|
Vi hành nhiều nên có
vị đã thấy phố chật, người đông, mấy xe máy “chia” nhau một mét đường,
Chi bằng giảm tai nạn giao thông và số xe lưu hành, tránh tình trạng
chia đường để khỏi chia giường bệnh viện bằng giải pháp có một không
hai? Ảnh: VNN | Y tế tiên phong "ra đòn" phòng bệnh
Mấy hôm
nay chị em trong văn phòng bàn tán chuyện ngực nhỏ, to. Họ chia thành
“phân khối” như xe máy. Em X. trời không phú cho vòng một đầy đặn nên
thuộc loại 50cc, được khuyên sang Thái làm phẫu thuật thẩm mỹ. Chị Y.
với bộ ngực đồ sộ được tiêu chuẩn đi Harley Davidson 500cc. Cứ thế
email đi, lại, chị em thay nhau cười rúc rích. Đám con trai ra nhìn
trộm rồi thì thào “em Z. đáng dùng Spacy 150cc”.
Họ bình
phẩm vui vì hay tin Bộ Y tế thảo ra quy định, cấm những người dưới 1m45
hay nặng ít hơn 40kg đi xe phân khối trên 50cc. Nếu vòng ngực dưới 72cm
không được cấp bằng lái xe. Thời lạm phát và bão giá xem tin này quả là
thú vị.
Nhiệm vụ
của Bộ Y tế là quản lý, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tuyên truyền và
giáo dục dân chúng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Thỉnh thoảng lại có dịch
bệnh “chạy” qua nước ta mà phản ứng của các cơ quan chức năng thường
phải khá lâu sau đó. Dân ta dường như cũng khá quen với kiểu quản lý
“nước đến chân mới nhảy”, nên cũng không vì thế mà e ngại.
Vụ tiêu
chảy gây hoang mang không ít. Sau vài lần đi thăm nhà hàng đậu phụ hay
thịt chó, mắm tôm được kết luận là tội đồ gây tiêu chảy cấp. Sau
"sự cố mắm tôm", các vị bị chê là quan liêu nên đã rút kinh nghiệm sâu
sắc. Đến vụ melamine, lãnh đạo bộ trực tiếp đi kiểm tra sữa tại các cửa
hàng, có chụp ảnh trên báo để thuyết phục nhân dân là ngành y tế rất
sâu sát quần chúng.
Vi hành
nhiều nên có vị đã thấy phố chật, người đông, mấy xe máy “chia” nhau
một mét đường. Vào bệnh viện thấy vài cụ già đang rên hừ hừ trên một
cái giường giữa mùa hè nóng nực. Hỏi ra, bệnh viện quá tải, bệnh nhân
“chia giường”. Có vị đã hứa “tình trạng một giường cho hai, ba người bệnh sẽ được khắc phục trong vòng từ hai đến ba năm tới”. Họ hiểu hơn ai hết về tình trạng quá tải của bệnh viện hiện nay.
Trong khi
đó, tai nạn xe máy đang gây thảm họa cho nước nhà, làm cho số người cần
giường bệnh viện càng tăng mạnh. Hàng năm, 30-40 ngàn người chết vì tai
nạn xe máy, thuộc loại cao nhất thế giới. Muốn giảm nạn tắc đường hay
tai nạn giao thông có nhiều cách: hạn chế sản xuất xe máy, tăng cường
mạng lưới giao thông công cộng, đội mũ bảo hiểm, tuyên truyền cho nhân
dân cách ứng xử có văn hóa và đúng luật khi đi xe.
Lần này,
ngành y tế rất “tiên phong - proactive”, ra đòn “phòng bệnh” trước,
đầy bất ngờ và cũng không ngoài mục đích bệnh nhân không phải “chia
giường"; họ nghĩ ra một cách “có một không hai” trên thế giới nhằm giảm
tai nạn giao thông và số xe lưu hành: mấy hôm
trước, ngành y tế thảo qui định cấm người lùn đi xe máy phân khối lớn
và hôm nay nói rằng “ngực lép” bị gió thổi bay nếu phi xe máy trên
đường quốc lộ.
Tiến sỹ
Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, giải thích
rằng khi ra quyết định, đã tính hết rồi. Ông cho rằng: "Đối tượng đó không nhiều, họ cũng phải chấp nhận thiệt thòi vì chuyện an toàn giao thông”. Tầm cỡ Cục đương nhiên chính sách phải được nghiên cứu một cách khoa học!
|
Nguồn: Pháp luật Tp.HCM | Người lùn hay quyết định "lùn"?
Ai cũng
đồng ý, người đang ốm yếu không nên tham gia giao thông vì nguy hiểm
cho bản thân và cho người khác. Họ cần có người đèo hoặc hộ tống. Bên y
tế khám sức khỏe và qui định ai đủ tiêu chuẩn lái xe là rất đúng. Tuy
nhiên, người lùn chưa chắc đã ốm yếu mà có thể hoàn toàn khỏe mạnh về
cả thể chất lẫn tinh thần.
“Ngực
lép” vẫn phóng xe ngon, thậm chí nhanh hơn và ít tốn xăng hơn các các
bác béo phệ. Đôi khi, vài người bị hạn chế “cân đong đo đếm này” khỏe
hơn những vị ngồi phòng máy lạnh ra quyết định trên.
Xin trích lời Tiến sĩ Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM – Báo Pháp luật):
“Để đánh giá một người có khả năng lao động, làm việc hoặc điều khiển
xe ôtô phân khối lớn hay không, cần giám định y khoa để xem tình trạng
hô hấp. Chu vi lồng ngực không thể đánh giá được người đó có suy hô hấp
hay ảnh hưởng đến tim, mạch”.
Tôi cũng
nghĩ chiều cao, cân nặng hay lồng ngực không nói lên độ an toàn trong
điều khiển xe. Dầu vậy, xin nhường cho các bác sỹ, các chuyên gia y tế,
quản lý giao thông và bạn đọc bàn luận về cái được cái mất của dự thảo
này.
Tôi muốn
bàn một khía cạnh khác: Đất nước đi lên, nước ta bắt đầu quan tâm đến
những số phận không may mắn khi họ sinh ra hay những thương bệnh binh
sau chiến tranh. Việt Nam đã tổ chức thi thể thao cho người khuyết tật
hay mở câu lạc bộ xe lăn.
Qua mấy
phố trung tâm Hà Nội, nhiều chỗ ngã tư đèn đỏ đã có những lối sang
đường được thiết kế cho xe lăn di chuyển dễ dàng. Số người khuyết tật ở
thủ đô chắc là không nhiều, tuy vậy, khi cải tiến giao thông, thành phố
đã bỏ ra một số tiền khá lớn để giúp những người kém may mắn hòa nhập
với cuộc sống. Nhìn miếng thép lát cho xe lăn qua đường cũng đủ thấy
tính nhân văn cao cả của một xã hội văn minh, tôn trọng con người.
Bên các
nước phát triển, đường xá, chỗ đỗ xe, lối vào văn phòng hay metro phải
có lối đi riêng cho người đi xe lăn. Đỗ xe nhầm vào chỗ dành riêng cho
người khuyết tật sẽ bị phạt tới 500 USD.
Chính
khách nào phát biểu kiểu như dự thảo trên có thể phải từ chức vì đã
phân biệt đối xử, vi phạm quyền làm người. Người bị ảnh hưởng có thể
kiện ra tòa án liên bang vì tội mạ lỵ.
Luật
pháp, qui định hay văn hóa của mỗi nước có thể khác. Nhưng giá trị
chung của nhân loại về quyền được sống và làm người thì “cao - lùn, to
- bé, nở - lép” phải được tôn trọng như nhau.
Đôi người không khỏi day dứt khi nghe một "công bộc của dân" thản nhiên nói “đối tượng đó không nhiều và họ phải chấp nhận thiệt thòi”. Phải chăng, vài trăm, vài ngàn thậm chí vài chục ngàn người không may mắn kia không được sống bình thường trong xã hội này ư?
Ngành y
tế có những mối lo lắng chung cho đất nước, nếu đặt mình trong địa vị
đó mới thấu hiểu. Nỗi lo dịch hoành hành, “bệnh nhân chia giường” và
bây giờ cả chuyện “xe máy chia đường”. Ai cũng biết, ít xe máy thì ít
tai nạn. Các bộ các ngành nghĩ trước một bước như thế rất tốt cho nhân
dân.
Tuy
nhiên, dự thảo mới đây người thấp, nhẹ cân không được lái xe phân khối
lớn hay ngực lép không được cấp bằng lái xe có thể gây hiểu lầm trong
dư luận. Không hiểu những chính khách "sa lông máy lạnh" đã sâu sát dân
như hình ảnh vị lãnh đạo xem hộp sữa đoán lượng melamine trong siêu
thị. Ngành y tế với y đức cao vời vời có thể bị “lùn” đi vì quy định
“thấp bé nhẹ cân” này.
Thử tưởng
tượng, qui định trên được thực thi, một hôm nào đó, đám con trai nhìn
thấy một cô bé đi xe 50 phân khối, lại tò mò đoán cân nặng và…vòng một
của nàng với một con mắt khác thường. Liệu cô gái kia có chỗ nào chui.
Và chúng ta có nên để điều đó xảy ra trong thế kỷ 21 này?
|