October 20, 2008.
Trên thế giới này có quốc gia nào làm quản lý dễ
bằng Việt Nam không, khi mà để giải quyết các vấn đề bức bách trong xã hội thì
chỉ cần đề xuất Nhà nước đè cổ dân ra mà thu tiền? Điển hình nhất là “ông quản
lý” điện và “ông quản lý” đô thị.
Người dân thì bắt buộc phải móc hầu bao vì họ
không thể ở lì trong nhà không ra đường, ngay cả ở lì trong nhà cũng không trốn
thoát được các “ông quản lý” truy sát vì không thể sống thiếu điện như thời tiền
sử mông muội.
Có thể kể sơ sơ từ đầu năm 2008 đến25/7/2008 “ông
điện” chỉ đạo cho các công ty điện lực toàn quốc cắt điện “lên tới hơn 3.000
lần” (Các con số trên chưa bao gồm các công ty điện lực Hà Nội, Ninh Bình và
Khánh Hòa do Cục Điều tiết điện lực chưa kiểm tra). Hỏi tại sao “ông điện” không
tăng nguồn sản xuất thì “ông” nói “lỗ”, Nhà nước không cho phép “ông”
tăng giá điện thì “ông” bèn “làm
mình làm mẫy” trả Nhà nước 13 dự án tạo nguồn điện vì thiếu vốn. Trong khi đó,
“đùng một cái” trong năm này lãi lên tới 2.763 tỉ đồng và “ông” lại
xin 1.002 tỷ đồng để thưởng, điều
lạ là Bộ Tài chính cũng đồng ý cho
trích quỹ thưởng. phúc lợi 668 tỷ đồng”.
Chả biết cái “vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh”
để điều tiết nền kinh tế của “ông điện” đã bị “ông” làm rớt mất ở chổ nào? Và
như vậy thì "ông" xứng đáng được thưởng sao?
Hay để giải quyết nạn kẹt xe triền miên thì giải
pháp “chống kẹt” mà “ông quản lý” đưa ra quanh đi quẩn lại liên tục nhiều năm,
năm nào cũng là đè cổ người tham gia giao thông thu tiền; trong khi kẹt xe đến
từ nhiều nguyên nhân khác “lưu cữu” nhiều năm mà không thấy “ông giải quyết. Ví
dụ:
nước ngập và lô cốt gây kẹt xe trầm trọng, xe buýt là
“nỗi ám ảnh” của người không có xe
máy, ý thức người tham gia giao thông kém (nên
chổ nào có CSGT thì không kẹt xe), do
buông lỏng quản lý đô thị, v.v…
Đáng lẽ phải “giải quyết tận gốc” các nguyên nhân
theo thời gian đã bị “thâm kim”, “lên meo”, “mọc nấm”… ở trên, hay phải nghĩ đến
chuyện tăng cường và đầu tư thích đáng cho lực lượng CSGT (để họ yên tâm làm
nhiệm vụ mà không nghĩ đến chuyện “mãi
lộ”) thì “ông quản lý” chỉ biết
thu phí,
thu phí và
thu phí.
Những người dân vốn dĩ đã bị thiệt thòi về thể
chất, đáng lẽ phải được ưu ái giúp đỡ hòa đồng với xã hội thì “ông quản lý” bèn
cấm người thấp bé nhẹ cân lái mô tô, ô tô: một hình thức kỳ thị, phân
biệt đối xử và trái với Điều 5, Điều 52 Hiến pháp.
Quản lý xã hội bằng cách đi xe hơi đời
mới, ngồi phòng máy lạnh để nghĩ ra đủ loại kiểu cách “bóp cổ” dân thu tiền như
các “ông quản lý” này thì dễ ợt, “tay ngang” như mấy bác xích lô, mấy chị bán vé
số, hàng rong vĩa hè… cũng làm được.
Không biết trong đầu các “ông quản lý”
này thì ngoài chữ “tiền”, chữ “bóp cổ” còn chứa được thứ gì khác nữa?
Tạ Phong Tần
|