc sống khốn khổ của họ vì cá lớn, cá nhỏ, tôm, cua chết nổi lềnh
phềng trên sông Thị Vải, cá sống không còn để đánh bắt! Sản lượng tôm
cá thất thu tới 90%! Tháng 12 năm đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sở
Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đồng Nai điều tra, xử lí việc sản
xuất gây ô nhiễm nước sông Thị Vải của công ty Vedan. Nếu chỉ là cuộc
chiến môi trường, dù đơn vị gây ô nhiễm tinh vi đến đâu, giỏi che giấu
đến đâu cũng không thể kéo dài tới mười bốn năm, sông Thị Vải cũng
không thể bị ô nhiễm đến mức tàu nước ngoài không chịu qua sông để vào
cảng vì nước sông ô nhiễm làm rỉ vỏ tàu! Khởi sự từ cuộc chiến giữa
người dân sống trong vùng bị ô nhiễm, giữa cơ quan quản lí nhà nước về
môi trường với đơn vị gây ô nhiễm nhanh chóng chuyển sang cuộc chiến
trong nội bộ các cơ quan nhà nước, từ cuộc chiến môi trường chuyển sang
cuộc chiến đạo đức. Vì thế cuộc chiến ấy mới cam go, dai dẳng và mất
mát lớn đến thế!
Dòng sông nhiều tôm cá, nguồn sống vô tận tự bao đời của người dân hai
bên bờ sông Thị Vải nay đã trở thành con sông cạn kiệt sự sống! Tiếng
than của người dân càng ngày càng khẩn thiết. Năm 1995, các cơ quan
chức năng: Sở khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Trung
tâm Nước và Công nghệ Môi trường thuộc trường Đại học Bách khoa TPHCM,
Viện Nghiên cứu Môi trường Thủy sản, bộ Thủy sản, phân viện Sinh thái
và Tài nguyên Sinh vật liên tục đến Vedan kiểm tra, lấy mẫu nước xét
nghiệm. Các báo chí có tiếng nói rộng rãi ở TPHCM: Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Người Lao Động .
. . đều lên tiếng về tình trạng nước thải của Vedan gây ô nhiễm trầm
trọng sông Thị Vải: Chất thải từ nhà máy có màu đen lan truyền đi khắp
cả sông Thị Vải từ thượng nguồn ở Long Thành, Đồng Nai xuống hạ nguồn ở
Cần Giờ, TPHCM . . . từ ngày nhà máy bột ngọt Vedan hoạt động đổ chất
thải ra sông cũng là lúc tôm cá chết hàng loạt (báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 21.12.1995)!
Đối phó với cơ quan quản lí nhà nước về môi trường, Vedan có biện pháp
xây dựng hệ thống ngầm đổ nước thải và có đối sách ngọt ngào với quan
chức môi trường. Đối phó với dư luận, Vedan đến cơ quan đại diện phía
nam ở TPHCM của một tờ báo trung ương, đón “nhà báo” ở đây đến Vedan
đãi đằng, hiếu hỉ! Thế là trước khi các báo cấp địa phương ở TPHCM lên
án Vedan gây ô nhiễm môi trường thì đã có tờ báo cấp trung ương in ảnh,
đăng bài hết lời ca ngơi Vedan với môi trường: Đứng trên cảng Phước
Thái lộng gió, tôi nhìn xuống dòng sông Thị Vải, nước trong vắt, từng
đàn cá bơi bơi, phía ngoài xa, những chiếc thuyền câu đang quăng lưới
(thuyền câu mà lại quăng lưới! Vì tưởng tượng nên lòi đuôi dối trá!).
Lạ thay, cả khu công nghiệp quy mô này không hề ngửi thấy một mùi lạ,
nếu không nói là chỉ có mùi thơm của gió từ đại ngàn thổi tới... một
công nhân của công ty bắt được con trăn gấm rất to trong lúc anh ta rẫy
cỏ. Ông Chủ tịch hội đồng quản trị đã ra lệnh cho anh thả con trăn về
rừng. (Thời Báo Tài Chính Việt Nam
số 50 (120) ngày 14.12.1995) Ôi chao, trơ trẽn và trắng trợn đến thế là
cùng! Loại “nhà báo” này vốn không viết bằng năng lực và bản lĩnh nghề
nghiệp, đã quen viết theo mệnh lệnh hành chính thì chuyển sang viết
theo mệnh lệnh đồng tiền lại càng lẹ! Cuộc chiến diễn ra ngay trong đội
ngũ báo chí của chúng ta đó!
Còn cơ quan quản lí môi
trường thì sao? Chỉ xin nêu những sự việc gần đây. Từ tháng 5 đến tháng
11 năm 2004 Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai liên tục lấy 26 mẫu nước
thải của Vedan phân tích, lần nào cũng cho kết quả mức độ ô nhiễm vượt
tiêu chuẩn qui định theo TCVN 59450 – 1995 và yêu cầu Vedan có biện
pháp xử lí để giảm mức độ ô nhiễm. Vedan chưa hề có biện pháp xử lí gì
và sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai cũng chưa hề kiểm tra lại nhưng
chỉ tháng sau, tháng 12 năm 2004, giám đốc sở Tài nguyên Môi trường
Đồng Nai Lê Văn Hưng đã có ngay văn bản gửi hội đồng thi đua khen
thưởng tỉnh đề nghị khen thưởng Vedan: Với chức năng quản lí nhà nước
về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên Môi
trường đã kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về lĩnh vực bảo vệ
môi trường đối với công ty Vedan Việt Nam... Từ một công ty mới đầu tư
có gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nước trong khu vực sông Thị Vải
những năm 1994 – 1999, nay đã cố gắng khắc phục, xử lí cơ bản nước thải
sản xuất, các mẫu nước thải qua kiểm tra gần đây đạt tiêu chuẩn môi
trường loại B, tiêu chuẩn Việt Nam!
Trong cuộc kiểm tra mẫu nước thải Vedan ngày 30.7.2007 của Chi cục Bảo
vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai cho thấy các
thông số ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn quy định, Chi cục trưởng Hoàng Văn
Thông liền đe Vedan: Với kết quả này Chi cục dự định thông qua hội đồng
thẩm định đưa Vedan vào “danh sách đen” các doanh nghiệp gây ô nhiễm
môi trường! Vốn đã quá quen giải mã những lời răn đe ấy, Vedan hiểu
phải làm gì nên chỉ vài tháng sau, ngày 21. 12. 2007 trong cuộc làm
việc với Vedan trước khi đề nghị Cục quản lí Tài nguyên nước xem xét
cấp phép cho Vedan xả nước thải vào nguồn nước, Chi cục trưởng Thông hể
hả nói: Công ty đã nghiêm túc thực hiện đúng việc khắc phục và cải tạo
hệ thống hồ xử lí sinh học, mở rộng gia cố bờ bao tạo sự liên thông
giữa các hồ trước khi thải vào sông Thị Vải!
Cũng như cấp dưới, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai cũng dễ
dàng và nhanh chóng đi từ răn đe đến đồng tình với Vedan! Trong báo cáo
của Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai về tình trạng nước thải ô nhiễm
của Vedan do phó giám đốc Phan Văn Hết kí ngày 6. 8. 2007 cũng đe: Nước
xả thải của Vedan có các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép! Báo
cáo này ra đời khi Vedan đã có cả quá trình 14 năm hủy diệt môi trường
nước sông Thị Vải, khi người dân sống bên sông Thị Vải đã 14 năm khốn
khổ vì dòng sông nuôi sống họ đã trở thành dòng sông chết! Nhưng chỉ
bốn tháng sau kí báo cáo ô nhiễm vượt tiêu chuẩn của Vedan, ngày 26.
12. 2007 phó giám đốc Phan Văn Hết lại đứng về phía Vedan, kí công văn
đề nghị Cục Quản lí Tài nguyên nước xem xét cấp phép cho Vedan xả nước
thải vào sông Thị Vải. Và Vedan đã có tờ giấy phép nhiệm màu đó!
Có phải năng lực của cán bộ quản lí môi trường quá kém và thủ đoạn gian
dối của Vedan quá siêu nên Vedan đã lừa được cơ quan quản lí môi trường
hơn 14 năm qua như giải thích của ông phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh
Đồng Nai với các nhà báo ngày 18. 9. 2008? Lực lượng cảnh sát môi
trường vừa thành lập và bản doanh lại ở xa gần hai ngàn cây số nhưng
chỉ cần ba tháng bám đối tượng họ đã tóm được thủ phạm giết sông Thị
Vải! Những người quản lí môi trường sống của người dân Đồng Nai ở sát
công ty Vedan, ở sát sự khốn cùng của người dân sống bên sông Thị Vải
nhưng đã để Vedan lừa suốt hơn 14 năm thì đó là sự bằng lòng, vui vẻ để
được Vedan lừa! Nguyên nhân ô nhiễm môi trường sông Thị Vải đã rõ. Cuộc
chiến môi trường với Vedan đã kết thúc nhưng cuộc chiến đạo đức chưa
kết thúc!
Phạm Đình Trọng
|